01/07/2022 14:05
Kinh tế Trung Quốc có một tháng tăng trưởng tốt khi các hạn chế do Covid được nới lỏng
Các ngành công nghiệp sản xuất và dịch vụ của Trung Quốc vừa có một tháng tăng trưởng đầu tiên kể từ tháng 2/2022, theo các tài liệu được công bố hôm thứ Năm, khi mà các hạn chế đi lại do Covid được nới lỏng ở nhiều thành phố.
Nhưng "bóng đen" của những đợt phong tỏa vẫn còn bao trùm lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong bối cảnh Bắc Kinh chưa có giải pháp tốt nhất để thoát khỏi đại dịch Covid.
Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của chính phủ Trung Quốc đối với lĩnh vực sản xuất - chủ yếu bao gồm các doanh nghiệp lớn và các công ty nhà nước - đã tăng lên 50,2 vào tháng 6, lần đầu tiên vượt mốc 50 kể từ tháng 2, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.
Chỉ số trên 50 cho thấy hoạt động đang tăng lên.
Trong khi đó, chỉ số PMI phi sản xuất chính thức, bao gồm các ngành xây dựng và dịch vụ, đã tăng lên 54,7 vào tháng Sáu, so với 47,8 vào tháng Năm. Đây cũng là lần đầu tiên chỉ số này quay trở lại khu vực tăng trưởng tốt trong bốn tháng và là mức mạnh nhất kể từ tháng 5 năm 2021.
Các cuộc khảo sát cũng cho thấy những dấu hiệu phục hồi mới nhất của nền kinh tế Trung Quốc, khi nước này dần dần mở cửa trở lại sau nhiều tháng đóng cửa trên diện rộng do dịch Covid.
Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế cấp cao của Capital Economics, cho biết: "Các chỉ số PMI chính thức cho thấy sự phục hồi nhanh chóng đáng ngạc nhiên trong hoạt động dịch vụ trong tháng này sau khi các hạn chế do dịch Covid hầu hết được dỡ bỏ".
Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra sự yếu kém của thị trường lao động, đồng thời cảnh báo rằng điều đó có nghĩa là tài chính hộ gia đình và niềm tin của người tiêu dùng vẫn còn rất mong manh.
Ông cho biết thêm trong một ghi chú rằng, một khi động lực mở cửa trở lại mất dần, điều này sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi tiếp theo.
Nhiều thành phố - bao gồm cả Thượng Hải, trung tâm kinh doanh của Trung Quốc đại lục - đã bị áp dụng các hạn chế nghiêm ngặt do Covid kể từ tháng 3, dẫn đến hoạt động kinh tế bị thu hẹp mạnh.
Mọi người bị giới hạn trong nhà, các cửa hàng và nhà hàng và các nhà máy đóng cửa. Các nhà phân tích lo ngại rằng, nền kinh tế Trung Quốc sẽ suy thoái trong quý 2, khiến mục tiêu tăng trưởng hàng năm của chính phủ là 5,5% cho năm 2022 sẽ nằm ngoài khả năng.
Các dấu hiệu về suy thoái kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt đã làm cho các quan chức hàng đầu của Trung Quốc lo lắn khiến họ phải dần chuyển sang việc nới lỏng các hạn chế đi lại do Covid và nâng cao lòng tin.
Thủ tướng Lý Khắc Cường đã liên tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng thất nghiệp gia tăng trong những tháng gần đây và thúc giục chính phủ thực hiện các bước mạnh mẽ hơn để hỗ trợ kinh doanh và ổn định tăng trưởng.
Hôm thứ Hai, ông Lý Khắc Cường đã đến thăm một trung tâm đào tạo việc làm ở Bắc Kinh và nhấn mạnh sự cần thiết phải "thúc đẩy nền kinh tế trở lại đúng hướng càng sớm càng tốt" và "giảm tỷ lệ thất nghiệp càng nhanh càng tốt".
Đầu tháng này, nhiều thành phố ở Trung Quốc đã dỡ bỏ việc phong tỏa hoặc nới lỏng các biện pháp phòng chống Covid, bao gồm cả Thượng Hải.
Hôm thứ Ba, Ủy ban Y tế Quốc gia cho biết, Trung Quốc sẽ cắt giảm hơn một nửa thời gian cách ly đối với du khách quốc tế, một sự thay đổi lớn trong chính sách chống Covid của nước này.
Nhưng các nhà phân tích lo ngại rằng, Trung Quốc có thể dính lại vào các hạn chế đi lại nghiêm ngặt do Covid trong thời gian tới.
Hôm thứ Tư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tái khẳng định cam kết của mình với chính sách "zero-Covid" trong chuyến thăm đến TP Vũ Hán, nơi đầu tiên bùng phát virus coronavirus. Ông Tập nói rằng, ông thà "tạm thời hy sinh một chút tăng trưởng kinh tế" hơn là "làm tổn hại sức khỏe của người dân", theo hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa xã.
Zhiwei Zhang, Chủ tịch kiêm Nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, dự kiến sự gia tăng gần đây trong hoạt động kinh tế của Trung Quốc sẽ được duy trì trong tháng 7, khi việc nới lỏng hơn nữa hạn chế di chuyển diễn ra. Tuy nhiên, việc ông Tập tuân thủ lập trường "zero Covid" sẽ cản trở sự phát triển, ông nói thêm.
Zhang nói: "Trung Quốc đang bám sát lập trường chính sách của "zero Covid". Tôi nghĩ điều này có nghĩa là tăng trưởng kinh tế có thể sẽ ở dưới mức tiềm năng trước khi chính sách được nới lỏng hơn nữa".
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement