Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Lộ trình phục hồi 'bất thường' của kinh tế Mỹ?

Kinh tế thế giới

09/08/2022 16:51

Nếu Hoa Kỳ đang đi vào một cuộc suy thoái, nó đang đi theo một lộ trình bất thường, với nhiều dấu hiệu cho thấy sự bùng nổ.
news

Với những yếu tố tích cực như việc làm dồi dào đi kèm với nhu cầu tiêu dùng cao, nhiều nhà phân tích đã phủ nhận khả năng Mỹ đang tiến gần tới bờ vực suy thoái, bất chấp số liệu Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm trong hai quý liên tiếp. 

Để hiểu hơn về lộ trình "bất thường" với những tín hiệu trái chiều trong nền kinh tế hiện nay, có thể nhìn vào câu chuyện của thành phố Williston thuộc bang North Dakota. 

Bùng nổ hay suy thoái?

Năm 2010 là lúc ngành công nghiệp dầu mỏ đang bùng nổ ở bang này, với các giàn khoan hoạt động hết công suất, hàng trăm giếng bơm dầu thô, dầu phải vận chuyển bằng tàu hỏa vì không đủ thời gian xây dựng đường ống.

Bất cứ ai cũng có thể tìm được việc làm ở Williston, thậm chí nhiều thanh thiếu niên bỏ học trung học để làm việc tại các mỏ dầu. Tiền lương tăng vọt, các nhà hàng thức ăn nhanh địa phương tuyển mộ nhân viên bằng thù lao hậu hĩnh và ngân sách của chính quyền địa phương "bội thu" tiền thuế. 

Tuy nhiên, tình trạng "bùng nổ kinh tế" này không bền vững. Các nhà hàng không thể thuê đủ người trong khi nhà ở thiếu hụt và trở nên đắt đỏ. Cơ sở hạ tầng địa phương không chịu được sự gia tăng đột ngột của nhu cầu và giá cả mọi thứ đều tăng vọt.

David Flynn, nhà kinh tế tại Đại học North Dakota, cho biết: "Lúc đó rất hỗn loạn. Nền kinh tế đang hoạt động tốt, doanh thu tăng trên diện rộng, nhưng lao động vẫn thiếu và các doanh nghiệp gặp khó khăn". Theo ông Flynn, nước Mỹ hiện nay cũng giống như North Dakota thời điểm đó.

Lộ trình phục hồi 'bất thường' của kinh tế Mỹ? - Ảnh 1.

Vào năm 2010, nhà ở khan hiếm ở Williston đến nỗi những người lao động đổ xô đến khu vực này để tìm việc làm trong thời kỳ bùng nổ dầu mỏ đã phải sống trong những khu cắm trại ở rìa thị trấn. Ảnh: The New York Times

Các nhà kinh tế và chính trị gia đã dành nhiều tuần để tranh cãi liệu Mỹ đã suy thoái hay chưa. Nếu thực sự nền kinh tế hàng đầu thế giới rơi vào "vũng lầy" suy thoái, cuộc suy thoái lần này cũng không giống bất kỳ cuộc suy thoái nào trước đây. Trong tháng 7/2022, nền kinh tế đã có thêm hơn 500.000 việc làm mới và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong nửa thế kỷ.

Thông thường, trong các cuộc suy thoái, doanh nghiệp không muốn thuê thêm lao động và người tiêu dùng không muốn chi tiêu. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, các công ty cần tìm nhân viên nhưng lại không có đủ người để lấp đầy các vị trí tuyển dụng. Người tiêu dùng muốn chi tiêu, nhưng lại không có ô tô để mua hoặc không có chuyến bay để đặt. 

Tóm lại, các cuộc suy thoái trong quá khứ là do cung quá nhiều và cầu quá ít, nhưng tình hình kinh tế Mỹ hiện nay thì lại ngược lại, đó là thừa cầu và thiếu cung - tương tự như tình huống mà North Dakota đối mặt vào năm 2010.

Cần lưu ý rằng nguyên nhân cơ bản trong câu chuyện ở North Dakota năm 2010 khác với tình hình của nước Mỹ hiện nay. Williston bị ảnh hưởng bởi nhu cầu tăng vọt khi các công ty và công nhân tràn đến nơi từng chỉ là một thành phố nhỏ. Nước Mỹ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 làm thay đổi nhu cầu tiêu dùng và gây gián đoạn chuỗi cung ứng trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, dù là cấp độ địa phương hay quốc gia, hậu quả rõ ràng nhất đều giống nhau, đó là lạm phát. Khi cầu vượt cung, giá cả mọi thứ sẽ tăng. Ông Flynn, người trải qua những ngày lạm phát tăng vọt ở Williston năm 2010, nhớ lại cảm giác khi phát hiện một chiếc bánh mỳ kẹp thịt có giá 20 USD.

Một hệ quả khác là sự bất an. Không ai biết giai đoạn "bùng nổ kinh tế" sẽ kéo dài bao lâu, hoặc sẽ thay đổi như thế nào một khi "quả bóng xẹp xuống". Điều đó khiến người lao động, doanh nghiệp và chính quyền rất khó thích ứng. Ở Williston thời điểm đó, các công ty và chính quyền thành phố không muốn đầu tư xây dựng thêm chung cư, trường học và các nhà máy xử lý nước thải - vốn đang rất cần thiết vào lúc đó - vì họ lo ngại những cơ sở hạ tầng này sẽ trở nên dư thừa khi chúng hoàn thành.

Ông Flynn mô tả tình huống lúc đó giống như mỗi ngày có một cú sốc mới mà bạn không thể thích ứng kịp. "Đó là sự điều chỉnh liên tục. Hoàn toàn không thể đoán trước", ông nói.

Một gia đình tại khu cắm trại ở Williston vào năm 2010. Cơ sở hạ tầng địa phương không thể chịu được sự gia tăng đột ngột của nhu cầu. Ảnh: The New York Times

"Hạ nhiệt" nền kinh tế có phải là giải pháp?

Hơn 2 năm rưỡi qua, các doanh nghiệp Mỹ đã luôn ở trong trạng thái "điều chỉnh liên tục" này. Đầu năm 2020, gần như chỉ sau một đêm, người Mỹ nhận ra họ phải chọn bánh mỳ nướng tại nhà thay cho các bữa ăn ở nhà hàng, hay đạp xe nơi vắng vẻ thay vì đến phòng tập thể dục. 

Những thay đổi đó gây ra gián đoạn lớn, một phần do các doanh nghiệp không muốn đầu tư dài hạn để giải quyết nhu cầu tăng đột biến trong ngắn hạn.

Adam Ozimek, nhà kinh tế trưởng của Nhóm Đổi mới Kinh tế, một tổ chức nghiên cứu ở Washington, nhận xét rằng lý do này gây ra vấn đề cho giá cả và thiếu hụt nguồn cung. Các công ty sẽ không bao giờ xây 10 nhà máy sản xuất xe đạp ngay lập tức kể cả nếu nhu cầu xe đạp bùng nổ trong dài hạn. Một số xu hướng nổi lên nhờ đại dịch có thể trở nên bền vững hậu đại dịch nhưng rất khó để các doanh nghiệp dự đoán được chúng.

Mặc dù không đồng tình là nước Mỹ đang suy thoái, nhiều chuyên gia phân tích cũng không cho rằng kinh tế Mỹ đang bùng nổ. Các số liệu phản ánh niềm tin tiêu dùng đang ở mức thấp kỷ lục và rất nhiều người Mỹ nói rằng họ không hài lòng với nền kinh tế. 

Nhận thức đó là có cơ sở, lạm phát cao đang làm xói mòn những lợi ích mà một thị trường việc làm "khỏe mạnh" đang tạo ra cho người lao động. Thu nhập mỗi giờ, sau khi điều chỉnh theo lạm phát, đang giảm với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ.

Theo bà Tara Sinclair, nhà kinh tế học tại Đại học George Washington, bùng nổ kinh tế là một vòng tròn trong đó sự thịnh vượng thúc đẩy đầu tư, và đầu tư mang lại sự thịnh vượng và làm cho nền kinh tế có năng suất cao hơn trong dài hạn. 

Đó là "thủy triều" dâng lên và nâng đỡ tất cả các con thuyền. Tuy nhiên, thực tế là sự gián đoạn chuỗi cung ứng dai dẳng, tình trạng thiếu chắc chắn của nền kinh tế hậu COVID-19 và lo ngại suy thoái đã khiến các doanh nghiệp lưỡng lự về các quyết định đầu tư cho tương lai. 

Đầu tư của doanh nghiệp đã giảm trong quý II/2022. Các công ty cũng đẩy mạnh tuyển dụng, nhưng họ chào mời ứng viên bằng tiền thưởng một lần chứ không phải cam kết tăng lương lâu dài. Bà Sinclair nhấn mạnh "đó không phải là sự bùng nổ kinh tế đúng nghĩa", mà là một giai đoạn mà mọi người đang chờ đợi xem khi nào nó kết thúc.

Lộ trình phục hồi 'bất thường' của kinh tế Mỹ? - Ảnh 5.

Tình hình kinh tế hiện tại không giống như một sự bùng nổ đối với nhiều người, với các thước đo niềm tin của người tiêu dùng ở mức thấp kỷ lục. Ảnh: The New York Times

Trên thực tế, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng đang cố gắng chấm dứt sự "bùng nổ" này. Chủ tịch Fed Jerome Powell mô tả thị trường lao động hiện nay, với số việc làm trống nhiều gấp đôi số người thất nghiệp, là "nóng không bền vững" và cố gắng hạ nhiệt bằng cách "mạnh tay" tăng lãi suất. Các quan chức Fed lập luận rằng một nền kinh tế tăng trưởng "bình thường hơn", với lạm phát thấp hơn, sẽ tốt cho người lao động trong dài hạn.

Ông Powell phát biểu: "Tất cả chúng ta đều muốn quay trở lại thị trường lao động mà chúng ta đã có trước đại dịch, với sự khác biệt chủng tộc và giới tính ở mức thấp nhất trong lịch sử, với tỷ lệ tham gia (vào lực lượng lao động) cao và lạm phát thấp... Điều đó sẽ không xảy ra nếu không khôi phục sự ổn định giá cả".

Tổng thống Joe Biden và các cố vấn của ông cũng lập luận rằng nền kinh tế hạ nhiệt là điều không thể tránh khỏi. Việc này thậm chí là cần thiết khi đất nước khôi phục lại sự ổn định sau khi đã tăng trưởng mạnh khi mở cửa trở lại sau đại dịch. 

Trong một bài báo đăng trên Wall Street Journal vào tháng Năm, ông Biden cảnh báo rằng tốc độ tăng trưởng việc làm mới hàng tháng có thể chậm lại, từ mức hơn 500.000 việc làm xuống còn khoảng 150.000 việc làm một tháng, ông nhấn mạnh đây là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang chuyển sang giai đoạn phục hồi tiếp theo thành công.

Đến nay, các tín hiệu phản ánh quá trình chuyển đổi đó vẫn rất khó đoán và phức tạp. Các chuyên gia đã dự đoán hoạt động tuyển dụng của doanh nghiệp sẽ tăng chậm lại trong tháng 7, với khoảng 250.000 việc làm mới. 

Tuy nhiên, số liệu thực tế lên đến trên 500.000 việc làm, mức cao nhất trong 5 tháng. Lực lượng lao động (số người đang làm việc hoặc đang tích cực tìm việc) đang giảm dần và vẫn ở dưới mức trước đại dịch. Đây là dấu hiệu cho thấy các hạn chế về nguồn cung - vốn góp phần gây ra lạm phát cao - sẽ còn dai dẳng.

Bà Sinclair cho biết, nền kinh tế cần thời gian để thích ứng sau khi đại dịch gây ra thay đổi trong gần như mọi khía cạnh của cuộc sống và công việc. Tính đến tháng 7/2022, kinh tế Mỹ đã khôi phục gần như toàn bộ số lượng việc làm bị mất trong những tuần đầu của đại dịch. Tuy nhiên, đằng sau con số đó, cơ cấu thị trường lao động đã khác hẳn so với tháng 2/2020. 

Hiện nay, nền kinh tế có thêm gần nửa triệu công nhân làm việc trong nhà kho, nhưng ít hơn 90.000 người trông trẻ. Hàng triệu người vẫn đang làm việc từ xa. Những người khác đã thay đổi nghề nghiệp, bắt đầu kinh doanh hoặc ngừng làm việc.

(Nguồn: The New York Times)

TTXVN
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement