21/08/2022 14:07
Mối tương quan giữa xăng dầu và lạm phát tại Mỹ
Giá xăng dầu giảm liên tục trong gần hai tháng qua đã làm giảm đáng kể áp lực lạm phát ở Mỹ, khiến người dân Mỹ đã có thể thở phào nhẹ nhõm. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho biết sự tồn tại của nhiều yếu tố rủi ro đồng nghĩa với việc giá xăng dầu có nguy cơ sẽ tăng trở lại.
Giá một gallon xăng thông thường đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là 5,01 USD vào giữa tháng 6, góp phần rất lớn gây ra tỷ lệ lạm phát cao nhất trong bốn thập niên ở Mỹ trong quý II/2022. Tuy nhiên, kể từ đó, trong 58 ngày liên tiếp giá xăng đã liên tục giảm từ Bờ Đông sang Bờ Tây và hiện giờ giá trung bình trên toàn nước Mỹ cho một gallon xăng thông thường đã giảm xuống còn 3,99 USD.
Nhu cầu nhiên liệu giảm
Theo GS-TS Khương Hữu Lộc, đang giảng dạy chương trình Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh tại trường Keller Graduate School of Management, giá xăng dầu giảm nhiều như vậy chủ yếu là do nhu cầu giảm, khi giá xăng dầu quá cao người tiêu dùng bắt đầu tiêu thụ xăng ít đi, họ bớt đi lại hơn, khiến cho nhu cầu giảm.
Bên cạnh đó, nền kinh tế Trung Quốc, vốn tiêu thụ rất nhiều xăng dầu, đang gặp trì trệ do những biện pháp phong tỏa để chống dịch COVID-19, dẫn đến lo ngại về nhu cầu giảm, khiến thị trường dầu thô thế giới đi xuống.
Giá dầu thô đã giảm từ 123 USD/thùng xuống còn 93 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô thường đóng góp 50% giá xăng. Hơn nữa, tận dụng giá xăng cao, các nhà máy lọc dầu ở Mỹ đang chạy hết công suất để kiếm lời. Động thái góp phần giảm thiếu hụt nguồn cung.
Ngoài ra, các biện pháp của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong đó ồ ạt bơm dầu từ Kho dự trữ chiến lược ra thị trường, với một triệu thùng mỗi ngày liên tục trong vòng sáu tháng, đã phát huy tác dụng. Tổng thống Biden cũng kêu gọi Quốc hội dỡ bỏ thuế liên bang đối với xăng dầu, hiện ở mức 18 xu/gallon cũng như kêu gọi các bang dỡ bỏ thuế xăng dầu của họ.
Mặc dù Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) hứa hẹn gia tăng sản lượng sau chuyến thăm của ông Biden đến Saudi Arabia nhưng mức tăng không đáng kể. Dù vậy, hứa hẹn của OPEC cũng có tác động tâm lý đối với giá xăng dầu nói chung.
Dự báo về triển vọng giá xăng dầu trong thời gian tới, ông Lộc cho rằng các yếu tố rủi ro như chiến tranh Ukraine và gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ khiến giá xăng dầu tăng trở lại. Trong giai đoạn trước mắt, khi vẫn đang là mùa Hè và người dân Mỹ thấy giá xăng dầu đi xuống, họ có thể đi lại nhiều hơn, khiến nhu cầu phục hồi.
Mặt khác, mùa mưa bão có thể ảnh hưởng đến năng suất lọc dầu ở Mỹ do các nhà máy lọc dầu chủ yếu nằm ở các bang thuộc vùng Vịnh Mexico, nơi thường hứng chịu các trận bão lớn.
Đến mùa Đông, khi nhu cầu tiêu thụ năng lượng của châu Âu tăng cao và lệnh cấm dầu Nga bắt đầu có hiệu lực, giá xăng dầu sẽ đối mặt áp lực tăng giá trở lại.
Lạm phát lắng dịu
Về tình hình lạm phát, vốn là nỗi lo của chính quyền Tổng thống Biden trước kỳ bầu cử giữa kỳ vào tháng 11, ông Lộc nhận định giá xăng dầu giảm đã tác động rất nhiều đến lạm phát, giúp lạm phát trong tháng 7 giảm xuống 8,5% so với 9,1% trong tháng 6.
Trong khoảng một năm qua, quan điểm rằng lạm phát đang tăng phi mã ngoài tầm kiểm soát đã khắc sâu trong tâm trí người Mỹ. Trong 12 tháng tính đến tháng 7/2022, giá xăng dầu đã tăng 44%, chi phí nhiên liệu đầu vào tăng 75,6% và giá hàng hóa tăng 13,1%. Tuy nhiên, các hộ gia đình đang bị áp lực cuối cùng cũng thở phào nhẹ nhõm được một chút.
Trong tháng 7, giá cả nói chung không tăng so với tháng trước cho dù là chưa điều chỉnh hay đã điều chỉnh theo mùa thì chỉ số CPI đều đi ngang, do giá năng lượng giảm bù đắp việc tiền thuê nhà và chi phí thực phẩm tăng. Nói cách khác, lạm phát tạm ngưng trong một tháng. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 5/2020, chỉ số CPI không tăng và đó là kết quả mà ít nhà kinh tế dự đoán được.
Báo cáo của Bộ Lao động cho thấy Chỉ số giá sản xuất, tức giá đầu vào mà các doanh nghiệp phải trả, đã giảm 0,5% trong tháng Bảy, mức giảm lớn nhất trong hơn hai năm. Một số lĩnh vực trước đây chứng kiến giá tăng mạnh, chẳng hạn du lịch, đã dịu bớt. Giá vé máy bay giảm 7,8%, giá thuê xe hơi và xe tải giảm 9,5% và giá phòng khách sạn giảm 3,2%.
Giá của nhiều mặt hàng như máy tính và thiết bị thể thao cũng giảm nhẹ. Điều này cho thấy một số vấn đề về gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã đẩy giá lên cao trong vài năm qua, cuối cùng đã được khắc phục.
Theo ông Khương Hữu Lộc, lạm phát tại Mỹ đã đến đỉnh và trong thời gian tới sẽ đi xuống. Điều này sẽ giúp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không cần tiếp tục tăng lãi suất nữa. Đây là lý do thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng bốn tuần liên tiếp.
Tờ New Yorker dẫn phân tích của ngân hàng đầu tư Jefferies đánh giá chỉ riêng giá xăng giảm kể từ cuối tháng 7 có thể giúp chỉ số CPI tháng Tám giảm 0,6%. Nhà kinh tế Gregory Daco, tại EY-Parthenon cho rằng vào cuối năm nay, tỷ lệ lạm phát chung có thể loanh quanh ở mức 7%.
Kịch bản suy thoái kinh tế?
Về nguy cơ suy thoái, ông Lộc cho rằng về mặt kỹ thuật, kinh tế Mỹ đã suy thoái vì đã trải qua hai quý liên tiếp tăng trưởng âm. Tuy nhiên, theo lý giải của ông, điều này không có ý nghĩa nhiều khi "cỗ xe" của nền kinh tế đang chạy nhanh, chính sách tăng lãi suất Fed đã phanh lại, song một khi Fed không tăng lãi suất nhiều nữa cỗ xe kinh tế sẽ tiếp tục chạy lại.
Ông Lộc cho rằng trong quý III/2022, kinh tế Mỹ có thể vẫn sẽ tăng trưởng âm hoặc đi ngang, nhưng sang quý IV/2022 người dân sẽ tiêu xài trở lại cho mùa lễ hội, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trên tờ New Yorker, nhà báo John Cassidy dẫn nguồn từ các nhà kinh tế và các lãnh đạo doan nghiệp dự đoán kinh tế Mỹ đang không ở trong vòng xoáy giá-lương, tức giá tăng dẫn đến lương tăng, và lương tăng khiến giá cả tăng tiếp, như đã từng xảy ra vào những năm 1970.
Ông Cassidy viết: "Lạm phát ở mức 4% hoặc 5% sẽ có những hậu quả rất khác so với 9 hay 10%. Lịch sử cho thấy khi giá tăng mạnh trong thời gian dài, mọi người sẽ điều chỉnh hành vi, bao gồm yêu cầu tiền lương cho phù hợp".
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp