Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Ngõ cụt của ông Putin

Phân tích

22/12/2023 10:47

Putin muốn phi quân sự hóa Ukraina, nghĩa là các vùng lãnh thổ của Ukraina chịu sự kiểm soát an ninh và quân sự của Nga.

Ông cũng muốn "tiêu diệt chủ nghĩa quốc xã", nghĩa là Ukraina sẽ nằm dưới sự kiểm soát chính trị của Nga. Nói cách khác, Nga sẽ kiểm soát Ukraina để nước này không còn tồn tại như một quốc gia-dân tộc độc lập.

Hết lần này đến lần khác, Putin tuyên bố rằng không có lời biện minh lịch sử nào cho Ukraina vì nước này bao gồm các vùng lãnh thổ mà Đế quốc Nga nắm giữ từ lâu. Tuy nhiên, ngày nay người ta cũng có thể nói điều tương tự về các quốc gia trên khắp châu Âu. Nhiều nước trước đây đã rơi vào ách thống trị của các đế chế Ottoman, Áo-Hung, Wilhelmine hoặc Nga. 

Và trên toàn cầu, đại đa số trong số 193 quốc gia tạo nên Liên hợp quốc (LHQ) chỉ trở nên độc lập sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong giai đoạn lịch sử mà ông Putin nói đến, nhiều quốc gia ngày nay thậm chí không tồn tại trong trí tưởng tượng của mọi người.

Vấn đề đối với Putin là thời đại của các đế chế đã qua lâu rồi. Ông kiên quyết từ chối chấp nhận rằng chúng ta đang sống trong thời đại của các quốc gia-dân tộc, với trật tự quốc tế được tổ chức dựa trên nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ của Hiến chương LHQ, cấm mọi hành vi vẽ lại biên giới quốc gia bằng vũ lực. 

Thay vào đó, ông mơ tưởng đến việc tái lập Đế quốc Nga bằng cách "nuốt chửng" Ukraina và Belarus (và có lẽ là còn nhiều nước láng giềng khác nữa).

Ngõ cụt của ông Putin
- Ảnh 1.

Khi Putin phát động cuộc chiến, rõ ràng ông đã mong đợi Ukraina sẽ nhanh chóng đầu hàng, Tổng thống Volodymyr Zelensky sẽ bị loại bỏ và một "chính phủ bù nhìn" của Nga sẽ được thành lập trong vòng vài tuần. Tuy nhiên, kế hoạch đó đã thất bại một cách ngoạn mục. 

Người dân Ukraina - đặc biệt là lực lượng vũ trang của nước này - đã kiên quyết từ chối cúi đầu trước vị Sa hoàng tương lai. Thay vào đó, người Ukraina đoàn kết kháng cự quyết liệt, bảo toàn quyền kiểm soát thủ đô và sau đó dần lấy lại khoảng một nửa lãnh thổ mà lực lượng Nga đã chiếm đóng ban đầu. 

Dựa vào tên lửa và máy bay không người lái (drone), Ukraina đã vô hiệu hóa Hạm đội Biển Đen của Nga và hệ thống phòng không của Ukraina đã thành công trong việc tạo ra một vùng cấm bay. 

Mặc dù sự hỗ trợ tài chính và cung cấp quân sự của phương Tây chắc chắn rất quan trọng đối với khả năng phòng thủ của Ukraina, song điều quan trọng nhất là tinh thần và quyết tâm cao độ của người dân Ukraina nhằm bảo vệ đất nước.

Với việc Nga sẽ tổ chức cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 3/2024, ông Putin cần đưa ra một lập luận đáng tin cậy rằng chiến thắng trong cuộc chiến của ông không phải là một giấc mơ viển vông. 

Ông đã đặt nền kinh tế Nga vào tình thế chiến tranh, huy động 400.000 quân, khởi động bộ máy tuyên truyền của Điện Kremlin và đưa việc đàn áp những người bất đồng chính kiến lên tầm cao mới thời hậu Xô Viết.

Tuy nhiên, không điều nào trong số đó sẽ giúp Putin chiến thắng trong cuộc chiến. Đội quân bị tàn phá nặng nề của ông dường như không có khả năng thực hiện bất kỳ bước tiến có ý nghĩa nào trước các tuyến phòng thủ của Ukraina

Hy vọng duy nhất của ông là quyết tâm kháng cự của người dân Ukraina sẽ lung lay, và "sự mệt mỏi vì chiến tranh" sẽ tiếp tục gia tăng ở châu Âu và Mỹ. Một khi sự hỗ trợ về tài chính và quân sự của phương Tây cạn kiệt, tinh thần chiến đấu của Ukraina sẽ "bốc hơi" và lực lượng của ông sẽ có thể tiến lên, bỏ tù, trục xuất hoặc đơn giản là xử tử bất kỳ ai vẫn chống cự.

Tuy nhiên, nếu Putin nghĩ rằng kịch bản này sẽ mang lại hòa bình thì ông đã nhầm. Đội quân của Putin đã gây ra hàng loạt tội ác trong cuộc chiến đầu tiên và họ sẽ làm như vậy một lần nữa. Thế nhưng, những nỗi kinh hoàng này sẽ khơi dậy ý chí chính trị ở phần còn lại của châu Âu, cũng như làn sóng hàng triệu người tị nạn Ukraina ở phía Tây. 

Mặc dù khó có thể dự đoán được phản ứng của các chính phủ châu Âu, nhưng chắc chắn chúng sẽ không nhằm mục đích đảm bảo hòa bình với Nga. Nhiều khả năng sẽ xảy ra một cuộc xung đột thậm chí còn rộng hơn và kéo dài hơn, trong đó kết quả cuối cùng sẽ được quyết định bởi sức mạnh kinh tế và công nghiệp của châu Âu, bất kể thái độ của Mỹ có thay đổi hay không.

Ngõ cụt của ông Putin
- Ảnh 2.

Nói tóm lại, Putin không có cách nào giành chiến thắng trong cuộc chiến mà ông đã khơi mào. Hòa bình sẽ chỉ đến khi Putin bị đánh bại – chỉ khi người Ukraina (với sự giúp đỡ của phương Tây) thành công trong việc tự vệ và khi người Nga thấy rằng cuộc chiến điên rồ của Putin đã gây nguy hiểm cho tương lai của chính họ.

Không thể đoán trước được khi nào điều đó sẽ xảy ra. Hiện tại, Putin có vẻ hài lòng vì ông chưa bị đánh bại về mặt quân sự. Ông Putin đang cố gắng thể hiện sự tự tin vào nỗ lực chiến tranh của mình, mặc dù nó không thể đạt được bất kỳ mục tiêu nào mà ông đã nêu. Tuy nhiên, màn trình diễn này chỉ có thể kéo dài bấy lâu. Sớm hay muộn, thực tế nghiệt ngã về những gì ông đã làm với Nga sẽ không thể che giấu được.

Một ngày nào đó, khi Nga cuối cùng từ bỏ ảo tưởng đế quốc mới của Putin, nước này sẽ bắt đầu tập trung vào tương lai của chính mình với tư cách là một quốc gia-dân tộc độc lập giữa các quốc gia-dân tộc độc lập, bao gồm cả Ukraina và Belarus. Chỉ khi đó mới có thể nói về hòa bình.

Bài viết của tác giả Carl Bildt, cựu Thủ tướng và Ngoại trưởng Thụy Điển, đăng trên trang mạng "The Strategist" ngày 20/12.

(Nguồn: TTXVN)

PV
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement