Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Triển vọng kinh tế Trung Quốc: Thực trạng và những thách thức (bài 1)

Phân tích

28/08/2022 11:19

Theo tạp chí "Báo cáo Kinh tế Trung Quốc", trong giai đoạn sắp tới, rủi ro, thách thức và áp lực mà kinh tế Trung Quốc phải đối diện là rất nhiều và phức tạp.
news

Nước này vừa phải ứng phó với thách thức đến từ các yếu tố bên ngoài như phòng chống dịch bệnh, việc Mỹ bao vây kiềm chế về mặt kinh tế, xu hướng tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại trong khi lạm phát cao… vừa phải giải quyết một số mâu thuẫn và vấn đề nội tại bên trong như nhu cầu trong nước yếu, kỳ vọng suy giảm, rủi ro tích tụ.

Do đó, Trung Quốc cần phải dựa vào khoa học để hoạch định chính xác, hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế. Các chính sách mở rộng nhu cầu trong nước cũng cần phải mạnh mẽ và hiệu quả, chính sách cứu trợ và hỗ trợ cần có trọng điểm hơn, chính sách kiểm soát vĩ mô cần chú trọng cao độ đến việc phối hợp hài hòa giữa nhiều yếu tố.

Tình hình vận hành kinh tế Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm

Về tổng thể, kinh tế Trung Quốc đã thoát khỏi trạng thái phục hồi hình chữ V trong nửa đầu năm, yếu tố chủ yếu nhất khiến nền kinh tế biến động mạnh là dịch bệnh và công tác phòng chống dịch bệnh.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong quý I/2022 đã tăng 4,8%. Kết quả này không quá cao, nhưng cũng không quá thấp, vì được thực hiện trên nền tảng hệ số cơ sở cao từ mức tăng trưởng 18,3% được ghi nhận trong quý I/2021. Do đó trong giai đoạn này, kinh tế Trung Quốc được nhìn nhận là đang tiếp tục xu thế phục hồi từ năm 2021.

Tuy nhiên, bắt đầu từ cuối tháng 3/2022, khi Thượng Hải và các khu vực phát triển như Bắc Kinh, Chiết Giang, Quảng Đông… đều áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt vì dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế đã bị ảnh hưởng nặng nề.

Trong đó, tháng Tư có lẽ là thời điểm khó khăn nhất. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong nửa đầu năm của Thượng Hải giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2021. Bắt đầu từ cuối tháng 5/2022, tình hình dịch bệnh của các địa phương bắt đầu dịu xuống, kinh tế bắt đầu khởi sắc và trạng thái phục hồi được thể hiện rõ nét hơn trong tháng Sáu.

Trạng thái phục hồi này được phản ánh trên các phương diện sau: Một là sự phục hồi của hoạt động kho vận (logistics) và tuần hoàn kinh tế. Về đường sắt, khối lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt trong 6 tháng đầu năm được duy trì ở mức cao, lũy kế khối lượng vận chuyển tăng 5,5%, nhiều chỉ số bao gồm khối lượng vận chuyển hàng hóa bình quân hàng ngày ghi nhận mức cao mới.

Về đường bộ, lưu lượng xe tải hàng ngày trên các tuyến quốc lộ đã phục hồi về 90% mức bình thường, trong khi đó lưu lượng vận chuyển hàng hóa bằng xe tải trong tháng Tư giảm gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về tuần hoàn bên trong, khối lượng dịch vụ chuyển phát nhanh trung bình hàng ngày trong tháng Sáu đã khôi phục về mức trên 300 triệu kiện, cao hơn so với cùng kỳ năm 2021.

Thứ hai, sự phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực. Theo kết quả khảo sát 10.000 doanh nghiệp do Trung tâm nghiên cứu phát triển của Quốc vụ viện thực hiện, công suất hoạt động của các doanh nghiệp trong tháng 6 đã tăng 68,5% từ mức 66,8% của tháng Tư, tiệm cận với tháng Ba.

Chỉ số quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất tăng từ 47,4% của tháng Tư lên 50,2% trong tháng Sáu. Chỉ số hoạt động thương mại của ngành dịch vụ phục hồi tăng từ mức đóng băng 40% trong tháng Tư lên 54,3% trong tháng Sáu, xu hướng phục hồi ngày càng rõ ràng hơn.

Ba là nhu cầu huy động vốn của nền kinh tế đã tăng lên đáng kể. Theo số liệu do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, Ngân hàng Trung ương) công bố, các khoản cho vay bằng nhân dân tệ trong tháng 6/2022 của Trung Quốc đã tăng hơn 686,7 tỷ nhân dân tệ so với cùng kỳ năm trước.

Dư nợ tín dụng cuối tháng 6 là 206.350 tỷ nhân dân tệ, tăng 11,2% so với cùng kỳ. Quy mô huy động vốn xã hội trong tháng Sáu là 5.170 tỷ nhân dân tệ, cao hơn 1.470 tỷ nhân dân tệ so với cùng kỳ năm trước. Tổng quy mô huy động vốn xã hội cuối tháng Sáu là 334.270 tỷ nhân dân tệ, tăng 10,8% so với cùng kỳ, tốc độ tăng cao hơn 0,3 điểm phần trăm so với tháng Năm.

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 0,4% trong quý II/2022 và tăng 2,5% trong nửa đầu năm, có thể nói đây là một thành tích không tồi.

Triển vọng kinh tế Trung Quốc: Thực trạng và những thách thức (bài 1) - Ảnh 3.

Năm ngoái đã chứng kiến số lượng kỷ lục các nhà phát triển Trung Quốc bị vỡ nợ, kể từ Evergrande trở xuống. S&P ước tính rằng từ 20% đến 40% nhà phát triển bất động sản có thể phải đối mặt với tình trạng vỡ nợ.

Triển vọng kinh tế 6 tháng cuối năm

Xét từ tình hình hiện nay, yếu tố bất ổn lớn nhất ảnh hưởng đến việc vận hành kinh tế Trung Quốc vẫn là tình hình dịch bệnh. Nếu dịch bệnh không xuất hiện tình trạng lặp đi lặp lại, nền kinh tế có thể duy trì đà phục hồi từ tháng Sáu đến nay, dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm có thể đạt 5% và cả năm có thể đạt 4%.

Mặc dù mức dự kiến này có sự khác biệt đáng kể so với tốc độ tăng trưởng kỳ vọng 5,5% đặt ra vào đầu năm, nhưng cân nhắc đến ảnh hưởng nghiêm trọng của tình hình dịch bệnh, có thể nói đây là một kết quả tăng trưởng không tồi. Đương nhiên, đây là tốc độ tăng trưởng kỳ vọng được xây dựng với kịch bản giả định là dịch bệnh sẽ không lặp đi lặp lại nghiêm trọng. Nếu dịch bệnh dịch bệnh lặp đi lặp lại nghiêm trọng thì câu chuyện sẽ khác.

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế đặt ra cho năm nay là 5,5%, nhưng 6 tháng đầu năm, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng 2,5%, khoảng cách so với mục tiêu vẫn khá lớn và nếu muốn thực hiện mục tiêu tăng trưởng 5,5% cả năm, thì kinh tế 6 tháng cuối năm phải tăng đến 8%. Rõ ràng đây là điều vô cùng khó khăn.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng Trung Quốc không cần phải quá "vướng bận" với mục tiêu 5,5% của năm nay. Điều này xuất phát từ hai nguyên nhân. Một là khi xác định mục tiêu này vào đầu năm, một số nhà quan sát đã cho rằng ngay cả trong tình hình bình thường, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng sẽ rất chật vật để đạt được mục tiêu này.

Nguyên nhân là do việc xác định mục tiêu 5,5% của năm nay được thực hiện dựa trên nền tảng 8,1% của năm trước. Mặc dù về mặt giá trị tuyệt đối thì mục tiêu của năm nay là thấp hơn, nhưng mức tăng trưởng 8,1% của năm 2021 được thực hiện trên nền tảng tăng trưởng 2,2% của năm 2020, nếu tính trung bình hai năm thì con số này là khoảng 5%.

Hai là mục tiêu này chưa tính đến tác động của tình trạng dịch bệnh lặp đi lặp lại trong nước và cuộc xung đột Nga-Ukraina. Nếu chính phủ tăng cường các biện pháp kích thích để đạt được mục tiêu này trong nửa cuối năm thì nền kinh tế có thể đối diện với rất nhiều di chứng.

Do đó, tình hình thay đổi thì mục tiêu cũng phải thay đổi. Sự khôn ngoan đến từ khả năng tự lượng sức để hành động, điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng một cách linh hoạt, như vậy sẽ trút được gánh nặng.

Triển vọng kinh tế Trung Quốc: Thực trạng và những thách thức (bài 1) - Ảnh 5.

Bắc Kinh đã đặt mục tiêu GDP của nước này tăng khoảng 5,5% trong năm nay, sau khi tăng 8,1% vào năm 2021, tốc độ cao nhất trong gần một thập kỷ và theo sau mức tăng 2,2% vào năm 2020. Trong khi đó, dữ liệu hoạt động cho tháng 6 cho thấy một số cải thiện, vì chính phủ Trung Quốc đã triển khai một loạt các biện pháp, cắt giảm thuế cho các doanh nghiệp và chuyển nhiều tiền hơn vào các dự án cơ sở hạ tầng. Nguồn: Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc

Những thách thức đến từ bên ngoài

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là kinh tế Trung Quốc có thể "nghỉ ngơi". Trên thực tế, ngoài tình hình dịch bệnh, quá trình vận hành của nền kinh tế này trong nửa cuối năm cũng đối diện với nhiều thách thức bên ngoài và bên trong.

Đầu tiên là môi trường lạm phát và chi phí cao mang tính toàn cầu. Hiện nay, có thể nói thế giới đang chứng kiến xu hướng lạm phát tăng cao trên toàn cầu ở mức độ tương đối nghiêm trọng, đặc biệt là ở các nước phát triển.

Lạm phát trong tháng Sáu của Mỹ đã tăng lên mức 9,1%. Con số này tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) là 8,6%, mức cao nhất kể từ năm 1997. Lạm phát mang tính toàn cầu sẽ hình thành tác động hai mặt đối với sự phát triển của kinh tế Trung Quốc, bao gồm tình trạng nhập khẩu lạm phát và sức ép đến từ các chính sách thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu, khiến thị trường Trung Quốc đối diện với áp lực dòng vốn chảy ra và tỷ giá hối đoái suy yếu.

Thứ hai, nhu cầu toàn cầu thu hẹp, khiến hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc chịu nhiều sức ép. Đầu tiên, lạm phát sẽ làm xói món đáng kể sức mua của người tiêu dùng, tác động đến niềm tin tiêu dùng. Số liệu liên quan cho thấy chỉ số niềm tin tiêu dùng của Mỹ trong tháng 6 đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, trong khi chỉ số niềm tin tiêu dùng của Liên minh châu Âu (EU) cũng ở mức thấp thứ hai trong lịch sử, cho thấy nền tảng hỗ trợ tiêu dùng tiếp tục suy yếu đáng kể. Cùng với đó, hiệu ứng thu hẹp quy mô chi tiêu ngân sách của Mỹ, châu Âu và lãi suất tăng nhanh sẽ dần được phản ánh rõ trong tổng cầu.

Trong bối cảnh như vậy, từ tháng Sáu đến nay, các tổ chức quốc tế chủ chốt bao gồm Ngân hàng thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)… đều lần lượt điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay và năm sau, với biện độ hạ từ 0,8 đến 1,5 điểm phần trăm tùy thuộc vào các nền kinh tế khác nhau. Ngày 20/7, lãnh đạo IMF cho biết thể chế này sẽ tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Dưới ảnh hưởng của vấn đề này, tăng trưởng thương mại toàn cầu cũng sẽ chậm lại. Gần đây, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng hạ dự báo tăng trưởng thương mại hàng hóa cả năm 2022 từ mức 4,7% đưa ra trước đó xuống còn 3%.

Trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu của Trung Quốc tăng trưởng 13,2%, trong đó xuất khẩu tháng Sáu tăng 22%. Tăng trưởng ổn định của xuất khẩu đã phát huy tác dụng quan trọng đối với sự ổn định tổng thể của nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, cùng với đà phục hồi tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu chậm lại, ước tính độ khó về việc duy trì tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc trong nửa cuối năm sẽ gia tăng.

Thứ ba, sự kiềm chế và bao vây của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ làm gia tăng rủi ro đối với chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Từ đầu năm đến nay, sự kiềm chế và bao vây của Mỹ đối với Trung Quốc liên tục gia tăng, thể hiện rõ đặc điểm toàn diện, nhiều tầng lớp, kết hợp ngắn hạn và dài hạn. Đặc biệt kể từ khi bùng nổ xung đột Nga-Ukraine đến nay, Mỹ đã nhiều lần "trói chặt" Trung Quốc và Nga, đồng thời tăng cường mở rộng phạm vi kiểm soát xuất khẩu và hạn chế thực thể đối với Trung Quốc.

Gần đây, Mỹ lấy lý do "nghi ngờ hỗ trợ quân đội và ngành công nghiệp quốc phòng Nga" để đưa 5 doanh nghiệp Trung Quốc vào danh sách đen thương mại. Đồng thời, Mỹ tiếp tục tăng cường hợp tác với đồng minh, chủ trì khởi động Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF), tổ chức Hội nghị Hội đồng Thương mại và Công nghệ Mỹ-châu Âu (TTC), đạt được thỏa thuận hợp tác mang tính loại trừ trên nhiều phương diện như thương mại truyền thống, kiểm soát xuất khẩu đa phương, chuỗi cung ứng toàn cầu chất bán dẫn, công nghệ năng lượng sạch, ban hành tiêu chuẩn công nghệ mới….

Ngoài ra, Mỹ cũng đẩy nhanh tiến trình "phi Trung Quốc hóa", thúc đẩy chuỗi sản xuất của ngành chế tạo dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc. Điều này khiến cho an ninh chuỗi sản xuất và cung ứng của Trung Quốc đối diện với thách thức lớn hơn.

Những thách thức đến từ nội tại nền kinh tế

Đầu tiên vẫn là vấn đề nhu cầu trong nước yếu. Hiện nay, những hạn chế của dịch bệnh đối với hai phía cung cầu vẫn là tương đối rõ nét, ảnh hưởng đối với nhu cầu trong nước càng nổi cộm hơn. Về phương diện tiêu dùng, tổng mức bán lẻ hàng hóa tiêu dùng toàn xã hội trong 5 tháng đầu năm đã giảm 1,5% so với cùng kỳ.

Nếu loại trừ yếu tố giá cả, con số giảm thực tế là khoảng 4%. Trong đó, lĩnh vực dịch vụ trong các loại hình tiếp xúc như ăn uống, giải trí, lưu trú… bị ảnh hưởng nặng nề hơn.

Tình hình trên phương diện đầu tư có chiều hướng tích cực hơn. Đầu tư cố định trong sáu tháng đầu năm tăng 6,1%, tuy nhiên cần phải quan tâm đến vấn đề sức bền của đà tăng trưởng này. Tốc độ tăng trưởng đầu tư trong 6 tháng đầu năm tăng tương đối tốt gắn liền với nỗ lực mở rộng đầu tư của chính phủ, đặc biệt là dưới định hướng của chính sách triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng trước đó. Điển hình là việc đẩy nhanh 102 dự án trọng điểm trong đề cương quy hoạch "5 năm lần thứ 14" đã phát huy tác dụng thúc đẩy quan trọng.

Đầu tư cố định tăng trưởng 6,1% trong nửa đầu năm, trong đó đầu tư cố định của nhà nước tăng 9,2% so với cùng kỳ, đầu tư cơ sở hạ tầng tăng 7,1% và đầu tư tài sản cố định của tư nhân tăng 3,5% so với cùng kỳ. Ngược lại, đầu tư tài sản cố định của khu vực doanh nghiệp nước ngoài lại tăng trưởng âm 2,9%.

Do đó, chủ lực vẫn là chính phủ, xây dựng cơ sở hạ tầng và doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường bất động sản "hôn mê sâu", thu nhập từ chuyển nhượng đất sụt giảm mạnh, ngân sách địa phương căng thẳng, năng lực hỗ trợ vốn suy yếu, dự trữ dự án không đủ…, tính bền vững của tăng trưởng đầu tư cơ sở hạ tầng chủ yếu dựa vào nguồn lực đầu tư của chính phủ đang đối diện với sức ép tương đối lớn.

Thứ hai là thách thức khi kỳ vọng của các chủ thể thị trường xuống thấp, niềm tin suy yếu. Theo kết quả khảo sát đối với 10.000 doanh nghiệp do Trung tâm nghiên cứu phát triển của Quốc vụ viện Trung Quốc công bố vào tháng Sáu, chỉ số niềm tin phát triển của doanh nghiệp vào tháng 6 năm nay là 46,1, liên tục ba tháng ở mức thấp. Trong đó, mức trung bình của quý II thấp hơn mức của tháng 3/2020, thời điểm dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng nhất.

Tương tự, kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp có kế hoạch tăng cường đầu tư trong giai đoạn sắp tới đã giảm từ 38,2% vào cuối năm ngoái xuống còn 26% vào tháng 6 năm nay, trong khi đó mức bình thường của nhiều năm đều không dưới 40%.

Triển vọng kinh tế Trung Quốc: Thực trạng và những thách thức (bài 1) - Ảnh 9.

Trung Quốc đang kích thích bằng những gói đầu tư công không lồ nhằm kéo kéo kinh tế đi lên.

Vấn đề cần cảnh giác hơn là hiện có không ít doanh nghiệp lựa chọn phương án điều chỉnh hoặc trì hoãn kế hoạch đầu tư và mở rộng sản xuất, áp dụng thái độ quan sát, chờ đợi, nằm im và thậm chí chấp nhận phá sản, đóng cửa.

Theo phân tích của các cuộc khảo sát có liên quan, kỳ vọng của doanh nghiệp xuống thấp, niềm tin suy yếu chủ yếu có liên quan đến ba nhân tố lớn. Một là cú sốc nặng nề do dịch bệnh và chính sách phòng chống dịch bệnh gây nên đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như tính bất trắc lớn mà doanh nghiệp đối diện.

Hai là chính sách điều tiết có liên quan trong các lĩnh vực như giảm ô nhiễm môi trường và giảm thải carbon, phân phối thu nhập, giám sát kinh tế số, chống độc quyền nền tảng… trong những năm gần đây đang trở nên thiếu tính minh bạch, thiếu tính liên tục và có thể dự báo, nên môi trường kinh doanh và môi trường phát triển của doanh nghiệp đối diện với khá nhiều bất trắc, làm sa sút niềm tin của doanh nghiệp.

Ba là môi trường quốc tế liên tục chuyển biến tiêu cực, bao gồm sức ép liên tục từ Mỹ, sự phát triển không ngừng của xu hướng đảo ngược toàn cầu hóa, khiến môi trường phát triển bên ngoài của doanh nghiệp đối diện với rủi ro, thách thức và tính không xác định ngày càng lớn. Vấn đề kỳ vọng của doanh nghiệp vừa ảnh hưởng trước mắt, vừa ảnh hưởng đến trung và dài hạn, cần phải hết sức coi trọng.

Ngoài niềm tin của doanh nghiệp yếu, niềm tin của người tiêu dùng cũng tiếp tục giảm xuống mức thấp. Chỉ số niềm tin tiêu dùng trung bình do Cục thống kê quốc gia Trung Quốc công bố của quý II/2022 là 87,5, mức thấp nhất kể từ khi có số liệu.

Cuối cùng, tại Trung Quốc, áp lực kiểm soát rủi ro vẫn tương đối lớn, nhiệm vụ vẫn còn gian nan. Rủi ro thị trường bất động sản, rủi ro tài chính, rủi ro tài khóa… đều là những vấn đề chính phủ đang nỗ lực giải quyết trong các năm qua, dưới tác động của dịch bệnh, những vấn đề này sẽ ngày càng nổi cộm trong một số lĩnh vực cụ thể.

Có thể nói, ổn định tăng trưởng và phòng chống rủi ro là điều kiện tiên quyết tác động lẫn nhau, ràng buộc lẫn nhau, do đó cần phải cân bằng tổng hợp và được xem xét toàn diện. Những vấn đề xảy ra gần đây như người dân xếp hàng rút tiền ở các ngân hàng nông thôn, việc ngừng cung cấp tín dụng nhà ở… đều là những phản ánh cục bộ của những vấn đề này, do đó, chính phủ cần phải hết sức quan tâm và xử lý ổn thỏa, tránh để lan rộng.

TTXVN
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ