29/11/2022 13:20
Cuộc chiến 'không hồi kết' giữa Nga và Ukraina
Sau khi Nga bắt đầu "chiến dịch quân sự đặc biệt" nhằm phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraina, phương Tây đã tăng cường áp lực trừng phạt đối với Moskva. Các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) xem xét phương án từ bỏ dầu mỏ và khí đốt của Nga. Nhiều quốc gia tuyên bố đóng băng tài sản của Nga và kêu gọi từ bỏ năng lượng Nga.
Tất cả những điều này đã trở thành vấn đề đối với Mỹ và châu Âu, khiến giá nhiên liệu và lương thực tăng mạnh.
Các biện pháp trừng phạt không còn tác dụng
Trong một động thái mới nhất, người đứng đầu Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết EU đang "cố gắng với tốc độ tối đa" để chuẩn bị gói trừng phạt thứ 9 chống lại Nga. Tuy nhiên, Alexander Shirov, Giám đốc Viện Dự báo Kinh tế của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho rằng các biện pháp trừng phạt chống Nga do phương Tây áp đặt không còn khả năng ngăn chặn Nga.
Ông Shirov nói: "Không biện pháp trừng phạt nào của phương Tây còn có thể ngăn cản chúng ta được nữa. Thành thật mà nói, tôi thậm chí không thể tưởng tượng được điều khủng khiếp nào nữa mà Washington và Brussels có thể áp đặt lên chúng ta?
Nhưng ai mà biết chắc được? Chẳng hạn họ sẽ ngắt kết nối các ngân hàng Nga còn lại khỏi hệ thống SWIFT, họ sẽ áp đặt tất cả các lệnh trừng phạt lên mọi lĩnh vực và đối với tất cả mọi người, nhưng thực ra điều này chỉ giống như là vi lượng đồng căn so với những gì đã được thực hiện trước đó".
Theo ông Shirov, Nga đã học cách thích nghi với những thay đổi tiêu cực nhất. Ông nói: "Chúng ta đã học cách đối phó với khủng hoảng. Nếu như năm 2013, phải thừa nhận rằng, nền kinh tế Nga thực tế rất yếu trước sức ép của phương Tây, thì ngày nay trong nhiều lĩnh vực quan trọng như lương thực, tài chính, quốc phòng, chúng ta đã thực sự trở thành độc lập".
Vị chuyên gia tin chắc rằng giờ đây cần tập trung mọi nỗ lực để phát triển năng động nền kinh tế quốc gia, đồng thời phải học cách chấp nhận rủi ro hợp lý.
Ông Shirov kết luận: "Giả sử, việc tài trợ cho các khoản đầu tư thông qua vay trong nước, thông qua thâm hụt ngân sách, là một rủi ro rõ ràng. Nhưng việc áp dụng cơ chế này sẽ cho phép chúng ta nhận thêm các xung lực kinh tế và đối phó nhanh hơn với hậu quả của cuộc khủng hoảng".
Đặt trọn vào canh bạc Ukraina, ông Putin sẽ mất tất cả
Trong bài xã luận "Ukraina, ván cược thất bại của Putin", tờ báo Pháp "Le Figaro" nhận định hàng loạt thất bại chiến lược của Vladimir Putin khiến người ta phải chóng mặt. Tất nhiên, trước hết là sức kháng cự mãnh liệt của người Ukraina, nay đang đe dọa sẽ buộc Nga phải "lãnh những cái tát nhục nhã", tái chiếm các lãnh thổ đã bị cướp đoạt kể từ năm 2014.
Tiếp đó là phương Tây nhu nhược lại tỏ ra quyết tâm và đoàn kết một cách đáng kinh ngạc, để ủng hộ đất nước bị tấn công và trừng phạt Nga. Và NATO tưởng chừng "chết não", lại tìm thấy sức sống tươi trẻ, củng cố sườn phía Đông, mở cửa cho các ứng cử viên mới mà Putin đã làm cho các nước này không còn có thể giữ thái độ trung lập.
Cũng không nên quên hàng trăm nghìn người Nga đã bỏ phiếu bằng đôi chân, chạy trốn lệnh động viên và đàn áp chính trị, khiến Nga bị chảy máu chất xám, lãng phí tài năng. Những đồng minh chiến lược như Trung Quốc hay những nước phương Nam bắt đầu mất kiên nhẫn trước một cuộc chiến gây bất ổn và suy thoái. Và nay, những nước từ Kavkaz đến Trung Á cố gắng thoát khỏi ảnh hưởng độc hại của Nga.
Theo "Le Figaro", ông Putin sẽ không thể đạt được gì trong cuộc phiêu lưu Ukraina. Ngay cả nếu ông xoay chuyển được thế trận, thậm chí khuất phục được một Ukraina đã thành bình địa - một viễn cảnh xa vời hơn bao giờ hết, đất nước của ông cũng sẽ "tả tơi". Vì đặt cược tất cả vào ván bài Ukraina, ông Putin sẽ mất tất cả.
Trong những cuộc dàn cảnh mới đây, những người lính bên cạnh ông Putin không phải là những người bị ông đẩy ra mặt trận với trang bị thảm hại, những bà mẹ mà Tổng thống Nga tiếp không phải là những người đòi ông phải trả lời về số phận con cái họ. Dưới chiếc mặt nạ sắt, Tổng thống Vladimir Putin liệu có thấy được những rạn nứt đang đe dọa đất nước và sự trị vì của ông?
Nguy cơ hệ thống phòng không Patriot không thể đến tay Ukraina
Chuyên gia quân sự Ba Lan Jacek Grodzitsky cho biết Đức không đồng ý triển khai các hệ thống tên lửa phòng không Patriot trên lãnh thổ Ukraina và Vacsava nhận thức rõ điều này.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht mới đây đã công bố thỏa thuận với người đồng cấp Ba Lan về việc để máy bay chiến đấu Eurofighter của Đức tuần tra không phận Ba Lan và triển khai hệ thống phòng không Patriot tại nước này.
Sau đó, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, Chủ tịch Đảng Luật pháp và Công lý (PiS) cầm quyền Ba Lan Jaroslaw Kaczynski, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Mariusz Blaszczak đã đưa ra ý tưởng triển khai các hệ thống tên lửa phòng không Patriot của Đức tại Ukraina, mà không phải ở Ba Lan.
Chuyên gia quân sự Jacek Grodzitsky nói: "Hiện tại, không có khả năng Đức sẽ triển khai Patriot ở Ukraina thay vì ở Ba Lan". Theo ông, việc Đức sẽ không cung cấp Patriot cho Ukraina được chứng minh bằng "một số yếu tố ngay lập tức".
Trước hết, ông Grodzitsky nêu lên rằng quân đội Ukraina chưa sẵn sàng sử dụng Patriot: "Họ biết cách sử dụng vũ khí của Liên Xô, thiết bị phòng không của Liên Xô, ví dụ như S-300. Họ chưa bao giờ bảo dưỡng Patriot, chưa bao giờ kích hoạt loại vũ khí này. Để học được cách vận hành, cần rất nhiều thời gian - ít nhất là 6 tháng. Tất nhiên, chúng tôi không xem xét kịch bản quân đội Đức sẽ triển khai Patriot trên lãnh thổ Ukraina".
Ông Grodzitsky bổ sung "điều này có nghĩa sự tham gia của Đức và toàn bộ NATO" vào cuộc xung đột với Nga. Ngoài ra, ông tin rằng Đức sẽ không trao Patriot cho Ukraina vì họ không muốn mất vũ khí này.
Ông nói: "Khi Bộ trưởng Quốc phòng Đức đề xuất triển khai tên lửa của Đức ở Ba Lan, không nên coi Patriot là món quà dành cho chúng tôi. Có thể nói, họ muốn cho chúng tôi mượn nó trong một thời gian. Cần được hiểu vấn đề đó như vậy. Đồng thời, nếu những chiếc Patriot của Đức tiến vào lãnh thổ Ukraina, thì khả năng rất cao là chúng sẽ không quay trở lại, vì chúng sẽ bị pháo binh hoặc máy bay Nga tiêu diệt. Đây là mục tiêu rất quan trọng xét về mặt quân sự".
Nga trước đó đã gửi công hàm tới các nước NATO vì các lô vũ khí cung cấp cho Ukraina. Ngoại trưởng Sergei Lavrov lưu ý rằng bất kỳ lô hàng nào chứa vũ khí cho Ukraina sẽ trở thành mục tiêu tấn công hợp pháp của Nga.
Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố rằng các nước NATO đang "đùa với lửa" khi cung cấp vũ khí cho Ukraina. Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov lưu ý rằng việc cung cấp vũ khí từ phương Tây cho Ukraina không góp phần vào sự thành công của các cuộc đàm phán Nga-Ukraina và sẽ có tác động tiêu cực.
Thăm dò ý kiến
Chiến sự Nga - Ukraina: Ai sẽ thắng?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
(Nguồn: TTXVN/Sputnik/RFI)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement