Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Quân đội Ukraina cần vũ khí do Nga sản xuất, chứ không phải của Mỹ

Quân sự

17/10/2022 20:07

Mỹ và phương Tây đang nỗ lực cung cấp thêm vũ khí cho Ukraina nhằm chống lại Nga, tuy nhiên điều trớ trêu là quân đội Ukraina lại quen sử dụng các hệ thống vũ khí đạn dược do Liên Xô và sau này là Nga chế tạo.

Kể từ khi quân đội Nga ồ ạt oanh kích Ukraina hôm 10/10 vừa qua, đặc biệt là nhằm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng trọng yếu, nhiều nước phương Tây nhất loạt thông báo cung cấp thêm các vũ khí tiên tiến, nhất là hệ thống phòng không, để giúp Ukraina vô hiệu hóa các cuộc oanh kích của Nga. Tuy nhiên, vũ khí hiện đại, tối tân theo chuẩn phương Tây chưa hẳn là đủ với quân đội Ukraina, vốn dĩ đã quen sử dụng các hệ thống vũ khí đạn dược do Liên Xô và sau này là Nga chế tạo.

Sau khi chiến tranh Ukraina nổ ra hồi cuối tháng 2, một số nước như Phần Lan, hay các nước vệ tinh cũ của Liên Xô như Bulgaria, Romania đã chấp thuận gửi cho Ukraina các loại vũ khí và đạn dược do Liên Xô hoặc Nga sản xuất. 

Tuy nhiên, sau 7 tháng giao tranh, trong khi cuộc chiến đang vào giai đoạn khốc liệt trước khi mùa Đông đến, kho dự trữ của Ukraina đang cạn dần và việc bổ sung kho vũ khí, đạn dược ngày càng trở nên phức tạp đối với Kiev.

Trên thế giới, hiện vẫn còn nhiều nước có vũ khí do Liên Xô hay Nga chế tạo, nhưng một số không muốn can dự vào xung đột Nga-Ukraina để tránh làm phật lòng Nga, chẳng hạn Algeria, một số khác lại là đồng minh của Moskva. Mỹ đã rất tích cực vận động các nước hỗ trợ Kiev, nhưng mọi chuyện không đơn giản.

Quân đội Ukraina cần vũ khí do Nga sản xuất, chứ không phải của Mỹ - Ảnh 1.

Những vũ khí được các nước cung cấp cho Ukraina.

Chẳng hạn, hôm 1/10 Washington thông báo dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Cyprus, nước sở hữu nhiều vũ khí Liên Xô và Nga, nhưng Cyprus lại muốn giữ lại số vũ khí này để đề phòng Ankara gây xung đột. Bên cạnh đó, chắc chắn Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không ủng hộ quyết định của Cyprus và điều này có thể khiến quan hệ đôi bên thêm căng thẳng. 

Hiện nay, vũ khí mà Kiev được bổ sung nhiều nhất là hệ thống lá chắn tên lửa, thế nhưng đó lại là loại vũ khí chiến lược. Theo giải thích của ông Léo Périat - chuyên gia về vũ trang thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp - trên đài RFI Pháp ngữ ngày 13/10, không dễ mà các nước có hệ thống lá chắn tên lửa giao cho Ukraina

Ông nói: "Rất tiếc là Ukraina lại yêu cầu những hệ thống rất tiên tiến (do Liên Xô hoặc Nga chế tạo), thứ mà các nước sở hữu thường không muốn từ bỏ. Điều này là có thể hiểu được, bởi vì các nước này cũng phải nghĩ đến hệ thống phòng thủ của chính họ, đặc biệt là hệ thống lá chắn tên lửa S-300 vốn được lắp đặt ở nhiều nước, nhưng những nước này thường coi các hệ thống đó là rất quý giá, nên họ khó có thể cho Ukraina nếu không có hệ thống thay thế, mà việc thay thế toàn bộ đôi khi phải mất nhiều năm". 

Ông nói thêm rằng các vũ khí do Liên Xô hoặc Nga chế tạo hiện giờ vẫn cần thiết cho Ukraina bởi có thể nói là quân đội Ukraina vẫn là một lực lượng vũ trang hậu duệ của Liên Xô. Về cơ bản, cỡ đạn Ukraina sử dụng vẫn theo chuẩn Liên Xô, các quy trình vận hành vẫn là theo kiểu Liên Xô, cho dù quá trình hiện đại hóa đúng là đã diễn ra và đã được khởi động rất tốt, nhờ có sự trợ giúp của phương Tây, nhất là Canada và Anh, kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraina.

Tuy nhiên, mặc dù các vũ khí do Liên Xô hoặc Nga chế tạo đúng là cần thiết, nhưng Ukraina cũng đề nghị được viện trợ nhiều loại vũ khí khác theo chuẩn NATO. Hệ thống phòng không Iris-T của Đức, hệ thống NASAMS của Mỹ, tên lửa phòng không AMRAAM của Anh có thể bắn hạ tên lửa hành trình, hệ thống radar và tên lửa phòng không của Pháp là những loại vũ khí vừa mới hoặc sắp được các nước chuyển cho Ukraina

27 nước Liên minh châu Âu (EU) cũng mới đạt thỏa thuận tổ chức các khóa tập huấn cho binh sĩ Ukraina tại nhiều nước thành viên, trong khi đó NATO đã thông báo đặt việc cung ứng hệ thống phòng không hiện đại cho Ukraina là một ưu tiên.

Quân đội Ukraina cần vũ khí do Nga sản xuất, chứ không phải của Mỹ - Ảnh 2.

Những vũ khí do Mỹ cung cấp cho Ukraina.

Trong một diễn biến khác, cuộc xung đột ở Ukraina đang khiến Triều Tiên đẩy nhanh chương trình hạt nhân của nước này. Từ đầu tháng 10 đến nay, Triều Tiên liên tiếp bắn thử tên lửa với tần suất hiếm có: 7 đợt trong vòng chỉ 2 tuần. 

Gần đây nhất, hãng tin KCNA của Triều Tiên hôm 13/10 loan báo Bình Nhưỡng vừa bắn thử 2 "tên lửa hành trình chiến lược tầm xa", loại tên lửa được thiết kế để mang vũ khí hạt nhân chiến thuật. Theo KCNA, lãnh đạo Kim Jong-un đã giám sát vụ thử nghiệm và hài lòng về kết quả vụ thử mà ông xem là một lời "cảnh cáo" nhắm đến các quốc gia thù địch. 

Ông Kim Jong-un khẳng định lực lượng tác chiến hạt nhân của Triều Tiên đã "hoàn toàn sẵn sàng cho một cuộc chiến thực thụ". Cả Seoul và Washington đều đã cảnh báo từ nhiều tháng qua về nguy cơ Bình Nhưỡng sắp tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 7.

"Courrier International" trích dịch báo chí Hàn Quốc cho biết những hành động khiêu khích mới của Bình Nhưỡng xuất phát từ việc nhìn nhận cuộc xung đột Nga-Ukraina và đúc kết kết luận của riêng họ. 

Nhật báo Hàn Quốc "Segye Ilbo" nhận định: "Sau các vụ thử tên lửa, việc còn lại duy nhất mà Triều Tiên làm sẽ là tiến hành các vụ thử hạt nhân để chế tạo đầu đạn hạt nhân thu nhỏ cho tên lửa". 

Còn nhật báo "Hankyoreh" cho rằng với các hành vi hiếu chiến, Triều Tiên dường như muốn lợi dụng mối đe dọa hạt nhân mà Tổng thống Nga Putin đang giăng ra nhằm thiết lập một mặt trận Triều Tiên-Trung Quốc-Nga để có thể đối phó với liên minh Hàn Quốc-Mỹ-Nhật Bản. 

Trong khi đó, Chang Duk-jin - nhà xã hội học, Giáo sư tại Đại học Quốc gia Seoul - được báo "Kyunghyang Shimun" trích dẫn khẳng định: "Cuộc chiến ở Ukraina đã mang lại cho Kim Jong-un một cơ hội cũng như một lý do chính đáng để theo đuổi chương trình hạt nhân của Triều Tiên". 

Ông kết luận: "Kim Jong-un vốn dĩ đã rút được bài học về số phận của nguyên thủ Iraq Saddam Hussein và nguyên thủ Libya Muammar Gaddafi, nay lại có thêm một lý do nữa để không từ bỏ hạt nhân".

Thăm dò ý kiến

Chiến sự Nga - Ukraina: Ai sẽ thắng?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

(Nguồn: TTXVN)

CHẤN HƯNG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement