Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Viễn cảnh nào cho cuộc chiến tại Ukraina?

Phân tích

30/11/2022 14:39

Với việc lưới điện của Ukraina phải đối mặt với các cuộc tấn công tàn khốc từ Nga, NATO sẽ cần tăng cường hỗ trợ và thực hiện các cam kết của họ.
news

Trong các cuộc không kích được mô tả là có quy mô lớn nhất kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraina, Moskva đã nhắm mục tiêu vào lưới điện của Ukraina khi mùa Đông đang đến gần. Mới đây, Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã thẳng thắn thừa nhận rằng các cuộc tấn công tên lửa của Nga đã phá hủy khoảng 30% các nhà máy điện của Ukraina trong một tuần. Tuy nhiên, nhiều báo cáo gần đây cho thấy các cuộc không kích liên tiếp đã làm hư hại tới 40% lưới điện quốc gia.

Tổng thống Zelensky từng mô tả động cơ của Moskva khi nhắm mục tiêu vào hạ tầng cơ sở năng lượng của Ukraina là nhằm buộc Kiev ngừng xuất khẩu điện sang Liên minh châu Âu (EU). Tháng 9 vừa qua, đề cập các cuộc tấn công tên lửa của Nga khiến hàng trăm nghìn người dân Ukraina không có điện, Tổng thống Zelensky đã tuyên bố rằng hầu hết các cuộc tấn công này được thực hiện trong một nỗ lực tuyệt vọng để đáp trả những thất bại của Moskva ở khu vực Kharkov. 

Ông nói: "Họ (các lực lượng vũ trang Nga) không thể đánh bại các anh hùng của chúng ta trên chiến trường, và đó là lý do tại sao Nga đang chỉ đạo các cuộc tấn công hèn hạ vào cơ sở hạ tầng dân sự". Các báo cáo gần đây hơn, trong đó có cả một số tin tức đăng tải trên các phương tiện truyền thông của phương Tây, cho biết con số người dân Ukraina phải sống trong cảnh mất điện lớn hơn nhiều, với hơn 1 triệu người.

Viễn cảnh nào cho cuộc chiến tại Ukraina? - Ảnh 1.

[Quang cảnh cho thấy thành phố không có điện sau khi cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng bị tấn công bằng tên lửa của Nga, ở Kyiv, Ukraina ngày 23/11/2022. Ảnh: REUTERS

Lời cầu xin từ Kiev

Mức độ tàn phá đối với cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraina trong một thời gian ngắn chứng tỏ sự thành công của các cuộc tấn công của Nga. Hiệu quả của các cuộc tấn công cũng có thể được đánh giá qua việc Kiev khẩn thiết kêu gọi các quốc gia thuộc NATO cung cấp các hệ thống phòng không để chống lại các cuộc không kích của Nga. 

Trong một lời cầu xin tuyệt vọng hồi tháng 10, Tổng thống Zelensky đã kêu gọi các nước phương Tây hỗ trợ Kiev tạo một "lá chắn trên không". Zelensky đã nói với Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) rằng hàng triệu người Ukraina sẽ biết ơn nếu các nước giàu viện trợ vũ khí giúp đẩy lùi các cuộc không kích của Nga và cảnh báo Nga có thể tiếp tục leo thang hơn nữa. 

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đổ lỗi cho Ukraina về vụ nổ sập cây cầu chiến lược bắc qua eo biển Kerch và cảnh báo về những phản ứng "nghiêm trọng" đối với bất kỳ cuộc tấn công mới nào.

Máy bay không người lái cảm tử

Đã xuất hiện các báo cáo về một loạt máy bay ném bom không người lái cảm tử được Moskva sử dụng để tấn công các thành phố của Ukraina như một phần của chiến dịch tấn công mới đây, với các hệ thống linh hoạt cung cấp giải pháp ít tốn kém cho các lực lượng Nga nhằm né tránh hoặc áp đảo hệ thống phòng không của Ukraina

Với khoảng 200 máy bay không người lái cảm tử có giá bằng một tên lửa hành trình, không ngạc nhiên khi các hệ thống chiến thuật này được các chỉ huy chiến trường Nga ưa chuộng. Với chi phí khoảng 20.000 USD/chiếc, so với một tên lửa hành trình trị giá hơn 4 triệu USD, việc triển khai chúng đã làm gia tăng lo ngại rằng Nga đang bắt đầu một chương mới tàn bạo trong cuộc chiến tại Ukraina.

Việc sử dụng máy bay không người lái cảm tử đã trở nên phổ biến sau khi Tướng Serge Surovikin, biệt danh "Tướng quân Armageddon", được bổ nhiệm làm Tổng tư lệnh các lực lượng Nga ở Ukraina. Việc bổ nhiệm lãnh đạo mới cho chiến dịch quân sự ở Ukraina trùng hợp với một loạt cuộc tấn công bằng máy bay không người lái mới, bao gồm cả cuộc tấn công lớn đầu tiên vào Kiev trong nhiều tháng.

Viễn cảnh nào cho cuộc chiến tại Ukraina? - Ảnh 3.

Các quân nhân Ukraina bắn một quả đạn từ khẩu M777 Howitzer ở tiền tuyến, khi cuộc tấn công của Nga vào Ukraina vẫn tiếp diễn, ở Vùng Donetsk, Ukraina ngày 23/11/2022. Ảnh: REUTERS

Phản ứng của NATO

Mặc dù Kiev xác định việc mua sắm các hệ thống phòng không là ưu tiên số một, các quốc gia thành viên NATO đang vật lộn để đáp ứng các yêu cầu của Ukraina về tăng cường an ninh trước các cuộc không kích và tên lửa của Nga. 

Hiện tại, Đức mới chỉ cung cấp 1 trong 4 hệ thống phòng không hiện đại Iris-T SLM như đã hứa cho Ukraina, trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Zelensky, đã cam kết tiếp tục cung cấp cho Kiev các hệ thống phòng không hiện đại.

Các quan chức phương Tây nhất trí với yêu cầu tăng cường phòng không cho Ukraina và bày tỏ sẵn sàng trợ giúp, nhưng cũng cho biết yêu cầu gấp rút để có được các hệ thống đó là một thách thức. Mỹ và các quốc gia khác đang cố gắng xác định các hệ thống nào có thể được chuyển giao cho Ukraina, bất chấp phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt sản xuất và kho dự trữ cạn kiệt. 

Mặc dù một số hệ thống đã được cung cấp cho Kiev, việc thiếu năng lực sản xuất cần thiết đang cản trở việc cung cấp thêm, đặc biệt là do một số đồng minh trong NATO bị tụt hậu nhiều năm trong việc trang bị các hệ thống phòng không của riêng họ.

Các quốc gia NATO như Ba Lan và Anh đã cung cấp các hệ thống phòng không khác nhau cho Ukraina kể từ khi bắt đầu chiến tranh, từ các bệ phóng tên lửa vác vai đến các bệ phóng gắn trên xe tải phức tạp hơn, tạo ra một sự kết hợp lộn xộn thay vì tích hợp mạng lưới an ninh cùng với các hệ thống tên lửa phòng không hậu Xô Viết của Ukraina, như hệ thống tên lửa đất đối không S-300. 

Mỹ cũng đã cam kết cung cấp cho Ukraina 2 hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến (NASAMS) tối tân của họ trong 2 tháng tới, và 6 hệ thống nữa sẽ đến trong một thời gian lâu hơn. Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết mặc dù hoan nghênh "những thông báo gần đây của các đồng minh về việc cung cấp các hệ thống phòng không tiên tiến hơn", ông vẫn chờ đợi các đợt giao hàng bổ sung nhiều hơn nữa.

Viễn cảnh nào cho cuộc chiến tại Ukraina? - Ảnh 5.

Phần còn lại của đạn MLRS được quân đội Nga sử dụng trong các cuộc tấn công quân sự vào thành phố và được đặc công ở Kharkiv, Ukraina thu thập vào ngày 29/11/2022. Ảnh: REUTERS

Sự kiện 11/9 của châu Âu

Chuyên gia Camille Grand của Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR) nhận định NATO đã chứng tỏ sự đoàn kết, quyết tâm và phản ứng nhanh chóng trong cuộc xung đột Nga-Ukraina. Chuyên gia nghiên cứu của Pháp cho rằng "về ý thức địa chính trị, ngày 24/2/2022 đối với châu Âu cũng giống như sự kiện ngày 11/9/2001 ở nước Mỹ". 

NATO còn sắp có thêm 2 thành viên mới là Thụy Điển và Phần Lan, hai quốc gia ở Bắc Âu sau hai thập kỷ giữ vị trí trung lập đang được kỳ vọng sẽ lấp đầy khoảng trống ở mặt trận phía Bắc của NATO. Cho đến năm 2021, liên minh quân sự này chỉ có những đơn vị nhỏ đóng ở Ba Lan và các nước Baltic, nhưng hiện nay đã triển khai 40.000 quân ở sườn phía Đông, chủ yếu là ở Rumani, mang tính răn đe cao. 

Tuy nhiên, NATO cũng tránh trực tiếp can dự, và các quốc gia thành viên bất chấp đe dọa của Putin về vũ khí nguyên tử, vẫn gia tăng chuyển giao tên lửa chống tăng và phòng không cho Kiev. Tuy vậy, dù đã tái chiếm phân nửa số lãnh thổ bị mất 9 tháng trước, Kiev vẫn chưa giành được chiến thắng. Putin vẫn có thể leo thang bằng vũ khí hóa học hay nguyên tử. Và đồng minh NATO vẫn đang tranh luận Kiev sẽ đi đến đâu.

Triển vọng

Khi mùa Đông đang đến rất nhanh trên các chiến trường ở Ukraina, thời gian không còn nhiều để Kiev thiết lập một lá chắn phòng không hiệu quả nhằm bảo vệ cơ sở hạ tầng năng lượng khỏi các cuộc không kích và tấn công tên lửa liên tục của Nga. 

Các máy bay không người lái cảm tử giá thành rẻ đang được các lực lượng Nga triển khai đã giúp tăng đáng kể khả năng duy trì các cuộc oanh tạc trong thời gian dài hơn mà không làm cạn kiệt kho dự trữ tên lửa hành trình cũng như các loại vũ khí tinh vi và đắt tiền hơn, đồng thời giảm thiểu rủi ro cho các phi công và máy bay chiến đấu có người lái của Nga.

Bất chấp việc Nga gần đây đã rút quân khỏi Kherson, rốt cuộc đã không có sự thay thế nào cho sự hỗ trợ hữu hình của phương Tây đối với quân đội Ukraina trên chiến trường và mạng lưới vũ khí bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng của đất nước. 

Tuy nhiên, việc kho dự trữ hệ thống phòng không của NATO không đủ đáp ứng nhu cầu và tình trạng thiếu năng lực sản xuất khiến nhiều người hoài nghi về khả năng của liên minh phương Tây trong việc giải cứu Ukraina khỏi tình trạng thảm khốc trong tương lai gần.

Thăm dò ý kiến

Chiến sự Nga - Ukraina: Ai sẽ thắng?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

(Nguồn: TTXVN)

CHẤN HƯNG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ