Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

'Cơn lốc' Putin sắp cuốn tới châu Âu?

Phân tích

31/03/2024 11:02

Tổng thống Nga Vladimir Putin đang củng cố chế độ của ông khi đẩy ngành công nghiệp quân sự nước này hoạt động hết công suất trong bối cảnh Mỹ có khả năng sẽ từ bỏ viện trợ cho Kiev, qua đó khiến Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải căng sức để bù đắp.
news

Theo nhật báo Le Figaro, trong bài phân tích có tựa đề "Mùa Đông đang đến", cựu vô địch cờ vua thế giới Garry Kasparov đã tuyên bố vào năm 2015 rằng băng giá sắp giáng xuống nước Nga của Putin. Kể từ tháng 2/2022, những cơn gió lốc của mùa Đông Siberia đã thổi toàn lực vào Ukraina

Ngày nay, chúng đe dọa sẽ vươn tới châu Âu khi mà ông Putin đã tái đắc cử và vụ tấn công ở Moskva do Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thừa nhận gây ra đã báo trước sự cứng rắn hơn nữa của chế độ Putin.

Một nhà ngoại giao cấp cao của Pháp cảnh báo: "Sau bầu cử ở Nga, Điện Kremlin có 6 tháng để thực hiện các sáng kiến quân sự hoặc ngoại giao và phát huy lợi thế của mình ở Ukraina, trong khi Mỹ bị tê liệt và không thể 'rục rịch' vì vướng bận chiến dịch bầu cử. Chúng ta phải lo ngại về một sự điều chỉnh chiến lược trong chính sách của Nga".

Có thể cho rằng tình hình chưa bao giờ nguy hiểm và bất ổn đến thế kể từ cuộc chiến Ukraina. Trên thực tế, các tín hiệu về sự cứng rắn của chế độ Nga đã tăng lên gấp nhiều lần kể từ khi Putin tái cử vào Điện Kremlin, giúp mang lại nguồn năng lượng và động lực mới cho tổng thống Nga.

'Cơn lốc' Putin sắp cuốn tới châu Âu?- Ảnh 1.

Ông Putin đối mặt với hàng loạt thách thức sau khi tái đắc cử tổng thống Nga.

Quá trình phi phương Tây hóa của Nga trong thời chiến

Ở Moskva, tin tức thường đến từ đội ngũ thân tín của Tổng thống. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố nước này đã thành lập 2 quân đoàn mới và 3 đội hình gồm 14 sư đoàn và 16 lữ đoàn. 

Trong một văn bản được Putin phê duyệt, Chủ tịch Duma Vyacheslav Volodin đã đề xuất một chương trình "phi phương Tây hóa" nước Nga với việc tăng cường quốc hữu hóa các ngành công nghiệp và "chủ quyền hóa" ngành khoa học và văn hóa bằng cách đặt họ dưới sự giám sát của nhà nước. 

Ông cũng hứa hẹn một "giải pháp" cho vấn đề của phe đối lập. Việc khôi phục án tử hình cũng được đưa vào chương trình nghị sự của quốc hội.

Đáng chú ý, lần đầu tiên, Dmitri Peskov, người phát ngôn của Điện Kremlin, đã sử dụng từ "chiến tranh", chứ không còn là "chiến dịch đặc biệt" ở Ukraina. Nhà ngoại giao kỳ cựu Michel Duclos nêu trong một nghiên cứu của Viện Montaigne: "Sự cứng rắn, theo một cách nào đó, có ý nghĩa quan trọng với quyền lực của Putin".

Lên nắm quyền vào năm 2000, ông Vladimir Putin đã khôi phục quyền lực của cơ quan an ninh, tái khởi động cuộc chiến ở Chechnya và buộc các nhà tài phiệt Nga phải khuất phục. Sau khi trở lại nắm quyền vào năm 2012, ông tăng cường trấn áp những người chống đối, thắt chặt kiểm soát truyền thông và kết án tù Alexeï Navalny. 

Bàn tay quyền lực sẽ đàn áp nặng nề hơn đối với bất kỳ phong trào phản kháng nào vì chiến tranh tiếp diễn khiến mức sống của người dân ngày càng giảm sút và cả với việc tuyển mộ mới cho quân đội.

Cuộc tấn công vào nhà hát Crocus Hall ở Moskva có nguy cơ làm nổi bật hơn nữa xu hướng tăng cường đàn áp này. Như trong cuộc nổi loạn của ông chủ Wagner Yevgeny Prigozhin vào tháng 8/2023, những sai sót trong hệ thống an ninh Nga đã được đưa ra ánh sáng. Liệu nỗi ám ảnh của chính phủ về việc quy kết cuộc tấn công có liên quan tới Ukraina có báo trước một cuộc huy động mới và siết chặt nội bộ không?

Trong một bài báo khác cho Viện Montaigne, chuyên gia Michel Duclos lo ngại rằng "các cuộc tấn công thọc sâu của Nga vào cơ sở hạ tầng của Ukraina sẽ bắt đầu nhắm trực tiếp vào dân thường với danh nghĩa tấn công trả đũa". 

Ông cũng nghĩ tới một chính sách gia tăng đàn áp trong nước, đến mức việc tài trợ cho chiến tranh sẽ bước vào giai đoạn khó khăn hơn, trong khi lần đầu tiên kể từ năm 2000, ngân sách dành cho quân sự của Nga cao hơn khoản chi tiêu xã hội.

'Cơn lốc' Putin sắp cuốn tới châu Âu?- Ảnh 2.

Một người lính Ukraina nghỉ ngơi trong chiến hào ở tiền tuyến gần Liman, Lyman, vùng Donetsk, ngày 29/3/2024. Ảnh: AP

Chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất

Cách mà Cơ quan An ninh Nga (FSB) cáo buộc phương Tây đã "tạo điều kiện" cho cuộc tấn công ở Moskva cũng cho thấy sự xung đột gia tăng với phương Tây, đặc biệt là với châu Âu. Ở Paris, người ta đặc biệt lo ngại rằng các cuộc tấn công mạng do Nga thực hiện, cho đến nay vẫn do các nhóm tội phạm hoặc bán tội phạm thực hiện, sẽ mang tính chất quân sự và do nhà nước chỉ đạo. 

Chuyên gia Michel Duclos đánh giá: "Dù kết quả của cuộc xung đột thế nào thì nó cũng có nguy cơ dẫn đến một cuộc đối đầu lâu dài với phương Tây hoặc ít nhất là với châu Âu. Liệu Nga có động cơ để chờ đợi một thành công nào đó hay sẽ muốn trả thù cho một thất bại có thể xảy ra hay không …". Đối với Vladimir Putin, "chiến tranh liên miên" giống như một loại "bảo hiểm nhân thọ".

Vì nhanh chóng chuyển sang nền kinh tế chiến tranh, nên ngành công nghiệp quân sự Nga hiện đang hoạt động hết công suất, trong khi các nhà máy ở châu Âu hầu như không tăng tốc và lực lượng Ukraina thiếu nhân lực và đạn dược. 

Chuyên gia Gustav Gressel cảnh báo trong một hội nghị bàn tròn của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu rằng: "Ngày nay, Nga sản xuất nhiều xe tăng hơn châu Âu. Chắc chắn nước này có khả năng tiếp tục chiến tranh cho đến năm 2027-2028". Trong khi viện trợ máy bay không người lái, tên lửa và đạn pháo do Iran và Triều Tiên cung cấp cho Nga không hề chậm lại.

Ở châu Âu, các kho đã cạn kiệt nhưng EU vẫn chưa đủ năng lực sản xuất. Mỹ và EU tin rằng chiến tranh sẽ không kéo dài. Các chuyên gia đều nhất trí rằng trong trường hợp Mỹ từ bỏ Ukraina nếu Donald Trump tái đắc cử vào tháng 11, châu Âu chắc chắn sẽ không thể tiếp quản Ukraina và bù đắp cho viện trợ quân sự của Washington. Tổng thống Vladimir Putin biết rõ điều này. Đây là một trong những lý do thúc đẩy sự cứng rắn hiện nay của nước này đối với Ukraina và EU.

Chắc chắn hầu hết các nước châu Âu đã nhận thức rõ và bắt đầu tái vũ trang. Charles Fries, Phó tổng thư ký Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu của EU, phân tích: "Cuộc chiến ở Ukraina tạo thành một bước ngoặt đối với nền quốc phòng châu Âu. Đó là sự xác nhận rằng châu Âu chỉ tiến bộ trong các cuộc khủng hoảng, khi bị kề dao vào cổ".

Sau một thời gian dài mơ hồ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chọn sự kiên quyết bằng cách khẳng định rằng châu Âu không nên áp đặt các giới hạn cho mình để ngăn cản Nga giành chiến thắng, thậm chí một ngày nào đó sẽ bao gồm việc gửi quân đội đến Ukraina.

Phó chủ tịch Đảng Những người Cộng hòa (LR) kiêm Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Jean-Louis Thiériot cho biết: "Đối mặt với Nga, chúng ta phải chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất. Ngay cả Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto cũng cho rằng Tổng thống Pháp đã đúng khi mở ra một sự mơ hồ về mặt chiến lược".

'Cơn lốc' Putin sắp cuốn tới châu Âu?- Ảnh 3.

Ukraina ngày càng thiếu vũ khí, đạn dược khi phương Tây không còn quá mặn mà trong việc viện trợ cho cuộc chiến này. Ảnh: AP

Cuộc chiến nêu bật những thất bại của châu Âu

Nhưng điểm yếu và khuyết điểm của châu Âu là rất nhiều: Thiếu sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên, thiếu đơn đặt hàng từ các nhà sản xuất, mua quá nhiều thiết bị quốc phòng bên ngoài EU, khó kích hoạt nền kinh tế chiến tranh. 

Tại hội nghị của Quỹ Inalco và Schuman, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Jean-Louis Bourlanges xác định 3 thách thức (địa chính trị, ý thức hệ và tốc độ) mà châu Âu phải nhanh chóng giải quyết nếu muốn có thể đảo ngược kịp thời cơn bão thổi từ Moskva. 

Ông cho hay: "Hòa bình cho phép chậm lại, chiến tranh đòi hỏi tốc độ". Nhưng thủ tục của EU rất dài và phức tạp. Một quan chức Pháp cảnh báo: "Người chiến thắng trong cuộc chiến này là người biết cách biến thời gian thành đồng minh".

Trong năm đầy rẫy nguy hiểm này, nếu Ukraina đang bị đe dọa vì sự sống còn của mình thì EU, nơi nghe thấy chiến tranh gõ cửa lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, cũng đang bị đe dọa cho tương lai của mình.

James Sherr, chuyên gia từ Trung tâm quốc tế về quốc phòng và an ninh Estonia, cảnh báo tại hội nghị Inalco: "Nếu Mỹ từ bỏ, châu Âu sẽ thấy mình ở trong khu vực tiền chiến tranh. Tuy nhiên, nếu không có một cuộc cách mạng trong tư duy, chúng ta sẽ không thể đương đầu với thách thức". 

Trong cuộc chiến này, các quốc gia châu Âu không còn có thể trông cậy vào sự hỗ trợ của các quốc gia Nam Bán cầu vốn nghiêng về Moskva. Thách thức còn là vấn đề kinh tế. Đặc biệt là đối với Pháp, quốc gia có thâm hụt công vừa trải qua đợt trượt dốc nguy hiểm. 

Jean Dominique Giuliani, Chủ tịch Quỹ Schuman, nhấn mạnh: "Thách thức từ Nga cũng quan trọng như thách thức mà các nước phải đối mặt sau Chiến tranh Thế giới thứ hai".

(Nguồn: TTXVN)

CHẤN HƯNG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ