Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

8 bài học rút ra từ cuộc chiến ở Ukraina

Phân tích

20/06/2022 09:39

Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh tấn công Ukraina ngày 24/2, ông hẳn đã hình dung rằng lực lượng Nga sẽ nhanh chóng chiếm giữ thủ đô Kiev của Ukraina và chính phủ Kiev sẽ bị thay đổi, tương tự như các cuộc can thiệp của Liên Xô ở Budapest năm 1956 và Prague năm 1968.

Nhưng thực tế không phải vậy. Cuộc chiến tranh ở Ukraina vẫn đang tiếp diễn, và không ai biết nó sẽ kết thúc khi nào và như thế nào.

Trong khi một số nhà quan sát kêu gọi sớm ngừng bắn, những người khác lại nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trừng phạt sự xâm lược của Nga. Tuy nhiên, cuối cùng, kết quả sẽ được xác định bởi các dữ kiện trên thực tế. 

Do còn quá sớm để đoán khi nào chiến tranh kết thúc, nên việc đưa ra một số kết luận rõ ràng là quá hấp tấp. Tuy nhiên, ngay cả ở giai đoạn đầu này, có ít nhất 8 bài học - một số cũ, một số mới - mà thế giới đang rút ra (hoặc tái phân tích) từ cuộc chiến ở Ukraina.

8 bài học rút ra từ cuộc chiến ở Ukraina - Ảnh 1.

Thứ nhất, khả năng răn đe hạt nhân đang phát huy tác dụng. Những lời đe dọa (về việc sử dụng vũ khí hạt nhân) của Putin đã khiến các chính phủ phương Tây không dám gửi quân đến Ukraina

Kết quả này không phản ánh bất kỳ khả năng hạt nhân vượt trội nào của Nga; đúng hơn, nó phản ánh khoảng cách giữa định nghĩa của Putin và định nghĩa của phương Tây về Ukraina (Putin coi Ukraina là một vấn đề nằm trong lợi ích quốc gia quan trọng của Nga, còn phương Tây cũng coi là Ukraina một nhân tố quan trọng nhưng không mang tính sống còn).

Thứ hai, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế không ngăn cản được chiến tranh. Mặc dù bài học này từng được công nhận rộng rãi - đặc biệt là sau khi Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra giữa các đối tác thương mại hàng đầu thế giới - nhưng nó lại bị các nhà hoạch định chính sách của Đức như cựu Thủ tướng Gerhard Schröder phớt lờ. 

Chính phủ của ông đã tăng cường nhập khẩu và phụ thuộc vào dầu và khí đốt của Nga, có lẽ cho rằng việc phá vỡ quan hệ thương mại sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho cả hai bên. Tuy nhiên, dù sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế có thể làm tăng phí tổn của chiến tranh, song rõ ràng điều đó không ngăn được chiến tranh.

Thứ ba, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế có thể được "vũ khí hóa" bởi bên ít phụ thuộc hơn, còn nếu sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các bên là cân bằng, thì sự phụ thuộc đó sẽ có rất ít sức mạnh. 

Nga phụ thuộc vào nguồn thu từ xuất khẩu năng lượng của mình để tài trợ cho cuộc chiến, nhưng châu Âu lại quá phụ thuộc vào năng lượng của Nga để cắt bỏ hoàn toàn nguồn năng lượng này. Sự phụ thuộc lẫn nhau về mặt năng lượng gần như là đối xứng. (Mặt khác, trong thế giới tài chính, Nga dễ bị tổn thương hơn trước các lệnh trừng phạt của phương Tây, điều này có thể bị tổn hại nhiều hơn theo thời gian).

Thứ tư, dù các biện pháp trừng phạt có thể làm tăng tổn thất cho những kẻ xâm lược, song chúng không mang lại kết quả trong ngắn hạn. Giám đốc CIA William Burns (cựu đại sứ Mỹ tại Nga) được cho là đã gặp Putin hồi tháng 11 năm ngoái và cảnh báo rằng một cuộc xâm lược sẽ kích hoạt các lệnh trừng phạt, nhưng lời cảnh báo đó dường như không có kết quả. Putin nghi ngờ rằng phương Tây có thể duy trì sự thống nhất về các lệnh trừng phạt.

Thứ năm, chiến tranh thông tin tạo ra sự khác biệt. Như John Arquilla của RAND đã chỉ ra cách đây 2 thập kỷ, kết quả của chiến tranh hiện đại không chỉ phụ thuộc vào quân đội của ai chiến thắng mà còn phụ thuộc vào "câu chuyện của ai chiến thắng".

Việc Mỹ tiết lộ thông tin tình báo một cách thận trọng về các kế hoạch quân sự của Nga đã tỏ ra khá hiệu quả trong việc "bóc trần trước" những câu chuyện của Putin ở châu Âu và nó góp phần to lớn vào sự đoàn kết của phương Tây khi cuộc xâm lược diễn ra như dự đoán.

8 bài học rút ra từ cuộc chiến ở Ukraina - Ảnh 3.

Một khung cảnh cho thấy một kho tàu điện bị phá hủy bởi một cuộc tấn công tên lửa của Nga, khi cuộc tấn công của Nga vào Ukraina tiếp tục, ở Kharkiv ngày 18/6/2022. Ảnh: REUTERS

Thứ sáu, vấn đề quyền lực cứng và mềm. Dù sự ép buộc vượt trội hơn sự thuyết phục xét trong ngắn hạn, song quyền lực mềm có thể tạo ra sự khác biệt theo thời gian. Quyền lực thông minh là khả năng kết hợp quyền lực cứng và mềm để chúng củng cố hơn là mâu thuẫn với nhau. 

Putin đã không làm được điều đó. Sự tàn bạo của Nga ở Ukraina đã tạo ra sự phản đối đến mức cuối cùng Đức đã quyết định đình chỉ đường ống dẫn khí Nord Stream 2 - một kết quả mà áp lực của Mỹ trong nhiều năm đã không đạt được. 

Ngược lại, Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, một cựu diễn viên, đã sử dụng kỹ năng kịch được mài giũa chuyên nghiệp của mình để trình bày một bức chân dung hấp dẫn về đất nước của mình, không chỉ gây thiện cảm mà còn nhận được cả những thiết bị quân sự cần thiết.

Thứ bảy, khả năng mạng không phải là một "viên đạn bạc". Nga đã sử dụng vũ khí mạng để can thiệp vào lưới điện của Ukraina ít nhất từ năm 2015, và nhiều nhà phân tích đã dự đoán một cuộc tấn công mạng nhằm vào cơ sở hạ tầng và chính phủ của Ukraina khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược. 

Tuy nhiên, mặc dù đã có nhiều cuộc tấn công mạng trong chiến tranh, nhưng không có cuộc tấn công nào mang lại kết quả rộng lớn hơn. Khi mạng vệ tinh Viasat bị tin tặc tấn công, Zelensky vẫn tiếp tục giao tiếp với khán giả thế giới thông qua nhiều vệ tinh nhỏ do Starlink cung cấp.

Hơn nữa, thông qua quá trình đào tạo và kinh nghiệm, khả năng phòng thủ không gian mạng của Ukraina đã được cải thiện. Khi chiến tranh bắt đầu, vũ khí động học cung cấp khả năng đánh giá đúng thời gian, độ chính xác và thiệt hại cho các chỉ huy cao hơn so với vũ khí mạng. Với vũ khí mạng, không phải lúc nào bạn cũng biết liệu một cuộc tấn công đã thành công hay chưa. Nhưng với thuốc nổ, bạn có thể nhìn thấy tác động và đánh giá thiệt hại dễ dàng hơn.

Cuối cùng, bài học quan trọng nhất cũng là một trong những bài học lâu đời nhất: chiến tranh là không thể đoán trước. Như Shakespeare đã viết cách đây hơn 4 thế kỷ, thật nguy hiểm nếu một nhà lãnh đạo "tuyên chiến và phát động chiến tranh". Lời hứa về một cuộc chiến ngắn có sức quyến rũ khôn lường. 

Tháng 8/1914, các nhà lãnh đạo châu Âu nổi tiếng dự kiến quân đội sẽ "về nhà vào Giáng sinh". Thế nhưng, thay vào đó, họ đã gây ra 4 năm chiến tranh, và 4 trong số các nhà lãnh đạo đó đã mất quyền lực. 

Ngay sau cuộc xâm lược Iraq năm 2003 của Mỹ, nhiều người ở Washington đã dự đoán về một bước đi nhỏ ("Sứ mệnh đã hoàn thành" được đọc trên biểu ngữ tàu chiến vào tháng 5 năm đó), nhưng nỗ lực này đã bị sa lầy trong nhiều năm. Và hiện giờ đến lượt Putin rơi vào tình cảnh đó.

(Nguồn: TTXVN)

PV
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement