Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Cả thế giới đang chống lạm phát, nếu không thành công thì sao?

Phân tích

18/07/2022 16:07

Các ngân hàng trung ương ở Mỹ, châu Âu, Canada và các khu vực châu Á không ngừng tăng lãi suất nhằm mục đích kìm hãm cuộc lạm phát đang bùng lên chóng mặt.
news

Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đang quyết tâm nâng lãi suất khi lạm phát vẫn tiếp diễn một cách nhanh chóng và ảnh hưởng đến hàng loạt hàng hóa và dịch vụ, khiến nền kinh tế toàn cầu chao đảo, tín dụng thì đắt hơn, giá trị cổ phiếu và trái phiếu thấp hơn và có khả năng sẽ dẫn đến sự thụt lùi mạnh trong hoạt động kinh tế.

Tình huống này chưa từng xảy ra với cộng đồng quốc tế trong nhiều thập kỷ qua. Trước tình trạng này, các quốc gia trên thế giới đang cố gắng kiểm soát sự gia tăng chóng mặt của giá cả trước khi chúng "ăn sâu" vào nền kinh tế.

Lạm phát đã gia tăng ở nhiều nền kinh tế phát triển kể từ đầu năm 2021và chưa có dấu hiệu dừng lại do nhu cầu hàng hóa tăng mạnh, thêm vào đó là tình trạng thiếu hụt do đại dịch gây ra. Trong một thời gian dài, các ngân hàng trung ương đã rất kỳ vọng rằng các nền kinh tế sẽ mở cửa trở lại và các tuyến đường vận chuyển hàng hóa sẽ thông thoáng, giảm bớt các hạn chế về nguồn cung và chi tiêu của người tiêu dùng sẽ trở lại bình thường.

Nhưng đáng tiếc điều đó đã không xảy ra, sau đó là cuộc chiến ở Ukraina làm tình hình càng thêm căng thẳng vì làm gián đoạn nguồn cung cấp dầu và lương thực, đẩy giá cả lên cao hơn nữa.

Các nhà hoạch định chính sách kinh tế toàn cầu đã bắt đầu có những hành động nghiêm túc trong năm nay, với ít nhất 75 ngân hàng trung ương nâng lãi suất, trong đó có nhiều ngân hàng tăng từ mức thấp nhất trong lịch sử.

Trong khi các nhà hoạch định chính sách không thể làm gì nhiều để kiềm chế giá năng lượng, nên họ cho rằng chi phí đi vay cao hơn có thể giúp làm chậm nhu cầu tiêu dùng và kinh doanh, tạo cơ hội cho nguồn cung bắt kịp nhu cầu để lạm phát không tiếp tục tăng nữa.

Các ngân hàng trung ương toàn cầu quyết tâm đẩy lùi lạm phát - Ảnh 1.

Ngân hàng trung ương Philippines đã gây bất ngờ cho các nhà đầu tư với mức tăng ba phần tư vào tuần trước.

Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ họp trong tuần này và dự kiến sẽ thực hiện đợt tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2011. Mức tăng được các quan chức dự đoán chỉ là 0,25% nhưng sau đó sẽ kéo theo một động thái lớn hơn vào tháng 9.

Các ngân hàng trung ương khác đã bắt đầu động thái mạnh mẽ hơn, các quan chức từ Canada đến Philippines bắt đầu tăng lãi suất trong những tuần gần đây trong bối cảnh lo ngại giá cả sẽ leo thang trong thời gian tới. Điều này có thể khiến lạm phát kéo dài hơn, tùy theo đặc điểm của bối cảnh kinh tế. 

Các quan chức của Fed cũng đã nhanh chóng trả lời. Họ đã tăng lãi suất vào tháng 6 với mức cao nhất kể từ năm 1994. Chưa dừng lại ở đó, nhiều khả năng, cơ quan này sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,75% trong cuộc họp tháng 7 sắp tới.

Khi lãi suất tăng vọt trên khắp thế giới, khiến vốn vay trở nên đắt đỏ hơn, các ngân hàng trung ương làm dấy lên lo ngại về việc nền kinh tế toàn cầu có thể tăng trưởng chậm lại và một số quốc gia có thể rơi vào suy thoái tệ hại. 

Các quan chức kinh tế quốc tế đã cảnh báo rằng con đường phía trước có thể gập ghềnh khi các ngân hàng trung ương điều chỉnh chính sách và cuộc chiến ở Ukraina kéo dài.

"Đây có lẽ là một năm 2022 khó khăn - và cũng có thể năm 2023 sẽ khó khăn hơn, với nguy cơ suy thoái gia tăng", Kristalina Georgieva, giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cho biết trong một bài đăng trên blog hôm thứ Tư tuần trước. Bà Georgieva lập luận rằng các ngân hàng trung ương cần phải có hành động mạnh mẽ với lạm phát: "Hành động bây giờ sẽ gây ra ít gây tổn hại hơn".

Bà Georgieva chỉ ra rằng có khoảng 3/4 các tổ chức mà quỹ theo dõi đã tăng lãi suất kể từ tháng 7/2021. Các nền kinh tế phát triển đã tăng trung bình 1,7%, trong khi các nền kinh tế mới nổi tăng hơn 3%.

Trong những năm gần đây, các thị trường mới nổi thường tăng lãi suất trước những động thái của Fed để tránh biến động lớn về tỷ giá, một phần phụ thuộc vào chênh lệch lãi suất xuyên biên giới. Nhưng đợt  tăng này lại khác, hàng loạt các ngân hàng trung ương có nền kinh tế phát triển, bao gồm Ngân hàng Trung ương châu Âu, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ, Ngân hàng Canada và Fed đã nhanh chóng đưa lãi suất của mình lên mức kỷ lục. Ngân hàng Trung ương Australia cũng đang nhăm nhe đẩy lãi suất lên cao hơn.

Bruce Kasman, nhà kinh tế trưởng và người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế toàn cầu tại JPMorgan Chase cho biết: "Đó là điều chúng ta chưa từng thấy trong vài thập kỷ qua".

Các ngân hàng trung ương toàn cầu quyết tâm đẩy lùi lạm phát - Ảnh 2.

“Đó sẽ là một năm 2022 khó khăn - và có thể là một năm 2023 còn khó khăn hơn, với nguy cơ suy thoái gia tăng”, Kristalina Georgieva, giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế nói.

Lần cuối cùng nhiều quốc gia lớn đột ngột tăng lãi suất song song để chống lại lạm phát cao như vậy là vào những năm 1980. Khi đó, khối đồng tiền chung châu Âu gồm 19 quốc gia mà ECB đặt ra chính sách vẫn chưa tồn tại, và thị trường tài chính toàn cầu kém phát triển hơn.

Việc nhiều ngân hàng trung ương hiện đang phải đối mặt với lạm phát cao và cố gắng kiểm soát nó bằng cách làm chậm nền kinh tế của họ, làm tăng khả năng gây rối loạn thị trường khi kỷ nguyên lãi suất thấp kết thúc, khiến các quốc gia và công ty đa quốc gia cố gắng điều chỉnh để thay đổi dòng vốn. Những thay đổi này có thể dẫn đến việc bán nợ để huy động vốn hay không?

Janet L. Yellen, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, cho biết trong bài phát biểu tuần trước: "Các điều kiện tài chính đã thắt chặt do áp lực lạm phát gia tăng trên diện rộng, bất ổn địa chính trị do cuộc chiến Nga - Ukraina và tăng trưởng toàn cầu chậm lại. Giờ đây, đầu tư đang dần suy giảm trên các thị trường mới nổi".

"Đối với thị trường tài chính, việc tăng lãi suất có thể gây ra khó khăn, nhưng không có cách nào khác", George Goncalves, người đứng đầu chiến lược vĩ mô của Mỹ tại MUFG Securities Americas, cho biết.

Và khi lãi suất tăng cao, giá cổ phiếu và các tài sản khác có thể giảm xuống trong một thời gian dài, vì người gửi tiết kiệm có thể nhận được khoản hoàn vốn cao hơn cho các khoản đầu tư ít rủi ro hơn, ví dụ như nợ chính phủ.

Ông Goncalves cho biết: "Quyết tâm theo đuổi lợi suất sẽ đẩy thị trường lên mức định giá cao hơn so với mức đã định, dựa trên các nguyên tắc cơ bản". Hành động này đồng thời cũng làm tăng nguy cơ một số quốc gia có thể rơi vào suy thoái kinh tế khi người tiêu dùng và các công ty rút lại chi tiêu của họ.

Ông Kasman ước tính rằng Hoa Kỳ và Tây Âu có 40% khả năng suy thoái trong năm tới. Rủi ro đó bắt nguồn cả từ các động thái của ngân hàng trung ương và từ cuộc chiến của Nga ở Ukraina chưa có dấu hiệu kết thúc.

"Nếu muốn ngăn chặn suy thoái ngay bây giờ, để tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp, người tiêu dùng vẫn chi tiêu bình thường, thì Fed và các ngân hàng trung ương khác phải tăng lãi suất nhiều hơn để kìm hãm tăng trưởng và kéo giá cả xuống", ông nói.

Các quan chức Fed cho biết, họ vẫn mong muốn nền kinh tế Mỹ có một cuộc "hạ cánh mềm" (tăng lãi suất vừa đủ mà không gây ra sự gia tăng đáng kể nào trong tỷ lệ thất nghiệp), trong đó việc thuê và chi tiêu hạ nhiệt đủ để cho phép tăng trưởng tiền lương và giá cả ở mức vừa phải, nhưng không đến mức khiến nền kinh tế chìm sâu và suy thoái thảm hại.

Nhưng lạm phát vẫn không chịu dừng lại. Chỉ số giá tiêu dùng mới nhất ở Hoa Kỳ đã vượt quá kỳ vọng của các nhà phân tích ở mức 9,1%. Ở Canada, lạm phát đang tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1983. Ở Vương quốc Anh, lạm phát cũng ở mức cao nhất trong 40 năm.

Các ngân hàng trung ương toàn cầu quyết tâm đẩy lùi lạm phát - Ảnh 3.

Lạm phát ở Canada đang tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1983.

Điều đó nhấn mạnh rằng các yếu tố toàn cầu, bao gồm nguồn cung hạn chế đối với các mặt hàng tiêu dùng như ô tô và quần áo cũng như giá dầu và thực phẩm tăng đột biến, đang khiến giá cả nói chung tăng vọt. Nó cũng giải thích tại sao rất nhiều ngân hàng trung ương đang thực hiện một hành động tương tự nhanh hơn, ngay cả khi biết rằng có thể làm như vậy sẽ chỉ tăng nguy cơ suy thoái.

Anh là ngân hàng trung ương lớn đầu tiên bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 12 năm ngoái và liên tục tăng lãi suất kể từ đó. Các nhà hoạch định chính sách ngày càng lo lắng về việc lạm phát sẽ tạo ra cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt ở Anh và lo ngại rằng tỷ lệ cao hơn có thể gây ra gánh nặng kinh tế.

Đồng thời, họ đã báo hiệu rằng có thể hành động mạnh mẽ hơn theo xu thế chung toàn cầu. Huw Pill, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung ương Anh, cho biết: "Trong tháng này, nếu tình hình không khả quan hơn thì bắt buộc áp dụng tốc độ thắt chặt nhanh hơn".

Matthew Luzzetti, nhà kinh tế trưởng của Mỹ tại Deutsche Bank cho biết: "Nhiều ngân hàng trung ương đang xem đây là một biện pháp để giảm lạm phát và kỳ vọng lạm phát đi xuống".

Fed đã tăng lãi suất thêm 0,25% vào tháng 3, 0,5% vào tháng 5 và 0,75% vào tháng 6. Dự đoán rằng Fed sẽ duy trì tốc độ đó vào tháng 7, mức tăng lãi suất thậm chí còn lớn hơn.

"Lạm phát đều là chủ đề trọng tâm của chúng tôi, trong mọi cuộc họp hàng ngày", Christopher Waller, thống đốc Fed, cho biết trong bài phát biểu tuần trước. "Các quyết định chi tiêu và định giá mà mọi người và các doanh nghiệp đưa ra hàng ngày phụ thuộc vào kỳ vọng của họ về lạm phát trong tương lai, điều này cũng phụ thuộc vào việc liệu họ có tin rằng Fed quyết tâm với mục tiêu chống lạm phát của mình hay không".

Ngân hàng Trung ương Canada đã gây ngạc nhiên cho các nhà đầu tư vào tuần trước với việc nâng lãi suất thêm 1%, mức lớn nhất kể từ năm 1998, đồng thời cảnh báo nhiều điều sắp xảy ra.

"Với nền kinh tế rõ ràng là cung vượt cầu, lạm phát cao và ngày càng tràn lan, nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng không hề mong muốn tình trạng này kéo dài lâu hơn. Hội đồng thống đốc đã quyết định đi trước kế hoạch", hội đồng thiết lập chính sách của Ngân hàng Trung ương Canada, cho biết trong một tuyên bố.

Các ngân hàng trung ương toàn cầu quyết tâm đẩy lùi lạm phát - Ảnh 4.

Mua sắm thực phẩm ở Paris. Các yếu tố toàn cầu, bao gồm nguồn cung hàng tiêu dùng hạn chế và giá dầu và lương thực tăng vọt, là những nguyên nhân chính khiến lạm phát gia tăng.

Ngân hàng trung ương Philippines cũng gây bất ngờ cho các nhà đầu tư với mức tăng 0,75% trong tháng này, và một loạt các ngân hàng trung ương khác đã có những động thái tương tự. Nhiều hành động cứng rắn dự kiến sẽ diễn ra trong thời gian tới. Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã cảnh báo sẽ tiếp tục tăng chi phí đi vay cao hơn vào mùa thu.

Brendan McKenna, nhà kinh tế tại Wells Fargo, cho biết: "Dù không muốn nhưng tôi phải nói rằng chúng ta đang ở mức thắt chặt đỉnh điểm. Chúng tôi có thể sẽ hành động quyết liệt hơn nữa từ thời điểm này".

"Một câu hỏi quan trọng là điều đó sẽ có ý nghĩa gì đối với nền kinh tế toàn cầu. Ngân hàng Thế giới vào tháng 6 đã dự báo trong một báo cáo rằng, tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm mạnh trong năm nay nhưng vẫn ở mức tích cực. Tuy nhiên, vẫn có nguy cơ 'đáng kể' về tình trạng tăng trưởng đình trệ và lạm phát vẫn ở mức cao", David Malpass, người đứng đầu Ngân hàng Thế giới viết.

Nếu lạm phát vẫn ở mức này, hoặc thậm chí có dấu hiệu vượt ngoài tầm kiểm soát, các ngân hàng trung ương có thể phải phản ứng mạnh mẽ hơn nữa, thậm chí là cố tình bóp chết tăng trưởng.

Ông Kasman đặt một câu hỏi mở, khi nói đến Fed, là: "Họ sẽ mất bao lâu để đi đến kết cục đáng thất vọng này?".

(Nguồn: New York Times)

Thảo Vy
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement