28/11/2023 15:06
Kinh tế Mỹ có khởi sắc nếu Fed cắt giảm lãi suất?
Thị trường hy vọng rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu chuỗi cắt giảm lãi suất từ tháng 1/2024 và đạt mức đỉnh điểm là 4,492% vào tháng 1/2025.
Những kỳ vọng này dựa trên nhận thức rằng Fed sẽ có thể "hạ cánh mềm" và lạm phát sẽ giảm nhanh chóng. Tuy nhiên, những người tham gia thị trường có thể gặp quá nhiều rủi ro vì những lý do không đáng có.
Các thông điệp của Fed mâu thuẫn với những dự báo trước đó. Chủ tịch Fed Jerome Powell tiếp tục nhắc nhiều đến khả năng tăng lãi suất hơn là cắt giảm lãi suất và cuộc chiến chống lạm phát vẫn chưa kết thúc. Thị trường không tuân theo tổng lượng tiền tệ và những gì chúng thể hiện không tốt cho nền kinh tế.
Theo Fed, từ tháng 9/2022 đến tháng 9/2023, tiền tệ thanh toán (M1) đã giảm từ 20.281 tỷ USD xuống 18.170 tỷ USD và tiền tệ mở rộng (M2) giảm từ 21.520 tỷ USD xuống 20.750 tỷ USD. Tuy nhiên, tổng số tiền vay đã tăng từ 20.300 tỷ USD lên 22.300 tỷ USD.
Đây là tổng số tiền vay từ Fed, bao gồm cả các khoản vay từ "các chương trình tín dụng chính, phụ và theo mùa của cửa sổ chiết khấu và các khoản vay khác từ các cơ sở cho vay khẩn cấp".
Điều này có ý nghĩa gì đối với lạm phát và nền kinh tế? Đầu tiên, lượng tiền trong hệ thống không giảm, mà về cơ bản lượng tiền đang tăng lên để duy trì sự tồn tại của hệ thống ngân hàng vốn gặp nhiều khó khăn.
Vì tổng lượng tiền tệ đang giảm nhanh chóng nên tín dụng đối với gia đình và doanh nghiệp đang giảm và chi phí nợ đang tăng ở mức báo động, song việc Fed bơm thanh khoản vào các ngân hàng và người cho vay lại ở mức cao kỷ lục. Đây là những lý do khiến lạm phát không giảm như kỳ vọng.
Việc in tiền đang diễn ra nhưng khu vực sản xuất không nhận được những lợi ích từ việc này. Trên thực tế, khu vực tư nhân đang hứng chịu hậu quả của việc siết chặt tiền tệ.
Do khoản vay từ Fed tiếp tục đạt các mức cao mới, lạm phát khó có thể giảm nhanh như mức giảm tiền tệ mở rộng và tăng trưởng tiền quá mức tiếp tục tạo ra những khó khăn trong nền kinh tế vốn ít đươc cải thiện bởi nó chỉ giúp cho sự tồn tại của các tổ chức tài chính zombie (các tổ chức mất khả năng thanh toán và chỉ có thể tiếp tục hoạt động nhờ sự giúp đỡ của chính phủ).
Trong kịch bản này, nếu nền kinh tế không bắt đầu tăng trưởng nhanh mà không có bất kỳ cú huých tín dụng đáng kể nào thì việc Fed có cắt giảm lãi suất hay không cũng không quan trọng.
Fed có thể sẽ tiếp tục bỏ qua hoạt động yếu kém của khu vực tư nhân, đầu tư ít ỏi và chấp nhận con số Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng cao do nợ nần, trong khi tỷ lệ thất nghiệp có thể vẫn ở mức thấp nhưng với mức tăng lương thực tế là âm.
Nếu lạm phát vẫn tiếp tục kéo dài dai dẳng, Fed sẽ không cắt giảm lãi suất và tình trạng suy thoái của khu vực tư nhân sẽ trở nên tồi tệ hơn vì lượng tiền giảm sẽ đến từ các gia đình và doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu Fed quyết định cắt giảm lãi suất thì đó là do cơ quan này nhận thấy tổng nhu cầu giảm đáng kể.
Do đó, khi chi tiêu chính phủ không giảm, nhu cầu giảm sẽ đến từ khu vực tư nhân và việc cắt giảm lãi suất sẽ không khiến các gia đình và doanh nghiệp vay thêm tín dụng vì họ vốn đã làm như vậy rồi.
Với những điều kiện này, gần như không thể tạo ra cú huých tín dụng vững chắc và tích cực từ việc cắt giảm lãi suất khi nền kinh tế mất đi hiệu ứng placebo của việc tích lũy nợ. Thật khó để tin rằng khu vực sản xuất sẽ phản ứng trước việc cắt giảm lãi suất trong bối cảnh thu nhập và tiền lương trên thực tế đang giảm.
Việc cắt giảm lãi suất sẽ chỉ xuất phát từ sự sụt giảm tổng cầu và đây chỉ có thể là hậu quả của sự sụp đổ trong khu vực tư nhân. Vào thời điểm Fed quyết định cắt giảm lãi suất, tác động tiêu cực đến thu nhập và tỷ suất lợi nhuận khó có thể khiến thị trường tăng cao hơn như nhiều người mong đợi.
Việc cắt giảm lãi suất của Fed có thể là ảo ảnh cuối cùng. Nếu Fed cắt giảm lãi suất, đó là do cơ quan này không đạt được "hạ cánh mềm" và khi đó sẽ khó quản lý được những khoản nợ tích lũy đầy rủi ro cũng như các khoản vay của Fed.
(Nguồn: TTXVN/Eurasia Review)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement