Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Lạm phát đi qua nhưng tình trạng kinh tế đình trệ sẽ ở lại với nước Mỹ

Kinh tế thế giới

08/08/2022 15:50

Dường như ít người chú ý đến điều tiếp theo sẽ xảy ra sau khi lạm phát được kiềm chế, bởi tất cả đều đang bị cuốn vào vòng xoáy giá cả leo thang mạnh suốt một năm trở lại đây.

Dù Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái hay vẫn cố gắng tìm cách "hạ cánh mềm" (lãi suất tăng nhưng kinh tế không bị suy thoái), nước Mỹ có thể sẽ bước vào một bối cảnh kinh tế đầy khó khăn với những vấn đề mà các chính sách tiền tệ khó có thể giải quyết.

Theo nhà bình luận Eduardo Porter của Bloomberg, nước Mỹ đang trên đường thoát khỏi "cơn bão" lạm phát. Nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu đang kỳ vọng lạm phát dịu bớt trong vài năm tới. Bất chấp tình hình dịch ở Trung Quốc vẫn còn phức tạp, chuỗi cung ứng toàn cầu dường như đang phục hồi sau cú sốc đại dịch. 

Fed "mạnh tay" nâng lãi suất trong khi những tác động tích cực của các gói kích thích tài khóa đối với nhu cầu tiêu dùng đang ngày càng mờ nhạt, tiết kiệm của hộ gia đình vì thế mà giảm xuống. Tốc độ tăng trưởng việc làm cũng đang chậm lại.

Trạng thái "bình thường mới" của lạm phát có thể đẩy kinh tế Mỹ vào một "vũng lầy" của lực lượng lao động thu hẹp, đầu tư thấp, tốc độ tăng lương trì trệ và bất bình đẳng tràn lan vốn là những yếu tố kéo lùi tăng trưởng trong nhiều năm.

Không giống như lạm phát, vấn đề mà Fed và các ngân hàng trung ương khác đối phó bằng cách tăng lãi suất, kịch bản sau lạm phát rất khó dự đoán chứ chưa nói đến phương án giải quyết. Quy mô lực lượng lao động đang thu hẹp lại do già hóa dân số, điều đó làm tăng tỷ lệ phụ thuộc tại không chỉ các nước giàu mà cả ở những quốc gia như Trung Quốc.

Lạm phát đi qua nhưng tình trạng kinh tế đình trệ sẽ ở lại với nước Mỹ - Ảnh 1.

Là nguồn gốc của rất nhiều vấn đề trong nền kinh tế và làm giảm động lực tăng trưởng, già hóa dân số cũng là nguyên nhân chính gây ra "đình trệ kinh niên" (secular stagnation) và từng được xem là rủi ro kinh tế nghiêm trọng nhất của thời đại ngày nay trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện. Tình trạng "đình trệ kinh niên" là sự kết hợp giữa mức tiết kiệm cao và đầu tư yếu, khiến tăng trưởng "ảm đạm", lãi suất thực và lạm phát đều ở mức thấp dai dẳng.

Lạm phát đi qua nhưng tình trạng kinh tế đình trệ sẽ ở lại với nước Mỹ. Theo ông Olivier Blanchard, nguyên là nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chỉ ra rằng những người lao động có tuổi thọ tăng và thời gian hưu trí dài hơn sẽ chi tiêu ít đi và tiết kiệm nhiều hơn. Tỷ lệ sinh thấp cũng làm giảm lực lượng lao động trong tương lai trong khi người già về hưu thì tăng lên.

Sẽ rất khó để tìm ra lời giải cho bài toán này. Fed đã không thể đạt được mục tiêu lạm phát trong suốt nhiều năm qua dù đã nỗ lực bơm tiền vào nền kinh tế thông qua việc mua nợ dài hạn. Tốc độ tăng trưởng của Mỹ vẫn gây thất vọng trong suốt một thập kỷ sau cuộc khủng hoảng tài chính và lãi suất duy trì ở mức đáy.

Một số chuyên gia kinh tế gợi ý các chính phủ có thể chi tiêu nhiều hơn để củng cố nhu cầu tiêu dùng, nhưng lập luận này khó có thể nhận được ủng hộ sau khi các gói kích thích tài khóa lớn năm 2020-2021 đã góp phần gây ra "cơn bão" lạm phát kinh hoàng nhất trong vòng 40 năm trở lại đây.

Hơn nữa, không chỉ già hóa dân số gây ra tình trạng kinh tế đình trệ. Những yếu tố khác cũng cần được tính đến, ví dụ, bất bình đẳng thu nhập và thế độc quyền của doanh nghiệp cũng có thể làm giảm chi tiêu và tăng tiết kiệm. 

Lo ngại về các rủi ro có thể xảy ra sau hàng loạt sự kiện như đại dịch, căng thẳng địa chính trị và đứt gãy chuỗi cung ứng, cũng gây áp lực lớn đối với kế hoạch đầu tư của công ty. Và xu hướng đảo ngược "toàn cầu hóa", nếu trỗi dậy, rất có thể làm giá cả tăng cao hơn nữa và kéo tăng trưởng kinh tế đi xuống.

Mặt khác, các nhà phân tích cũng không thể thống nhất với nhau về việc già hóa dân số sẽ ảnh hưởng đến tương lai như thế nào. Theo một số nhà kinh tế của IMF, "bong bóng" nhân khẩu học của thế hệ Baby Boomer (những người được sinh ra trong giai đoạn từ năm 1946 đến 1964) đã giữ lạm phát ở mức tương đối thấp trong suốt 40 năm khi họ làm việc và "thắt lưng buộc bụng". Và khi nhóm người này nghỉ hưu và bắt đầu tiêu số tiền mà họ tiết kiệm được, hiệu ứng ngược xảy ra, tức là lạm phát tăng lên.

Chuyên gia Charles Goodhart, nguyên nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng trung ương Anh (BoE), cũng đồng tình với quan điểm này. Theo ông, thời kỳ lạm phát thấp kể từ năm 1980 là một giai đoạn ngoại lệ trong lịch sử với nguyên nhân là do lực lượng lao động tăng mạnh, đặc biệt là khi số lượng lao động khổng lồ của Trung Quốc hội nhập vào các thị trường thế giới. Động lực nhân khẩu học này hiện đang bị đảo ngược, và dẫn tới tăng trưởng kinh tế thấp nhưng lạm phát cao hơn.

Lạm phát đi qua nhưng tình trạng kinh tế đình trệ sẽ ở lại với nước Mỹ - Ảnh 3.

Trước những nguy cơ mà vấn đề nhân khẩu học gây ra, các nhà hoạch định chính sách sẽ đưa ra giải pháp nào? Một lựa chọn thường được cân nhắc là tăng tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, đây không phải là một chính sách được ủng hộ về chính trị. 

Một giải pháp khác là thúc đẩy tốc độ tăng trưởng năng suất. Hai nhà kinh tế Daron Acemoglu và Pascual Restrepo của Học viện công nghệ Massachusetts (MIT) đã phát hiện ra rằng các xã hội đang già đi nhanh hơn lại có tốc độ tăng trưởng cao hơn, có lẽ là do đầu tư nhiều hơn vào tự động hóa.

Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy tăng trưởng năng suất không hề ấn tượng. Nhà nghiên cứu John Fernald của Fed chi nhánh San Francisco chỉ ra rằng, mặc dù tăng trưởng năng suất có cải thiện trong giai đoạn đại dịch COVID-19, nhưng lại khó có thể kỳ vọng kéo dài. Các tiến bộ công nghệ đã chững lại so với những đổi mới mang tính đột phá trong quá khứ.

Raghuram Rajan, Giáo sư Đại học Chicago và cựu Thống đốc Ngân hàng trung ương Ấn Độ (RBI), đã gợi ý một cách tiếp cận khác. Nếu chính sách tiền tệ không thể giúp phục hồi tăng trưởng và các biện pháp kích thích tài khóa gây ra lạm phát, có lẽ giải pháp tốt hơn là tăng chi tiêu chính phủ cho xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội, từ đó đưa nước Mỹ thoát khỏi tình trạng tăng trưởng ảm đạm và tăng năng suất lao động tốt hơn.

(Nguồn: Bloomberg)

TTXVN
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement