03/08/2022 14:31
Bà Pelosi thăm Đài Loan có châm ngòi cho Chiến tranh thế giới thứ ba?
Sau nhiều tuần đồn đoán căng thẳng và nhiều hoang mang, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã đến thăm hòn đảo Đài Loan tự trị. Nhà lập pháp hàng đầu của Mỹ không đưa Đài Loan vào lịch trình chính thức chuyến công du châu Á mà bắt đầu bằng việc tới Singapore và Malaysia.
Lần cuối cùng một Chủ tịch Hạ viện Mỹ đến thăm Đài Bắc là vào năm 1997, khi Newt Gingrich của Đảng Cộng hòa tìm cách thể hiện sự đoàn kết và ủng hộ nền dân chủ tự trị sau cuộc Khủng hoảng Eo biển Đài Loan 1995-1996, sự kiện khiến cả Washington và Bắc Kinh liên tục có các động thái phô trương quân sự trong khu vực.
Lần này, Pelosi đến thăm hòn đảo trong bối cảnh cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine, sự kiện được nhiều người so sánh với tình hình ở Đài Loan.
Nhiều người lo sợ rằng chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng. Ngày 25/7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo rằng chuyến thăm của bà Pelosi sẽ dẫn đến "hậu quả nghiêm trọng" mà Mỹ sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Vài ngày sau, trong cuộc điện đàm được nhiều người mong đợi với Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 28/7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lặp lại lời cảnh báo rằng Washington không nên "đùa với lửa".
Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc (LHQ), Trương Quân (Zhang Jun), một lần nữa mô tả chuyến thăm dự kiến của Pelosi là "nguy hiểm" và "khiêu khích", đồng thời cho biết Trung Quốc sẽ đáp trả bằng "các biện pháp kiên quyết và mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ". Lực lượng vũ trang Mỹ và Trung Quốc đều đã thực hiện các biện pháp chuẩn bị trước thềm chuyến thăm.
Dù Mỹ từ đầu những năm 1970 đã tuyên bố thừa nhận chính sách "Một Trung Quốc", công nhận Bắc Kinh là đại diện chính thức duy nhất của cả Đại lục và Đài Loan, các chính phủ Mỹ vẫn luôn duy trì quan hệ ngoại giao và quốc phòng mạnh mẽ với hòn đảo tự trị thuộc Đài Loan theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan.
Để đổi lấy sự ủng hộ từ Mỹ, Washington muốn Đài Bắc kiềm chế các hành động khiêu khích, bao gồm tuyên bố chính thức độc lập khỏi Trung Quốc Đại lục. Văn bản có tên "Đồng thuận năm 1992", theo đó cả Đài Bắc và Bắc Kinh đều công nhận rằng chỉ có một Trung Quốc mà không cần làm rõ lực lượng cầm quyền là ai thể hiện một bước đi quan trọng trong tiến trình xây dựng hòa bình.
Một số nhà lãnh đạo Đài Loan như Mã Anh Cửu đã có những bước đi xa hơn khi nhanh chóng mở rộng quan hệ ngoại giao và kinh tế với Trung Quốc. Thậm chí dưới sự lãnh đạo của ông, hai bên còn từng thảo luận về khả năng sáp nhập một cách hòa bình Đài Loan về với Trung Quốc dựa trên mô hình "Một nước, hai chế độ" quản lý Hong Kong.
Tuy nhiên, những thay đổi mang tính kiến tạo trong các liên kết chính trị nội bộ và cán cân quyền lực khu vực đã tạo ra một động lực tiềm ẩn nhiều nguy cơ ở Eo biển Đài Loan. Mặt khác, Trung Quốc ngày càng trở nên quyết đoán hơn trong chính sách đối ngoại của mình, đặc biệt là kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, người tuyên bố sẽ mang lại "sự phục hưng vĩ đại của đất nước Trung Quốc" và theo đuổi "giấc mộng Trung Hoa", biến Trung Quốc thành một siêu cường toàn cầu.
Chủ tịch Tập Cận Bình từng nói rõ rằng ông sẽ sử dụng "mọi phương tiện cần thiết" để tái thống nhất Đài Loan về Đại lục và bảo vệ yêu sách chủ quyền lãnh thổ trong khu vực. Dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, Trung Quốc đã nhanh chóng phát triển các năng lực quân sự thông thường và bất đối xứng của mình, ở góc độ nào đó thậm chí đã làm suy yếu đáng kể ưu thế quân sự của Mỹ trong khu vực.
Trong khi đó, chủ nghĩa dân tộc và xu hướng ủng hộ độc lập đã và đang phát triển mạnh mẽ ở Đài Loan. Trở lại giữa những năm 1990, hơn một nửa số cư dân Đài Loan tự nhận là "người Trung Quốc và Đài Loan".
Vào năm 2020, một cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy chỉ có 4% số người được hỏi tự nhận mình là người Trung Quốc, với 2/3 dân số xem mình là "người Đài Loan" thuần túy. Đảng Dân Tiến (DPP) ủng hộ độc lập của nhà lãnh đạo Thái Anh Văn, đã trở thành lực lượng chính trị thống trị tại Đài Loan, giành chiến thắng trong cả hai cuộc bầu cử chính quyền và lập pháp vào năm 2016.
Tại Trung Quốc, ngày càng nhiều lo ngại sâu sắc rằng Đài Loan đang dần rời xa Đại lục bất chấp sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng trên các bình diện kinh tế và xã hội dưới thời Tập Cận Bình.
Đây là lý do tại sao trong những năm gần đây Bắc Kinh không ngừng gia tăng các nỗ lực đe dọa Đài Bắc, tiến hành các cuộc tập trận lớn ở Eo biển Đài Loan, đe dọa xâm lược quân sự và tăng cường triển khai máy bay chiến đấu.
Trong khi đó, với mong muốn tái khẳng định vai trò lãnh đạo khu vực và trấn an các đồng minh trên khắp châu Á, Mỹ đã tiến tới làm sâu sắc hơn các mối quan hệ ngoại giao và quân sự với Đài Bắc, hòn đảo đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với phương Tây với tư cách là nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới.
Quốc hội Mỹ gần đây đã thông qua một số gói xuất khẩu vũ khí khổng lồ sang Đài Loan, trong khi các quan chức cấp cao của Mỹ, bao gồm một thành viên nội các và một số nhà lập pháp, đã đến thăm hòn đảo tự trị. Các cuộc tập trận quân sự song phương, hiện có cả sự tham gia của các lực lượng đặc biệt Mỹ, cũng đã được tiến hành đồng bộ.
Chuyến thăm Đài Bắc của Pelosi đánh dấu chuyến công du mới nhất và cấp cao nhất của một quan chức hàng đầu của Mỹ tới hòn đảo này. Sau các cuộc trò chuyện căng thẳng với những người đồng cấp Trung Quốc, Tổng thống Biden từng bày tỏ sự dè dặt về chuyến đi của người đứng đầu Hạ viện.
Bản thân Tổng thống Mỹ cũng đã nhiều lần khẳng định rằng Mỹ có nghĩa vụ cung cấp các biện pháp hỗ trợ phòng vệ đối với Đài Loan trong trường hợp hòn đảo này xảy ra xung đột với Trung Quốc, dù những bảo đảm này không được đề cập rõ ràng trong Đạo luật Quan hệ Đài Loan, một văn bản sử dụng các từ ngữ chung chung hơn.
Ngày 1/8, Trung Quốc đã triển khai một số máy bay chiến đấu vào không phận của Đài Loan trong bối cảnh cường quốc châu Á này tăng cường các cuộc tập trận quân sự. Tuy nhiên, một học giả Trung Quốc thừa nhận Trung Quốc sẽ không "vượt quá tầm kiểm soát", dù cho đó có thể là phản ứng quân sự "rất gay gắt".
Đại hội lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc – sự kiện đánh dấu cuộc cải tổ mạnh mẽ trong hàng ngũ lãnh đạo – sẽ diễn ra trong vài tháng tới và Trung Quốc đang đối mặt với suy thoái kinh tế nghiêm trọng, chính vì vậy, Tập Cận Bình có thể sẽ tránh một cuộc đối đầu quân sự lớn.
Nhiều khả năng ông sẽ bày tỏ sự bất bình bằng những hành động cụ thể như tăng cường triển khai quân sự trên Eo biển Đài Loan, tiến hành các cuộc tập trận lớn trong khu vực, và trong trường hợp nghiêm trọng nhất, như vào giữa những năm 1990, là bắn tên lửa gần bờ biển Đài Loan trong những ngày tới.
Tuy nhiên, vấn đề là ngay cả các cuộc diễn tập kiềm chế và kiểm soát chặt chẽ nhất cũng có thể gây ra những sự cố lớn và leo thang ngoài ý muốn. Dù chuyến thăm Đài Loan của Pelosi có thể không gây ra một cuộc đối đầu quân sự lớn trong những ngày tới, hai siêu cường vẫn sẽ phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn trong bối cảnh tư tưởng dân tộc chủ nghĩa và cán cân lực lượng tại Eo biển Đài Loan đang thay đổi nhanh chóng.
Xung đột địa chính trị liên quan tới chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ có thể sẽ đánh dấu bước mở đầu một cuộc chiến lâu dài và tiềm ẩn ngày càng nhiều rủi ro cho tương lai của Đài Loan.
(Nguồn: Aljazeera)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp