16/10/2022 18:09
Sai lầm chiến lược lớn nhất của ông Putin là tấn công Ukraina?
Trước thực tế là Tổng thống Nga Vladimir Putin đang bị cả 2 phe phản đối và ủng hộ chiến tranh chỉ trích, hiện có nhiều ý kiến cho rằng ông chủ Điện Kremlin có nguy cơ mất quyền trong một năm nữa.
Sai lầm lớn nhất của Putin
Cho đến nay, Putin vẫn được coi là một nhà chiến lược nham hiểm, sẵn sàng thẳng tay đàn áp để đạt mục tiêu. Syria là một ví dụ: Putin đã cứu được Tổng thống Bashar al-Assad nhờ cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama rút lui không muốn can thiệp.
Có một câu hỏi được đặt ra là từ bao giờ Putin quyết định rằng Crimea và Donbass vẫn chưa đủ, cần phải biến toàn bộ Ukraina thành chư hầu của Nga như Belarus? Để trả lời câu hỏi này, tờ "L'Observateur" đề xuất độc giả đọc lại bài diễn văn của Putin đăng trên trang web của Điện Kremlin ngày 12/7/2021, trong đó khẳng định người Nga và Ukraina "cùng là một dân tộc". Ý tưởng này được lặp lại trong tuyên bố hôm 24/2 trên truyền hình khi ông khởi động cuộc xâm lược Ukraina.
Tuy nhiên, đây có lẽ là sai lầm chiến lược lớn nhất của Putin trong 22 năm cầm quyền. Sau 7 tháng, cuộc chiến đã chuyển sang giai đoạn thứ ba, rất nhiều tướng lĩnh bị thay thế, lực lượng Nga phải rút quân khỏi Kiev và liên tục bị tái chiếm những phần đất đã lấy được ở miền Đông và miền Nam.
Mất quá nhiều binh sĩ và vũ khí, Putin phải ra lệnh động viên khiến 700.000 thanh niên phải chạy trốn. Nga bị nghi ngờ về những vụ phá hoại đường ống dẫn khí, cáp ngầm..., nhưng vũ khí tối thượng vẫn là nguyên tử.
Bốn giả thiết về việc Putin dùng vũ khí nguyên tử
Trong bài xã luận có tựa đề "Nếu ông ta ấn vào nút bấm hạt nhân", chuyên gia Mỹ Joseph Cirincione đưa ra 4 giả thiết về kịch bản hạt nhân của Putin:
Trước hết, nếu chỉ nhằm phô diễn sức mạnh, Putin sẽ cho bắn hỏa tiễn vào Biển Đen hay một khu vực không người ở của Ukraina. Không có người chết, không thiệt hại nhiều, nhưng vẫn gây một cú sốc toàn cầu kể từ sự kiện Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Lời nhắn cho phương Tây là "Hãy dừng lại và rút lui".
Giả thiết thứ hai là dùng vũ khí nguyên tử có sức công phá thấp, chẳng hạn là 10 kiloton (Hiroshima là 15 kiloton), để tấn công một mục tiêu quân sự - nơi tập trung quân, căn cứ, cảng... Tên lửa hành trình Iskander có thể được dùng đến.
Hàng trăm, hàng nghìn hoặc mấy chục nghìn người chết, thiệt hại kinh khủng từ hỏa hoạn, phóng xạ..., nhưng nếu ở cách xa vài trăm cây số sẽ không bị ảnh hưởng. Trong cả hai trường hợp, Nga lập tức bị quốc tế cô lập hoàn toàn, Mỹ không trả đũa bằng nguyên tử nhưng có thể sẽ dùng vũ khí truyền thống đánh vào đơn vị đã bắn hỏa tiễn.
Giả thiết thứ ba là Putin cho thả quả bom 50 kiloton xuống Ukraina, mạnh gấp 3-4 lần quả bom được thả xuống Hiroshima. Hàng trăm nghìn người sẽ thiệt mạng, mức độ hủy diệt chưa từng thấy. Một số chuyên gia ở Mỹ cho rằng phải tái lập răn đe hạt nhân, nhưng số khác muốn trả đũa ồ ạt bằng vũ khí quy truyền thống.
Khác với Nga, trong những thập niên qua, Mỹ đã chế tạo được những vũ khí chính xác và mãnh liệt, có thể đáp trả một cách tàn khốc. Đơn vị đã tấn công nguyên tử sẽ bị biến thành tro bụi.
Khả năng cuối cùng là Putin dùng vũ khí hạt nhân chiến thuật khoảng 50 kiloton đánh vào một mục tiêu NATO, có thể ở Trung Âu, chẳng hạn một căn cứ không quân Ba Lan, nơi xuất phát các chuyến bay đưa hàng viện trợ sang Ukraina.
Trong trường hợp này, rất có thể Mỹ trả đũa bằng nguyên tử. Nhưng tiếp theo là gì? Putin muốn trở thành một tỉ phú về hưu ẩn thân ở nơi nào đó, hay tung ra hàng trăm đầu đạn nữa để rồi bị chôn vùi dưới tàn tích của Moskva?
Theo nhận định của giám đốc Nhóm điều tra Bellingcat là Christo Grozev trên tờ "Tribune de Genève", Putin hiện giờ không những bị những người phản chiến chống đối mà cả phe ủng hộ chiến tranh cũng quay lưng với ông. Nếu cứ tiếp tục như hiện nay, ông ta sẽ bị hạ bệ trong vòng một năm.
Lệnh động viên một phần sắp hoàn tất?
Theo hãng tin AFP, tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Á, lãnh đạo Nga đã lần đầu tiên phải thừa nhận rằng các đối tác truyền thống, vốn là những nước thuộc Liên Xô trước đây, đang "lo ngại" về tình hình tại Ukraina.
Ông Putin cũng khẳng định "trong hiện tại" chưa cần thiết phải mở thêm một đợt oanh kích quy mô lớn tại Ukraina, như đợt tấn công ồ ạt đầu tuần này nhắm vào nhiều cơ sở hạ tầng dân sự và khu dân cư ở Ukraina. Tổng thống Nga đồng thời cam kết rằng đợt động viên hàng trăm nghìn tân binh cho chiến trường Ukraina, vốn đang gây nhiều lo ngại trong xã hội Nga, sẽ kết thúc vào cuối tháng này.
Theo phóng viên của RFI tại Moskva là Anissa el-Jabri, "Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký các sắc lệnh bổ sung, để làm rõ và giám sát việc động viên binh sĩ cho cuộc chiến tại Ukraina, hơn 2 tuần sau khi lệnh động viên được ban hành. Lãnh đạo Nga dẫn số liệu thống kê cụ thể cho biết đã có 222.000 người nhập ngũ, rất gần mục tiêu 300.000. Do đó, tổng thống Nga bảo đảm đợt động viên sẽ dừng lại vào cuối tháng này".
Ông Putin cũng nói rõ sẽ không thể bảo vệ được 1.100 km chiến tuyến nếu không có các lực lượng tân binh được động viên trong dịp này. Điều này cho thấy nhiệm vụ mà lãnh đạo Nga giao phó cho họ là phòng thủ, ít nhất cũng là trong thời điểm hiện tại.
Đối với những người trốn khỏi nước để tránh phải ra mặt trận, đặc biệt là tới vùng Trung Á, nơi ông Putin đang có mặt, Tổng thống Nga cho biết muốn đưa ra một câu trả lời "pháp lý", chứ không phải là phản ứng mang tính "cảm xúc".
Putin sắp đánh mất toàn bộ lý trí?
Ngày 13/10, Điện Kremlin thông báo sẽ hoàn tất việc sửa chữa cây cầu chiến lược Kerch vào tháng 7/2023. Cầu Kerch bắc qua Eo biển Kerch, nối liền nước Nga với Bán đảo Crimea của Ukraina bị Moskva sáp nhập từ năm 2014, vừa bị hư hại một phần ngày 8/10, sau hàng loạt vụ nổ xảy ra ngay sau ngày sinh nhật của ông Putin (7/10). Chính quyền Putin đã quyết định trả đũa bằng đợt oanh kích chưa từng có nhắm vào nhiều thành phố lớn của Ukraina.
Với tấm ảnh chân dung ông chủ Điện Kremlin cùng với dòng tựa lớn "Putin - quả bom người" đặt trên trang nhất, tờ "L'Observateur" nhận định rằng không có sự sỉ nhục nào lớn hơn đối với nhà độc tài nước Nga bằng vụ nổ làm sập một phần cây cầu Kerch ngay lúc 3h sáng 8/10, khi Putin vừa mừng sinh nhật tuổi 70.
Đó cũng là sự tấn công vào chủ nghĩa đế quốc của Putin khi nhấn mạnh vào tính dễ tổn thương, hay tệ hơn nữa, là muốn báo trước hồi kết. Nghịch lý của cuộc chiến điên rồ mà Nga đang tiến hành là quyền lực của Putin càng yếu đi, nguy cơ đẩy mạnh chiến tranh càng lớn, và phía sau là mối đe dọa nguyên tử mà tổng thống Nga vẫn thường xuyên nêu ra.
Liên tiếp thất bại trên chiến trường, đối mặt với sự bất bình của dân chúng vì lệnh động viên và cả trong giới thân cận, Putin không có mấy chọn lựa.
Khi chứng kiến 83 hỏa tiễn Nga tấn công vào 10 thành phố Ukraina hôm 10/10, gieo rắc tang thương cho thường dân, một câu hỏi đặt ra từ sự trả thù mù quáng này là chừng nào Putin bị mất tất cả lý trí? Khi nào Putin sẽ hoàn toàn bị tách rời khỏi thực tế về quân đội của ông ta, về xã hội, về thế giới, tin rằng một mình ông có thể làm đảo lộn trật tự quốc tế?
Làm thế nào ông có thể tự dối lòng về những nhược điểm lớn lao và sự tham nhũng của quân đội, đánh giá quá thấp quyết tâm vệ quốc của người Ukraina và khả năng của phương Tây?
Thăm dò ý kiến
Chiến sự Nga - Ukraina: Ai sẽ thắng?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
(Nguồn: TTXVN/AFP/RFI)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement