06/08/2022 09:55
Mỹ muốn 'định vị' lại thị trường chất bán dẫn sau chuyến đi đầy 'sóng gió' đến Đài Loan của bà Pelosi?
Ngoài các chính trị gia ra, trong chuyến thăm đầy "sóng gió" đến Đài Loan (Trung Quốc), bà Nancy Pelosi đã có cuộc gặp với Mark Lui, Chủ tịch của Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) và điều này cho thấy, Mỹ dường như muốn "định vị" lại thị trường chất bán dẫn sau chuyến thăm này.
Chuyến đi của bà Pelosi trùng hợp với nỗ lực của Mỹ nhằm thuyết phục TSMC - nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới mà Mỹ phụ thuộc rất nhiều - thành lập cơ sở sản xuất ở Mỹ và ngừng sản xuất chip tiên tiến cho các công ty Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, quyền tự chủ của Đài Loan đã trở thành một lợi ích địa chính trị quan trọng đối với Mỹ do hòn đảo này đang là nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới.
Chất bán dẫn - còn được gọi là chip máy tính hoặc chỉ đơn giản là chip - không thể thiếu trong tất cả các thiết bị kết nối mạng. Không chỉ phục vụ cho mục đích dân sự, nhà sản xuất này còn cung cấp nhiều loại chip tiên tiến cho các ứng dụng quân sự.
Internet 5G có tốc độ chuyển đổi siêu nhanh, có thể giúp cho việc kết nối với mọi loại thiết bị và được xem là một thế hệ tiên tiến mới. Với suy nghĩ này, các quan chức Mỹ dưới thời chính quyền cựu TT Trump đã nhận ra rằng, các công ty của Mỹ, chẳng hạn như Intel, phụ thuộc nhiều vào việc để công ty này sản xuất ra các sản phẩm cho mình.
Đài Loan có một vị trí quan trọng trong giới sản xuất chất bán dẫn giống vị thế của Ả Rập Xê-út trong thị trường dầu mỏ - OPEC.
TSMC chiếm đến 53% thị phần của thị trường chất bán dẫn toàn cầu và hầu hết các nhà máy sản xuất được đặt tại nước mà công ty này ký hợp đồng. Các nhà sản xuất của TSMC có trụ sở tại Đài Loan chỉ chiếm khoảng trên dưới 10% thị trường mà nó cung cấp.
Một báo cáo đánh giá chuỗi cung ứng trong 100 ngày đầu của chính quyền TT Biden cho biết, Hoa Kỳ phụ thuộc rất nhiều vào một công ty duy nhất - TSMC - để cung cấp chip tiên tiến cho mình.
Thực tế là trên thế giới, cho đến thời điểm này, chỉ có TSMC và Samsung (Hàn Quốc) mới có thể tạo ra các chất bán dẫn tiên tiến nhất (được gọi là nanomet) và có khả năng "cung cấp các nhu cầu về cơ sở hạ tầng quan trọng và an ninh quốc gia của [Hoa Kỳ] trong hiện tại và tương lai".
Điều này có nghĩa là, mục tiêu của Trung Quốc là thống nhất với Đài Loan hiện đang đe dọa đến lợi ích của nước Mỹ.
Trong Thông cáo Thượng Hải năm 1971 và Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979, Hoa Kỳ công nhận rằng người dân ở cả Trung Quốc đại lục và Đài Loan đều nhận thức rằng có "Một Trung Quốc" và cả hai đều thuộc về nó. Nhưng đối với Mỹ, họ không thể tưởng tượng được rằng một ngày nào đó, TSMC nằm trong lãnh thổ do Bắc Kinh kiểm soát.
Vì lý do đó mà Mỹ đã và đang cố gắng lôi kéo TSMC về phía mình nhằm tăng cường năng lực sản xuất chip trong nước. Năm 2021, với sự hỗ trợ của chính quyền TT Biden, công ty đã mua một địa điểm ở Arizona để xây dựng một xưởng sản xuất. Dự kiến nó sẽ hoàn thành vào năm 2024.
Quốc hội Mỹ vừa thông qua Đạo luật về chip và khoa học, qua đó cung cấp 52 tỷ USD để hỗ trợ sản xuất chất bán dẫn ở Mỹ. Nhưng các công ty sẽ chỉ nhận được tài trợ của Đạo luật Chips nếu họ đồng ý không sản xuất chất bán dẫn tiên tiến cho các công ty Trung Quốc.
Điều này có nghĩa là TSMC và các công ty khác có thể phải lựa chọn giữa kinh doanh ở Trung Quốc và ở Mỹ vì chi phí sản xuất ở Mỹ được cho là quá cao nếu không có trợ cấp của chính phủ.
Đây là một phần của "cuộc chiến công nghệ" rộng lớn hơn giữa Mỹ và Trung Quốc, trong đó Mỹ đang nhắm tới mục tiêu hạn chế sự phát triển công nghệ của Trung Quốc và ngăn nước này thực hiện vai trò lãnh đạo công nghệ toàn cầu.
Vào năm 2020, chính quyền cựu TT Trump đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chặt chẽ đối với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc là Huawei. Các biện pháp trừng phạt này là nhằm cắt Huawei ra khỏi TSMC do công ty này phụ thuộc vào chất bán dẫn cao cấp cần thiết của TSMC cho hoạt động kinh doanh cơ sở hạ tầng 5G của mình.
Huawei là nhà cung cấp thiết bị mạng 5G hàng đầu thế giới nhưng Mỹ lo ngại nguồn gốc Trung Quốc của nó sẽ gây ra rủi ro bảo mật (mặc dù tuyên bố này đã bị nghi ngờ) đối với an ninh quốc gia. Cả Đảng Cộng hòa và Dân chủ đều muốn ngăn các quốc gia đồng minh khác sử dụng thiết bị 5G của Huawei.
Chính phủ Anh ban đầu đã quyết định sử dụng thiết bị Huawei trong một số phần của mạng 5G. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt sau đó của chính quyền cựu TT Trump đã buộc London phải đảo ngược quyết định đó.
Mục tiêu chính của Hoa Kỳ dường như là chấm dứt sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc đối với các công nghệ quan trọng, bao gồm các chất bán dẫn tiên tiến cần thiết cho hệ thống 5G và cũng có thể là bao gồm các công nghệ tiên tiến khác trong tương lai.
Chuyến đi của bà Pelosi đến Đài Loan là một phần quan trọng trong "cuộc chiến công nghệ" và chính sự thống trị của công ty quan trọng nhất trong lĩnh vực chất bán dẫn toàn cầu đã mang lại cho hòn đảo này một tầm quan trọng trong địa chính trị.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement