17/02/2023 16:57
Đã đến lúc phương Tây đối đầu trực diện với Nga?
Khi cuộc tấn công toàn diện của Nga vào Ukraina vẫn chưa có hồi kết, thì nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột kéo dài khác ở khu vực láng giềng của Liên minh châu Âu (EU) với tỷ lệ lạm phát cao và khủng hoảng năng lượng đang rình rập, nhiều khả năng sự ủng hộ đối với Ukraina sẽ giảm.
Một số quốc gia phương Tây dường như một lần nữa lo ngại sẽ kích động Tổng thống Nga Vladimir Putin hơn nữa khi liên tục hỗ trợ Kiev bằng cách tiếp tục viện trợ tài chính và quân sự. Điều đó thể hiện qua sự do dự gần đây của Đức trong việc chuyển giao xe tăng Leopard cho Kiev.
Chưa kể, phương Tây có trách nhiệm hỗ trợ Ukraina trong cuộc chiến tranh diệt chủng của Nga, không những vì lợi ích của Ukraina mà còn vì an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của cả khu vực trong tương lai.
Từ lâu, việc làm ngơ trước các hành động của Nga đã trở thành chính sách của phương Tây đối với Moscow. Nhìn lại quá khứ, những lần không hành động của EU và Mỹ đối với các hành động gây hấn trước đây của Nga đối với các quốc gia mà nước này coi là thuộc "phạm vi ảnh hưởng" của họ có thể đã khiến Putin sáp nhập Bán đảo Crimea vào năm 2014 và bắt đầu cuộc chiến ở miền Đông Ukraina và cuộc khủng hoảng hiện nay.
Đặc biệt, phản ứng quốc tế mờ nhạt của phương Tây đối với cuộc tấn công của Nga vào Gruzia năm 2008 và sự "bình thường hóa" quan hệ nhanh chóng, đặc biệt là nỗ lực "tái cài đặt" quan hệ Nga-Mỹ của chính quyền Barack Obama, thường được coi là một bài học lịch sử quan trọng.
Do đó, việc phương Tây không hành động cùng với sự phụ thuộc vào năng lượng Nga có thể đã củng cố niềm tin của Putin rằng ông có thể làm những gì mình muốn ở các nước láng giềng của Nga mà không phải chịu những hậu quả nghiêm trọng về lâu dài.
Và do đó, Putin đã tiếp tục xâm chiếm các nước láng giềng của Nga bằng cách sáp nhập Bán đảo Crimea vào năm 2014 và phát động một cuộc chiến ủy nhiệm ở miền Đông Ukraina kéo dài cho đến nay.
Mặc dù việc Nga sáp nhập Crimea đã khiến EU và Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt, dẫn đến mối quan hệ ngày càng xấu đi, nhưng mối quan hệ này đã phần nào phục hồi theo thời gian. Trên thực tế, quan hệ với Nga sau năm 2014 hầu như vẫn tiếp tục như không có chuyện gì xảy ra – một ví dụ điển hình là việc tiếp tục dự án đường ống Dòng chảy phương Bắc 2.
Qua đó, ông Putin có lý do để tự tin rằng phát động cuộc chiến với Ukraina sẽ dẫn đến hậu quả từ phương Tây, nhưng những hậu quả này sẽ không kéo dài mãi mãi và quan hệ có thể sẽ bình thường hóa trở lại.
Việc EU phụ thuộc vào năng lượng của Nga và do dự trong việc đa dạng hóa nguồn cung năng lượng của khối này đã khiến Putin tin rằng Brussels sẽ tiếp tục nhắm mắt làm ngơ trước các hành động của ông.
Tuy nhiên, Putin đã tính toán sai khi phát động một cuộc chiến toàn diện vào Ukraina hồi tháng 2/2022. Không giống những lần trước, phương Tây đã kiên quyết phản ứng thống nhất thông qua sự đoàn kết chưa từng có và các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn trước, bao gồm cả các vấn đề gây tranh cãi như dầu mỏ và khí đốt.
Kể từ lúc cuộc chiến bắt đầu, Putin đã bị cô lập ở châu Âu, chỉ có một số chính phủ muốn tiếp tục hợp tác, chẳng hạn như Hungary, đang tìm cách tiếp tục mở rộng nhà máy điện hạt nhân Paks II do Nga tài trợ.
Trong bối cảnh cuộc chiến kéo dài, sự ủng hộ dành cho Ukraina đang dần chững lại. Các quyết định viện trợ tài chính hoặc quân sự đang mất nhiều thời gian hơn, một ví dụ gần đây là tranh cãi về quyết định gửi xe tăng Leopard cho Kiev vì Đức lo ngại leo thang chiến tranh và trở thành một bên trong cuộc xung đột.
Tuy nhiên, phương Tây đã là một phần của cuộc xung đột này, khi họ đang ở trong một cuộc chiến không tấn công trực tiếp với Nga. Nhà sử học Timothy Snyder gần đây đã giải thích rằng những lo ngại về nguy cơ leo thang hạt nhân của Nga đã bị đặt nhầm chỗ.
Hơn nữa, những lời cảnh báo của Putin về việc không can thiệp vào cuộc xung đột và các đe dọa sử dụng hạt nhân của ông đã nhiều lần được chứng minh là một nỗ lực nhằm đánh lừa phương Tây và ngăn cản họ ủng hộ Kiev.
Một năm sau khi xung đột nổ ra, những nỗ lực của Kiev để được cung cấp viện trợ tài chính và trên hết là quân sự để đảm bảo khả năng bảo vệ đất nước trước các cuộc tấn công mới không ngừng gia tăng.
Nếu không có sự hỗ trợ từ bên ngoài, Ukraina có nguy cơ khuất phục trước sự gây hấn của Nga – một kết quả cần phải tránh bằng mọi giá.
Việc hỗ trợ Ukraina không những quan trọng vì mục đích đảm bảo Ukraina sẽ tiếp tục tồn tại, mà còn chứng minh rằng phương Tây cuối cùng đã sẵn sàng đối đầu trực diện với Moscow và họ sẽ không tiếp tục dung thứ cho các hành động của Nga trong khu vực mà nước này coi là "sân sau" của mình, và rằng hành vi gây hấn trong tương lai của Moskva đối với các quốc gia độc lập ở khu vực sẽ không được tha thứ.
Điều này cũng rất quan trọng vì nếu Ukraina sụp đổ, các quốc gia trong khu vực lân cận sẽ nối gót. Mới đây nhất, Moldova một lần nữa bày tỏ lo ngại về khả năng xảy ra đảo chính. Do đó, việc thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraina có thể báo hiệu cho Nga rằng hành động gây hấn hơn nữa ở khu vực láng giềng sẽ không được dung thứ và có thể ngăn cản Moskva leo thang chiến tranh ở một quốc gia hậu Xô Viết khác.
EU không được tỏ ra yếu thế trước Moscow và một lần nữa quay lưng với các quốc gia đang bị đe dọa bởi Nga. Ngược lại, liên minh này phải tiếp tục giúp những nước khác bảo vệ các giá trị mà họ đại diện: dân chủ, tôn trọng luật pháp quốc tế và toàn vẹn lãnh thổ.
Việc nhắm mắt làm ngơ trước các hành động của Moskva và giảm bớt sự ủng hộ dành cho Ukraina vì sợ dồn Putin vào chân tường là lý do đã khiến phương Tây rơi vào thế hiện nay. Thay vì lặp lại những sai lầm mà họ đã mắc phải trong quá khứ, EU cuối cùng cần phải đối mặt trực diện với Nga và tiếp tục hỗ trợ không ngừng cho Ukraina lâu nhất có thể.
(Nguồn: TTXVN/Modern Diplomacy)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement