Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Vì sao không thể có một NATO châu Á?

Phân tích

25/08/2022 16:39

Hội nghị thượng đỉnh gần đây của NATO tại Madrid đã có sự tham dự của các khách mời được nhiều người gắn cho cái tên "Bộ tứ châu Á-Thái Bình Dương" như Australia, New Zealand, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Điều này đã làm dấy lên đồn đoán, đặc biệt là trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc, về khả năng một NATO châu Á có thể thành hình.

Trang mạng policyforum ngày 25/8 đăng bài viết của Phó Giáo sư Sue Thompson, làm việc tại Trường An ninh Quốc gia thuộc Đại học Quốc gia Australia, cho rằng các nhà hoạch định chính sách an ninh cần nhìn lại những diễn biến trong quá khứ ở châu Á-Thái Bình Dương để tìm lời đáp cho câu hỏi liệu một tổ chức theo kiểu NATO có thể hoạt động hay trong khu vực này hày không.

Trên thực tế, đã có nhiều nỗ lực thành lập các liên minh an ninh kiểu NATO trong khu vực, nhưng phần lớn đều không thành công.

Khi NATO được thành lập vào tháng 4/1949 trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh phủ bóng châu Âu, đã có những lời kêu gọi về một "Hiệp ước Thái Bình Dương" tương tự như NATO. Nhiều quốc gia châu Á-Thái Bình Dương lúc đó mong muốn xây dựng một cách tiếp cận chung đối với các đối thủ cộng sản, nhưng lại không thống nhất về cách thức đạt được điều này.

Tổng thống Philippines lúc bấy giờ là Elpidio Quirino đã đưa ra ý tưởng về một hiệp ước an ninh cho tất cả các quốc gia châu Á và Thái Bình Dương phi cộng sản, trong đó Mỹ đóng vai trò chủ đạo.

Vì sao không thể có một NATO châu Á? - Ảnh 1.

Mỹ và Nhật Bản tập trận.

Người Australia cũng đã vận động cho một Hiệp ước Thái Bình Dương bao gồm Mỹ và Anh. New Zealand muốn có một đối tác Thái Bình Dương với NATO mà ban đầu sẽ bao gồm Mỹ, Anh, Canada, Australia, New Zealand, Ấn Độ, Hà Lan và Pháp.

Quốc dân Đảng ở Trung Quốc, đang trong cuộc nội chiến với những người cộng sản Trung Quốc, cũng thúc đẩy việc thành lập một liên minh an ninh của các quốc gia phi cộng sản ở châu Á và Thái Bình Dương, trong đó có Mỹ.

Tổng thống Hàn Quốc Syngman Rhee ủng hộ việc hình thành một liên minh an ninh, nhất là sau khi thất bại trong việc ngăn cản Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc, và mong muốn hình thành một liên minh quân sự Mỹ-Hàn.

Tuy nhiên, trọng tâm của Mỹ lúc đó là châu Âu. Theo các tài liệu lưu trữ, giới hoạch định chính sách của Mỹ tin rằng các cuộc đàm phán an ninh chính thức ở châu Á sẽ lôi kéo người Mỹ vào các cam kết quân sự trực tiếp mà họ vốn không mong muốn. Thay vào đó, Washington khuyến khích các quốc gia trong khu vực hợp tác với nhau.

Đáp lại, lãnh đạo Quốc dân Đảng Tưởng Giới Thạch đã đề xuất khả năng hợp tác giữa Trung Quốc, Philippines và các quốc gia châu Á khác. Chỉ có Philippines và Hàn Quốc ủng hộ đề xuất này. Các quốc gia khác có cách tiếp cận thận trọng đối với bất kỳ thỏa thuận an ninh nào phục vụ cho những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc.

Trong khi đó, ở Nam và Đông Nam Á, Tổng thống Ấn Độ Jawaharlal Nehru tin tưởng vào sự thống nhất của châu Á vì sự phát triển kinh tế, nhưng không phải là một liên minh chống lại bất kỳ quốc gia hay cường quốc nào. Indonesia ủng hộ hợp tác khu vực chặt chẽ hơn, nhưng phải tránh xa một khối quân sự chính thức. Đó cũng là quan điểm của Thái Lan và Miến Điện, nay là Myanmar.

Tuy nhiên, nỗ lực của Mỹ trong việc duy trì vai trò của mình trong các vấn đề châu Á đã bị thử thách khi những người cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền vào ngày 1/10/1949 và Chiến tranh Triều Tiên nổ ra vào tháng 6/1950. Mỹ sau đó đã ký hiệp ước an ninh ba bên với Australia và New Zealand, cũng như các liên minh song phương với Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc và Đài Loan.

Một "NATO châu Á" dường như đã đi vào quên lãng, cho đến khi những nỗ lực xuất hiện trong các cuộc đàm phán năm 1954 để giải quyết Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Thay vào đó, người Mỹ đề xuất một dàn xếp an ninh tập thể cho Đông Nam Á. Người Anh muốn có nhiều thành viên châu Á tham gia hơn, nhưng người Mỹ muốn kết thúc quá trình này trước khi có một giải pháp cuối cùng cho cuộc xung đột và không muốn bị lôi kéo vào một quá trình kết nạp thành viên kéo dài.

Về phần các nước Đông Nam Á lúc đó, Indonesia và Miến Điện hoài nghi về một tổ chức có thể bị dư luận trong nước gắn mác "đế quốc" và cảnh giác bị lôi kéo vào Chiến tranh Lạnh. Hai nước này muốn đi theo con đường không liên kết, và cùng với Ấn Độ và Sri Lanka, sau đó đã trở thành những thành viên sáng lập của Phong trào không liên kết.

Malaysia, Singapore và các vùng lãnh thổ của Bắc Borneo hồi đó vẫn là thuộc địa của Anh, do đó không thể gia nhập theo ý mình.

Vì sao không thể có một NATO châu Á? - Ảnh 3.

Căng thẳng Mỹ - Trung thời gian gần đây đã lên đỉnh điểm sau chuyến thăm của bà Pelosi đến Đài Loan.

Chỉ có Philippines và Thái Lan bày tỏ sự quan tâm, hy vọng một liên minh như vậy sẽ cho phép họ tiếp cận nhiều hơn với viện trợ quân sự của Mỹ. Tuy nhiên, rõ ràng ngay từ đầu Mỹ không mong muốn có một tổ chức kiểu NATO, và cũng không coi hiệp ước an ninh mới là một diễn đàn rộng mở cho việc hoạch định quân sự.

Kết quả dẫn đến việc Hiệp ước Phòng thủ Tập thể Đông Nam Á, hay Hiệp ước Manila, đã được ký tại Manila vào ngày 8/9/1954 với các bên tham gia là Mỹ, Pháp, Anh, Australia, New Zealand, Thái Lan, Pakistan và Philippines. Sự kiện này mở đường cho việc thành lập của Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO) vào ngày 19/2/1955.

Ngay từ đầu, SEATO đã là một sự thỏa hiệp, được hình thành vội vã và chỉ có 2 nước Đông Nam Á tham gia. Tổ chức này không có bộ chỉ huy thống nhất và không có quân đội thường trực, và chỉ để thực hiện các cam kết quân sự hạn chế. Philippines và Thái Lan tin rằng 4 thành viên nói tiếng Anh có các cuộc tham vấn riêng và họ không hài lòng về việc bị gạt ra ngoài.

Các hồ sơ được giải mật cho thấy Mỹ, Anh, Australia và New Zealand đã có các cuộc thảo luận không chính thức. Ý tưởng về lập kế hoạch quốc phòng hợp tác 4 cường quốc đã được nêu ra ngay trong quá trình đàm phán thành lập SEATO.

Việc tiếp tục các cuộc thảo luận không chính thức này đã dẫn đến một đề xuất của Anh vào năm 1966 về việc chính thức hóa cơ cấu này. Anh lúc đó đang cân nhắc đóng cửa căn cứ quân sự ở Singapore và mong muốn có một phương án phòng thủ tập thể hiệu quả hơn SEATO.

Người Mỹ cũng không quan tâm đến đề xuất trên, đặc biệt nếu nó khuyến khích người Anh bỏ qua khu vực này về mặt quân sự. Mặt khác, Mỹ cũng cảnh giác với việc bất kỳ tổ chức chính thức nào bị coi là "câu lạc bộ của người da trắng", vì vậy quyết định không từ chối các cuộc thảo luận 4 bên "kín đáo" nhưng phản đối việc lập kế hoạch chung và thiết lập bộ chỉ huy chung.

Sang những năm 1970, một số quốc gia thành viên của SEATO không muốn tham dự công tác của tổ chức, đồng thời rút lui. SEATO chính thức giải thể năm 1977.

Bất chấp những lo ngại về ảnh hưởng của cộng sản ở châu Á, các quốc gia thực tế không thể tìm thấy đủ điểm chung để cùng nhau thành lập một tổ chức an ninh tập thể kiểu NATO trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh. Yếu tố này cũng vẫn sẽ có thể cản trở bất kỳ nỗ lực tương tự nào trong tương lai.

TTXVN
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement