Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Mở lối thoát cho cuộc chiến Nga - Ukraina

Phân tích

01/02/2023 18:32

Chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga tiến hành tại Ukraina sắp tròn một năm, và cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt sự thù địch.
news

Học giả Robert H. Wade, làm việc tại trường Kinh tế London, đã có bài viết phân tích quá trình những tư tưởng cạnh tranh giữa Mỹ và Nga dẫn đến các diễn biến này và nơi lợi ích của các bên có thể giao thoa đủ để kiến tạo một thỏa hiệp nhằm chấm dứt chiến tranh.

Cuộc khủng hoảng Ukraina về thực chất là cuộc đối đầu giữa hai "siêu sức mạnh" định hình trật tự thế giới. Một bên là những khẳng định từ lâu của Mỹ về "tối thượng" và "quyền bá chủ" đối với các quốc gia khác. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình thường xuyên nhắc đến sự suy sụp của Mỹ và rạn nứt của phương Tây, nhất là từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên trong cách Mỹ và phương Tây phản ứng trước chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga chính là việc Mỹ đã huy động các nước phương Tây - và cả các tập đoàn đa quốc gia phương Tây - để cô lập một thành viên nổi bật trong G20, và từng là nhân tố của G8. Đây chính là sự hiện thực hóa cái gọi là "quyền bá chủ".

Sức mạnh thứ hai tới từ Nga. Các nhà quan sát có xu hướng tập trung vào các hành động của ông Putin và vì vậy thường "bỏ quên" mục tiêu lâu dài của Nga là đưa quốc gia này thành trung tâm của chính trị, văn hóa và kinh tế Á-Âu. 

Việc tập trung vào cá nhân ông Putin, cùng với hy vọng thay đổi chế độ Nga theo hướng dân chủ, cũng bỏ sót một vấn đề lớn hơn là Nga suốt nhiều thế kỷ qua vận hành như một quốc gia "gia trưởng", lãnh thổ cá nhân của Sa hoàng, một cấu trúc được người dân Nga chấp nhận rộng rãi và xem như "lẽ thường". 

Mở lối thoát cho cuộc chiến Nga - Ukraina - Ảnh 1.

Cuộc chiến Nga - Ukraina không hẳn là sự đối đầu giữa Nga và Ukraina.

Giới quý tộc ngày trước từng nắm giữ địa vị và tài sản theo quyết định của Sa hoàng và các nhà tài phiệt ngày nay cũng tương tự. Nói cách khác, giống như ở Trung Quốc, không có khu vực tư nhân theo định nghĩa phương Tây; đúng hơn là chỉ có khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước.

Từ sự sụp đổ của Đế chế Nga năm 1917, nhiều nhà tư tưởng Nga đã phát triển học thuyết về chủ nghĩa Á-Âu. Hệ tư tưởng này bị đàn áp trong thời kỳ Xô Viết nhưng dần bùng nổ trong quá trình cải tổ vào cuối những năm 1980. 

Hệ tư tưởng này coi không chỉ Mỹ mà toàn bộ xã hội Đại Tây Dương là đối thủ của Nga trong "xung đột giữa các nền văn minh", với Chính thống giáo Nga được khai thác như chất kết dính trong cuộc chiến địa chính trị sắp tới. Dưới thời Putin, người ta khai thác mạnh các chủ đề về vinh quang dân tộc và việc Nga là nạn nhân của phương Tây.

Ukraina coi hệ tư tưởng Á-Âu là một trở ngại ngay từ đầu. Vào những năm 1920, các nhà tư tưởng Á-Âu đã nói về "vấn đề Ukraina", coi Ukraina là "chủ nghĩa cá nhân" quá mức và không đủ "Chính thống". Các nhà tư tưởng nổi tiếng của thập niên 1990 cho rằng chủ quyền của Ukraina là "mối nguy hiểm lớn đối với toàn bộ Âu-Á". 

Một nhà tư tưởng thậm chí còn cho rằng dự án Á-Âu của Nga đặt ra đòi hỏi, như một "mệnh lệnh tuyệt đối", về kiểm soát hoàn toàn bờ biển phía Bắc của Biển Đen (ít nhất là để giữ cho Biển Đen là lối đi duy nhất không có băng ở phía Tây nước Nga). Ukraina phải trở thành "một khu vực hành chính thuần túy của nhà nước Nga tập quyền".

Đây chính là tư tưởng đã thôi thúc Putin và dẫn ông tới quyết định tuyên bố Ukraina là "thuộc địa của phương Tây với chế độ bù nhìn" ngay trong đêm ông triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt 24/2/2022.

Tổng thể chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Nga và Trung Quốc nhằm đảm bảo không bên nào trong số này có thể "bá quyền khu vực", chứ chưa nói đến chuyện đủ mạnh để thách thức quyền lực tối cao của Mỹ. 

Chiến lược lớn hơn nhằm kiềm chế Nga là bối cảnh để hiểu về nỗ lực mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với các thành viên mới dọc theo biên giới của Nga, từ vùng Baltic đến Bulgary, và triển khai 30.000 quân; và cũng là để hiểu tại sao Điện Kremlin không coi NATO là một liên minh phòng thủ, bất chấp việc khối khăng khăng về điều này.

Không có gì ngạc nhiên khi Moskva từ lâu đã coi các hành động của Mỹ và NATO là thù địch, là nhằm kích động "thay đổi chế độ" tại Kremlin và dựng nên một nhà cai trị sẵn sàng chấp nhận quyền bá chủ của Mỹ, để Mỹ có thể ngăn chặn một khối Nga-Trung và có thể tập trung hơn vào việc kiềm chế Trung Quốc.

Mở lối thoát cho cuộc chiến Nga - Ukraina - Ảnh 3.

Ukraina bị tàn phá nặng nề kể từ khi chiến tranh diễn ra.

Sau khi tấn công Ukraina, Nga đã phải hứng chịu những lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhất mà Mỹ và châu Âu từng áp đặt đối với bất kỳ quốc gia nào. Ngay cả với những người hoài nghi về tuyên bố "sự kết thúc của đế chế Mỹ", thật kinh ngạc khi chứng kiến hiệu quả mà Mỹ có được trong việc huy động các quốc gia phương Tây xung quanh nỗ lực nhằm cô lập một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới, 1 trong 2 cường quốc hạt nhân hàng đầu và nhà cung cấp năng lượng lớn nhất cho châu Âu.

Tại các quốc gia từng chịu sự thống trị của Đế quốc Nga trong quá khứ, như Ba Lan, vùng Baltic và Ukraina, có quan điểm phổ biến nhất cho rằng cuộc chiến chỉ có thể kết thúc bằng sự tan rã của Liên bang Nga. 

Ukraina và phương Tây phải khiến quân đội Nga sa lầy và duy trì các biện pháp trừng phạt cho đến khi tình trạng khó khăn ở Nga đủ để xây dựng và củng cố - với sự giúp đỡ của phương Tây - các phong trào ly khai nhằm chia rẽ đất nước này.

Những người khác, bao gồm cả Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, cho rằng chiến tranh chỉ có thể kết thúc với việc Nga trả lại cho Ukraina tất cả các vùng lãnh thổ sáp nhập, bao gồm cả Crimea, và tất nhiên là việc loại bỏ Putin. Điều này đi cùng với việc mở rộng NATO và kết nạp Ukraina cùng các quốc gia khác dọc theo biên giới phía Tây và phía Nam nước Nga.

Lập trường chung thứ ba nói rằng phương Tây và chính phủ Ukraina phải chấp nhận một kết quả mà Nga không giành chiến thắng, Ukraina cũng không thua, đảm bảo chiến tranh không lan rộng ra ngoài Ukraina, trong khi cả hai bên đồng ý về một điều gì đó giống như thỏa thuận Minsk, và đảm bảo không có thay đổi chế độ ở Moskva. 

Kịch bản "thực tế" này được cho là khả thi nhất trong bối cảnh hiện nay do bản thân Mỹ và các quốc gia NATO khác đều chịu không ít áp lực về kinh tế, bên cạnh những yêu cầu gắt gao về hỗ trợ tài chính, khí tài quân sự và nhân sự trong cuộc chiến ở Ukraina.

Những tác động của các cú đòn kinh tế với Nga cũng cảm nhận được ở châu Âu qua việc giá cả tăng, thiếu thốn năng lượng và thực phẩm, mất việc làm, việc phải đón nhận hàng triệu người tị nạn Ukraina và thậm chí là thêm cả những người khác từ các quốc gia nghèo đói vốn dựa vào nguồn ngũ cốc và phân bón từ Nga cùng Ukraina. Mỹ cũng hứng chịu những phí tổn nhất định trong cuộc chiến, nơi lạm phát ở mức cao và tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Biden sụt giảm.

Đến một lúc nào đó, Mỹ và các quốc gia phương Tây khác sẽ phải từ bỏ những tham vọng mà họ có về việc thay đổi chế độ. Họ sẽ phải thúc đẩy thỏa hiệp. Các cuộc đàm phán sớm bắt đầu vào năm 2023 có thể giúp tránh được nhiều thương vong hơn và giúp Ukraina tránh biến thành đống đổ nát. 

Phương Tây cần phải học hỏi từ quá khứ và không coi Nga như một bức tường trống trơn để họ có thể tùy ý điêu khắc chủ nghĩa tư bản và dân chủ kiểu phương Tây lên đó, như những gì họ đã cố gắng làm sau sự sụp đổ của Liên Xô và sau đó là Iraq.

(Nguồn: TTXVN)

CHẤN HƯNG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement