08/03/2023 17:06
Cuộc chiến Nga - Ukraina: Sai lầm chính trị của Kiev?
Theo báo "Liên hợp buổi sáng" ngày 6/3, cuộc chiến Nga-Ukraina có rất nhiều kinh nghiệm và bài học đáng được tổng kết, một trong số đó là sai lầm chính trị mà nội bộ Ukraina mắc phải trước khi xảy ra chiến tranh.
Dân số Ukraina chủ yếu là người Ukraina, chiếm khoảng 4/5, tiếp đó là người Nga, khoảng 1/5. Nếu phân chia theo ngôn ngữ mẹ đẻ, có khoảng 2/3 dân số nói tiếng Ukraina, chủ yếu tập trung ở miền Trung và miền Tây, khoảng 30% dân số nói tiếng Nga, tập trung ở miền Đông và miền Nam.
Miền Trung và miền Tây thân phương Tây, miền Đông thân Nga, đây là đặc điểm lớn nhất của nền chính trị Ukraina. Dân tộc Ukraina và dân tộc Nga có chung nguồn gốc, thủ đô Kiev của Ukraina là nơi bắt nguồn của nước Nga, hai quốc gia anh em này vốn nên duy trì quan hệ mật thiết.
Kể từ khi độc lập đến năm 2014, Ukraina có 4 đời tổng thống. Tổng thống đầu tiên Leonid Makarovych Kravchuk thân phương Tây về chính trị, ít hợp tác với Nga. Tuy nhiên, ông lại tương đối ôn hòa về các vấn đề như dân tộc, ngôn ngữ… để xoa dịu dân tộc Nga và những người nói tiếng Nga.
Tổng thống thứ hai Leonid Danylovych Kuchma theo đuổi chính sách ngoại giao cân bằng, vừa nhấn mạnh tính độc lập của Ukraina vừa hợp tác với Nga. Năm 2005, Viktor Andriyovych Yushchenko đắc cử tổng thống, áp dụng chính sách thân phương Tây, liên tục bất hòa với Nga. Năm 2010, Tổng thống Viktor Fedorovych Yanukovych lên nắm quyền, đã chuyển trọng tâm hướng sang Nga.
Dưới thời các tổng thống Kravchuk và Kuchma, lực lượng thân phương Tây ở Ukraina chiếm ưu thế, nhưng vẫn duy trì liên lạc và kết nối với Nga. Sau đó, Yushchenko thân phương Tây đã phá vỡ sự cân bằng. Và Yanukovych thân Nga đã điều chỉnh chính sách của người tiền nhiệm Yushchenko. Nhìn chung, trong thời gian cầm quyền của 4 tổng thống này, chính sách ngoại giao của Ukraina cân bằng.
Cuối năm 2013, Yanukovych quyết định không ký thỏa thuận liên kết với Liên minh châu Âu (EU)- một điều kiện cần thiết trước khi gia nhập EU, đây là một sự chuyển hướng chính sách lớn. Tuy nhiên, tiến trình gia nhập EU không phải không thể đảo ngược mà nó có thể nối lại bất cứ lúc nào.
Phe thân Nga đã kiên nhẫn 5 năm, chờ Yushchenko hết nhiệm kỳ; Nhưng phe thân phương Tây lại không hành xử như vậy. Từ phản đối ôn hòa, họ chuyển sang tiếm quyền bằng bạo lực, chiếm trụ sở chính quyền, xung đột với cảnh sát dẫn đến đổ máu.
Ở một số địa phương, các đảng khu vực và Đảng Cộng sản bị cấm hoạt động. Thủ tướng Mykola Yanovych Azarov đã từ chức và Tổng thống Yanukovych cũng đồng ý từ chức, thời gian đã xác định, thỏa thuận cũng đã đạt được, tuy nhiên phe đối lập lại lợi dụng Quốc hội để tiến hành đảo chính.
Quốc hội Ukraina bỏ phiếu khôi phục Tu chính án Hiến pháp năm 2004, cách chức Tổng thống Yanukovych. Quốc hội thay Tòa án ra quyết định, lập tức trả tự do cho cựu Thủ tướng Yulia Volodymyrivna Tymoshenko, cách chức 5 thẩm phán Tòa Hiến pháp, trong đó có cả Chánh án.
Phe đối lập thông qua phong trào đường phố và đảo chính để lên nắm quyền khiến người dân miền Đông Ukraina bất mãn. Họ cũng phản đối, chiếm các cơ quan chính phủ và sử dụng bạo lực.
Đối với người Ukraina ở miền Đông, chính quyền Kiev không có sự vượt trội về đạo đức và pháp lý, có lập trường cứng rắn đối với người dân miền Đông, không áp dụng các hành động thực chất cho phép họ tự trị.
Năm 2014, phe thân phương Tây ở Ukraina đã phá hủy trật tự Hiến pháp và pháp luật, phá vỡ sự cân bằng giữa phe thân phương Tây và phe thân Nga, đây chính là nguồn gốc dẫn đến sự hỗn loạn của quốc gia này.
Trong cuộc chiến tranh Nga-Ukraina, mặc dù Ukraina đúng về mặt pháp lý và đạo đức, nhưng không khôn ngoan về mặt chính trị. Tuy nhiên, không thể xâm lược Ukraina vì sai lầm của họ, đồng thời cũng không thể xem nhẹ "lỗi" của họ chỉ vì Ukraina là nạn nhân của chiến tranh.
(Nguồn: TTXVN)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp