09/08/2022 21:58
Tại sao rất ít quốc gia trên thế giới công nhận Đài Loan?
Đề cập đến vị thế của Đài Loan, báo "Le Monde" mới đây cho biết trong nhiều thập kỷ, nhiều quốc gia ủng hộ chế độ Đài Bắc đã đảo ngược lập trường để thúc đẩy lợi ích trong quan hệ với Trung Quốc.
Gần đây nhất, tháng 12/2021, Nicaragua tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan, khiến Đài Bắc phải ngậm ngùi vì mất đi "một đối tác trung thành". Trong những thập kỷ gần đây, lần lượt Niger, Nam Phi, Lesotho, Macedonia... cũng đã có những động thái tương tự để thể hiện thiện chí quan hệ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bất chấp những gì đã có với Đài Loan.
Về phần mình, Bắc Kinh coi hòn đảo cách Đại lục 130 km qua eo biển là một phần lãnh thổ không thể tách rời. Nếu 23 triệu người Đài Loan có thể chế dân chủ, luật pháp, tiền tệ và quân đội của riêng mình, thì đến thời điểm hiện tại, chế độ Đài Bắc cũng chỉ nhận được sự công nhận của 14 quốc gia trên thế giới, và phần lớn đều là các "nước nhỏ". Ngay cả trong mắt Liên hợp quốc (LHQ), Đài Loan không phải là một "quốc gia" có chủ quyền.
Tuy nhiên, tình hình không phải lúc nào cũng như vậy. Cho đến những năm 1970, LHQ và hầu hết các nước phương Tây, bao gồm Pháp và Mỹ, đều công nhận hòn đảo này là đại diện duy nhất của Trung Quốc. Vậy chúng ta giải thích như thế nào về "sự trở mặt" này? Và trên thực tế, Đài Loan hiện có bị cô lập trên trường quốc tế hay không?
Để hiểu điều này, cần phải trở lại năm 1949, khi Mao Trạch Đông giành chiến thắng trong cuộc nội chiến ở Trung Quốc và tuyên bố sự ra đời của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Đối thủ của ông là Tưởng Giới Thạch và những người theo chủ nghĩa dân tộc của Quốc dân đảng đã rút lực lượng về đảo Formosa, còn được gọi là Trung Hoa Dân quốc. Về phía phương Tây, các quốc gia và các tổ chức quốc tế đều không công nhận chế độ cộng sản của Mao Trạch Đông.
Tuy nhiên, thực tế địa chính trị đã đeo bám các nước phương Tây. Vào giữa Chiến tranh Lạnh và trong thời kỳ Trung-Xô rạn nứt, Trung Quốc và 800 triệu dân của họ đã trở thành một đối tác hấp dẫn nếu không muốn nói là không thể đảo ngược.
Đặc biệt là khi đó, chế độ độc tài của Quốc dân đảng ở Đài Loan lại hầu như không quan tâm đến ghế của mình tại LHQ. Marc Julienne, nhà nghiên cứu tại Viện quan hệ quốc tế Pháp (Ifri) và là một chuyên gia về Trung Quốc, phân tích: "Sẽ rất không phù hợp khi tập trung vào một hòn đảo nhỏ và phớt lờ cường quốc láng giềng".
Trong lúc thúc đẩy quan hệ xích lại gần Bắc Kinh, một số quốc gia phương Tây đã có những chuyển đổi về chính sách. Tướng De Gaulle năm 1964, sau đó là Tổng thống Mỹ Carter năm 1979, đã công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Marc Julienne phân tích: "Trên thực tế, điều này mang hàm ý thuận theo quan điểm của Bắc Kinh, coi Đài Loan đơn giản chỉ là một tỉnh của Trung Quốc. Nó được gọi là nguyên tắc 'một Trung Quốc' và đó là ngọn nguồn của mọi sự đang diễn ra ngày nay: một quốc gia chỉ có thể có quan hệ ngoại giao với một thực thể".
Năm 1971, Đại hội đồng LHQ biểu quyết thông qua Nghị quyết 2758, theo đó Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan), vốn đã chiếm ghế dành cho Trung Quốc từ năm 1945, phải nhường chỗ cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của Mao Trạch Đông. Kể từ đó, Đài Loan phải gia nhập một nhóm nhỏ các quốc gia, giống như Kosovo, được công nhận một phần và không phải là thành viên của LHQ.
Về phần mình, cho đến nay Đài Loan đã liên tục nỗ lực để thoát khỏi thế cô lập ngoại giao do Bắc Kinh dàn dựng. Sau vụ đàn áp Thiên An Môn năm 1989, nhiều quốc gia ở châu Phi (Lesotho, Guinea Bissau, Cộng hòa Trung Phi năm 1990 và 1991, Niger, Senegal và Cộng hòa Chad năm 1996 và 1997), Caribe hoặc Mỹ Latin (Guatemala, Honduras, Paraguay) đã thiết lập quan hệ với hòn đảo mà động cơ thường thấy là đổi lấy chính sách viện trợ phát triển của Đài Bắc.
Trong khi đó, theo chuyên gia Marc Julienne, chế độ Bắc Kinh quả thực đã thành công trong việc hối thúc một số quốc gia "đảo chiều" bằng những lời hứa về triển vọng trao đổi thương mại song phương hưng thịnh và các khoản đầu tư lớn.
Nhiều nước đã xét lại lập trường và thay đổi chính sách, chấp nhận mở rộng quan hệ với Bắc Kinh và rời bỏ hòn đảo Đài Loan bé nhỏ. Mới nhất phải kể đến trường hợp của Nicaragua vào tháng 12/2021.
Trong số 14 quốc gia kiên trì công nhận Đài Loan hiện nay, Vatican vẫn mang tính biểu tượng cao nhất. Marc Julienne phân tích: "Tòa thánh đại diện cho những người Công giáo trên toàn thế giới. Bằng chứng là từ nhiều năm nay, Bắc Kinh đã ra sức tìm cách xích lại gần Tòa thánh, mà mục đích chắc chắn là khiến nơi đây thay đổi quan điểm".
Năm 2004, Trần Thủy Biển đã thực hiện chuyến thăm châu Âu đầu tiên trên danh nghĩa một Tổng thống Đài Loan đương chức để tới dự lễ tang của Giáo hoàng Jean Paul II. Tuy nhiên, trên thực tế, việc cô lập Đài Loan chỉ mang vẻ bề ngoài. Hòn đảo này được hưởng lợi từ mạng lưới ngoại giao dày đặc với gần 110 cơ quan đại diện ở nước ngoài.
Antoine Bondaz, nhà nghiên cứu thuộc Quỹ nghiên cứu chiến lược Pháp (FRS) và là chuyên gia về Đông Bắc Á và Đài Loan, phân tích: "Con số này không thể sánh được với 276 cơ quan đại diện của Trung Quốc và về danh nghĩa chỉ đảm nhận chức năng đại diện hợp tác về kinh tế, thương mại và văn hóa với các quốc gia.
Ví dụ, Pháp có Văn phòng Pháp tại Đài Bắc trên hòn đảo, với các đặc quyền tương tự như một đại sứ quán. Đổi lại, Đài Bắc có một 'văn phòng đại diện' hoạt động thường trực tại Paris".
Với một nền kinh tế phát triển mạnh mẽ và những mối quan hệ song phương bền chặt, chính quyền Đài Bắc hài lòng với hiện trạng. Đặc biệt là vì tuyên bố một ghế tại LHQ chắc chắn sẽ là cái cớ để Bắc Kinh phát động tấn công.
Marc Julienne cho rằng: "Đài Bắc hoàn toàn nhận thức được rằng rất khó để hòn đảo có thêm được một điều gì khác ngày hôm nay". Tuy vậy, chế độ Đài Loan vẫn mong muốn mở rộng sự hiện diện trong các tổ chức quốc tế. Với quy chế quan sát viên, Đài Loan đã là thành viên của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với tên gọi "Đài Bắc Trung Hoa".
Tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hòn đảo này có tên gọi là "Lãnh thổ thuế quan riêng biệt Đài Loan, Bành Hổ, Kim Môn và Mã Tổ" và tham gia các hoạt động thương mại quốc tế dưới danh nghĩa một nền kinh tế "đang phát triển".
Sau đại dịch COVID-19, hòn đảo này đặc biệt muốn quay trở lại với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nơi họ có tư cách quan sát viên từ năm 2008 đến năm 2016.
Theo nhìn nhận của chuyên gia Ifri Marc Julienne, trên thực tế Đài Loan đã hội đủ các yếu tố của một "quốc gia": Lãnh thổ, dân cư, quyền hành pháp và Tổng thống được bầu bằng phổ thông đầu phiếu, nhưng theo luật pháp quốc tế, sự tồn tại của một quốc gia không chỉ phụ thuộc vào sự công nhận của các quốc gia khác.
Tuy nhiên, Antoine Bondaz lại định nghĩa theo cách khác, một "quốc gia" gồm hai loại "nhà nước thực tế" và "nhà nước pháp lý": Chủ quyền của một quốc gia phụ thuộc nhiều vào sự công nhận của các quốc gia khác như "chủ quyền nội bộ và chủ quyền chức năng".
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement