13/11/2023 08:41
Quan hệ Mỹ - Trung đang phục hồi?
Cuộc gặp này có thể thúc đẩy bước đột phá lớn trong quan hệ hai nước hay không? Đây đều là các vấn đề được các bên rất quan tâm.
Những cuộc trao đổi "trống rỗng"…
2024 là năm bầu cử tổng thống Mỹ và Biden sớm đã bước vào trạng thái tranh cử. Trong bối cảnh đó, quan hệ Mỹ - Trung quả thực đã có phần hòa dịu nhưng chưa thể nói tới việc có bước đột phá lớn.
Sau cuộc gặp Tập-Biden lần này, quan hệ Mỹ - Trung nhiều khả năng chưa có bước đột phá lớn. Chính quyền Biden hiện không còn không gian để nhượng bộ Trung Quốc, thậm chí khi cuộc bầu cử đến gần, Washington có thể sẽ dùng cây gậy cứng rắn hơn nhằm vào Trung Quốc.
Do đó, việc quan hệ Mỹ-Trung có thể có bước đột phá hay không sẽ phụ thuộc vào các cuộc đàm phán tiếp theo sau khi chính quyền mới ở Mỹ nhậm chức. Ở giai đoạn này, các cuộc tiếp xúc giữa Trung Quốc và chính quyền Biden phần lớn là những cuộc nói chuyện "trống rỗng".
Thời gian qua, các thành viên của chính quyền Biden đã lần lượt đến thăm Trung Quốc, Ngoại trưởng Vương Nghị và Phó Thủ tướng Hà Lập Phong cũng lần lượt đến thăm Mỹ, các cuộc đàm phán Mỹ - Trung về vấn đề hàng hải và đàm phán về biến đổi khí hậu đã lần lượt diễn ra, là biểu tượng của việc quan hệ song phương đã có phần hòa dịu hơn.
Tuy nhiên, việc nối lại các cuộc đàm phán này chủ yếu là để khắc phục tình trạng bế tắc trong mối quan hệ song phương do đối đầu chính trị. Việc đình chỉ một số hợp tác bình thường không liên quan đến lợi ích cốt lõi của hai nước là sản phẩm phụ của sự đối đầu quá mức giữa Trung Quốc và Mỹ.
Hiện tại, một số sai lệch đã được sửa chữa, nhưng cuộc đối đầu giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực như quân sự, khoa học, công nghệ, kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Cả Bắc Kinh và Washington đều nhận thức rõ điều này.
Sự cải thiện trong quan hệ song phương là do Mỹ, dưới áp lực của nước chủ nhà APEC, đã phải cải thiện quan hệ với Bắc Kinh để tạo bầu không khí cho lãnh đạo Trung Quốc tới Mỹ. Tham dự APEC cũng là dịp để lãnh đạo Trung Quốc nâng cao hình ảnh, thể hiện sự chân thành hợp tác và coi trọng khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Bắc Kinh tất nhiên hiểu thiện chí của Mỹ và không thể cố tình phớt lờ điều này. Tuy nhiên, cũng không thể ràng buộc một cách vô lý các cuộc đàm phán về một số vấn đề rất khó khăn giữa Trung Quốc và Mỹ với APEC. Vì vậy, việc quan hệ Mỹ - Trung đã hòa dịu, nhưng không có sự đột phá là điều có thể lý giải được.
…hay dấu hiệu của sự phục hồi?
Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng quan hệ Mỹ - Trung đang dần hồi phục, là kết quả của việc Washington điều chỉnh chính sách đối với Bắc Kinh theo từng giai đoạn, cũng như thiện chí và những tương tác tích cực giữa hai bên. Trong vài tháng qua, mặc dù Trung Quốc và Mỹ đôi lúc vẫn nổ ra tranh cãi, nhưng nhìn chung xu hướng quan hệ hòa dịu là rất rõ ràng.
Về phía Mỹ, để tranh thủ sự tham gia của Trung Quốc tại APEC ở San Francisco vào tháng 11, Washington đã chủ động hạ thấp thái độ trong 6 tháng qua, thể hiện thiện chí, tạo điều kiện để quan hệ Mỹ-Trung thoát đáy.
Sau chuyến thăm Trung Quốc của Blinken vào tháng 6, một loạt quan chức cấp cao khác của Mỹ cũng đã có các cuộc gặp làm việc với đại diện Bắc Kinh, nổi bật là Bộ trưởng Tài chính Yellen, Bộ trưởng Thương mại Raimondo, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu Kerry, Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Schumer và Thống đốc California Newsom.
Trong 6 tháng qua, chính quyền Biden đã đưa ra một số biện pháp nhằm vào các ngành khoa học công nghệ cao của Trung Quốc, thúc đẩy chuyển dịch chuỗi ngành nghề quốc tế, liên tục rêu rao mối đe dọa từ Bắc Kinh tại hội nghị G7 ở Nhật Bản và G20 ở Ấn Độ, huy động hệ thống liên minh quốc tế, trong đó có Ấn Độ, để nhắm vào Trung Quốc. Tuy nhiên, so với trước đây thì sự gay gắt và quyết liệt trong chính sách của Washington đối với Bắc Kinh đã yếu đi đáng kể.
Các hoạt động chính của Tuần lễ Cấp cao APEC 2023
Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 30 (17/11).
Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (15 - 16/11).
Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo với Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (16/11).
Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo APEC với khách mời (16/11).
Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 34 (14 - 15/11).
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 30 (12 - 13/11).
Hội nghị Tổng kết các Quan chức cao cấp APEC (11 - 12/11).
Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 30 sẽ thảo luận về chủ đề "Kết nối và các nền kinh tế tự cường và bao trùm".
Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế lần thứ 34 gồm các phiên họp với chủ đề về "Xây dựng khu vực tự cường và kết nối để tăng cường thịnh vượng kinh tế bao trùm" và "Kiến tạo môi trường đổi mới sáng tạo vì tương lai bền vững và bảo đảm tương lai bình đẳng và bao trùm cho tất cả mọi người".
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính lần thứ 30 gồm các phiên họp tập trung vào "Tình hình tài chính và kinh tế thế giới và khu vực", "Mô hình kinh tế trọng cung hiện đại", "Tài chính bền vững" và "Tài sản số".
Liên quan đến cuộc chiến Nga-Ukraina, Mỹ không còn nhào nặn các chủ đề như Trung Quốc viện trợ cho Nga, không còn gây áp lực đối với Bắc Kinh về vấn đề này. Nguyên nhân có thể là sau hơn một năm quan sát, Mỹ quả thực không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đang viện trợ vũ khí sát thương cho Nga.
Về xung đột Israel-Palestine, mặc dù Bắc Kinh và Washington có lập trường khác biệt rõ rệt về việc ủng hộ Israel hay thông cảm với người Palestine, nhưng lại có đồng thuận về một số vấn đề cơ bản, chẳng hạn như phản đối mọi cuộc tấn công nhằm vào dân thường và rằng Israel, Palestine nên nỗ lực quay trở lại "giải pháp hai nhà nước".
Quân đội Mỹ cũng đã nỗ lực không ngừng trong vài tháng qua, hy vọng những thay đổi nhân sự liên quan là cơ hội để nối lại liên lạc và trao đổi với quân đội Trung Quốc.
Trước những thay đổi từ phía Mỹ, những thay đổi của phía Trung Quốc cũng rất rõ ràng. Tờ "Nhân dân Nhật báo" gần đây đã xuất bản một bài bình luận nhan đề "Thúc đẩy quan hệ Mỹ - Trung thực sự ổn định và cải thiện". Đây là bài bình luận tích cực nhất về quan hệ Mỹ - Trung do tờ báo này đăng tải trong vài năm qua kể từ khi quan hệ song phương rơi xuống đáy.
Vào khoảng thời gian bài báo trên được xuất bản, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác Đối ngoại Trung ương kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đến thăm Mỹ và gặp gỡ Tổng thống Biden, Ngoại trưởng Blinken, Cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng Sullivan để "dọn sạch" trở ngại cho việc Bắc Kinh tham dự APEC tại San Francisco.
Ông Hà Lập Phong, Phó Thủ tướng, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Tài chính và lãnh đạo Trung Quốc về Kinh tế và Thương mại Mỹ - Trung cũng đến thăm Washington theo lời mời của Bộ trưởng Tài chính Yellen từ ngày 8-12/11.
Ngoài ra, ngày 6/10, Bộ Thương mại Mỹ đã bổ sung 42 công ty Trung Quốc vào "danh sách thực thể" kiểm soát xuất khẩu với cáo buộc cung cấp mạch tích hợp có nguồn gốc từ Mỹ cho các nhà nhập khẩu liên quan đến quân đội Nga sau ngày 1/3/2023. Thay vì ngay lập tức áp đặt các biện pháp trừng phạt đáp trả như trước đây, lần này Bắc Kinh chỉ lên tiếng chỉ trích mà thôi.
Hơn nữa, mặc dù không dỡ bỏ lệnh trừng phạt và không cho phép Lý Gia Siêu, Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong, tham gia hội nghị APEC, nhưng Washington vẫn gửi giấy mời đại diện Hong Kong. Giải pháp ở đây là Giám đốc Sở Tài chính Trần Mậu Ba sẽ thay mặt Lý Gia Siêu tham dự. Mặc dù bên ngoài không biết đến các cuộc đàm phán đằng sau vấn đề này, nhưng người trong ngành đều biết tính linh hoạt ngoại giao đằng sau thỏa thuận này.
Có thể nói, để làm cho quan hệ Mỹ - Trung thực sự ổn định và ngày càng tốt đẹp hơn, Bắc Kinh gần đây đã thể hiện thiện chí và thế giới bên ngoài cũng đã nhìn thấy nỗ lực của nước này.
Trên thực tế, nếu mở rộng tầm nhìn thì có thể thấy hai bên đã bắt đầu cố gắng cải thiện quan hệ song phương từ năm 2022, Hội nghị thượng đỉnh Bali và những điều chỉnh vị trí của một số nhân sự ngoại giao quan trọng có thể được xem là những dấu hiệu ban đầu.
Đáng tiếc, trong giai đoạn này, chuyến thăm Đài Loan của Pelosi và sự cố khinh khí cầu lần lượt xảy ra, như hai đợt sóng lạnh bất ngờ làm gián đoạn tốc độ ấm lên của quan hệ song phương. Mặc dù các sự kiện này đã làm trầm trọng thêm sự thù địch giữa người dân hai nước và tác động mạnh đến quan hệ song phương, nhưng giới lãnh đạo hai nước vẫn có sự đồng thuận mạnh mẽ.
Hai bên đã duy trì sự tỉnh táo chiến lược hiếm có vì đều nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của quan hệ Mỹ - Trung trong thời kỳ cạnh tranh và không đẩy quan hệ song phương đến điểm không thể quay lại như một số nhận xét của những người theo chủ nghĩa dân túy.
Hoạt động của đoàn Việt Nam tại Tuần lễ Cấp cao APEC
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 30 (17/11), Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo với Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (16/11), Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo APEC với khách mời (16/11) và phát biểu dẫn đề tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (15/11).
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và lãnh đạo Bộ Công Thương sẽ tham dự Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế ngày 14 - 15/11 và tháp tùng Chủ tịch nước dự Hội nghị cấp cao và các hội nghị liên quan từ ngày 15 - 17/11.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc sẽ tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ngày 12-13/11 và tháp tùng Chủ tịch nước dự Hội nghị Cấp cao và các Hội nghị liên quan từ ngày 15 - 17/11.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC Việt Nam Phạm Tấn Công tham dự Đối thoại giữa Lãnh đạo các nền kinh tế APEC với Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (16/11) và Hội nghị Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) (11 - 13/11).
Đại diện Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao tham dự Hội nghị Tổng kết các quan chức cao cấp APEC (11 - 12/11).
(Nguồn: TTXVN)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement