30/09/2022 22:20
'Vũ khí' mới của ông Putin
Tổng thống Putin đang tiến thêm một bước nữa trong chính sách đe dọa hạt nhân với việc sáp nhập các khu vực Luhansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia ở Ukraina.
Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra sắc lệnh "động viên một phần" các lực lượng vũ trang Nga - ước tính bổ sung khoảng 300.000 quân dự bị, dù có những thông tin cho rằng chính sách quân dịch này sẽ tuyển mộ được 1,2 triệu người.
Truyền thông cho biết nhiều người không muốn tham gia hoặc đưa con em tới Ukraina tham chiến theo diện này.
Trên khắp nước Nga, những người từng coi chính trị là thứ gì đó xa vời và trừu tượng giờ đây đã nhận thức sâu sắc - và thường hoảng loạn – về những diễn biến mới. Tuy nhiên, không phải tất cả những người nằm trong diện huy động đều phản ứng tương tự.
Trên thực tế, bất cứ ai hy vọng rằng sự phản kháng của dân chúng sẽ cản trở kế hoạch huy động quân rất có thể sẽ phải thất vọng. Dù nhiều người đàn ông Nga có thể không muốn chết trong chiến tranh - khoảng 200.000 người đã ra nước ngoài - nhưng phần lớn cũng không cố gắng trốn tránh nghĩa vụ.
Điều này phần nào phản ánh lo ngại về nguy cơ đối mặt với các án phạt hình sự - vừa được Duma Nga ban hành bổ sung - cho tội danh trốn nghĩa vụ quân sự. Tất nhiên, nhiều người cũng nhắc lại các tuyên bố của chính quyền của ông Putin về chủ nghĩa phát xít tại Ukraina và rằng phương Tây và Ukraina "dù sao cũng ghét chúng ta".
Những người trẻ tuổi tự an ủi rằng họ sẽ không phải ra chiến trường hoặc sẽ được "đào tạo đầy đủ" - có lẽ trong 3 hoặc 4 tháng. Tuy nhiên, khi chiến dịch quân sự đặc biệt bắt đầu hồi tháng 2 năm nay, nhiều tân binh trẻ tuổi đã được gửi ra mặt trận, và không có lý do gì để nghĩ rằng điều này sẽ thay đổi trong bối cảnh hiện tại, ít nhất là bởi Nga thiếu cơ sở hạ tầng và chuyên gia đào tạo quân sự.
Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, Bộ Ngoại giao đang áp đặt các hạn chế về thị thực "đối với 910 cá nhân, bao gồm các thành viên của quân đội Liên bang Nga, các quan chức quân đội Belarus và những người thân cận của Nga vì vi phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của Ukraina".
Vì vậy, hầu hết những người Nga trẻ tuổi dường như đã chuẩn bị sẵn sàng chấp nhận số phận một cách thụ động, ngay cả khi điều đó có nghĩa là họ có thể bị đưa vào "chỗ chết". Họ có thể trở thành "bia đỡ đạn" không phải vì một mục đích cao cả nào đó mà có thể chỉ bởi Tổng thống Putin sợ cách mạng, nhất là loại cách mạng "màu cam" như ở Ukraina.
Ông Putin không thể chấp nhận nổi lo ngại này khi năm 2019, người Ukraina đã chọn Volodymyr Zelensky lên nắm quyền với cương lĩnh tranh cử ủng hộ dân chủ và chống tham nhũng.
Một Ukraina hứa hẹn phát triển thịnh vượng, dân chủ, theo định hướng phương Tây là điều mà ông Putin không hài lòng vì nó như một lời tuyên bố rằng người Nga không cần phải sống dưới chủ nghĩa chuyên chế tham nhũng. Ông Putin rõ ràng cũng cảm thấy những nguy cơ khi khó kiểm soát phe đối lập.
Cuộc chiến Ukraina chớp nhoáng với màn diễu hành chiến thắng ở Kiev, được cho là sẽ vực dậy uy tín đang giảm sút của Tổng thống Putin và củng cố chế độ cầm quyền. Điện Kremlin không tiếc nỗ lực tập hợp người Nga ủng hộ "chiến dịch hoạt động quân sự đặc biệt", nhất là bằng cách khơi dậy ký ức về "Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại" chống lại chủ nghĩa phát xít. Các tính toán của Putin đã sớm phải đương đầu với cuộc kháng chiến đầy cảm hứng của người Ukraina.
Giờ đây, phương Tây phải đối mặt với những đe dọa mới của ông Putin về khả năng triển khai vũ khí hạt nhân. Chính sách đe dọa hạt nhân mà Điện Kremlin theo đuổi dựa trên 2 giả định.
Thứ nhất, phương Tây có thể lùi bước vì "nền chính trị có trách nhiệm" của họ: đối mặt với viễn cảnh chiến tranh hạt nhân, các công dân sợ hãi sẽ yêu cầu chính phủ được bầu tiến tới đàm phán và nhượng bộ.
Thứ hai, sự đoàn kết chính trị của phương Tây chống lại Nga không thể đứng vững trước mối đe dọa từ trận chiến hạt nhân tận thế và thay vào đó, mỗi quốc gia sẽ cố gắng tự "cứu mình" bằng cách dàn xếp thỏa thuận với Điện Kremlin. Quyết định của phương Tây có thái độ kiềm chế hơn sau cuộc xung đột Ukraina năm 2014 của Nga có lẽ đã củng cố những giả định này.
Tổng thống Putin đang tiến thêm một bước nữa trong chính sách đe dọa hạt nhân. Với việc sáp nhập các khu vực Luhansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia ở Ukraina, ông dường như đang mở đường cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân để "bảo vệ" lãnh thổ mà Nga lấy được từ Ukraina.
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky hôm nay tuyên bố rằng toàn bộ lãnh thổ Ukraina sẽ được giải phóng khỏi sự kiểm soát của Nga, và gọi việc Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sáp nhập bất hợp pháp một số khu vực Ukraina là một "trò hề".
"Toàn bộ lãnh thổ của đất nước chúng ta sẽ được giải phóng khỏi kẻ thù này - kẻ thù không chỉ của Ukraina, mà còn của chính sự sống, nhân loại, luật pháp và sự thật," Zelensky cho biết trong một bài phát biểu được ghi trước phát hành vào chiều 30/9.
Ông nói rằng hòa bình sẽ được khôi phục chỉ bằng cách "lật đổ những người chiếm đóng".
Zelensky nói thêm rằng mặc dù Ukraina đã sẵn sàng đối thoại với Nga, nhưng đàm phán về "các điều khoản bình đẳng, trung thực, tử tế và công bằng" là không thể với Putin, vì vậy chỉ có thể đàm phán "với một tổng thống khác của Nga".
Bộ trưởng Ngoại giao Ukraina Dmytro Kuleba hôm 30/9 cũng nói rằng việc Putin tuyên bố sáp nhập lãnh thổ Ukraina "không có gì thay đổi."
"Không có gì thay đổi đối với Ukraina: chúng tôi tiếp tục giải phóng đất đai và con người của chúng tôi, khôi phục sự toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi", Kuleba nói trong một tuyên bố trên Twitter.
Ông nói: "Bằng cách cố gắng sáp nhập các vùng Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson của Ukraina, Putin cố gắng giành lấy những vùng lãnh thổ mà ông ấy thậm chí không kiểm soát trên thực địa".
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp