Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Nguy cơ từ ván cờ bá quyền của Mỹ

Phân tích

18/08/2022 09:37

Tờ "The Wall Street Journal" của Mỹ mới đây đã đăng bài phỏng vấn cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger với nội dung khiến dư luận quốc tế chú ý.
news

Trong cuộc phỏng vấn này, Kissinger lo lắng rằng thế giới đang ở trong một "trạng thái mất cân bằng nguy hiểm" và rằng "chúng tôi (Mỹ) đang bên bờ vực chiến tranh với Nga và Trung Quốc về các vấn đề mà chúng tôi góp phần tạo ra". Vương Phàn (Wang Fan) - Phó giám đốc Học viện Ngoại giao Trung Quốc - bình luận về phát biểu trên của Kissinger trên tờ "Thời báo Hoàn Cầu" ngày 17/8.

Ông Kissinger, một chuyên gia về "chiến lược cân bằng quyền lực", luôn tin rằng sự ổn định của thế giới phụ thuộc vào sự cân bằng lực lượng toàn cầu, cũng như sự cân bằng giữa các khả năng và mục tiêu. Và giờ ông cho rằng cách làm của Mỹ đã phá vỡ sự cân bằng mà nước này đáng ra phải có, do đó thế giới đang đứng trước bờ vực của một cuộc chiến nguy hiểm.

Thứ nhất, Mỹ đang ở trong tình trạng lo lắng mang tính chiến lược và đấu đá nội bộ ác liệt. Vì vậy, Mỹ đang "chơi bài" một cách vội vàng và rối loạn. Tình hình vốn dĩ tương đối ổn định ở châu Âu đã mất cân bằng do NATO mà Mỹ dẫn đầu liên tục mở rộng về phía Đông, điều này cuối cùng dẫn đến bùng nổ xung đột Nga-Ukraina

Gần đây, Mỹ lại tiếp tục gây rắc rối trong vấn đề Đài Loan, chỉ để khiến tất cả các nước châu Á-Thái Bình Dương không thể yên ổn và hòa hợp với nhau. Tại sao NATO cần mở rộng về phía Đông và cần phải "châu Á-Thái Bình Dương hóa"? 

Lý do là Mỹ coi lục địa Á-Âu là một tổng thể địa chiến lược, và NATO không thể chỉ có châu Âu mà phải cả châu Á. Ngoài ra, âm mưu bá quyền của Mỹ không thể là "được cái này và mất thứ kia". Ý đồ hiện nay của Mỹ là phá vỡ tình trạng tương đối ổn định vốn có, tạo ra một cục diện mất cân bằng có lợi cho Mỹ. 

Washington dự định thiết lập quyền bá chủ của mình trên cơ sở mất cân bằng lực lượng toàn cầu, và nước này cũng có ý định thiết lập quyền bá chủ của mình trên cơ sở kiềm chế lẫn nhau ở cấp khu vực. Chỉ khi lực lượng toàn cầu mất cân bằng có lợi cho Mỹ thì Mỹ mới có thể đảm bảo quyền bá chủ lâu dài.

Nguy cơ từ ván cờ bá quyền của Mỹ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Thứ hai, để duy trì cục diện quyền bá chủ của Mỹ, tất cả các nước đều chỉ là quân cờ của Mỹ, thích hợp thì sử dụng, không hợp thì vứt bỏ. Mỹ đang chơi một ván cờ bá quyền. Bá quyền của Mỹ được xây dựng trên cơ sở các quốc gia khác như những quân cờ, những quân cờ này có giá trị cao khi Mỹ cần, và bị vứt bỏ, thậm chí có thể trở thành vật hy sinh khi không cần thiết. 

Mỹ luôn đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của các quốc gia quân cờ này. Đối với những quốc gia bị coi là phương hại đến lợi ích của Mỹ, Washington sẽ cố gắng hết sức để sử dụng lực lượng của chính mình hoặc bên thứ ba để trấn áp, làm suy yếu hoặc loại bỏ họ. 

Cho dù đó là sự mở rộng về phía Đông của NATO, "châu Á-Thái Bình Dương hóa" của NATO, hay "NATO hóa Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương", tất cả đều nhằm mục đích kéo dài sự bá chủ toàn cầu của Mỹ thông qua bàn cờ chiến lược.

Thứ ba, lục địa Á-Âu là trọng tâm của ván cờ chiến lược bá chủ của Mỹ. Giờ đây, giới chiến lược của Mỹ không chỉ nhìn vào cuộc cạnh tranh với một số nước như Nga, mà còn nhìn vấn đề từ "ván cờ lớn" tranh giành lục địa Á-Âu đến việc nắm chắc quyền kiểm soát lâu dài khu vực cốt lõi địa chính trị này. 

Để hiểu được ý đồ của giới tinh hoa chính trị của Washington, cần xem lại cuốn sách "Phương án cuộc chơi" và "Ván cờ lớn" của chiến lược gia người Mỹ Brzezinski. Khái niệm của Brzezinski về ván cờ Á-Âu bắt đầu từ Chiến tranh Lạnh, nó đã có sự thay đổi và phát triển kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Nhưng quan điểm cốt lõi của nó là đề xuất rõ ràng rằng "Âu-Á là trung tâm địa chính trị quan trọng nhất". 

Thiết kế địa chiến lược của Brzezinski có thể được tóm tắt như sau: 1 trọng tâm, 3 mặt trận, 5 kỳ thủ chiến lược và 5 quốc gia điểm tựa. "1 trọng tâm" là chỉ lục địa Á-Âu. "3 mặt trận" đề cập đến Viễn Tây (tức bán đảo phía Tây của lục địa Á-Âu), Viễn Đông và Tây Nam (từ Afghanistan ở phía Đông đến Iraq ở phía Tây). 

"5 kỳ thủ chiến lược" là Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ. "5 quốc gia điểm tựa" đề cập đến Ukraina, Azerbaijan, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Brzezinski tin rằng chìa khóa để tìm kiếm và duy trì quyền bá chủ của Mỹ là đảm bảo quyền kiểm soát lục địa Á-Âu. 

Cuốn sách "Ván cờ lớn" đã đặc biệt đề cập đến vai trò điểm tựa chiến lược của Ukraina, và cuốn sách này được xuất bản vào năm 1997. Vào thời điểm đó, Brzezinski đã nhìn trúng vị trí chiến lược đặc biệt của Ukraina, phải nói rằng đó là một mưu lược bá quyền đáng kinh ngạc.

Thứ tư, Mỹ theo đuổi chính sách "bên miệng hố chiến tranh", cho rằng mình có thể quan sát ngọn lửa từ xa, điều khiển từ xa, hy vọng sẽ kiểm soát các điểm nóng hoặc xu hướng khủng hoảng thông qua các cuộc chiến tranh ủy nhiệm và "các cuộc khủng hoảng có thể kiểm soát", từ đó "ngư ông đắc lợi". 

Tuy nhiên,đây là trò nghịch lửa nguy hiểm. Mỹ hiện quá bận rộn để tự lo cho mình, khó có thể đảm bảo kiểm soát chính sách "bên miệng hố chiến tranh" không bùng nổ thành một cuộc chiến thực sự. 

Giờ đây, sự chồng chất của cuộc khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng người tị nạn ở các nước châu Âu và đại dịch COVID-19 đã dẫn đến nhiều thảm họa thứ cấp hơn, và không thể loại trừ nguy cơ rò rỉ hạt nhân và thậm chí cả các cuộc tấn công hạt nhân chiến thuật. 

Thêm nhiều thảm họa và nguy cơ khủng bố cũng đang bùng phát. Cần nhấn mạnh rằng nước Mỹ, nước đã thổi bùng ngọn lửa "bên miệng hố chiến tranh", về cơ bản không thể tránh khỏi thảm họa bị ngọn lửa thiêu cháy.

Nguy cơ từ ván cờ bá quyền của Mỹ - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

Nói tóm lại, để duy trì vị thế bá chủ của mình trên thế giới, Mỹ không tiếc công sức ngăn cản bất kỳ đối thủ tiềm tàng nào ở lục địa Á-Âu thách thức vị trí thống trị của mình trong các vấn đề Âu-Á. 

Đối với Mỹ, nước này cần tiếp tục duy trì hệ thống liên minh quân sự đa phương và song phương, lôi bè kết phái, hình thành cục diện lấy đông đánh ít, củng cố quyền kiểm soát đối với lục địa Á-Âu và cả thế giới, đây là sự lựa chọn của Mỹ. 

Đối với những rủi ro và thảm họa mà sự lựa chọn này sẽ gây ra cho thế giới, Mỹ cơ bản không để ý hay xem xét. Hiện tại, Mỹ cho rằng Trung Quốc và Nga đã đặt ra thách thức đối với sự thống trị lục địa Á-Âu của Mỹ.

Ván cờ bá chủ của Mỹ không cho phép bất kỳ kẻ thách thức thực sự có sức mạnh nào xuất hiện trên thế giới, đặc biệt là ở lục địa Á-Âu. Vì vậy, hiện đã đến lúc Mỹ dùng mọi cách (trừ việc trực tiếp tham chiến) để trấn áp các nước thách thức này. 

Joseph Nye, một học giả nổi tiếng của Mỹ, từng nhấn mạnh rằng nước Mỹ không thể chỉ nghĩ đến cuộc chơi của các cường quốc. Nếu cứ liều lĩnh hơn trong giai đoạn suy giảm và vẫn bám vào tư duy cũ trong thời đại có nhiều thay đổi lớn, Mỹ sẽ không còn là quốc gia có vai trò đầu tàu tích cực mà có thể đưa thế giới xuống vực thẳm.

TTXVN
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement