17/12/2023 11:30
'Át chủ bài' kinh tế của ông Biden có thật sự hiệu quả?
Với những số liệu tích cực này, người ta có thể "bỏ qua" cho đương kim Tổng thống Joe Biden trước những chỉ trích về thành tích kinh tế gần đây của nước Mỹ.
Giám đốc nhóm tư vấn Global Counsel Erin Caddell cho biết: "Rõ ràng là Tổng thống Joe Biden không nhận được tín nhiệm về việc đó".
Chuyên gia này nói: "Tỷ lệ ủng hộ của Tổng thống Biden chỉ là 40%, thậm chí còn thấp hơn cả cựu Tổng thống Donald Trump ở giai đoạn này của nhiệm kỳ Tổng thống. Khi đó, ông Trump có tỷ lệ ủng hộ 44%".
Có lẽ, nguyên nhân sâu xa đằng sau việc này nằm ngoài tỷ lệ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng đầu của Mỹ. Có nhiều bằng chứng cho thấy "nỗi đau" tài chính của các hộ gia đình có thể "cản bước" Tổng thống Biden.
Thứ nhất, mặc dù lạm phát ở Mỹ giảm đáng kể nhưng điều này không có nghĩa là người dân ngay lập tức cảm nhận được lợi ích việc này. Lạm phát đã chậm lại từ mức hơn 9% vào lúc cao điểm năm ngoái xuống còn 3,2% vào tháng Mười.
Tuy nhiên, chi phí vẫn đang tăng, có nghĩa là các hộ gia đình không thể cảm thấy nhẹ nhõm.
Giám đốc Caddell nhận định: "Bạn có thể nói rằng lạm phát đã giảm từ mức gần 10% xuống còn 3%, nhưng người dân khi đi siêu thị không so sánh giá hiện nay với giá của tháng trước, mà họ so sánh với giá của 18 tháng trước".
"Giá của rất nhiều mặt hàng - bao gồm thực phẩm, ô tô hay bất cứ thứ gì - đều tăng, vì vậy có cảm giác như dư âm của đại dịch COVID-19 đang sẽ kéo dài rất lâu".
Và tất nhiên, Tổng thống Biden đứng trước nguy cơ "đứng mũi chịu sào".
Ông Caddell nói: "Việc chính quyền Tổng thống Biden trong những năm đầu tiên của nhiệm kỳ đã chi rất nhiều tiền cho hoạt động cứu trợ sau COVID-19 có thể là nguyên nhân khiến giá tăng cao."
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng đã tăng lãi suất nhanh để đưa lạm phát về mức mục tiêu. Điều này dường như đang mang lại hiệu quả. Nhưng các hộ gia đình đang mắc nợ khó có thể hài lòng với việc lãi suất tăng cao đang làm tăng thêm chi phí sinh hoạt của họ. Ngoài ra, khả năng vay nợ để mua sắm, vốn trở nên phổ biến trong thời kỳ tiền COVID-19 có lãi suất thấp, cũng gặp nhiều khó khăn.
Ông Paul Mortimer-Lee, thành viên tại Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Quốc gia (NIESR), cho biết điều này tạo ra sự khác biệt rất lớn đối với các hộ gia đình.
Ông Paul Mortimer-Lee nói: "Nếu bạn là người Mỹ, bạn muốn có một ngôi nhà và bạn chắc chắn cần một chiếc ô tô, nhưng họ không đủ khả năng mua những thứ quan trọng nhất này".
Lãi suất ảnh hưởng rất nhiều đến chi phí sinh hoạt. Thực tế việc lãi suất tăng là điều khủng khiếp. Đó thực sự là một tin xấu.
Khi người dân không thể đi vay để mua chiếc xe họ muốn vì nó quá đắt, họ cũng không thể đi vay để mua được ngôi nhà như y muốn, thì liệu họ có thể hạnh phúc hay không?
Trong thời kỳ đại dịch, chi tiêu hộ gia đình sụt giảm do các gia đình không có lựa chọn nào khác ngoài việc ở nhà và người lao động tiết kiệm tiền đi lại. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Mỹ đã gửi séc đến các hộ gia đình. Vào thời điểm đó, phần lớn nền kinh tế bị đóng cửa nên điều này có nghĩa là các gia đình có thể tiết kiệm tiền mặt.
Chi nhánh Fed tại San Francisco ước tính cái gọi là "tiết kiệm vượt mức" đạt đỉnh tổng cộng 2.100 tỷ USD vào tháng 8/2021.
Sau khi các lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, người tiêu dùng sẽ nhanh chóng đẩy mạnh chi tiêu. Điều này giúp thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của Mỹ. Tuy nhiên, số tiền tiết kiệm đó giờ gần như không còn nữa. Fed cho biết vào tháng Mười rằng trong số 2.100 tỷ USD chỉ còn lại 350 tỷ USD.
Hậu quả là, theo nhà kinh tế Andrew Hollenhorst tại Citi, áp lực lên các hộ gia đình đang bắt đầu thể hiện rõ: "Số nợ tín dụng quá hạn ngày càng gia tăng cho thấy tình hình tài chính của các cá nhân đang trở nên căng thẳng hơn".
Thị trường lao động Mỹ đã trải qua thời kỳ bùng nổ sau đại dịch, khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,6% vào tháng 4/2022, từ mức 14,7% của hai năm trước đó. Tuy nhiên, tốc độ cải thiện đó đã chậm lại và người lao động bắt đầu chú ý.
Từ mức đỉnh điểm hơn 12 triệu vị trí được tuyển dụng vào tháng 3/2022, số lượng việc làm tại Mỹ được tuyển dụng gần đây đã giảm xuống còn 8,7 triệu.
Con số này vẫn cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch, nhưng lại là mức thấp nhất được ghi nhận kể từ tháng 3/2021, khi đại dịch COVID-19 vẫn còn là một mối đe dọa. Thị trường việc làm trở nên "nguội lạnh" có nghĩa là người lao động ít tự tin hơn trong việc tìm kiếm những việc làm mới và có thể được trả lương cao hơn.
"Tỷ lệ bỏ việc", bao gồm những người từ chức, đã tăng lên mức cao kỷ lục 3% vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Con số này sau đó giảm xuống còn 2,3%, gần bằng mức trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện.
Tuy nhiên, có lẽ điều đáng lo ngại hơn là việc một số chuyên gia tin rằng dữ liệu kinh tế của Mỹ có thể hoàn toàn sai.
Chuyên gia Tim Drayson, người đứng đầu bộ phận kinh tế tại Ban Quản lý Đầu tư Tổng hợp và Pháp lý, cho biết: "Nhận thức thực tế là nền kinh tế đang không hoạt động tốt như những gì tăng trưởng GDP thể hiện". Chuyên gia này cho rằng đến một thời điểm nào đó, chỉ số này sẽ được điều chỉnh giảm.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ Tổng thống Biden có thể làm gì để khắc phục điều đó.
Cho đến nay, ông Biden đã có một nhiệm kỳ Tổng thống với một số chính sách cực kỳ tốn kém, bao gồm cả Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) dự kiến sẽ chi hơn 1.000 tỷ USD để đầu tư vào khí hậu.
Với khoản chi khổng lồ này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán Mỹ sẽ hướng tới việc phải "gánh" mức nợ tương đương ít nhất 7% GDP mỗi năm.
Giám đốc Caddell khẳng định: "Thông điệp của Bidenomics về những điều tuyệt vời đều đã không xảy ra".
Chuyên gia này cho rằng vào đầu năm tới, nếu ông Trump được đảng Cộng hòa đề cử thì mọi diễn biến sẽ rất khó đoán. Chủ tịch của công ty nghiên cứu Langer Research Associates Gary Langer cho biết bất chấp những thăng trầm trong ngắn hạn, bức tranh dài hạn về kinh tế Mỹ là một trong những nỗi đau kéo dài đối với một bộ phận đáng kể cử tri Mỹ.
Ông Langer lưu ý rằng sau khi điều chỉnh lạm phát, lương thực tế tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đã giảm trong bốn thập kỷ qua đối với một người đàn ông Mỹ trung bình không có bằng đại học. Đợt bùng nổ lạm phát gần đây là một trải nghiệm mới đầy đau đớn đối với những người đang gặp khó khăn.
(Nguồn: TTXVN/The Telegraph)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement