27/11/2022 16:54
NATO có thể giúp Ukraina tới khi nào?
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 25/11 tuyên bố NATO quyết tâm giúp Ukraina tự vệ chống lại Nga tới "chừng nào còn cần thiết" và sẽ giúp quốc gia bị chiến tranh tàn phá này biến các lực lượng vũ trang của họ thành một đội quân hiện đại theo tiêu chuẩn phương Tây.
Phát biểu với báo giới trước Hội nghị Ngoại trưởng NATO tại Romania, ông Stoltenberg kêu gọi các nước tiếp tục cung cấp hệ thống phòng không và các loại vũ khí khác cho Ukraina. NATO, với tư cách là một tổ chức, không cung cấp vũ khí.
Ông Stoltenberg cho biết các thành viên của tổ chức an ninh gồm 30 nước này đã cung cấp nhiên liệu, máy phát điện, vật tư y tế và thiết bị gây nhiễu máy bay không người lái, nhưng sẽ cần nhiều hơn nữa khi mùa Đông đến gần, đặc biệt khi Nga đang tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraina.
Ông nói thêm: "Về lâu dài, chúng tôi sẽ giúp Ukraina chuyển đổi từ thiết bị thời Xô Viết sang các tiêu chuẩn và hình thức huấn luyện hiện đại của NATO".
Theo cựu Thủ tướng Na Uy Stoltenberg, Ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba cũng được mời tham dự cuộc họp ngày 29-30/11 tại Bucharest để thảo luận những nhu cầu cấp thiết nhất của Ukraina cũng như hình thức hỗ trợ lâu dài nào mà NATO có thể cung cấp.
Quan chức dân sự hàng đầu của NATO cho biết sự hỗ trợ này sẽ giúp Ukraina tiến tới việc gia nhập liên minh một ngày nào đó. Cuộc họp ở Bucharest vào tuần tới diễn ra gần 15 năm sau khi NATO tuyên bố sẽ kết nạp Ukraina (và Gruzia), một cam kết khiến Nga vô cùng tức giận.
Trong cuộc xung đột ở Ukraina hiện nay, các loại vũ khí của Mỹ và phương Tây đang trở thành biểu tượng vì chúng tạo nên sự khác biệt, giúp lực lượng Ukraina lật ngược tình thế trước quân đội Nga.
Trong số đó phải kể đến HIMARS – hệ thống tên lửa pháo binh định hướng bằng GPS, và Javelin – tên lửa chống tăng vác vai, có khả năng xuyên thủng bất kỳ loại xe bọc thép nào. Cả hai đều do tập đoàn quốc phòng Mỹ Lockheed Martin, nhà cung cấp vũ khí lớn nhất thế giới sản xuất. Một thành công chiến lược vang dội cho cỗ máy chiến tranh Mỹ.
Liên quan cuộc chiến ở Ukraina, cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 24/11 đã chia sẻ trên tờ Spiegel rằng bà không đủ ảnh hưởng để tác động lên Vladimir Putin nhằm ngăn cuộc xung đột ở Ukraina.
Bà cho biết đã cố gắng cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên kế hoạch tổ chức đàm phán độc lập với Putin trong khuôn khổ Hội đồng châu Âu vào mùa Hè năm 2021, năm cuối cùng bà nắm quyền và trước khi xung đột ở Ukraina bùng phát. Sau bốn nhiệm kỳ thủ tướng, bà Merkel rời nhiệm sở vào tháng 12/2021.
Chuyến công du cuối cùng của bà Merkel tới Moskva trên cương vị thủ tướng diễn ra vào tháng 8 cùng năm. Tuy nhiên, như bà thừa nhận, "tôi không còn đủ ảnh hưởng để làm điều đó vì mọi người đều biết rằng tôi sẽ rời nhiệm sở vào mùa Thu. Cảm giác lúc đó rất rõ ràng. Về mặt quyền lực chính trị, tôi đã hết thời, trong khi với Putin, chỉ quyền lực mới có giá trị".
Quan sát cuộc chiến Ukraina của Tổng thống Putin - với việc trước đó nhiều tuần, Nga đã tăng cường quân sự quy mô lớn ở biên giới Ukraina, nhiều ý kiến lập luận rằng bà Merkel và các nhà lãnh đạo khác của Liên minh châu Âu (EU) nên áp dụng một cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với Điện Kremlin.
Nghị sĩ Roderich Kiesewetter, chuyên gia về chính sách đối ngoại trong Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của bà Merkel, là một trong số những người nói rằng bà Merkel đã biết Putin đang cố gắng chia rẽ và làm suy yếu châu Âu, nhưng bà tin rằng "quyền lực mềm" là cách tiếp cận đúng đắn.
Trong cuộc phỏng vấn với Spiegel, bà Merkel cho biết lập trường của bà về Ukraina trong cuộc đàm phán hòa bình Minsk do Bộ tứ Normandy bảo trợ đã giúp Kiev có thời gian để tự vệ tốt hơn trước quân đội Nga.
Một thỏa thuận ngừng bắn đã đạt được ở Minsk (Belarus) sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và trong cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở khu vực Donbass. Nhưng những điểm chính, bao gồm giải trừ quân bị và giám sát quốc tế, đã không được thực hiện.
Bà Merkel khẳng định không hối tiếc về chính sách năng lượng với Moskva trong nhiệm kỳ của bà, dù điều này bị cho là khiến Đức phụ thuộc vào khí đốt Nga. Trong 16 năm tại vị, bà đã nhiều lần gặp Tổng thống Putin và ủng hộ cách tiếp cận thực dụng với Nga, trong đó có việc xây dựng hai đường ống khí đốt quan trọng Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 giữa Nga và Đức.
Cuộc oanh tạc mới nhất của Nga hôm thứ Tư đã gây thiệt hại nặng nề nhất cho đến nay trong cuộc xung đột, khiến hàng triệu người ở Ukraina không có ánh sáng, nước hoặc nhiệt.
Nga nói rằng họ không nhắm mục tiêu vào dân thường, nhưng nói rằng các cuộc tấn công của Moscow vào cơ sở hạ tầng năng lượng là hậu quả của việc Kiev không sẵn sàng đàm phán.
(Nguồn: TTXVN)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp