23/10/2022 11:49
Số phận của ông Putin đã được định đoạt?
Lính Nga phụ thuộc rất nhiều vào pháo, và đang thiếu đạn do các cầu nối với vùng đất chiếm đóng ở bờ đông sông Dniepr đều đã bị phá hủy, như vậy nguy cơ tan rã là rất rõ. Nếu điều này xảy ra, có thể tâm lý tuyệt vọng sẽ lây lan sang các đạo quân khác.
Tuần báo "Le Courrier International" đưa ra 3 kịch bản cho quân Nga ở Kherson gồm "rút lui, xây thành đắp lũy và sử dụng vũ khí hạt nhân". Lệnh động viên không thể giúp được gì, và một trong những vấn đề lớn của việc huy động muộn màng này là Nga rất thiếu người huấn luyện cho 300.000 tân binh.
Ví dụ ở Pháp, khi quân đội gửi 1.000 lính mới sang một trung tâm huấn luyện đồng nghĩa với việc phải điều 300 binh sĩ đến hướng dẫn cho họ từ cách sử dụng vũ khí, tiếp đạn, cứu thương cho đến lái xe, thủ tục hành chính... Nói chung tỉ lệ người huấn luyện phải chiếm 1/4 đến 1/3 quân số. Như vậy, Nga tìm đâu ra 70.000 đến 100.000 binh sĩ huấn luyện đó? Hầu như tất cả đều đang trên tuyến đầu ở Ukraina.
Vấn đề khác là những người Nga bị động viên không muốn tham gia cuộc chiến này, trái ngược hoàn toàn với các chiến binh Ukraina quyết tâm bảo vệ tổ quốc, đã có kinh nghiệm sau 8 tháng chiến tranh và đang phấn chấn trước thắng lợi của các đợt phản công. Kho vũ khí của Moskva hầu như đã cạn kiệt, và nếu huy động được 1 triệu lính nghĩa vụ thì lấy gì để trang bị cho họ?
Càng thắng thế, Ukraina càng có nguy cơ bị tấn công hạt nhân
Tuần báo Pháp đăng lại bài phân tích của tạp chí trực tuyến UnHerd nêu ra nghịch lý trên. Lâu nay nói về "chiến tranh hạt nhân" vẫn là điều cấm kỵ, ngay cả thời kỳ Khủng hoảng tên lửa Cuba, Khrushchev và Kennedy đều tránh đề cập. Nhưng giờ đây, bất kỳ ai sở hữu bom nguyên tử đều có thể đe dọa người khác. Đó là do Vladimir Putin. Ông đã "bình thường hóa" khả năng gây thảm họa cho nhân loại.
Người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng người Nga Dimitri Kisselev tuyên bố rằng một tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Nga có thể "hủy diệt hoàn toàn" hoặc biến nước Anh thành "sa mạc phóng xạ". Tất nhiên, ông ta phải được Điện Kremlin bật đèn xanh mới có thể tuyên bố như vậy.
Quân đội Ukraina càng đẩy lùi quân Nga trên chiến trường, giả thiết Putin dùng đến vũ khí hạt nhân chiến thuật càng có nguy cơ trở thành hiện thực, chiến thắng khiến Kiev càng trở nên dễ bị tổn thương. Càng cay đắng hơn khi Ukraina đã trao trả toàn bộ số đầu đạn nguyên tử Liên Xô theo bản ghi nhớ Budapest để đổi lấy sự bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ từ Mỹ, Anh và... Nga.
Putin khó tránh khỏi thất bại?
Quân đội Ukraina đang trở thành lực lượng mạnh nhất châu Âu nhưng vẫn cần tăng cường về quân số và vũ khí. Nhờ tổng động viên ngay từ đầu, Kiev đã có thêm 600.000 quân bổ sung vào lực lượng 100.000 quân nhân chuyên nghiệp, và có thời gian huấn luyện để thành lập các lữ đoàn đúng nghĩa. Một trong những hạn chế là trang thiết bị của Ukraina gồm đủ loại, rất phức tạp đối việc việc bảo trì và sử dụng. Pháo thủ phải học cách bắn các loại pháo của Mỹ, Pháp, Đức và nhiều nước khác.
Vấn đề nữa là do thiếu đạn, Ukraina không thể oanh tạc quy mô, mà phải dành đạn cho việc phá hủy các kho đạn dược của Nga và yểm trợ trực tiếp các đợt phản công.
Ngược lại, ông Putin đã sử dụng "vô tội vạ" tên lửa rất đắt tiền để tấn công cơ sở hạ tầng của Ukraina, đó là một quyết định thiếu suy nghĩ về mặt quân sự. Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 22/10 cho biết Nga đã tiến hành nhiều đợt tấn công vào cơ sở hạ tầng của Ukraina trên quy mô "rất rộng" nhằm vào các khu vực ở phía Tây, miền Trung và phía Bắc Ukraina.
Ông Zelensky chia sẻ: "Dĩ nhiên, chúng ta không có năng lực kỹ thuật để bắn hạ 100% tên lửa và máy bay không người lái tấn công của Nga. Nhưng tôi tin chắc rằng chúng ta sẽ dần đạt được mục tiêu đó với sự hỗ trợ từ các đối tác của chúng ta. Hiện nay, chúng ta đã đánh chặn thành công phần lớn tên lửa hành trình và phần lớn máy bay không người lái".
Bế tắc, ông Putin sẽ dùng đến vũ khí hạt nhân? Tướng Pháp Yakovleff không nghĩ vậy. Trước hết, Ukraina đã tấn công sâu vào những vùng đất mà Putin tuyên bố chủ quyền nhưng vẫn không thấy động tĩnh gì.
Hơn nữa, việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật còn liên quan tới nhiều người khác, không loại trừ khả năng ai đó từ chối thực hiện. Cuối cùng, phương Tây và nhất là Mỹ sẽ trả đũa bằng vũ khí quy ước, tiêu diệt toàn bộ lính Nga có mặt trên đất Ukraina, có thể cả những mục tiêu khác như Kaliningrad.
Liệu ông Putin có thể tồn tại sau khi bại trận? Nếu vậy, ông sẽ là nhà lãnh đạo duy nhất trong lịch sử Nga sống sót sau một sự kiện tầm cỡ như thế. Theo Tướng Yakovleff, số phận Putin đã được định đoạt, "nhưng ông ta vẫn chưa chịu hiểu ra".
Răn đe là cách đối phó tốt nhất
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khi trả lời tuần báo L'Express đã nhấn mạnh: "Để chặn đứng Putin, cần phải cung cấp nhiều vũ khí hơn cho Volodymyr Zelensky". Pompeo cho rằng chính quyền của Tổng thống Joe Biden quá chậm chạp nên đã lãng phí khá nhiều thời gian, và cho đến nay châu Âu vẫn quá dè dặt.
Theo ông, cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới sẽ không ảnh hưởng đến chủ trương hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Zelensky. Cựu Ngoại trưởng Mỹ nhắc lại rằng việc Putin sáp nhập bán đảo Crimea diễn ra dưới thời Barack Obama, còn trong nhiệm kỳ của Donald Trump, Ukraina không bị mất dù chỉ một tấc lãnh thổ. Nếu chính quyền Biden lớn tiếng răn đe, đã không xảy ra tình trạng hiện nay.
Từng nhiều lần tiếp xúc trực tiếp với Putin, Pompeo nhận xét Tổng thống Nga chỉ coi trọng 3 điều: Quyền hành, sức mạnh và bạo lực. Cựu Ngoại trưởng Mỹ hy vọng chính quyền Biden đã thông báo cho chủ nhân Điện Kremlin, theo cách riêng tư và bí mật, danh sách những hậu quả mà Nga sẽ phải gánh chịu nếu vượt qua "lằn ranh đỏ".
Đó là cách mà chính quyền Trump hoạt động trong suốt nhiệm kỳ 4 năm. Châu Âu cũng nên theo cách tương tự thay vì lo lắng không biết ông Putin nghĩ gì và tìm cách đối thoại - dù sao đi nữa, khả năng này hoàn toàn bế tắc.
(Nguồn: TTXVN)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement