Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Ukraina 'khát' viện trợ như thế nào?

Phân tích

21/01/2024 13:47

Sự ổn định kinh tế khó khăn lắm mới có được của Ukraina lại bị đe dọa khi chính phủ phải đối mặt với nguy cơ thâm hụt ngân sách trầm trọng và 2 nhà tài trợ lớn nhất của nước này – Mỹ và EU - cho đến nay vẫn chưa quyết định cung cấp thêm viện trợ.

Nếu không nhận được cam kết hỗ trợ trước đầu tháng 2, khi các nhà lãnh đạo EU gặp gỡ để quyết định về viện trợ và nếu không nhận được tiền trước tháng 3, thì những tiến bộ mà Ukraina đạt được trong việc chống lạm phát có thể bị lung lay. 

Những khoản viện trợ này đã giúp người dân có thể tiếp tục trả tiền thuê nhà, có đủ thức ăn và chống lại những âm mưu của Nga nhằm phá vỡ ý chí quyết tâm trong xã hội Ukraina.

Vấn đề này đã được Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken và Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đề cập khi họ gặp nhau tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ hôm 16/1 vừa qua. 

Ông Blinken cho hay: "Chúng tôi kiên quyết duy trì sự ủng hộ đối với Ukraina, chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với Quốc hội để làm điều đó. Tôi biết các đồng nghiệp châu Âu của chúng tôi cũng đang làm như vậy".

Ukraina 'khát' viện trợ như thế nào?- Ảnh 1.

Một người phụ nữ vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo về nhà ở thị trấn tiền tuyến Chasiv Yar ở vùng Donetsk phía đông Ukraina vào ngày 5/1.

Tại sao viện trợ của các đồng minh lại quan trọng với nền kinh tế Ukraina đến vậy?

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế Ukraina đã cho thấy "khả năng chống chịu đáng chú ý". Trong những tháng đầu tiên của cuộc chiến năm 2022, sản lượng kinh tế của Ukraina đã sụt giảm 1/3 do bị chiếm đóng và tàn phá cũng như việc Nga kiểm soát khu trung tâm công nghiệp nặng của Kiev. Lạm phát cũng tăng vọt lên mức cao không tưởng là 26% do Ngân hàng Trung ương phải in tiền để trang trải các khoản thâm hụt ngân sách lớn.

Tuy nhiên bước sang năm 2023, nền kinh tế nước này đã có sự phục hồi, lạm phát giảm xuống còn 5,7% và tăng trưởng kinh tế đạt 4,9% - cao hơn một số nền kinh tế lớn như Đức. Hệ thống ngân hàng của Ukraina vẫn hoạt động, các trường học và phòng khám bệnh vẫn mở cửa, và tiền lương hưu vẫn được chi trả.

Ukraina gần như đã dùng hết toàn bộ số tiền thuế thu được để trang trải cho chiến tranh. Điều đó tạo ra khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ vì vẫn còn nhiều khoản chi khác cần thiết để duy trì hoạt động của xã hội, chẳng hạn như lương hưu cho người già, lương cho giáo viên, bác sĩ, y tá và nhân viên nhà nước.

Ukraina 'khát' viện trợ như thế nào?- Ảnh 2.

Tỷ lệ lạm phát hàng năm ở Ukraina không thay đổi ở mức 5,1% vào tháng 12/2023, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020.

Hồi đầu chiến tranh, Ukraina đã phải nhờ Ngân hàng Trung ương in tiền mới, một biện pháp rủi ro tạm thời vì nó có thể gây ra lạm phát và phá hủy giá trị đồng hryvnia của nước này. Khi nguồn đóng góp từ các nhà tài trợ trở nên thường xuyên và dễ dự tính được hơn, thì Ukraina đã có thể dừng việc in tiền mới, và ngân sách được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2023 không còn phải dựa vào biện pháp này.

Ông Hlib Vyshlinsky, Giám đốc điều hành của Trung tâm Chiến lược Kinh tế, một tổ chức chính sách ở Kiev, cho biết một thành tựu quan trọng mà Ukraina đã đạt được là điều chỉnh tiền lương hưu, có thể lên đến khoảng 100 USD/tháng, để bù đắp cho lạm phát. 

Ông nói: Việc in thêm tiền và lạm phát gia tăng sau đó "sẽ đẩy nhiều người vào cảnh nghèo đói thực sự". Để tránh lặp lại việc phải in thêm tiền, Ukraina cần "một quyết định vào đầu tháng 2 và tiền vào đầu tháng 3", ông Vyshlinsky nói thêm.

Tác động đến người dân

Ukraina nghèo hơn đáng kể so với phần còn lại của châu Âu. Hàng triệu người phải chi đến 80% thu nhập cho nhu cầu cơ bản nhất là thực phẩm và phần còn lại để mua thuốc men. Cách duy nhất để có thể mua thêm những vật ngoài thiết yếu, như quần áo hay giày dép, là giảm bớt khoản chi cho thức ăn và thuốc men.

Sự phục hồi kinh tế gần đây đã giúp duy trì hoạt động của những doanh nghiệp như trang web concert.ua của Dmytro Felixov, một trong những nền tảng mua vé xem kịch, hòa nhạc và hài kịch phổ biến nhất ở Ukraina. Anh đã trải qua không ít thăng trầm, trong đó có cả sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.

Ukraina 'khát' viện trợ như thế nào?- Ảnh 3.

Lãi suất cho vay ở Ukraina giảm xuống 20,01% trong tháng 11 từ mức 20,16% vào tháng 10/2023. Lãi suất cho vay ở Ukraina trung bình là 18,51% từ năm 1998 đến năm 2023, đạt mức cao nhất mọi thời đại là 53,40% vào tháng 10/1998 và mức thấp kỷ lục là 10,9% vào tháng 10/2020. Nguồn: Ngân hàng Quốc gia Ukraina

Felixov cho rằng chiến tranh đã dẫn đến một "sự hồi sinh văn hóa nhất định", khiến người dân Ukraina quan tâm đến văn hóa nhiều hơn. Anh dự đoán lợi nhuận của mình sẽ quay trở lại mức trước chiến tranh vào khoảng năm 2025: "Doanh nghiệp của chúng tôi sẽ tồn tại được".

Ngay cả những đợt tấn công tên lửa thường xuyên cũng không còn ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh của Felixov. Anh cho biết, trong đợt tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái kỷ lục của Nga vào ngày 29/12, doanh số bán vé giảm 20%, nhưng đã ngay lập tức trở lại bình thường vào ngày hôm sau. Felixov nói rằng nếu trước đây, mọi người đi xem biểu diễn để thư giãn thì giờ đây, họ xem đó là cách giải tỏa tâm lý.

Mọi thứ đang dừng ở đâu?

Năm 2024, ngân sách Ukraina dự kiến cần 41 tỷ USD từ các nhà tài trợ để lấp đầy những lỗ hổng kinh tế và tránh in thêm tiền. Ukraina đang trông đợi khoản viện trợ 8,5 tỷ USD từ Mỹ và 18 tỷ USD từ EU, nhưng điều này vẫn chưa chắc chắn.

Tháng 12/2023, các nhà lãnh đạo EU đã không thể thống nhất về gói viện trợ trong 4 năm trị giá 52 tỷ USD cho Ukraina. Hungary đã không đồng ý với thỏa thuận này, trong khi để thông qua thì cần sự nhất trí của tất cả 27 thành viên EU. Tuy nhiên, khối đang nỗ lực tìm cách để 26 quốc gia còn lại thỏa thuận cùng nhau cung cấp tiền trước hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo vào ngày 1/2 tới.

Tại Mỹ, nơi các nghị sĩ Đảng Cộng hòa tại Quốc hội đã gắn các khoản viện trợ cho Ukraina với biện pháp đảm bảo an ninh biên giới nhằm ngăn chặn nhập cư bất hợp pháp, thì vấn đề này càng không chắc chắn. Hiện vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra.

Hồi tháng 10/2023, Nhà Trắng đã yêu cầu Quốc hội dành 11,8 tỷ USD để hỗ trợ ngân sách cho Ukraina trong 12 tháng. Trong bức thư gửi Quốc hội Mỹ ngày 20/10, Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Shalanda D. Young cho biết số tiền này sẽ "đảm bảo rằng Putin không thành công trong việc đánh sập nền kinh tế Ukraina".

Ukraina 'khát' viện trợ như thế nào?- Ảnh 4.

Ukraina ghi nhận nợ Chính phủ trên GDP là 78,40% Tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2022. Nợ Chính phủ trên GDP ở Ukraina trung bình là 44,72% GDP từ năm 1997 đến năm 2022, đạt mức cao nhất mọi thời đại là 81,00% GDP vào năm 2016 và là kỷ lục mức thấp 12,30% GDP năm 2007. Nguồn: Bộ Tài chính Ukraina

Ngày 16/1, tại Davos, Zelensky tuyên bố rằng ông tin chỉ còn "vài tuần" nữa EU và Mỹ sẽ cung cấp thêm viện trợ.

IMF đã đóng vai trò quan trọng trong việc kêu gọi sự ủng hộ, phê duyệt chương trình vay 15,6 tỷ USD trong 4 năm cho Ukraina. Khoản tiền này đã tạo động lực để huy động thêm 115 tỷ USD từ các nhà tài trợ khác vì nó đặt ra các điều kiện đảm bảo tốt chính sách kinh tế và yêu cầu Ukraina cải thiện hệ thống pháp luật, thuế và chống tham nhũng.

Hiện có một cuộc tranh luận về việc tịch thu khoảng 300 tỷ USD tài sản của Nga ở nước ngoài đã bị đóng băng bởi các chính phủ ủng hộ Ukraina. Về mặt lý thuyết, số tiền này có thể giải quyết tình trạng bế tắc về tiền thuế ở Washington và Brussels - nhưng nó cũng phải đối mặt với những lo ngại về pháp lý và tác động kinh tế của một bước đi quyết liệt như vậy.

(Nguồn: TTXVN/AP/ABC News)

CHẤN HƯNG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement