29/03/2024 20:11
Chưa thấy 'ánh sáng cuối đường hầm' cho bế tắc Nga - Ukraina
"Khoảng lặng"
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với phóng viên "Newsweek", cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton cho rằng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới có thể là chìa khóa để kết thúc cuộc chiến Nga-Ukraina. Theo ông, Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể đang chờ xem ai sẽ thắng trong cuộc đua tới đây.
Bolton, cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ), từng giữ chức cố vấn an ninh từ năm 2018-2019 trong chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump, cũng đã chia sẻ quan điểm của ông về những lộ trình tiềm năng để chấm dứt cuộc chiến.
Ông Bolton phân tích Nga sẽ tiếp tục chiến đấu trong nhiều tháng cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, sự kiện rất có thể sẽ là màn tái đấu giữa Trump và Tổng thống đương nhiệm Joe Biden.
Trong cuộc phỏng vấn, Bolton cũng bác bỏ những lời đe dọa về việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân, cho rằng đây chỉ là hành động dọa dẫm từ Moskva.
Ông nói: "Tôi không thấy có khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân vào thời điểm này… Tôi cho rằng Putin chỉ đang hăm dọa. Đó chắc chắn là điều mà các cơ quan tình báo nhắc đến. Họ luôn xem xét những khả năng đó, song trên thực tế chưa bao giờ có bất kỳ hoạt động tái triển khai tài sản hạt nhân nào của Nga được ghi nhận".
"Tôi nghĩ mối nguy hiểm thực sự ở đây là Ukraina không có đủ đạn dược và cuộc chiến đã bế tắc. Dù sao đi nữa, điều đáng nói là Nga đang đạt nhiều tiến bộ, họ giành thêm lãnh thổ dù ở mức khiêm tốn, và điều đó đặt Putin vào vị thế đàm phán mạnh mẽ.
Ông ấy có thể đang đợi đến tháng 11 và xem ai thắng cuộc bầu cử. Và nếu đó là Trump - tôi nghĩ Putin tin rằng ông ấy sẽ dễ thương thảo hơn với Trump - thì ông ấy có thể nói 'Tại sao chúng ta không kêu gọi ngừng bắn dọc theo chiến tuyến hiện có và đàm phán từ cơ sở đó'", ông Bolton nói.
Bất chấp một loạt tiến bộ gần đây của các lực lượng Ukraina, trong đó có cả một loạt đòn tấn công nhằm vào Hạm đội Biển Đen của Nga, Bolton cho biết cuộc chiến đang ở thế "bế tắc" khi Putin ở "vị thế khá mạnh".
Bolton cũng cho biết ông không lạc quan về khả năng sẽ có một lệnh ngừng bắn trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Ông nói thêm: "Tôi không thấy bên nào sẵn sàng vào thời điểm này để nói rằng đã đến lúc đàm phán… Tôi nghĩ Putin đang chờ đợi thời điểm mà vị thế của ông ấy có thể mạnh mẽ hơn hiện tại. Đó có thể là khi Trump trở thành tổng thống mới".
Bolton đã kêu gọi các thành viên Quốc hội Mỹ nỗ lực hơn trong việc hậu thuẫn Ukraina, cho rằng bước đầu tiên cần làm là nhanh chóng thông qua một gói viện trợ. Dù vậy, ông nhận định vấn đề viện trợ cho Ukraina khó có biến chuyển dù Biden hay Trump thắng vào tháng 11 tới.
Cựu cố vấn an ninh Mỹ nói: "Tôi nghĩ điều quan trọng là phải làm càng sớm càng tốt… Nhưng tôi nghĩ rằng chiến lược hỗ trợ Ukraina của chúng ta trong khoảng 2 năm qua không hiệu quả lắm. Và chính điều đó đã gây ra nhiều sự phản đối trong Quốc hội.
Tất nhiên đó không phải là lý do để họ không bỏ phiếu ủng hộ viện trợ, nhưng tôi nghĩ rằng thất bại trong việc triển khai hỗ trợ một cách chiến lược đã góp phần tạo ra bế tắc hiện nay. Tôi kỳ vọng vào thay đổi, nhưng tôi không thấy bất kỳ triển vọng nào về điều đó trong chính quyền Biden hay thậm chí là chính quyền Trump".
Tìm một con đường khác
Theo Đài truyền hình đối ngoại Đức Deutsche Welle, trong một cuộc phỏng vấn ngày 28/3 với hãng thông tấn Đức (DPA), cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schröder nói rằng tình bạn của ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể giúp chấm dứt chiến tranh ở Ukraina.
Ông Schröder nói: "Chúng tôi đã làm việc cùng nhau một cách suôn sẻ trong nhiều năm. Có lẽ điều đó vẫn có thể giúp chúng tôi tìm ra giải pháp thương lượng, chứ tôi không thấy giải pháp nào khác".
Cựu Thủ tướng Schröder cũng cho rằng những suy đoán về khả năng diễn ra cuộc tấn công hạt nhân của Putin hoặc khả năng Nga tấn công một quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở sườn phía Đông là điều không tưởng.
Theo Schröder, để ngăn chặn mọi nguy cơ leo thang tương tự và giảm bớt những lo ngại, các bên cần phải cân nhắc nghiêm túc một giải pháp hòa bình ngoài việc hỗ trợ cho Ukraina.
Khi được hỏi tại sao bất chấp hàng chục nghìn người thiệt mạng và tội ác chiến tranh của Nga trong cuộc chiến Ukraina, ông vẫn duy trì tình bạn với Tổng thống Nga, Schröder nhấn mạnh đây là 2 vấn đề này khác nhau. Ông thậm chí còn chia sẻ rằng mối quan hệ cá nhân này có thể mang lại lợi ích trong việc giải quyết vấn đề chính trị cực kỳ thách thức.
Schröder đề cập sứ mệnh hòa giải hồi tháng 3/2022, ngay sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina hồi tháng 2. Vào thời điểm đó, ông đã gặp cựu nghị sĩ Ukraina và hiện là Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov ở Istanbul trước khi tới Moskva để hội đàm với Tổng thống Putin. Sáng kiến này sau đó không thành công.
Cựu Thủ tướng Schröder đang kêu gọi một nỗ lực hòa giải mới ở cấp chính phủ, thúc giục Pháp và Đức chủ động thực hiện. Ông nhấn mạnh: "Rõ ràng là cuộc chiến không thể kết thúc với sự thất bại hoàn toàn của bên này hay bên kia".
Cựu Thủ tướng Schröder bắt đầu mối quan hệ thân tình với Putin kể từ khi trở thành Thủ tướng Đức năm 1998. Ông từng tham dự sinh nhật của Tổng thống Nga tại Moskva năm 2014. Hai năm trước đó, năm 2012, khi Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) chỉ trích việc Putin tái đắc cử tổng thống sau 4 năm giữ chức thủ tướng, Schröder đã gọi ông là một "nhà dân chủ không tì vết".
Cựu Thủ tướng Schröder sau khi mãn nhiệm đã tiếp tục làm việc cho các công ty có đa số cổ phần Nga phụ trách đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc qua Biển Baltic.
Cách đây 2 năm, Thủ tướng Đức đương nhiệm Olaf Scholz đã thúc giục ông từ chức ở tất cả các công ty Nga. Một số thành viên trong Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Schröder thậm chí đã tẩy chay ông vì vẫn tiếp tục mối quan hệ với Tổng thống Putin kể từ khi nổ ra chiến tranh, nhưng nỗ lực khai trừ ông khỏi đảng đã không thành công.
(Nguồn: TTXVN/Newsweek)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement