09/08/2022 14:50
Cuộc chiến 'bất cân xứng' giữa Trung Quốc và Đài Loan
Tất cả bắt nguồn từ chuyến thăm Đài Bắc của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ngày 2/8 mà Bắc Kinh đánh giá là sự khiêu khích nghiêm trọng. Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) ngay lập tức thông báo mở một loạt "chiến dịch quân sự có mục tiêu" trên 6 điểm trong vùng biển xung quanh hòn đảo Đài Loan.
Ban đầu dự kiến diễn ra từ ngày 4-7/8, các cuộc diễn tập giờ được kéo dài thêm thời gian.
Tập trận phong tỏa, bao vây Đài Loan
Huy động sự tham gia một lực lượng lớn hải quân và không quân, lần đầu tiên PLA tiến hành các cuộc diễn tập áp sát Đài Loan như vậy, có điểm chỉ cách bờ khoảng 20 km. Hải quân Trung Quốc cũng triển khai cả bên phía sườn Đông của hòn đảo, khu vực được cho là sống còn với Đài Bắc vì sẽ là hướng mà quân đội Đài Loan có thể nhận tiếp viện của quân đội Mỹ từ biển vào, trong trường hợp hòn đảo này bị tấn công.
Nhìn vào sơ đồ cuộc diễn tập của Trung Quốc, giới chuyên gia quân sự có thể dễ dàng nhận ra đó là một bài tập mô phỏng phong tỏa Đài Loan - một giải pháp quân sự có thể được Trung Quốc sử dụng khi xung đột xảy ra.
Theo Tân Hoa xã, Bắc Kinh đã huy động 100 máy bay, hơn chục tàu chiến các loại, trong đó có cả máy bay tàng hình J-20 và khu trục hạm Type 055, đây là những vũ khí khí tài hiện đại nhất của PLA. Quân đội Trung Quốc cũng đã bắn một chục quả tên lửa đạn đạo vào nhiều điểm trong Vùng đặc quyền kinh tế xung quanh Đài Loan.
Truyền thông Trung Quốc cho biết lần đầu tiên các tên lửa trên được bắn qua vùng trời của hòn đảo này. Ngoài trang thiết bị, các bài diễn tập vừa rồi còn cho phép Trung Quốc thử nghiệm tổng thể năng lực phối hợp tác chiến của quân đội Trung Quốc trong một cuộc bao vây phong tỏa quy mô lớn.
Theo hãng tin Reuters, tình hình căng thẳng đến những giờ cuối cùng của đợt tập trận này. Trong sáng 7/8, khoảng 10 tàu chiến Trung Quốc đã xuất hiện bên kia đường trung tuyến giả định Eo biển Đài Loan. Một vài tàu trong số này đã băng qua ranh giới trên biển.
Không dừng lại ở đó, ngày 8/8, Trung Quốc tiếp tục tuyên bố tiến hành thêm các cuộc tập trận trên biển và trên không quanh đảo Đài Loan dù trước đó Chiến khu Miền Đông của PLA thông báo thời gian tập trận chỉ từ ngày 4-7/8. Đợt tập trận mới sẽ tập trung vào các cuộc tấn công chống tàu ngầm và đột kích trên biển.
Trong khi đó, Cơ quan Thông tấn Trung ương chính thức của Đài Loan đưa tin quân đội Đài Loan sẽ tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật ở phía Nam quận Bình Đông vào ngày 9/8 và ngày 10/8 để đáp trả các cuộc tập trận mới của Trung Quốc. Trước đó, Đài Loan cũng điều khoảng 10 tàu chiến tới khu vực và khẳng định đã phản ứng "thích hợp" trước các động thái của Trung Quốc.
Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã kêu gọi cộng đồng quốc tế "ủng hộ Đài Loan dân chủ" và "ngăn chặn mọi leo thang tình hình an ninh khu vực". Cho đến nay, Trung Quốc vẫn phớt lờ những lời kêu gọi xoa dịu căng thẳng và không có dấu hiệu nước này sẽ chấm dứt những gì dẫn đến phong tỏa.
Ngày 8/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhấn mạnh: "Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình, kiên quyết ngăn chặn Mỹ kiềm chế Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan và kiên quyết phá bỏ ảo tưởng của chính quyền Đài Loan dựa vào Mỹ để giành độc lập".
Đài Loan và một cuộc chiến "bất cân xứng" với Trung Quốc
Nhật báo "Le Monde" (Pháp) nhận định rằng khoảng cách đang gia tăng nhanh chóng giữa lực lượng ngày càng hùng mạnh của Trung Quốc và quân đội nhỏ bé của Đài Loan. Theo nhà bình luận quân sự độc lập của Trung Quốc Tống Trọng Bình được AFP trích dẫn, PLA "hiển nhiên có đủ khả năng để áp đặt một cuộc bao vây phong tỏa như vậy. Người ta đã thấy với cuộc diễn tập vừa rồi, chiến đấu cơ, chiến hạm Đài Loan không thể cất cánh hay ra khỏi cảng".
Ông John Blaxland, Giáo sư về an ninh quốc tế Đại học Quốc gia Australia nhấn mạnh với hãng tin AFP rằng điều mà Trung Quốc muốn là "khẳng định năng lực chiến đấu của họ mạnh. PLA rõ ràng có đủ phương tiện phối hợp hành động trên đất liền cũng như trên biển và họ có khả năng triển khai các hệ thống tên lửa một cách nhanh chóng".
Chuyên gia Australia khẳng định các bài diễn tập này chỉ cho Đài Loan, Mỹ hoặc Nhật Bản thấy rằng giờ đây Trung Quốc "có những gì cần thiết để hiện thực hóa những đe dọa của họ".
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp phát biểu trong một cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình Mỹ CNN: "Chúng tôi đang cố gắng xem những bài học có thể rút ra từ cuộc chiến ở Ukraina để tự vệ". Khả năng chống lại một đối thủ mạnh hơn giống như những gì Ukraina đã làm chắc chắn thuyết phục Đài Bắc về lợi thế của khái niệm chiến tranh "bất cân xứng". Do đó, Đài Loan đã đầu tư vào việc mua tên lửa hành trình chống hạm, tên lửa đất đối không và thủy lôi.
Một số chuyên gia tin rằng mua vũ khí hạng nặng không phải là lựa chọn đúng đắn đối với Đài Loan, bởi ngân sách quân sự của hòn đảo chỉ có 11 tỷ USD trong khi Trung Quốc dành 230 tỷ USD đầu tư cho quân sự vào năm 2022.
Cựu Đô đốc và cựu Tổng tham mưu trưởng quân đội Đài Loan Lý Hiển Anh cũng có cùng quan điểm với những chuyên gia nói trên khi cho rằng với sự chênh lệch trong ngân sách quân sự giữa hai bên, Đài Loan không nên tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang mà cuối cùng hòn đảo vẫn sẽ thua cuộc.
Bất chấp những lời chỉ trích của cựu Đô đốc, chính quyền Đài Loan đã đánh giá được những nguy cơ chiến tranh từ phía Trung Quốc khi vào tháng 10/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Khâu Quốc Chính đã dự đoán rằng quân đội Trung Quốc sẽ có "đầy đủ năng lực" để tấn công hòn đảo vào năm 2025.
Mỹ-Nhật lo ngại hệ quả chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 8/8 đã bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc gia tăng các hoạt động quân sự xung quanh Đài Loan sau chuyến thăm của bà Pelosi tới hòn đảo tự trị, nhưng cho biết ông không mong đợi các động thái tiếp theo của Bắc Kinh sẽ làm gia tăng căng thẳng.
Bà Pelosi đã thực hiện chuyến thăm đến Đài Loan để thể hiện sự ủng hộ đối với hòn đảo đang đối mặt với áp lực từ Trung Quốc, vốn coi Đài Loan là một tỉnh nổi loạn đang chờ thống nhất với Đại lục bằng vũ lực nếu cần thiết.
Đây là chuyến đi đầu tiên như vậy của một Chủ tịch Hạ viện Mỹ trong 25 năm qua và đã khiến Bắc Kinh tức giận. Các quan chức chính quyền Biden đã chỉ trích phản ứng của Bắc Kinh đối với chuyến thăm, bao gồm cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn và việc đình chỉ các cam kết song phương về biến đổi khí hậu và các vấn đề khác. Tuy nhiên, chính quyền Biden cũng đã nói rõ rằng họ không có ý định coi "vòng xoáy phát triển mới nhất" này trở thành một cuộc khủng hoảng với Trung Quốc.
Trong khi đó, một quan chức Lầu Năm Góc đã phủ nhận rằng diễn biến mới nhất đã làm thay đổi đánh giá về việc Trung Quốc không có khả năng chiếm Đài Loan về mặt quân sự trong vòng hai năm tới - quan điểm này do sĩ quan hàng đầu của quân đội Mỹ Mark Milley phát biểu hồi năm ngoái.
Theo tờ "La Croix" (Pháp), Nhật Bản đang phải chịu áp lực từ căng thẳng Đài-Trung sau chuyến thăm của bà Pelosi. "Hãy ngừng bắn tên lửa vào Nhật Bản" là lời kêu gọi được phát ra từ những chiếc loa phóng thanh được lắp trên những chiếc xe tải màu đen cắm quốc kỳ Nhật và những bông hoa cúc, biểu tượng của hoàng gia Nhật Bản.
Sau cuộc diễn tập quân sự quyết liệt của Trung Quốc xung quanh Đài Loan dẫn tới việc 5 tên lửa đạn đạo rơi xuống Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) ở phía Tây Nam đảo Hateruma, dư luận và chính phủ Nhật Bản cảm thấy lo lắng.
Tokyo là một đồng minh thân cận của Washington, nhưng Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất của "Xứ anh đào". Điều đó khiến Nhật Bản rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan trong căng thẳng Trung-Mỹ trong vấn đề Đài Loan.
Thủ tướng Fumio Kishida nói rằng các cuộc tập trận và bắn tên lửa là "vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến an ninh quốc gia", đồng thời khẳng định Tokyo và Washington "sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để duy trì hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan". Mỹ có các căn cứ quân sự ở Nhật Bản, nơi 55.000 lính Mỹ vẫn đóng quân, chủ yếu ở tỉnh Okinawa ở miền Nam và ở một số hòn đảo cách Đài Loan chưa đầy 100 km.
Ông Daniel Sneider, chuyên gia về Nhật Bản tại Đại học Stanford, nói với báo "The New York Times" rằng Trung Quốc muốn chứng tỏ là họ có khả năng phong tỏa Đài Loan. Bắc Kinh đồng thời cũng muốn gửi một thông điệp đe dọa những ai sẽ hỗ trợ Đài Loan, Mỹ và Nhật Bản.
Trong bối cảnh căng thẳng ngày càng leo thang, Nhật Bản vẫn đang tiếp tục phát triển kho vũ khí quân sự của mình. Theo Hiến pháp chủ hòa có hiệu lực từ năm 1947, Nhật Bản không được quyền có quân đội chính thức và các khoản đầu tư quân sự về mặt lý thuyết chỉ được giới hạn vào các phương tiện phòng thủ.
Tờ "La Croix" nhắc lại rằng các nhà lãnh đạo của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Nhật Bản lo lắng về cuộc chiến tranh ở Ukraina, đã ủng hộ việc tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng lên đến 2% GDP. Nhiều nghị sĩ đảng bảo thủ đã liên tục kêu gọi phát triển khả năng tấn công và thậm chí lưu trữ vũ khí hạt nhân trong lãnh thổ.
(Nguồn: RFI/AP/Reuters/Kyodo)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement