12/08/2023 15:50
Châu Á chuẩn bị đối mặt với nhiều 'cú sốc' hơn về giá gạo
Giá gạo châu Á đã đạt mức cao nhất trong 15 năm sau động thái hạn chế xuất khẩu mắt hàng này của Ấn Độ. Các nhà kinh tế cho rằng Thái Lan và Việt Nam có thể bù đắp phần nào sự thiếu hụt, nhưng sẽ phải vật lộn để 'lấp đầy khoảng trống do Ấn Độ để lại'.
Giá gạo châu Á tăng vọt
Kể từ khi New Delhi ngừng vận chuyển gạo non-basmati và thời tiết khô hạn đe dọa sản lượng ở nước xuất khẩu lớn thứ hai là Thái Lan, giá gạo ở châu Á đã tăng vọt, chạm mức cao nhất trong gần 15 năm.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, với giá gần 650 USD/tấn, tiêu chuẩn gạo trắng Thái Lan 5% tấm chưa từng đắt như vậy kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra sâu sắc vào tháng 10/2008. Tại Việt Nam, các thương nhân dự báo gạo chất lượng cao có thể sớm đạt mức 700 USD/tấn.
Sản lượng gạo của châu Á đã bị ảnh hưởng trong năm nay khi những đợt nắng nóng chết người do El Nino thúc đẩy đã quét qua khu vực, ảnh hưởng đến vụ thu hoạch và làm đảo lộn nguồn các cung cấp lương thực.
Chỉ riêng Ấn Độ đã chiếm 40% lượng gạo xuất khẩu của thế giới, so với mức chỉ khoảng 22% của 15 năm trước, gây áp lực lên các quốc gia xuất khẩu gạo lớn khác là Việt Nam và Thái Lan.
Các nhà phân tích và thương nhân cho biết nguồn cung hạn chế có nguy cơ làm tăng giá gạo và lạm phát lương thực toàn cầu, ảnh hưởng đến những người tiêu dùng nghèo khó ở châu Á và châu Phi. Các nhà nhập khẩu đang phải vật lộn với nguồn cung khan hiếm do thời tiết thất thường và gián đoạn vận chuyển qua Biển Đen.
Thái Lan, Việt Nam, Pakistan lần lượt là các nhà xuất khẩu lớn thứ 2,3 và 4 thế giới, cho biết họ rất muốn tăng doanh số sau lệnh cấm của Ấn Độ. Cả Thái Lan và Việt Nam đều tuyên bố không để người tiêu dùng trong nước bị tổn hại do tăng xuất khẩu.
Cuối tuần trước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ra lệnh cho các cơ quan chức năng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia bằng cách cân bằng nguồn cung gạo cho nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu, với lý do các thương nhân đầu cơ đã mua hết nguồn cung thông qua các giao dịch mua số lượng lớn.
Các quốc gia khác bao gồm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã phản ứng với động thái của Ấn Độ bằng cách tạm thời cấm xuất khẩu và tái xuất khẩu gạo. Trong khi đó, Thái Lan đã bày tỏ sự lạc quan về việc giành được một thị trường xuất khẩu lớn hơn từ Ấn Độ.
Khoảng trống do Ấn Độ để lại, lấy gì để bù đắp?
Đợt tăng giá gần đây có thể mang lại lợi ích ngay lập tức cho các nhà máy xay xát gạo lớn, thương lái thu mua và nhà xuất khẩu, nhưng gây thiệt hại cho người tiêu dùng và nông dân sản xuất nhỏ.
Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan dự kiến xuất khẩu sẽ tăng tới 20% khi Thái Lan có kế hoạch xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo ra thị trường thế giới trong năm nay, bù đắp thâm hụt do Ấn Độ để lại.
Nhưng trên khắp các vùng trung tâm trồng lúa của đất nước chùa vàng, nơi một kg gạo hiện có giá khoảng 11 baht (0,3 USD). Người nông dân đang chuẩn bị cho một cú sốc không mong muốn sau nhiều năm được giá.
"Thông thường giá tăng là tin tốt, nhưng giá giảm như điên trong những năm gần đây nên nông dân phải bán dự trữ để trả nợ và không còn hàng để đưa ra thị trường", Bualin Komkla, chủ tịch một hợp tác xã của các nhà máy gạo địa phương ở Surin, gần biên giới Campuchia cho biết.
"Thực tế, một số gia đình đã bán hết lúa dự trữ và vụ mới rồi và cần phải tự mua gạo để ăn, vì vậy giá tăng khiến họ thiệt thòi. Những người duy nhất có lợi sẽ là những nhà máy gạo với lượng hàng dự trữ lớn", ông nói thêm.
Theo văn phòng thời tiết, các khu vực trồng lúa trọng điểm ở miền trung Thái Lan có thể bị giảm lượng mưa tới 40% trong năm nay. Do đó, sản lượng gạo quốc gia được dự báo sẽ thấp hơn 5%, theo số liệu của Bộ Thương mại Thái Lan.
"Đúng là gạo trắng của Thái Lan là một trong những lựa chọn tốt hơn, nhưng nó không thể lấp đầy sự thiếu hụt từ Ấn Độ", một thương lái thu mua gạo nổi tiếng có trụ sở tại Thái cho biết. Ông dự đoán tốt nhất là nước này có thể cung cấp thêm một triệu tấn gạo vào vụ mùa năm nay.
Năm ngoái, Ấn Độ xuất khẩu khoảng 22 triệu tấn gạo, trong khi tổng sản lượng của cả Thái Lan và Việt Nam chưa đến 15 triệu tấn.
Hughes, nhà kinh tế nông nghiệp cho biết: "Những gì mong đợi về giá cả từ đây phần lớn sẽ được quyết định bởi khả năng Việt Nam và Thái Lan có thể lấp đầy khoảng trống mà Ấn Độ để lại hay không".
Hơn 90% lượng gạo của thế giới được sản xuất và tiêu thụ ở châu Á - Thái Bình Dương, khiến quy mô sản xuất của khu vực trở nên quan trọng để đáp ứng nhu cầu toàn cầu.
Thời tiết không thuận lợi gần đây của Thái Lan có khả năng ảnh hưởng đến nguồn cung gạo và đường toàn cầu do nước này có "vai trò lớn" trên cả hai thị trường hàng hóa, ngân hàng ANZ dự báo trong một báo cáo chuyên sâu vào thứ Sáu.
Theo đó, giá gạo tăng mạnh là mối quan tâm đặc biệt đối với Malaysia, Indonesia và Philippines, những nước phụ thuộc vào nhập khẩu vốn đang gặp phải tình trạng hạn hán trong thời gian gần đây.
Một quan chức nông nghiệp cấp cao ở Manila cho biết họ hy vọng sẽ nhận được các điều khoản tốt hơn để nhập khẩu thêm 300.000 đến 500.000 tấn gạo trong năm nay do một số nhà xuất khẩu Việt Nam đã chào giá thấp hơn.
Các hộ gia đình nghèo ở Indonesia đang được cung cấp tới 10kg gạo mỗi tháng trong ba tháng tới với dự đoán giá sẽ cao hơn, đồng thời chính phủ cũng đã hoàn tất thỏa thuận với Delhi về 1 triệu tấn gạo bất chấp lệnh cấm xuất khẩu.
Theo một quan chức của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Pakistan, nước này có thể xuất khẩu 4,5-5 triệu tấn từ mức 3,5 triệu tấn/năm của hiện tại. Tuy nhiên, Pakistan khó có thể xuất khẩu không hạn chế trong bối cảnh lạm phát ở mức 2 con số, vị này cho biết.
Tác động không dự báo được
Giá gạo toàn cầu đã tăng khoảng 20% kể từ khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm. Theo các thương nhân thuộc các công ty thương mại quốc tế, nếu giá gạo tiếp tục tăng thêm 15%, Thái Lan và Việt Nam có thể sẽ hạn chế xuất khẩu.
"Câu hỏi không phải là họ có hạn chế hay không mà là hạn chế bao nhiêu và khi nào sẽ thực hiện các biện pháp đó", một thương nhân tại New Delhi nói.
Châu Phi chiếm khoảng 70% lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ. Các nhà nhập khẩu gạo non-basmati hàng đầu gồm Philippines, Trung Quốc, Senegal, Nigeria, Nam Phi, Malaysia, Bờ Biển Ngà và Bangladesh.
Ấn Độ đã chứng kiến lượng mưa trên mức trung bình vào tháng trước và văn phòng thời tiết của nước này đang dự báo các điều kiện thuận lợi cho thời gian còn lại của mùa gió mùa kéo dài đến tháng 9. Nhưng các nhà phân tích nói rằng chính phủ khó có thể xem xét lại lệnh cấm xuất khẩu trước tháng 11 và đầu mùa đông.
Krishna Rao, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ cho biết lượng mưa tốt là điều kiện cần thiết để sản xuất bình thường. Điều này sẽ cho phép New Delhi đảo ngược lệnh cấm xuất khẩu gạo.
"Chúng ta sẽ có một vụ mùa bội thu, nhưng tôi nghĩ chính phủ sẽ muốn chắc chắn gấp đôi trước khi xem xét lại lệnh cấm xuất khẩu", ông nói.
RS Seshadri, cựu giám đốc của một công ty gạo lớn, cho biết Ấn Độ có đủ lượng gạo dự trữ, vì vậy Delhi có thể đã đưa ra lệnh cấm xuất khẩu để hạn chế đầu cơ giá ngay từ trong trứng nước.
(Nguồn:Reuters/CNA)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp