06/03/2024 07:17
Thấy gì từ mục tiêu tăng trưởng 5% mà Trung Quốc đề ra cho năm 2024?
Ngày 5/3, Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP "khoảng 5%" cho năm 2024, giống với mục tiêu của năm ngoái, trong bối cảnh đầy thách thức về kinh tế.
Kích cầu kinh tế
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã công bố mục tiêu tăng trưởng GDP trong bài phát biểu trước Đại hội Đại biểu Nhân dân, cam kết Trung Quốc sẽ dỡ bỏ các hạn chế đối với đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất.
Về tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP), Trung Quốc đặt mục 3% trong năm nay, thấp hơn so với mức điều chỉnh tăng hiếm gặp lên 3,8% vào cuối năm ngoái so với mục tiêu 3% đề ra vào đầu năm.
Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 5,2% trong năm 2023, tuy nhiên mục tiêu khoảng 5% trong năm 2024 có thể sẽ trở nên thách thức hơn, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang cố gắng phục hồi giai đoạn sau đại dịch.
"Nền tảng cho đà phục hồi và tăng trưởng kinh tế ổn định của Trung Quốc vẫn chưa đủ vững chắc", Thủ tướng Lý Cường cho hay, chỉ ra nhu cầu yếu, tình trạng dư thừa công suất trong một số ngành công nghiệp, niềm tin suy yếu và những rủi ro tiềm ẩn.
Nền kinh tế Trung Quốc, bị tác động bởi lĩnh vực bất động sản suy yếu và hoạt động sản xuất bị hạn chế, vốn đã suy giảm trong 5 tháng liên tiếp. Mục tiêu GDP năm ngoái đạt được một phần nhờ vào các biện pháp kích thích của chính phủ. Ngân hàng Thế giới (WB) trong tháng 1 dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 4,5% vào năm 2024 trong bối cảnh nhu cầu trong nước yếu hơn và căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Phát biểu bên trong Đại lễ đường Nhân dân trước gần 2.900 đại biểu, Thủ tướng Lý Cường cho biết mục tiêu khoảng 5% trong năm nay sẽ đạt được bằng cách tạo thêm 12 triệu việc làm mới và tăng thu nhập, đồng thời ngăn ngừa rủi ro.
Nhiều biện pháp hỗ trợ bổ sung sẽ được thực hiện đối với các lĩnh vực có "năng lực lớn" để tạo việc làm. Ông cũng nhấn mạnh cần phải "làm nhiều hơn để thúc đẩy việc làm cho thanh niên và cung cấp hướng dẫn cũng như dịch vụ tốt hơn để giúp họ đảm bảo việc làm hoặc khởi nghiệp".
Kế hoạch phát hành trái phiếu "siêu dài hạn"
Để giải quyết vấn đề thiếu nguồn vốn ở các dự án lớn, Thủ tướng Lý Cường nói rằng trái phiếu chính phủ đặc biệt "siêu dài hạn" sẽ được phát hành. Đầu tiên, lượng trái phiếu trị giá 1.000 tỷ CNY (141 tỉ USD) sẽ được phát hành trong năm 2024 để thực hiện các chiến lược lớn của quốc gia và xây dựng năng lực an ninh.
Việc phát hành trái phiếu có mục đích đặc biệt cho chính quyền địa phương được đặt ra ở mức 3.900 tỷ CNY, tăng 100 tỷ CNY so với năm ngoái. Một báo cáo riêng về ngân sách quốc gia cho thấy Trung Quốc đang phân bổ 777,3 tỷ CNY để trả lãi nợ, tăng 11,9% so với năm ngoái. Chính quyền địa phương Trung Quốc đang gánh nợ nần và phải vật lộn để đối phó với sự suy thoái của thị trường bất động sản, nguồn thu chính của họ.
Ngoài trái phiếu, hơn 10,2 nghìn tỷ CNY sẽ được chính quyền trung ương chuyển cho chính quyền địa phương, tăng 4,1%.
Mục tiêu thâm hụt ngân sách của Trung Quốc trong năm nay được đặt ở mức 3% GDP, tương đương với năm ngoái, mặc dù đã tăng lên 3,8% sau khi chính phủ phát hành 1.000 tỷ CNY trái phiếu địa phương để giúp tái thiết ở những khu vực bị thiên tai. Bất chấp áp lực giảm phát trong những tháng gần đây, lạm phát tiêu dùng được dự báo ở mức 3% trong năm nay.
Một báo cáo của IMF hồi đầu năm nay cho biết các cuộc trao đổi giữa giới chức của định chế này với các quan chức Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh xem chính sách tài khóa năm ngoái là chủ động.
"Trái phiếu kho bạc đặc biệt siêu dài hạn phát hành thử nghiệm sẽ không bị tính vào thâm hụt và có thể được phát hành vào thời điểm thích hợp dựa trên điều kiện thị trường và kinh tế theo xu hướng tăng đòn bẩy nợ một cách vừa phải của chính phủ trung ương để đảm bảo linh hoạt", nhà kinh tế trưởng Bruce Pang của công ty tư vấn bất động sản JLL nhận định.
Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Natixis, cho biết mục tiêu khoảng 5% không phải là không có thách thức.
Mặc dù mức tiêu thụ trong Tết Nguyên đán vừa qua là "đáng khích lệ", bà cho biết các nhà đầu tư vẫn thận trọng về tính bền vững, vì "vấn đề bất động sản vẫn chưa được giải quyết và sự phụ thuộc của Trung Quốc vào nhu cầu bên ngoài cũng sẽ gặp phải những bất ổn do căng thẳng địa chính trị đang diễn ra".
(Nguồn: Nikkei/Bloomberg)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement