Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Vì sao Ukraina liên tiếp 'phao tin' về cuộc phản công?

Quân sự

03/05/2023 11:45

Bí mật và bất ngờ là hai trong số nhiều yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của một hoạt động quân sự. Thế nhưng, từ nhiều tháng nay, Ukraina thường xuyên công khai khẳng định việc nước này đang hoàn tất việc chuẩn bị và sẽ sớm tiến hành chiến dịch phản công.
news

Xem xét các động thái gần đây của Ukraina, chuyên gia Edouard Jolly của Viện Nghiên cứu chiến lược Trường Quân sự (IRSEM), nhận định rằng trong thời đại chiến tranh thông tin, đây là một cách để đánh lừa kẻ thù. Bên cạnh đó, phân tích các động thái của Kiev cũng cho thấy những thông tin đáng quan tâm như sau.

Ukraina đang phải tranh thủ thời gian. Các đợt thông tin như vậy tạo nhịp độ cho các hoạt động chuẩn bị, cho phép tiếp tục tập hợp các loại vũ khí, phương tiện cần thiết để lên kế hoạch cho một cuộc phản công thực sự. Cơ hội đối với Ukraina rất hiếm hoi, nếu lựa chọn chiến lược phản công trực tiếp, ồ ạt thì Ukraina không được phép thất bại.

Yếu tố bất ngờ

Có thể gây bất ngờ cho kẻ thù bằng hai cách: Thứ nhất là giữ bí mật, im lặng, không cho kẻ thù biết ý định của mình; thứ hai là liên tục thông tin, làm cho kẻ thù "quen" với mối đe dọa bị phản công và phải luôn luôn trong tình trạng báo động. 

Đây là cách mà Trung Quốc đang làm đối với Đài Loan, đối thủ khó có thể phân biệt báo động về một cuộc tấn công thật hay giả.

Thông tin tác chiến/thông tin chính trị

Từ tháng 3 đến nay, chính quyền Kiev "phong tỏa" chặt chẽ mọi thông tin về diễn tiến các chiến dịch quân sự và thường xuyên nói về việc chuẩn bị phản công. 

Theo giới chuyên gia, cần phân biệt thông tin mang tính tác chiến và thông tin với mục đích chính trị. Tại Ukraina, hai bên đều chuẩn bị tinh thần là đối phương sẽ tấn công trong dịp Xuân-Hè. Chính vì vậy, mỗi bên đều giảm bớt việc loan tải các thông tin mang tính chiến thuật, qua đó, giảm bớt nguy cơ thông tin bị tiết lộ, ý đồ của họ không bị phanh phui và vị trí đóng quân không bị lộ.

Mặt khác, từ khi Nga tấn công Ukraina, hai bên liên tục áp dụng chính sách thông tin mang tính chính trị.

Vì sao Ukraina liên tiếp 'phao tin' về cuộc phản công? - Ảnh 1.

Quân đội Ukraina từ Lữ đoàn pháo binh hạng nặng số 43 khai hỏa khẩu pháo Panzerhaubitze 2000 của Đức, được đơn vị gọi là Tina, giữa cuộc tấn công của Nga vào Ukraina, gần Bahmut, vùng Donetsk, Ukraina, ngày 5/2/2023. Ảnh: REUTERS

Thông tin đối nội và đối ngoại

Đối với Ukraina, về mặt đối nội: Đó là làm cho người dân Ukraina biết được rằng quân đội tiếp tục chiến đấu, qua đó tạo hy vọng giành lại những vùng lãnh thổ bị Nga chiếm đóng. 

Đối với bên ngoài, Ukraina muốn cho phương Tây thấy là rõ ràng họ đang chuẩn bị một cuộc phản công mang tính quyết định đối với kết cục cuộc chiến và việc chuyển giao vũ khí cho họ trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Chuẩn bị kỹ cho cuộc phản công

Cả Nga và Ukraina đều muốn tiến hành một chiến dịch quân sự lớn, nhưng gặp nhiều khó khăn do thiệt hại nặng nề về nhân mạng và vật chất và cả hai bên đều không muốn mạo hiểm gây thêm các tổn thất. Ukraina không thể có nguồn nhân lực vô tận, còn Nga khó có thể huy động thêm binh lính nếu không áp dụng các biện pháp cứng rắn. 

Trong khi chờ đợi, Nga chỉ tiến quân chậm rãi tại một số điểm trên chiến trường. Ukraina áp dụng chiến lược tránh trực tiếp đối đầu để tập trung tấn công một số mục tiêu ở hậu phương của đối phương, như các cơ sở hậu cần, kho dầu, súng đạn… 

Đây là chiến lược của kẻ yếu chống lại kẻ mạnh chiếm đóng, với mục đích ngăn cản đối phương chiến đấu. Hiện nay, Nga đã củng cố chiến tuyến dài 800 km và nếu Ukraina tiến hành một cuộc tấn công trên quy mô lớn thì phải dàn trải quân trên một diện rộng.

Có một hệ quả khác của việc Ukraina chuẩn bị tấn công: một phần vũ khí phương Tây cung cấp cho Ukraina có thể rơi vào tay quân Nga. Cho tới nay, quân đội Ukraina sử dụng chủ yếu các vũ khí có từ thời Liên Xô. 

Nếu có được một số vũ khí hạng nhẹ do phương Tây sản xuất, Nga sẽ đem dùng trong các cuộc xung đột vũ trang ở những nơi khác nhằm thao túng thông tin, ví dụ cáo buộc Ukraina chuyển giao vũ khí đến những nơi này. 

Như vậy, Ukraina lại phải đối mặt với một thách thức bổ sung: Hạn chế để cho vũ khí rơi vào tay kẻ thù, càng ít càng tốt. Vì cho đến nay, đối với cả Nga và Ukraina, một phần ba số vũ khí bỏ lại trên chiến trường rơi vào tay kẻ thù.

Nga mở đợt oanh kích mạnh

Rạng sáng 1/5, Nga đã tiến hành một loạt các cuộc tấn công bằng tên lửa và đạn pháo vào Ukraina, đợt tấn công rạng sáng lần thứ hai trong 3 ngày qua, khiến một người thiệt mạng ở Kherson và 25 người bị thương ở Dnipropetrovsk. 

Tại Kherson, nơi vẫn do Nga kiểm soát một phần, chính quyền Ukraina quản lý khu vực này cho biết Nga đã thực hiện 39 vụ pháo kích. Giới chức nói các vụ pháo kích được phóng ra từ vũ khí đặt trên mặt đất cùng các thiết bị bay không người lái và máy bay chiến đấu.

Trong một diễn biến khác, Serhiy Popko, người đứng đầu chính quyền quân quản tại Kiev, cho biết cũng đã có những tên lửa bị bắn hạ trong không phận Kiev. Đợt tấn công tên lửa mới nhất lúc rạng sáng diễn ra chỉ vài ngày sau khi 23 người thiệt mạng trong các cuộc không kích nhắm vào thành phố miền Trung Uman.

Trước đó, vào ngày 28/4, Moskva nói, quân đội Nga đang nhắm mục tiêu vào các đơn vị dự bị của quân đội Ukraina.

Vì sao Ukraina liên tiếp 'phao tin' về cuộc phản công? - Ảnh 3.

Khói bốc lên sau một cuộc tấn công tên lửa của Nga, trong bối cảnh Nga tấn công Ukraina, ở Kyiv, Ukraina ngày 9/3/2023. Ảnh: REUTERS

Ukraina đáp trả

Quân đội Ukraina đã mở cuộc tấn công Nga ở 3 điểm cách xa nhau trong cùng ngày 29/4. Làng Suzemka, vùng Bryansk, cách biên giới Đông Bắc với Ukraina khoảng 10 km, đã trúng nhiều tên lửa, 4 người bị thiệt mạng, một tòa chung cư bị phá hủy hoàn toàn và 2 ngôi nhà bị hư hại. Năm ngôi làng khác ở vùng Belgorod (phía Đông Ukraina) bị mất điện sau khi trúng pháo của Ukraina.

Và ở miền Nam là vụ tấn công bằng drone vào kho dầu ở cảng Sevastopol trên bán đảo Crimea bị Nga sáp nhập từ năm 2014. Tuy không trực tiếp thừa nhận tấn công kho nhiên liệu ở cảng Sevastopol của Crimea, nhưng quân đội Ukraina cho biết "một đám cháy" đã phá hủy 10 thùng chứa dầu với sức chứa khoảng 40.000 tấn. Còn theo phía Nga, 4 bồn dầu bị hư hại trong vụ tấn công.

Ở mặt trận miền Đông, Kiev tuyên bố kiểm soát được trục đường tiếp tế chính đến Bakhmut. Ngày 30/4, Serhiy Cherevatyi, người phát ngôn của các lực lượng phía Đông, cho biết quân Ukraina đã đẩy lùi 58 cuộc tấn công của Nga trong ngày 29/4 dọc chiến tuyến từ Bakhmut đến Avdiivka và tới Maryinka ở phía Nam vùng Donetsk.

Theo báo "Le Monde", hôm 1/5, chất nổ đã làm một tàu hàng bị trật đường ray ở vùng Briansk của Nga gần biên giới Ukraina, nhưng không có ai thiệt mạng. Một đường điện cao thế ở vùng Leningrad, gần Estonia và Phần Lan bị thiệt hại cũng do chất nổ. Ở làng Suzemka cách biên giới 9 km, bốn người thiệt mạng tối 29/4; cùng ngày, 5 làng khác ở Belgorod của Nga bị cúp điện vì Ukraina pháo kích.

Mỹ có kế hoạch công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 300 triệu USD cho Ukraina ngay sau ngày 3/5, lần đầu tiên sẽ bao gồm một tên lửa phóng từ trên không tầm ngắn, hai quan chức Mỹ nói với hãng tin Reuters.

Ukraina "tung hỏa mù"

Theo nhà phân tích địa chiến lược Ulrich Bounat, vụ tấn công Sevastopol nhằm vô hiệu hóa phần nào kho xăng dầu chiến lược và như vậy hạn chế khả năng di chuyển trong ngắn hạn của quân Nga, như từng làm trước khi tiến hành phản công ở Kherson và Kharkov năm 2022.

Về chiến lược "tung hỏa mù" khi tấn công nhiều địa điểm khác nhau, Bounat phân tích: "Với vụ xâm nhập bên kia bờ Dnipro vài ngày trước, có nhiều khả năng trong những tuần tới, chúng ta sẽ thấy Ukraina thử ở hầu hết khắp nơi trên mặt trận để trắc nghiệm khả năng kháng cự của Nga, để tìm cách khiến Nga tin rằng các chiến dịch sẽ diễn ra ở địa điểm này nhưng cuối cùng lại xảy ra ở nơi khác trước khi tổ chức phản công, có thể là vào tháng 5 hoặc muộn nhất là tháng 6. 

Ukraina không được phép thất bại trong trận đó bởi vì các nước phương Tây đã chuyển cho Kiev gần hết số xe bọc thép mà họ có thể cung cấp vào thời điểm này, nên giờ chẳng còn gì nhiều hoặc cần thời gian củng cố kho ở phương Tây để gửi sang Ukraina

Vì thế, rõ ràng là Ukraina có cơ hội nhưng cơ hội đó cũng có cái giá bởi vì nếu chẳng may cuộc phản công đó không tiến triển, Ukraina sẽ không thể nhanh chóng khởi động lại chiến dịch".

Giới quan sát tin rằng các cuộc tấn công vào các kho hậu cần, xăng dầu, đạn dược của Nga là bước mở màn để Ukraina phản công.

100.000 lính Nga tử trận tại Ukraina từ cuối 2022

Ngày 1/5, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết theo ước tính của tình báo Mỹ đã có khoảng 100.000 binh sĩ Nga đã tử trận tại Ukraina từ tháng 12/2022, trong đó chỉ riêng ở miền Đông, đặc biệt xung quanh thành phố Bakhmut là 20.000 quân, trong đó phân nửa là lính đánh thuê Wagner. Tuy nhiên, ông Kirby từ chối cho biết con số thiệt hại của Ukraina.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết chính phủ Hoa Kỳ không có bất kỳ dữ liệu nào về tổn thất của Nga ở miền Đông Ukraina và ước tính tuyên bố 20.000 binh sĩ đã thiệt mạng trong 5 tháng qua là "được lấy ra từ hư không".

(Nguồn: TTXVN/BBC/RFI)

P.V (tổng hợp)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement