Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Liệu châu Á có tránh được suy thoái?

Phân tích

26/06/2022 10:41

Tác giả bài viết trên The Straits Times nhận định, mặc dù nguy cơ suy thoái ở Mỹ tiếp tục tăng lên, nhưng Singapore và hầu hết các nền kinh tế châu Á sẽ có cơ hội tránh được sự suy giảm sâu và kéo dài.

Theo bài báo, giờ đây ngày càng có nhiều nhà kinh tế và nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới nhận thấy khả năng cao suy thoái ở Mỹ và có thể cả ở châu Âu trong 6-12 tháng tới. Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng chỉ ra các nhân tố giảm nhẹ có thể làm dịu bớt "cú giáng" này, trong đó có yếu tố nhu cầu tiêu dùng phục hồi ở các thị trường phát triển được hậu thuẫn bởi các khoản tiết kiệm dư thừa.

Các nền kinh tế châu Á, trong đó có Singapore, có thể nhận được nhiều trợ giúp hơn từ sự phục hồi kinh tế theo chu kỳ có khả năng diễn ra ở Trung Quốc và chính sách lãi suất thấp nhằm hỗ trợ tăng trưởng thay vì chống lạm phát ở Nhật Bản.

Cảnh báo mới nhất về triển vọng kinh tế Mỹ đến từ người đứng đầu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell. Ông Powell hôm 22/6 nói rằng việc tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát có thể khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.

Liệu châu Á có tránh được suy thoái? - Ảnh 1.

Tại cuộc điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ, Chủ tịch Fed nói rằng căng thẳng Nga-Ukraina và các biện pháp phong tỏa do COVID-19 ở Trung Quốc đã làm gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu và đẩy giá mọi thứ tăng cao, từ lương thực thực phẩm đến năng lượng, khiến cơ quan này khó có thể giảm bớt lạm phát mà không gây ra suy giảm tăng trưởng kinh tế.

Cùng ngày, Giám đốc điều hành Ngân hàng Deutsche, Christian Sewing, cho biết ông nhận thấy khả năng suy thoái toàn cầu là 50%. Citigroup cũng đưa ra dự đoán tương tự.

Hầu hết các nhà phân tích đều nhất trí rằng phản ứng dây chuyền của suy thoái kinh tế ở thế giới phát triển chắc chắn sẽ dẫn đến sự suy giảm mạnh về nhu cầu đối với xuất khẩu của châu Á - chiếc "phao cứu sinh" của hầu hết các nền kinh tế trong khu vực.

Theo Morgan Stanley, nhu cầu hàng hóa toàn cầu đã và đang có dấu hiệu suy yếu, với tăng trưởng xuất khẩu thực của châu Á - được điều chỉnh theo tác động của thay đổi giá cả - giảm xuống chỉ còn 1,6% tính trên cơ sở hàng năm vào tháng Tư, từ mức 9,4% vào tháng 11/2021.

Enterprise Singapore lưu ý xuất khẩu nội địa phi dầu mỏ của Singapore cũng phản ánh xu hướng tương tự - tăng trưởng 6,4% trong tháng Tư, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 24,2% trong tháng 11/2021. Bộ Công thương Singapore duy trì dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 của nước này ở mức 3-5%, nhưng cảnh báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của "đảo quốc sư tử" có thể chỉ đạt 3-4%.

Ông Chetan Ahya, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á của Morgan Stanley, cho rằng sự giảm tốc gần đây trong xuất khẩu của châu Á phản ánh sự bình thường hóa trong mô hình nhu cầu, với việc người tiêu dùng phân bổ lại chi tiêu hướng đến dịch vụ. Ông cho biết thêm: "Khi tăng trưởng chung giảm đi, các điều kiện về nhu cầu bên ngoài có thể trở nên thách thức hơn đối với châu Á".

Tuy nhiên, ông Ahya cũng chỉ ra rằng mức độ nghiêm trọng của suy giảm xuất khẩu sẽ phụ thuộc vào độ sâu và thời gian suy thoái ở các nền kinh tế phát triển. Và có những dấu hiệu cho thấy một cuộc suy thoái ở Mỹ, nếu xảy ra, sẽ chỉ ở mức vừa phải.

Nhà kinh tế Aichi Amemiya của Nomura International nhận định suy thoái của Mỹ có thể xảy ra ngay trong quý 4/2022. Các nhà phân tích cho biết, nhu cầu tiêu dùng có khả năng phục hồi của Mỹ có thể hỗ trợ xuất khẩu của châu Á. Một nguồn cầu lớn khác cho xuất khẩu của châu Á có thể đến từ Trung Quốc, nơi nền kinh tế đang cho thấy những dấu hiệu phục hồi từ sự suy giảm mạnh trong quý 2.

Liệu châu Á có tránh được suy thoái? - Ảnh 3.

Moody's Analytics kỳ vọng rằng việc xét nghiệm COVID-19 diện rộng trên khắp các thành phố lớn của Trung Quốc sẽ hạn chế tình trạng đóng cửa hoàn toàn trong nửa cuối năm nay. Điều này có thể đem lại cho các nhà hoạch định chính sách cơ hội kích thích tài chính đáng kể và thúc đẩy tăng trưởng cao hơn trong hai quý cuối năm 2022.

Ông Steven Cochrane, nhà kinh tế trưởng thuộc Moody's Analytics, cho rằng môi trường lạm phát thấp của Trung Quốc cũng tạo điều kiện cho nước này thực hiện nới lỏng chính sách hoàn toàn và đẩy mạnh nhu cầu trong nước.

Ông Ahya nhận định sự phục hồi ở Trung Quốc có thể giúp đem lại sự bù đắp quan trọng và kịp thời ngay trong thời điểm mà tốc độ tăng trưởng của thị trường phát triển dự kiến sẽ chậm lại. Ông đánh giá: "Mặc dù sự suy thoái ở thị trường phát triển chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của châu Á, nhưng chúng tôi cho rằng sự suy giảm của châu Á có thể là tương đối 'nông'".

Một số nhà phân tích cũng tin rằng các nền kinh tế như Singapore có đủ khả năng để thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ tổng chi tiêu quốc gia, đặc biệt là trong thời điểm chính sách tiền tệ bị hạn chế bởi lạm phát cao.

Nhà kinh tế Yun Liu thuộc Ngân hàng HSBC nhận xét gói hỗ trợ bổ sung trị giá 1,5 tỷ SGD mới được Chính phủ Singapore công bố gần đây cho thấy ngay cả khi Cơ quan tiền tệ Singapore là một trong những ngân hàng trung ương tích cực nhất của khu vực trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát, Chính phủ nước này vẫn có thể giúp giảm bớt tác động của lạm phát tăng cao đối với các nhóm người dễ bị tổn thương bị ảnh hưởng bởi giá cả tăng cao.

Bà đánh giá rằng thông điệp là rõ ràng: Gói tài chính bổ sung là để giúp giảm bớt 'nỗi đau' lạm phát, nhưng không gây thêm áp lực lạm phát.

TTXVN
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement