21/07/2022 07:46
Châu Âu 'cấp tập' tìm phương án thay thế trước khả năng Nga có thể cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt
Ủy ban châu Âu đã công bố một kế hoạch khẩn cấp nhằm giảm quy mô tiêu thụ khí đốt trong trường hợp Nga cắt hoàn toàn nguồn cung – điều mà người đứng đầu Ủy ban, bà Ursula von der Leyen cho rằng - là "một kịch bản có thể xảy ra".
Ủy ban châu Âu đã công bố kế hoạch khẩn cấp này vào hôm thứ Tư (20/7) nhằm giảm ngay nhu cầu tiêu thụ khí đốt tại các quốc gia thành viên EU trong bối cảnh Nga có thể dừng việc cung cấp.
Trong bản đề xuất được công bố, người đứng đầu Ủy ban EU Ursula von der Leyen nói rằng, Nga đang "sử dụng năng lượng như một vũ khí".
"Trong bất kỳ trường hợp nào, cho dù Nga cắt giảm một phần hay toàn bộ, thì châu Âu cần phải sẵn sàng", bà nói.
Bà Von der Leyen nói thêm rằng, việc Nga cắt hoàn toàn dòng khí đốt đến châu Âu là "một kịch bản có thể xảy ra".
"Chúng ta phải chủ động. Chúng ta phải chuẩn bị cho khả năng bị gián đoạn hoàn toàn khí đốt của Nga. Đó là những gì chúng ta đã thấy trong quá khứ. Chúng ta đang chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất, và hy vọng điều tốt nhất", bà von der Leyen nói thêm.
Đề xuất đề nghị tất cả các nước thành viên EU giảm nhu cầu khí đốt khoảng 15% trong khoảng thời gian từ tháng 8 năm nay đến tháng 4 năm sau. Đề xuất cũng cho phép Brussels khả năng kích hoạt một cảnh báo khẩn cấp, qua đó yêu cầu giảm nhu cầu khí đốt bắt buộc trong toàn khối.
"Đây là một biện pháp áp dụng cho tất cả các cơ quan công quyền, người tiêu dùng, hộ gia đình, chủ sở hữu các tòa nhà công cộng, các nhà cung cấp điện và ngay từ bây giờ họ phải thực hiện các biện pháp này một cách nhanh chóng để tiết kiệm khí đốt", đề xuất cho biết.
Tuy nhên, các nước EU chịu trách nhiệm phần lớn các chính sách năng lượng của chính mình. Do đó, đề xuất kế hoạch khẩn cấp này sẽ cần sự chấp thuận của các quốc gia thành viên trước khi được đưa ra áp dụng chính thức.
Các nước châu Âu phụ thuộc vào khí đốt để cung cấp điện và sưởi ấm, và mùa Đông năm nay, được cho là sẽ thảm khốc hơn rất nhiều nếu Nga hạn chế hơn nữa nguồn cung do cuộc chiến tại Ukraina.
Các chính phủ châu Âu cũng đang theo dõi chặt chẽ đường ống Nord Stream 1, đường ống từ Nga chảy qua Đức để vào châu Âu, theo kế hoạch sẽ được Nga mở lại vào thứ Năm (21/7) sau một thời gian bảo trì theo lịch trình.
Gazprom của Nga đã ngừng giao hàng cho một số quốc gia thành viên EU và các quan chức khối này cảnh báo rằng Nga có thể sẽ cắt giảm thêm nữa.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), những nỗ lực đa dạng hóa các nguồn năng lượng và giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga của EU đã không đạt được đủ nguồn cung đảm bảo cho việc sưởi ấm trong mùa Đông này.
Năm 2021, 40% khí đốt của EU được nhập khẩu từ Nga.
Các chính phủ châu Âu cũng được khuyến cáo nên đưa ra các biện pháp khuyến khích tài chính cho các công ty nhằm giảm tiêu thụ khí đốt.
Ngoài ra, theo một số chuyên gia, chính phủ các nước nên áp dụng hình thức đấu giá hoặc đấu thầu khí đốt và điều này có thể buộc các công ty lớn phải giảm nguồn tiêu thụ. Trong khi đó, các hộ gia đình cần được thúc đẩy việc tiết kiệm năng lượng bằng cách không sử dụng sưởi ấm hoặc làm mát nhiều.
Trong trường hợp thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng, các chính phủ sẽ cần phải đưa ra quyết định về việc đóng cửa các ngành công nghiệp nào và theo trình tự nào.
Tất cả 27 quốc gia thành viên được yêu cầu cung cấp các kế hoạch khẩn cấp quốc gia với các biện pháp cắt giảm nhu cầu cụ thể cho EU vào tháng 9.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm thứ Tư (19/7) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Đức do hạn chế về nguồn cung khí đốt. IMF dự đoán nền kinh tế Đức sẽ tăng trưởng 1,2% trong năm nay và sau đó là 0,8% vào năm 2023, giảm so với mức khoảng 2% đã được dự đoán cho cả hai năm vào tháng Năm.
Lạm phát dự kiến sẽ ở mức trung bình 7,7% vào năm 2022 và 4,8% vào năm 2023 nếu giá năng lượng ổn định.
Tuy nhiên, bên cạnh những người ủng hộ đề xuất này, một số khác lại cho rằng nó sẽ không mang lại hiệu quả đáng kể.
Ông Michael Bloss, một đảng viên thuộc Đảng Xanh của Đức và là thành viên của Nghị viện châu Âu, người đang làm việc trong Ủy ban năng lượng EU và nói rằng, ông không tin rằng kế hoạch tiết kiệm khí đốt sẽ đủ để đưa các quốc gia châu Âu đi qua mùa Đông một cách an toàn.
"Ủy ban đã công bố rất nhiều biện pháp mà chúng tôi đã biết trước đó, vì vậy không có gì mới, không có gì táo bạo trong đó", ông Bloss nói.
"Sẽ có sự phân bổ việc cung cấp, đó là ngành nào phải được ưu tiên nhận được nguồn khí đốt, và những câu hỏi này chưa được giải quyết", ông nói thêm.
Một hậu quả nghiêm trọng khác có thể xảy ra là người tiêu dùng không thể đối phó được với việc giá năng lượng đang leo thang.
"Hàng triệu công dân EU không có khả năng thanh toán hóa đơn năng lượng, hóa đơn khí đốt của mình, và họ cần được bảo vệ, và đây là điều mà chúng ta phải xem xét bởi vì nếu chúng ta không hành động sẽ có nguy cơ rất nhiều công dân của chúng ta về cơ bản sẽ bị phá sản. Và điều này đồng nghĩa với việc ông Putin đã đạt được mục đích của mình – đó là xé nát châu Âu".
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement