15/08/2022 12:21
'NATO kinh tế' không đủ để chống lại Nga và Trung Quốc
Sau quyết định của Điện Kremlin tấn công vào Ukraina, Ngoại trưởng Anh Liz Truss lập luận rằng G7 nên hoạt động như một "NATO kinh tế, cùng bảo vệ sự thịnh vượng của chúng ta. Nếu nền kinh tế của một đối tác đang nằm trong tầm ngắm của một chế độ hiếu chiến, chúng ta nên hành động để hỗ trợ họ. Mọi người vì một người, một người vì mọi người".
Rõ ràng, lời bình luận này không những nhắm mục tiêu cụ thể vào Nga, mà còn nhắm vào Trung Quốc. Ngoại trưởng Truss đã chỉ trích một loạt chính sách của Trung Quốc trong phần lớn lập luận của mình và đề xuất rằng mối quan hệ thương mại của G7 với Trung Quốc dựa trên cơ sở có điều kiện nhằm buộc Bắc Kinh "chơi theo luật".
Trong chuyến công du đến Đài Loan, Charlie Weimers, Đại biểu Thụy Điển trong Nghị viện châu Âu, nói rằng các bài học gần đây liên quan đến Litva cho thấy sự cần thiết của một "NATO thương mại" với sự tham gia của các nước cùng chí hướng.
Mở rộng khuôn khổ mà Truss đã đề xuất, Bruce Strokes thuộc Quỹ Marshal, Đức cho rằng một tổ chức như vậy nên thực hiện các hành động trừng phạt như các chính sách được ban hành để đối đầu với cuộc chiến của Nga vào Ukraina trong nhiều kịch bản khác nhau, bao gồm nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan hoặc vi phạm nhân quyền trong nước.
Những bình luận này thể hiện tính trung tâm của các biện pháp trừng phạt và địa kinh tế trong giới chính sách châu Âu, sự ép buộc kinh tế hợp pháp cũng đã tăng lên kể từ cuộc tấn công của Nga, và thực tế là giới tinh hoa phương Tây đang thiết kế một chiến lược cho kỷ nguyên cạnh tranh nước lớn - không chỉ đơn thuần là giải quyết một cuộc khủng hoảng an ninh khẩn cấp ở sườn phía Đông của họ.
Chống ép buộc hoặc triển khai sức mạnh
Khao khát về một NATO về kinh tế hoặc thương mại như được minh chứng trong các tuyên bố nói trên, chỉ ra hai tầm nhìn khác nhau nhưng không loại trừ lẫn nhau về vai trò của một thể chế như vậy.
Đầu tiên, một "NATO kinh tế" sẽ bảo vệ Liên minh châu Âu (EU) trước những nỗ lực ép buộc kinh tế của những nước ngoài khối này. Quản lý nhà nước về kinh tế của các nước như Nga, đặc biệt là Trung Quốc là vấn đề mà các cộng đồng chính sách phương Tây và các học giả nghiên cứu các biện pháp trừng phạt đã lo ngại trong một thời gian dài.
Ở châu Âu, đã có những cơ chế được đưa ra cho mục đích này dưới dạng công cụ chống ép buộc do Ủy ban châu Âu đề xuất.
Cách tiếp cận thứ hai hướng đến việc triển khai sức mạnh trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn nhằm mục đích tác động đến các chính sách đối nội và đối ngoại của các đối thủ, bao gồm cả trong các tình huống mà chủ quyền hoặc toàn vẹn lãnh thổ của một thành viên NATO hoặc EU không được xem xét. Xét cho cùng, Ukraina, Đài Loan và cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc không phải là thành viên của NATO.
Trong suốt thế kỷ XXI, các nước phương Tây đã rời bỏ mô hình trừng phạt thông qua kiểm soát xuất khẩu hoặc nhập khẩu được sử dụng để chống lại Chính quyền Saddam Hussein trong những năm 1990 và hướng tới các biện pháp trừng phạt tài chính thúc đẩy toàn cầu hóa tài chính cũng như tầm quan trọng của đồng USD và cơ sở hạ tầng tài chính của phương Tây trong phát triển kinh tế.
Những công cụ để áp đặt các biện pháp trừng phạt như vậy đối với Trung Quốc đã được các quốc gia phương Tây sử dụng một cách hạn chế và có mục tiêu. Liên quan đến việc áp đặt các biện pháp trừng phạt theo từng lĩnh vực hoặc toàn diện đối với Bắc Kinh, vấn đề không phải là thiếu phương thức mà là việc trừng phạt nền kinh tế lớn nhất thế giới và đối tác thương mại lớn nhất của rất nhiều nước sẽ có hại cho nền kinh tế quốc tế và cho chính các bên áp đặt các biện pháp trừng phạt.
Khi thiết kế các chiến dịch trừng phạt, các bên áp đặt tập trung vào sự bất đối xứng. Điều này có nghĩa là việc phủ nhận hoạt động kinh tế thường xuyên sẽ gây hại cho nhà nước bị nhắm mục tiêu nhiều hơn cho bên áp đặt trừng phạt.
Trong bối cảnh đó, các nhà thiết kế biện pháp trừng phạt của Mỹ có xu hướng quyết định các biện pháp trừng phạt trong lĩnh vực công nghệ đối với Trung Quốc. Hiện tại, các hành động đáng chú ý được thực hiện chống lại các công ty Trung Quốc như Huawei và các hành động được đề xuất chống lại Hikvision cho thấy các biện pháp trừng phạt tập trung vào lĩnh vực công nghệ.
Mỹ và các đồng minh thân cận vẫn sở hữu độc quyền những công nghệ then chốt quan trọng đối với sự phát triển công nghiệp và quân sự. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Nga được cho là đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất bằng cách chặn "sự tiếp cận" của Nga trong lĩnh vực chất bán dẫn.
Nga thực sự mua phần lớn chất bán dẫn của mình từ các nước như Trung Quốc, Malaysia và Việt Nam, nhưng đó thường là những con chip kém tiên tiến hơn được sử dụng để chế tạo ô tô và thiết bị trong khi sự phát triển của các hệ thống vũ khí, trí tuệ nhân tạo và robot đòi hỏi những chất bán dẫn tiên tiến hơn được phát triển bởi các công ty có trụ sở tại Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.
Một CoCom mới?
Một liên minh có khả năng đứng ra xoay sở vượt qua được các biện pháp trừng phạt công nghệ như vậy không giống NATO mà giống Ủy ban điều phối kiểm soát xuất khẩu đa phương (CoCom).
Được Mỹ và một số nước đồng minh thành lập vào năm 1949, CoCom là một tổ chức không chính thức được thành lập với mục đích rõ ràng là loại trừ Liên Xô và không để họ tiếp cận các vũ khí quân sự chiến lược và hàng hóa lưỡng dụng.
Trên thực tế, CoCom và liên minh chống Trung Quốc có tên Ủy ban Trung Quốc (ChinCom) là phương tiện chính được Washington sử dụng để giấu sản phẩm công nghệ cao và làm chậm tốc độ tiếp tục phát triển công nghiệp của Liên Xô và do đó làm tăng tiềm năng thúc đẩy họ tiến hành chiến tranh xâm lược. CoCom thậm chí còn thường được gọi là "cánh tay kinh tế" của NATO.
Trên thực tế, Mỹ đã sử dụng CoCom để điều chỉnh quan hệ kinh tế của các đối tác của mình với khối Xô Viết. Theo Cơ quan nghiên cứu thuộc Quốc hội, trong hầu hết mọi trường hợp, Mỹ là nước muốn ngăn chặn xuất khẩu nhất trong khi các thành viên khác, bao gồm Pháp, Đức và Anh, ủng hộ sự tương tác kinh tế nhiều hơn.
Nhiều học giả vẫn coi dự án này là chiến dịch gây ảnh hưởng thành công nhất trong lịch sử nước Mỹ thông qua sử dụng các phương tiện kinh tế. Tuy nhiên, khả năng của Washington gây ảnh hưởng đến các đồng minh của mình thông qua CoCom bắt đầu suy giảm khi họ phục hồi sau Chiến tranh Thế giới thứ hai vào nửa cuối của Chiến tranh Lạnh, trở nên tự chủ hơn về kinh tế và ủng hộ thương mại Đông-Tây mở rộng.
Đây là hình thức một tổ chức được tạo ra để ép buộc hoặc kiềm chế Moskva và là hình thức nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ thực hiện nhất. Sau Chiến tranh Lạnh, CoCom được Thỏa thuận Wassenaar (WA) thay thế. Nhưng các nước phương Tây có thể sẽ thấy WA là một phương tiện kém hiệu quả hơn trong việc thực hiện những nỗ lực này.
WA được thành lập vào đầu thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi thay vì cản trở thương mại có trách nhiệm và do đó, chỉ mang lại cho các thành viên rất ít phương tiện để cấm hàng xuất khẩu của nhau như CoCom. Quan trọng hơn là chính Nga đã được cấp quy chế quyền thành viên WA như một phần thưởng cho việc nước này ngừng xuất khẩu một số vũ khí sang Iran trong những năm 1990.
Trong khuôn khổ WA, không có cơ chế khai trừ thành viên, chỉ có thể thêm thành viên mới và thông qua các đề xuất cải cách khi có sự đồng thuận. Hiện tại, một tổ chức thay thế có thể đang dần hình thành thông qua sự hợp tác giữa các nước phương Tây với các sức mạnh công nghệ phương Đông như Đài Loan và Nhật Bản nhằm kiểm soát lĩnh vực công nghệ của họ chống lại Nga và nỗ lực giám sát rò rỉ công nghệ.
Chính phủ Mỹ đã sắp xếp một liên minh mới gồm các nước đang áp đặt hạn chế xuất khẩu công nghệ mới đối với Nga và Belarus. Theo khuôn khổ đã thống nhất, các quy tắc về sản phẩm trực tiếp nước ngoài (FDP) do mỗi nước áp đặt riêng đối với Nga/Belarus và Người dùng cuối quân sự (MEU) là Nga/Belarus.
Liên minh đang phát triển này hiện có 37 thành viên gồm tất cả các thành viên của EU, Iceland, Liechtenstein, Na Uy, Thụy Sĩ, Australia, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand và Anh.
Điều này làm chậm đáng kể và khiến việc xuất khẩu mất nhiều thời gian và tốn kém. Quan trọng là các nước tham gia liên minh này được miễn yêu cầu các giấy phép như vậy để nhập khẩu hàng hóa và công nghệ đang bị nhắm mục tiêu.
Vì vậy, người ta có thể hiểu tại sao các đồng minh của Mỹ có các ngành công nghệ tiên tiến mua và sử dụng công nghệ của Mỹ cũng như hợp tác với các ngành công nghệ cao của Mỹ sẽ coi việc tham gia một liên minh như vậy là hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của chính họ.
Việc có rất nhiều nền kinh tế công nghệ cao tự nguyện tuân thủ có nghĩa là Mỹ có thể tập trung sự chú ý vào các thành viên không tham gia như Trung Quốc và Ấn Độ. Những nước này phải đối mặt với mối đe dọa là các công ty công nghệ cao xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao sang Nga có thể bị đưa vào danh sách các thực thể bị trừng phạt của Bộ Thương mại Mỹ.
Mỹ và EU cũng đã thành lập Hội đồng Thương mại và công nghệ với mục tiêu chính thức là hạn chế xuất khẩu công nghệ, vốn là biện pháp có thể được sử dụng để đàn áp. Nhưng tổ chức này được dự báo sẽ vượt ra ngoài nhiệm vụ chính thức để hạn chế các công nghệ quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp đối với Nga và Trung Quốc.
Các thành viên NATO và G7 cũng có thể thành lập một nhóm làm việc giám sát các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu sang Nga nhằm phục vụ các mục đích kiểm soát xuất khẩu liên quan đến Trung Quốc.
Với các biện pháp trừng phạt nhằm vào lĩnh vực ngân hàng, Mỹ đã tận dụng toàn cầu hóa tài chính và quy định tiếp cận với đồng USD, cộng đồng dịch vụ tài chính New York và cơ sở hạ tầng tài chính toàn cầu ở phương Tây (các tổ chức như SWIFT) nhằm khiến các ngân hàng trên thế giới chấp nhận các ưu tiên chính sách đối ngoại của mình.
Tương tự như vậy, Mỹ có đủ tiềm lực để sử dụng sự phát triển của các chuỗi cung ứng/chuỗi giá trị toàn cầu và hiện diện trong đó để tác động đến các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ.
Các biện pháp trừng phạt tài chính hoặc các biện pháp nhẹ nhàng hơn trong Danh sách các thực thể bị trừng phạt cũng có thể được sử dụng để gây áp lực buộc các chính phủ và ngành công nghiệp của các nước khác phải hợp tác. Vì vậy, cam kết chính trị không đồng đều từ các đồng minh của Mỹ không nhất thiết là rào cản khiến họ hạn chế tham gia các chiến dịch trừng phạt của Mỹ.
Xu hướng này chắc chắn sẽ đẩy nhanh sự chia rẽ trong lĩnh vực công nghệ theo nhiều cách. Nó cũng có thể là thiển cận. Xu hướng này cũng gây ra mối quan ngại về việc "lật đổ" đồng USD liên quan do các biện pháp trừng phạt tài chính của Mỹ.
Lo lắng về nguy cơ bị trừng phạt, Bắc Kinh đã coi việc "bản địa hóa" các công nghệ then chốt là yếu tố quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và an ninh quốc gia của mình. Trung Quốc cũng là một đối thủ xứng tầm với Mỹ hơn nhiều so với Nga hiện tại hay Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh.
Thành công của nước này trong tương lai cũng có thể làm giảm hiệu quả của các biện pháp trừng phạt như vậy đối với các mục tiêu khác như Nga và Iran. Trong khi một số chuyên gia lập luận chắc chắn rằng Bắc Kinh sẽ không thể bắt kịp Washington trong một sớm một chiều, nếu tính đến mức độ Trung Quốc có thể phát triển và mở rộng quy mô công nghệ, khó có thể dự đoán về điều mà một Trung Quốc quyết đoán có thể hoặc không thể làm trong 3-5 năm tới.
Thăm dò ý kiến
Chiến sự Nga - Ukraina: Ai sẽ thắng?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement