20/05/2023 08:44
Đàm phán về trần nợ công của Mỹ vẫn bế tắc, khó có thỏa thuận vào cuối tuần này
Tiến trình đàm phán về nâng trần nợ công giữa hai Đảng tại Quốc hội Mỹ tiếp tục rơi vào bế tắc, điều này khiến hai bên khó có thể đạt được một thỏa thuận cho vấn đề trần nợ công vào cuối tuần này như dự kiến.
Các nhà đàm phán về trần nợ đã kết thúc vòng đàm phán thứ hai vào cuối ngày 19/5 mà không đạt được bước đột phá nào, khi Nhà Trắng và các đảng viên Đảng Cộng hòa ở Hạ viện đấu tranh để đạt được thỏa thuận nâng giới hạn và ngăn chặn tình trạng vỡ nợ của chính phủ ngay trong tháng tới.
Việc nối lại và kết thúc đột ngột các cuộc đàm phán vào tối 19/5 sau sự đổ vỡ trong các cuộc đàm phán trước đó trong ngày, làm nổi bật sự chia rẽ vẫn còn khi thời gian đạt được thỏa thuận rút ngắn.
Hạ nghị sĩ Patrick McHenry, một trong những nhà đàm phán, nói rằng ông không tự tin có thể đạt được thỏa thuận vào cuối tuần này, thời hạn mà Tổng thống Biden nói cần phải đáp ứng để thông qua luật trước ngày 1/6, khi nước Mỹ có thể vỡ nợ .
Trả lời phỏng vấn một kênh truyền hình, ông Kevin McCarthy khẳng định: "Chúng tôi sẽ quay trở lại phòng đàm phán".
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo việc Tổng thống Joe Biden sử dụng Tu chính án thứ 14 trong giải quyết vấn đề nợ công sẽ không mang lại bất kỳ kết quả nào.
Tu chính án thứ 14 có quy định "không được phép nghi ngờ tính hợp lệ đối với khoản nợ công của Mỹ được luật pháp cho phép".
Một quan chức trong chính quyền Tổng thống Biden cũng xác nhận đàm phán sẽ được nối lại trong đêm 19/5, tức sáng 20/5 theo giờ ở Việt Nam.
Các nhà đàm phán cho biết sự đổ vỡ trong các cuộc đàm phán tập trung vào việc cắt giảm ngân sách chính phủ sâu đến mức nào, với Chủ tịch Hạ viện Mỹ thuộc phe Cộng hòa Kevin McCarthy cho biết hôm 19/5 rằng mức chi tiêu là một điểm mấu chốt khi đảng Cộng hòa thúc ép cắt giảm sâu hơn mức mà đảng Dân chủ sẵn sàng chấp nhận. Đảng Cộng hòa đã loại trừ bất kỳ khoản tăng thuế nào như một cách để giảm thâm hụt liên bang.
Ông McCarthy nói với các phóng viên: "Chúng tôi phải có sự chuyển động của Nhà Trắng và chúng tôi vẫn chưa có sự chuyển động nào nên vâng, chúng tôi đang tạm dừng. "Chúng tôi không thể tiêu nhiều tiền hơn vào năm tới. Chúng tôi phải chi tiêu ít hơn chúng tôi đã chi tiêu năm trước".
Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố rằng "có sự khác biệt thực sự giữa các bên về vấn đề ngân sách và các cuộc đàm phán sẽ khó khăn. Nhóm của tổng thống đang nỗ lực hướng tới một giải pháp lưỡng đảng hợp lý có thể thông qua Hạ viện và Thượng viện".
Thất bại ban đầu trong các cuộc đàm phán đã làm giảm bớt đợt bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ kéo dài một tuần, với những kỳ vọng phục hồi về tăng trưởng kinh tế và lạm phát đã đẩy lợi suất trái phiếu lên mức cao mới trong hai tháng.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt mức 3,690% vào ngày 19/5, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 10/3, ngày mà Ngân hàng Thung lũng Silicon bị chính phủ tịch thu sau cuộc tháo chạy của những người gửi tiền. Lợi suất tăng khi giá trái phiếu giảm.
Chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 109,28 điểm, tương đương 0,3%, trong khi S&P 500 và Nasdaq Composite giảm nhẹ. Cả ba chỉ số chính đều kết thúc tuần trong sắc xanh.
Hiện nền kinh tế lớn nhất thế giới đang đối diện với nguy cơ sẽ chạm trần nợ công, vốn đang ở mức 31.400 tỷ USD, vào ngày 1/6 nếu như các bên không đạt được thỏa hiệp nới lỏng.
Đã có nhiều cảnh báo về hậu quả thảm khốc xảy ra đối với kinh tế Mỹ cũng như kinh tế thế giới nếu như bài toán nâng trần nợ công không được giải quyết kịp thời.
Tổng thống Biden cũng đã buộc phải cắt ngắn chuyến công du châu Á-Thái Bình Dương để quay trở về Washington trong ngày 21/5 nhằm thão gỡ nút thắt với đảng Cộng hòa trong vấn đề nâng trần nợ công.
(Nguồn: WSJ)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp