05/03/2024 14:44
Hermès, Chanel, LV vẫn tăng giá tại Trung Quốc bất chấp kinh tế trì trệ
Các thương hiệu xa xỉ đang tăng giá một cách có chiến lược ở Trung Quốc trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đang chậm lại. Nhưng với những thay đổi này, người tiêu dùng sẽ phản ứng thế nào?
Trong bối cảnh nền kinh tế đang chậm lại, niềm tin của người tiêu dùng sụt giảm, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và giảm phát, một số thương hiệu xa xỉ đã tăng giá ở Trung Quốc.
Theo các phương tiện truyền thông, thương hiệu thời trang Hermès đình đám của Pháp đã tăng giá bán lẻ trong nước từ 10-20% trong đợt tăng giá toàn cầu, khiến giá túi xách tăng trung bình 7% trên thị trường quốc tế.
Trong khi đó, đối thủ Chanel của Pháp đã tăng giá từ 6-8% trên khắp Đông và Đông Nam Á. Hãng thời trang Pháp Louis Vuitton cũng thực hiện điều chỉnh giá tại Trung Quốc từ giữa tháng 2/2023, nâng giá túi của hãng lên trung bình thêm 6%.
Việc tăng giá như vậy đã gây ra những bình luận bất mãn trong người tiêu dùng Trung Quốc, những người trước đây thường tìm đến "daigou" để mua các sản phẩm xa xỉ với giá ưu đãi.
Daigou có nghĩa là mua hàng thuê trong tiếng Trung Quốc. Thuật ngữ này dùng để nói về những người hay "săn" các sản phẩm hot ở nước ngoài hoặc sản phẩm tại các cửa hàng miễn thuế (thường là mỹ phẩm, quần áo, túi xách...) rồi bán lại cho khách hàng ở Trung Quốc. Hiện, daigou đã được đưa vào từ điển Cambridge.
"Nếu bạn đã mua Hermès từ sớm, hãy tận hưởng. Nếu bạn mua nó muộn bây giờ thì bạn nên bỏ cuộc", một người dùng viết trên mạng xã hội Trung Quốc Xiaohongshu.
Người tiêu dùng Trung Quốc đang thắt lưng buộc bụng trong năm nay khi quốc gia này tiếp tục đối mặt với những thách thức kinh tế. Đầu tháng này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục suy thoái trong vài năm tới.
Trong khi nền kinh tế nước này chưa đạt tới một cuộc khủng hoảng "toàn diện", tăng trưởng chậm lại là vấn đề gây ra nhiều lo ngại trong bối cảnh giá tiêu dùng giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, bong bóng bất động sản Trung Quốc vỡ tung do "quả bom nợ" tập đoàn Evergrande và hàng loạt các nhà phát triển khác, dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực lan đến các lĩnh vực khác.
Các thương hiệu xa xỉ như Hermès, Chanel và thậm chí cả nhà sản xuất quần áo công nghệ ngoài trời thời thượng Arc'teryx vẫn đang tăng giá.
Jacob Cooke, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Canada và WPIC Marketing and Technology có trụ sở tại Trung Quốc, cho biết niềm tin của một số thương hiệu trong việc tăng giá xuất phát từ nhiều yếu tố.
Ông nói: "Trong một số danh mục nhất định, chúng tôi vẫn thấy người tiêu dùng theo đuổi chất lượng hoàn hảo. Đây là lúc người tiêu dùng sẵn sàng chi nhiều hơn cho chất lượng sản phẩm trước khi quyết định móc ví cho một món hàng nào đó".
Ngoài ra, Cooke cho biết việc giảm giá có thể làm suy yếu vị thế của một thương hiệu cao cấp, trong khi việc tăng giá có thể nâng cao hình ảnh cao cấp của thương hiệu.
Ông gọi đó là "vòng lặp thương mại", nhờ đó các thương hiệu thành công có thể nâng cao hoặc tiếp tục thể hiện hình ảnh cao cấp của mình mà không phải chịu áp lực doanh thu ngắn hạn.
Những người trong ngành khác như Max Peiro, Giám đốc điều hành của hàng xa xỉ Re-Hub cho biết trên thực tế, các thương hiệu đã thận trọng và có chiến lược trong việc thực hiện "cách tiếp cận ôn hòa" đối với việc tăng giá vào năm 2023, nên các thương hiệu xa xỉ hàng đầu hoàn toàn có thể tự tin trong việc tăng giá mà không cần băn khoăn đến việc khách hàng trung thành liệu có móc "hầu bao" hay không.
"Dựa trên việc theo dõi của chúng tôi về thị trường đồ cũ ở Trung Quốc, giá trị bán lại của Hermès trên thị trường thứ cấp vẫn ở mức cao, trong khi hầu hết các thương hiệu xa xỉ khác không đạt được giá trị tương tự như vậy", Peiro nói.
Trước đây đã có báo cáo cho rằng người tiêu dùng thế hệ trẻ của Trung Quốc đã sẵn sàng chi tới 20% thu nhập của họ để mua sắm hàng xa xỉ vào năm 2018. Các mặt hàng xa xỉ tiếp tục được thèm muốn ở những xã hội đề cao về địa vị như Trung Quốc, nhưng giờ đây hành vi tiêu dùng đang thay đổi.
Trên Xiaohongshu, một số người dùng cho biết họ đã từ bỏ hoàn toàn việc tiêu dùng hàng xa xỉ chỉ để phô trương.
Một tài khoản viết trên mạng xã hội Trung Quốc: "Tôi không còn hứng thú với túi Hermès nữa. Tôi không thuộc tầng lớp xã hội thượng lưu phải giao tiếp với nhau bằng một chiếc túi đắt tiền. Thay vào đó, tôi sẽ tiết kiệm tiền để đi du lịch và nghỉ hưu".
Theo nghiên cứu từ năm 2023 của Mintel, người tiêu dùng Gen Z của Trung Quốc chi tiêu cho "giải trí" nhiều hơn so với mua quần áo và các giao dịch mua hàng liên quan đến thời trang khác trong năm đó.
Nhà phân tích nghiên cứu cấp cao Blair Zhang của Mintel nói với tạp chí Time vào thời điểm đó: "Các chi tiêu dựa trên trải nghiệm, từ đi xem phim, tham quan triển lãm đến tập thể dục ngoài trời, đã trở thành cách để thế hệ Gen Z tiếp tục cuộc sống của họ sau Covid".
(Nguồn: Caixin)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement