Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Một năm chiến tranh Ukraina: Nước Nga và nghịch lý mang tên Vladimir Putin

Phân tích

19/02/2023 18:45

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris ngày 18/2 cho biết chính quyền Biden chính thức kết luận rằng Nga đã phạm "tội ác chống nhân loại" trong cuộc xâm lược Ukraina kéo dài gần một năm.
news

Bà Harris, người trước đây từng là công tố viên, phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich: "Trong trường hợp các hành động của Nga ở Ukraina, chúng tôi đã xem xét bằng chứng, chúng tôi biết các tiêu chuẩn pháp lý và không còn nghi ngờ gì nữa: Đây là những tội ác chống nhân loại. Và tôi nói với tất cả những kẻ đã gây ra những tội ác này, và với cấp trên của họ đồng lõa với những tội ác này, các người sẽ phải chịu trách nhiệm".

Sự xác định chính thức, được đưa ra sau khi kết thúc phân tích pháp lý do Bộ Ngoại giao Mỹ dẫn đầu, không đưa tới hậu quả tức thời nào cho cuộc chiến đang diễn ra. Tuy nhiên, Washington hi vọng rằng nó có thể giúp cô lập Tổng thống Nga Vladimir Putin hơn nữa và thúc đẩy các nỗ lực pháp lý buộc các thành viên trong chính phủ của ông phải chịu trách nhiệm thông qua các tòa án quốc tế và chế tài.

Bà Harris phát biểu trong bối cảnh các nhà lãnh đạo cao cấp của phương Tây đang hội họp ở Munich để đánh giá cuộc xung đột trầm trọng nhất ở châu Âu kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai. Bà nói rằng Nga giờ đã là một nước "suy yếu", sau khi Tổng thống Biden lãnh đạo một liên minh trừng phạt ông Putin về cuộc tấn công, nhưng Nga lại càng tăng cường tấn công ở miền Đông Ukraina hơn nữa. 

Trong khi đó, Ukraina đang lên kế hoạch phát động một cuộc phản công vào mùa Xuân, và họ đang tìm kiếm thêm vũ khí hạng nặng hơn và tầm xa hơn từ các đồng minh phương Tây.

Cuộc chiến kéo dài gần một năm đã giết chết hàng chục nghìn người, khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa, làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu và khiến ông Putin trở thành tội đồ ở phương Tây.

Một năm chiến tranh Ukraina: Nước Nga và nghịch lý mang tên Vladimir Putin - Ảnh 1.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris.

8 kịch bản chiến tranh

Theo tờ "Le Point", chiến tranh chưa bao giờ là một môn khoa học chính xác. Bước sang năm thứ hai, cuộc chiến sẽ ra sao? "Le Point" giới thiệu 8 kịch bản chiến tranh theo quan điểm của nhà báo chuyên về quân sự Jean Guisnel.

Kịch bản 1: Nga chiến thắng. Đó là kịch bản tồi tệ nhất dành cho Ukraina và khoảng 40 nước châu Âu và Mỹ. Putin chưa từng công khai các mục tiêu cuộc chiến mà ông đơn phương phát động, thế nhưng trong các bài phát biểu, ông vẫn xác định các mục tiêu của mình, chẳng hạn "phi quân sự hóa và phi hạt nhân hóa Ukraina để người dân Ukraina sau khi thoát khỏi ách áp bức này có thể tự do lựa chọn tương lai", "bảo đảm an ninh cho người dân của chúng tôi", giành chiến thắng cho "nước Nga lịch sử vĩ đại" và "quốc gia Ukraina không tồn tại".

Với binh sĩ được huấn luyện kém, trang bị kém, chỉ huy yếu kém, thiếu hụt về chiến thuật, quân đội Nga cho đến nay vẫn chưa chinh phục được Kiev. Tuy nhiên, trái lại, Nga cũng có nhiều ưu thế về chiến lược, cơ sở công nghiệp, vũ khí tầm xa, cộng thêm vào đó là sự chấp nhận hy sinh. 

Quân đội Nga cũng không ngại tấn công các cơ sở hạ tầng dân sự. Tất cả những điều đó có thể giúp ông Putin thành công. Rất nhiều chuyên gia đã đưa ra những giả thuyết trái ngược nhau, dự đoán về khả năng Nga tấn công qua ngả Belarus, mở những cuộc tấn công mới về miền Nam Ukraina… Chỉ có điều là không ai biết thực sự ông Putin đang nghĩ gì.

Kịch bản 2: Ukraina chiến thắng, giành lại toàn bộ lãnh thổ, kể cả bán đảo Crimea, như theo mục tiêu duy nhất của Kiev từ trước tới nay. Theo tương quan lực lượng hiện giờ, hy vọng này có khó cơ hội thành hiện thực. 

Để quét sạch quân Nga khỏi bờ cõi, Ukraina cần nhiều hơn những gì mà Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các đồng minh đang cung cấp. Mặt khác, theo một vị tướng Pháp, Crimea là lằn ranh đỏ thực sự đối với Nga và đó là trường hợp duy nhất dẫn đến nguy cơ Nga dùng vũ khí hạt nhân.

Kịch bản 3: Kết cục giống với Hàn Quốc-Triều Tiên. Đối với cả Moskva và Kiev, miền Đông Ukraina và Crimea là không thể thương lượng được. Không bên nào nhượng bộ bên nào, đôi bên không đi đến thỏa thuận. Không có thỏa ước hòa bình, nhưng cũng sẽ không còn chiến tranh, cho đến khi xung đột lại bùng phát.

Một năm chiến tranh Ukraina: Nước Nga và nghịch lý mang tên Vladimir Putin - Ảnh 2.

Kịch bản Ukraina chiến thắng khó thành hiện thực. Ảnh: Reuters

Kịch bản 4: Châu Âu buông tay. Trừ Hungary, cả Liên minh châu Âu (EU) và Anh đều rất ủng hộ Kiev, bởi họ ý thức đuợc rằng sự an toàn của châu Âu và sự đáng tin cậy của NATO đều phụ thuộc vào đó. 

Thế nhưng, tại các nước dân chủ đang dấy lên những mối lo ngại về chi phí viện trợ quân sự, giá cả năng lượng, lạm phát và những hệ lụy khác của chiến tranh, đặc biệt là nỗi sợ vũ khí hạt nhân của Nga. Công luận châu Âu quay lưng lại với Ukraina không phải là điều không thể. Và Kiev cũng hiểu điều đó.

Kịch bản 5: Mỹ buông tay. Nếu chiến tranh kéo dài, sự ủng hộ của công luận đối với chính sách viện trợ của Biden có thể bị xói mòn. Hồi tháng 12/2022, chỉ còn có 48% người Mỹ ủng hộ việc duy trì viện trợ Kiev, tỉ lệ này giảm 10% so với 6 tháng trước đó. 

Đó là chưa kể nhiều người Mỹ cho rằng Ukraina không phải nước dân chủ, không đáp ứng các chuẩn mực Mỹ, thậm chí còn là chế độ chuyên chế. Và ai sẽ đắc cử Tổng thống Mỹ vào năm 2024?

Kịch bản 6: Tây phương tăng cường viện trợ. Cho tới nay, các vũ khí mà Mỹ, châu Âu, NATO và các đồng minh viện trợ cho Kiev đã giúp ngăn cản đà tiến của quân Nga, nhưng chưa cho thấy là có khả năng đẩy lui quân Nga ra khỏi đường biên giới chính thức của Ukraina

Sau rất nhiều đề xuất, ông Zelensky cũng chưa thể hy vọng gì thêm về vũ khí, bởi các nước đồng minh vẫn lo ngại các loại vũ khí của họ chạm đến lãnh thổ Nga. Viện trợ đủ mạnh để đảo ngược thế trận, giúp Ukraina giành lại toàn bộ chủ quyền đồng nghĩa với việc phương Tây sẽ phải ồ ạt điều bộ binh và không quân, thiết bị hạng nặng, tên lửa thông thường… Trong tương lai gần, điều này là không tưởng.

Kịch bản 7: Nga làm phương Tây bất ổn. Chỉ cần Nga sử dụng lại các phương pháp thời Chiến tranh Lạnh, điều phối từ xa các nhóm khủng bố thông qua các cơ quan mật vụ hoặc các chế độ ở Trung Đông, là đủ. 

Hiện nay, Moskva có thể dựa vào Iran, Hebollah hoặc các lực lượng dân quân của Wagner ở các nước châu Phi và Syria. Putin đã cho tiến hành các vụ ám sát chính trị cả trong và ngoài nước. Ông ta có phương tiện tổ chức một cuộc chiến tranh bí mật chống lại các nước dân chủ châu Âu.

Kịch bản 8: Chiến tranh thế giới thứ ba. Đây sẽ là kịch bản khủng khiếp nhất, chẳng hạn khi NATO tiến quân ủng hộ các nước vùng Baltic hoặc Romania, bởi chính những nước gần Nga và Ukraina là nơi tình hình dễ có nguy cơ xấu đi nhất.

Một năm chiến tranh Ukraina: Nước Nga và nghịch lý mang tên Vladimir Putin - Ảnh 3.

Chiến tranh đã khiến cả Nga và Ukraina thiệt hại nặng nề.

Kỷ nguyên chiến tranh

Tương tự "Le Point", tờ "L'Obs" cũng có bài nói đến các kịch bản cho một cuộc xung đột dài. Trong số 4 kịch bản được nêu lên, dù là Nga hay Ukraina thắng, dù các cuộc thương lượng được mở ra hay xung đột leo thang, theo "L'Obs", điều chắc chắn là về ngắn hạn chưa có một giải pháp nào cho phép chấm dứt chiến tranh Ukraina.

Một năm chiến tranh Ukraina đối với "L'Obs" dài bằng nhiều thế kỷ, tàn phá đất nước Ukraina và làm đảo lộn thế giới. Trong khi đó, phe bên kia, nước Nga, vẫn chưa bị suy yếu. Bất chấp hàng loạt biện pháp trừng phạt của phương Tây, kinh tế Nga vẫn chưa bị "tàn phá". GDP năm 2022 chỉ giảm 2,2%, theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Kho đạn pháo của Nga dường như vô tận.

Và cuộc khủng hoảng Ukraina cho thấy phương Tây đã đánh mất quyền bá chủ đến mức nào. Phần lớn các nước châu Phi và Mỹ Latin vẫn từ chối lên án Moskva. Ngoài Nga, ba cường quốc khác hiện giờ đang tìm cách áp đặt một trò chơi trên thế giới và tạo thành một mối đe dọa mới đối với an ninh quốc tế. Đó là Trung Quốc, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. 

"L'Obs" lưu ý thế giới đang bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của chiến tranh.

(Nguồn: TTXVN/AFP/AP/TNHK/RFI)

P.V (tổng hợp)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ