24/05/2023 09:20
Phố Wall sẵn sàng ứng phó trước nguy cơ vỡ nợ của Mỹ
Khi các cuộc đàm phán giữa Nhà Trắng và Đảng Cộng hòa vẫn chưa đạt được thỏa thuận về nâng trần nợ công 31.400 tỷ USD, thì các ngân hàng Phố Wall và các nhà quản lý tài sản đã chuẩn bị ứng phó trước nguy cơ vỡ nợ.
Ngành tài chính Mỹ cũng đã từng chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng tương tự hồi tháng 9/2021.
Tuy nhiên, theo một quan chức cấp cao trong ngành tài chính, thời gian để đạt được thỏa hiệp về trần nợ công giữa chính phủ và Đảng Cộng hòa là tương đối ngắn trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa là đến ngày 1/6 - thời hạn mà Bộ Tài chính cảnh báo rằng chính phủ liên bang có thể không trả được tất cả các khoản nợ của mình.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 21/5 đã tái khẳng định điều này khi nói rằng ngày 1/6 vẫn là một "thời hạn khó khăn", đồng thời nói thêm rằng "khả năng cầm cự được đến ngày 15/6, trong khi có thể thanh toán tất cả các khoản nợ của chúng ta, là khá thấp".
Giám đốc điều hành Citigroup Jane Fraser cho biết cuộc đàm phán về trần nợ công lần này "đáng lo ngại" hơn so với các cuộc đàm phán về trần nợ công trước đây. Trong khi đó, Giám đốc điều hành Hãng JPMorgan Chase &Co Jamie Dimon cho biết tuần nào ngân hàng cũng phải họp để thảo luận về các tác động có thể xảy ra.
Điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ vỡ nợ?
Do trái phiếu kho bạc Mỹ đóng vai trò củng cố hệ thống tài chính toàn cầu, nên khó có thể đánh giá đầy đủ mức độ thiệt hại nếu Mỹ bị vỡ nợ. Tuy nhiên, các giám đốc điều hành dự báo nếu Mỹ vỡ nợ sẽ gây biến động lớn trên các thị trường vốn, nợ... làm giảm nghiêm trọng khả năng giao dịch liên quan tới trái phiếu kho bạc trên thị trường thứ cấp.
Các giám đốc điều hành của Phố Wall đã cảnh báo rằng sự rối loạn hoạt động của thị trường trái phiếu kho bạc sẽ nhanh chóng lan sang các thị trường phái sinh, thế chấp và hàng hóa vì giới đầu tư sẽ hoài nghi về tính hợp lệ của trái phiếu kho bạc vốn được sử dụng rộng rãi làm tài sản thế chấp để đảm bảo các giao dịch và khoản vay.
Theo các nhà phân tích, các tổ chức tài chính có thể yêu cầu các đối tác thay thế các trái phiếu kho bạc bị ảnh hưởng bởi các khoản thanh toán bị chậm thanh toán. Ngay cả việc vi phạm giới hạn nợ trong thời gian ngắn cũng có thể dẫn đến tăng đột biến về lãi suất, giá cổ phiếu sụt giảm, các vụ vi phạm giao ước trong tài liệu cho vay và thỏa thuận đòn bẩy. Hãng Moody's Analytics, các thị trường tài trợ ngắn hạn cũng có thể sẽ bị đóng băng.
Suy thoái
Mặc dù không hoàn toàn biết điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ vỡ nợ, nhưng tất cả các phân tích đều cho thấy kịch bản sẽ là thảm họa đối với nền kinh tế.
Theo Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Nhà Trắng, tình trạng bên bờ vực chiến tranh chính trị cho phép quốc gia gần vỡ nợ sẽ dẫn đến một cuộc suy thoái nhỏ trong khi tình trạng vỡ nợ kéo dài sẽ dẫn đến một cuộc suy thoái giống như Đại suy thoái, mất 8 triệu việc làm và thị trường chứng khoán sụt giảm 45%, xóa sạch tài khoản hưu trí và tiết kiệm hàng triệu USD.
Moody's Analytics cho biết 1 triệu việc làm có thể bị mất trong một tuần sau khi vỡ nợ, với tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và suy giảm kinh tế trở nên tồi tệ hơn nếu kéo dài.
Các thể chế chuẩn bị ứng phó như thế nào?
Các ngân hàng, nhà môi giới và nền tảng giao dịch đang chuẩn bị cho nguy cơ xảy ra gián đoạn đối với thị trường kho bạc, cũng như xảy ra biến động trên diện rộng hơn. Các biện pháp này bao gồm lập kế hoạch về tiến hành thanh toán chứng khoán kho bạc; cách phản ứng của các thị trường tài trợ; bảo đảm đủ kỹ thuật, nhân sự năng lực và tiền mặt để xử lý khối lượng giao dịch tăng; và kiểm tra khả năng ảnh hưởng đến các hợp đồng với khách hàng.
Các nhà đầu tư lớn vào trái phiếu đã cảnh báo rằng việc duy trì khả năng thanh toán bằng tiền mặt ở mức cao là rất quan trọng để có thể chống chịu trước khả năng giá tài sản biến động mạnh và để tránh phải bán tài sản vào thời điểm tồi tệ nhất.
Nền tảng giao dịch trái phiếu Tradeweb cho biết đang thảo luận với khách hàng, nhóm ngành và những người tham gia thị trường khác về các kế hoạch dự phòng.
Những kịch bản nào đang được xem xét?
Hiệp hội thị trường tài chính và công nghiệp chứng khoán (SIFMA) - một tổ chức tài chính hàng đầu, đã xem xét một số kịch bản. Kịch bản có khả năng hơn là Bộ Tài chính "câu giờ" để trả lại tiền cho những người nắm trái phiếu bằng cách thông báo trước khi thanh toán là đáo hạn một ngày tại thời điểm đó. Điều này sẽ cho phép thị trường tiếp tục hoạt động nhưng tiền lãi có thể sẽ không bị tính gộp vào khoản thanh toán bị trì hoãn.
Trong kịch bản rắc rối nhất là Bộ Tài chính không thể thanh toán cả tiền gốc và lãi, cũng như không đáo hạn. Các trái phiếu chưa thanh toán không còn có thể được giao dịch và chuyển nhượng trên Dịch vụ Chứng khoán Fedwire vốn được sử dụng để nắm giữ, chuyển nhượng và thanh toán trái phiếu kho bạc.
Mỗi kịch bản có thể sẽ dẫn đến các vấn đề hoạt động quan trọng và cần được điều chỉnh hàng ngày trong tiến trình giao dịch và thanh toán. Giám đốc điều hành SIFMA Rob Toomey nêu rõ: "Tất cả những gì chúng tôi cố gắng làm là đảm bảo rằng chúng tôi phát triển một kế hoạch với các thành viên để giúp họ điều hướng thông qua những gì sẽ là một tình hình bị gián đoạn".
(Nguồn: TTXVN/Reuters)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp