21/11/2023 15:06
Trung Quốc nỗ lực thoát khỏi khủng hoảng kinh tế
Trong tháng này, tân bộ trưởng tài chính của Trung Quốc Lan Fo'an (Lam Phật An) cho biết Bắc Kinh sẽ tăng cường chi tiêu cho ngân sách để hỗ trợ quá trình phục hồi của đại lục.
Kế hoạch lớn và ranh giới nợ
Trung Quốc sẽ triển khai một kho trái phiếu chính phủ và địa phương, bao gồm một cơ sở kho bạc mới trị giá 1.000 tỷ CNY (140 tỷ USD) để hỗ trợ nền kinh tế, thông qua chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Theo đó, động thái này làm tăng thâm hụt ngân sách của đất nước trong năm 2023.
Nhưng trong khi thông điệp này được các nhà đầu tư hoan nghênh, nhiều nhà phân tích đặt câu hỏi rằng Bắc Kinh thực sự có bao nhiêu hỏa lực ngân sách để thúc đẩy niềm tin đang suy giảm và thúc đẩy động lực kinh tế mạnh mẽ hơn.
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại và mô hình phát triển dựa trên đầu tư trước đây đang mất dần đà tăng trưởng, doanh thu thuế đang chịu áp lực, Bắc Kinh cũng không muốn vay thêm vì lượng nợ xấu khổng lồ cần giải quyết ở cấp chính quyền địa phương.
Logan Wright, giám đốc nghiên cứu thị trường Trung Quốc tại Rhodium Group, cho biết đây là câu chuyện dài hơi, vì chính sách tài khóa đã bị hạn chế trong 3-4 năm qua.
Xét trong nhóm các nền kinh tế lớn của thế giới, kinh tế Trung Quốc từng có khoảng thời gian tăng trưởng mạnh và dài chưa từng thấy trong lịch sử. Kinh tế Trung Quốc được hỗ trợ quan trọng bởi thị trường nhà đất tăng trưởng mạnh, dân số tăng cao và quá trình đô thị hóa.
Tuy nhiên, thị trường bất động sản, ngành nghề đóng góp đến 30% vào kinh tế Trung Quốc, rơi vào khủng hoảng từ hơn 2 năm trước sau khi chính phủ chính thức siết chặt tín dụng với ngành này.
Chính phủ đã phản ứng bằng các gia tăng các biện pháp kích thích và nới lỏng để điều chỉnh triển vọng kinh tế. Trung Quốc không muốn tăng đòn bẩy như họ đã làm sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi chính phủ thực hiện kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 4.000 tỷ NDT (562 tỷ USD).
Các nhà phân tích của IMF cũng cho biết trong một bài báo phát hành vào tháng 8 rằng tình hình tài chính ròng của Trung Quốc, tính đến các tài sản như cổ phần nắm giữ, nằm trong top 15 thế giới, ở mức 7,25% GDP, mặc dù tỷ lệ này đang giảm dần và việc định giá tài sản không chắc chắn vì các yếu tố bao gồm tính thanh khoản.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích tin rằng nợ thực sự của chính phủ Trung Quốc lớn hơn nhiều so với số liệu được công bố.
Bắc Kinh đóng vai trò là điểm tựa cuối cùng cho tổng nợ chính phủ của đất nước, được ước tính ở mức 142% GDP vào năm ngoái, bao gồm cả khoản nợ do chính quyền trung ương, ngân hàng chính sách, chính quyền địa phương và các phương tiện tài trợ của chính quyền địa phương (LGFV) nắm giữ.
Hui Shan, chuyên gia kinh tế tại Goldman Sachs, cho biết: "Ở Trung Quốc, ranh giới hơi mờ nhạt" về cách tính tổng nợ phải trả của chính phủ. Tại thời điểm nào thì các nghĩa vụ của LGFV sẽ kết thúc trước khi chúng trở thành trách nhiệm của chính quyền địa phương - thật khó để vạch ra ranh giới đó".
Áp lực "núi nợ" của các địa phương Trung Quốc
Nợ nần ở các công ty tài chính thuộc sở hữu các chính quyền địa phương (LGFV) ở Trung Quốc được xem là rủi ro tài chính hàng đầu ở châu Á. Với một loạt dữ liệu cho thấy đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc đang chững lại, một lần nữa, nợ nần của các chính quyền thành phố ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thu hút mối quan tâm.
Nợ của các địa phương đang chiếm một phần không nhỏ trong núi nợ công 23.000 tỷ USD của Trung Quốc. IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay từ 5% lên 5,4%, nhưng Bắc Kinh vẫn cần "thực hiện các cải cách khuôn khổ tài chính phối hợp".
Kể từ tháng 9, Bắc Kinh đã yêu cầu các ngân hàng nhà nước giảm lãi suất và kéo dài thời hạn cho vay của chính quyền địa phương. Bắc Kinh cũng đã cho phép chính quyền tỉnh phát hành trái phiếu để trả các khoản nợ LGFV.
Đến đầu tháng 11, ít nhất 27 tỉnh và một đô thị đã phát hành 1,2 nghìn tỷ NDT trái phiếu, sử dụng hạn ngạch bán trái phiếu chính quyền địa phương đã được phân bổ trong những năm trước nhưng chưa được sử dụng hết.
Gavekal cho biết, bằng cách giải cứu các chính quyền địa phương bằng một đợt hoán đổi trái phiếu khác, chính quyền trung ương đang ưu tiên "ngăn ngừa rủi ro", nghĩa là phải ngăn chặn những vụ vỡ nợ gây thiệt hại trên thị trường trái phiếu có thể gây ra hiệu ứng lan rộng.
Đây cũng là điều khiến các nhà đầu tư ngày càng lo lắng khi vấn đề nợ của chính quyền địa phương có nguy cơ trở thành lực cản cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong nhiều năm tới.
Dù cho khả năng vỡ nợ ở các địa phương có diễn ra hay không, thì mối lo ngại lớn hơn là chính quyền địa phương có thể buộc phải thắt chặt chi tiêu, hoặc cắt giảm ngân sách lẽ ra phải rót vào các dự án nhằm kích thích tăng trưởng để chuyển sang trả nợ.
Houze Song, chuyên gia tại tổ chức tư vấn MacroPolo chia sẻ: "Chính quyền Trung Quốc có thể duy trì sự ổn định trong thời gian ngắn bằng cách yêu cầu hệ thống ngân hàng tái tục các khoản vay của các chính quyền địa phương. Thế nhưng, nếu không gia hạn các khoản vay, gần 70% số địa phương sẽ không thể trả nợ đúng hạn".
Đây cũng là vấn đề tồn tại ở nhiều thành phố khác. Ở thành phố Vũ Hán và Quảng Châu, những đề xuất cắt giảm phúc lợi y tế của người dân và người về hưu đã dẫn đến những cuộc biểu tình trên đường phố vào năm 2023.
Tại Thương Khâu, dịch vụ xe buýt công cộng cũng suýt bị ngừng hoạt động vì không đủ chi phí. Không chỉ vậy, công chức ở những thành phố lớn như Thượng Hải cũng bị cắt lương.
Nhưng vấn đề quan trọng khác là khi mô hình đầu tư dựa trên nợ cũ của Trung Quốc chuyển sang mô hình dựa vào tiêu dùng nhiều hơn, doanh thu từ bán đất và thuế giá trị gia tăng đã giảm, đặc biệt khi thị trường bất động sản bùng nổ trong những năm gần đây.
Tổng thu thuế so với GDP đã giảm từ 18,5% năm 2014 xuống còn 13,8% vào năm ngoái, Wright của Rhodium cho biết.
Trung Quốc có thể ngày càng phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn về cách cân bằng nhu cầu xã hội và phát triển với một số mục tiêu chiến lược của Chủ tịch Tập Cận Bình, như phát triển các ngành công nghệ cao hoặc các dự án cơ sở hạ tầng ở nước ngoài.
Chính quyền đại lục sẽ phải đối mặt với sự đánh đổi giữa tất cả những điều chỉnh này, và nên đưa ra những quyết định cẩn trọng hơn vào thời gian tới khi "bom" nợ công vẫn bủa vây chính quyền địa phương.
(Nguồn: FT/Bloomberg)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp