Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Nga có thể sụp đổ?

Phân tích

02/11/2022 10:07

Trong số rất nhiều câu hỏi được đặt ra về cuộc chiến thảm khốc mà Nga phát động ở Ukraina, có một câu hỏi hiếm khi được nhắc đến, đó là: Liệu Nga có thể tồn tại trước một khả năng thất bại nhục nhã dưới tay nước láng giềng nhỏ hơn của mình?
news

Nhìn bề ngoài, viễn cảnh đó dường như hoàn toàn vô lý. Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể đã bị suy yếu bởi 3 tính toán sai lầm nghiêm trọng, về sức mạnh quân sự của Nga, quyết tâm của Ukraina và sự đoàn kết của phương Tây, nhưng vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy ông sắp đánh mất quyền lực, chứ chưa nói đến nguy cơ Nga đang sụp đổ.

Hiện hầu như không có cuộc biểu tình quy mô lớn nào trên đường phố để phản đối chiến tranh, chống lại sự lãnh đạo của Tổng thống Putin, hoặc thậm chí chống lại việc huy động lính nghĩa vụ. Những người nhiều tiền đã bỏ trốn vì sợ bị bắt quân dịch. 

Mặc dù có những "cú sốc" kinh tế đáng kể khi các lệnh trừng phạt của phương Tây bắt đầu có hiệu lực, song một số biện pháp quản lý tài khóa sáng tạo của Moscow đã làm giảm tác động của chúng cho đến nay. 

Trên thực tế, bằng cách giương "thanh kiếm hạt nhân" trong bối cảnh xuất hiện những tin đồn về "bom bẩn" (bom phát tán phóng xạ) của Ukraina, ông Putin đang tìm cách thể hiện sức mạnh chứ không phải sự mong manh. 

Nga có thể sụp đổ? - Ảnh 1.

Những thành kiến trong nhận thức của các nhà bình luận phương Tây cũng có thể đóng một vai trò nào đó khi đưa ra nhận định về các quốc gia độc tài như Nga, khiến chúng ta cảm thấy sự yếu kém của họ, trong khi thực tế không phải vậy.

Hiện có 3 lý do chính đáng khiến chúng ta không nên loại bỏ khả năng thất bại (của Nga) ở Ukraina khiến Điện Kremlin sụp đổ, khiến họ khó có thể cai trị toàn bộ nước Nga, hoặc ít nhất là ở hình thức hiện tại.

1. Điều này từng có tiền lệ

Đầu tiên và rõ ràng nhất là điều này đã xảy ra trước đây. Trong lịch sử, sự kiện như vậy đã xảy ra tương đối gần đây, với sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 được coi là một cơn địa chấn trong chính trị thế giới. Điều đáng nói là không ai dự đoán được sự kết thúc của Liên Xô.

Trên thực tế, ở phương Tây người ta tự tin cho rằng Mikhail Gorbachev sẽ tiếp tục cai trị Liên Xô, cho đến khi cuộc đảo chính làm ông bị tổn thương nghiêm trọng về mặt chính trị khiến họ phải thay đổi quan điểm.

2. Thiếu các lựa chọn thay thế khả thi cho Putin

Sự phân bổ quyền lực chính trị ở Nga đồng nghĩa với việc là không có nhân vật thay thế khả thi nào ngoài ông Putin. Một phần của điều này là có chủ ý: Ông Putin đã xây dựng nhà nước theo hình ảnh của chính mình, khiến bản thân ông không thể tách rời mọi vấn đề xã hội và địa vị nhà nước Nga. 

Những cái tên như Phó Chánh văn phòng thứ nhất của Tổng thống Putin, ông Sergei Kiriyenko, Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev và Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin thường được đưa ra khi các nhà phân tích chơi trò suy đoán "ai kế nhiệm Putin?". 

Tuy nhiên, mỗi người trong số họ đều khiến ông Putin tức giận, khiến ông không tin tưởng họ, hoặc sẽ đấu tranh để tập hợp các gia tộc khác nhau lại cùng nhau.

Nga có thể sụp đổ? - Ảnh 2.

Sergei Shoigu, Mikhail Mishustin và Dmitry Medvedev là một trong những người có tiềm năng kế nhiệm ông Vladimir Putin.

3. Căng thẳng sắc tộc

Lý do thứ ba khiến khả năng tồn tại liên tục của Nga sau thất bại ở Ukraina không được đảm bảo hoàn toàn là cuộc chiến đã làm trầm trọng thêm những rạn nứt giữa nhóm chính trị đặc quyền cốt lõi của Nga và các nhóm sắc tộc ở "ngoại vi". 

Do tình cảnh nghèo đói của các nhóm thiểu số ở Nga, không có gì ngạc nhiên khi họ có sự hiện diện lớn trong quân đội. Ví dụ, thương vong quân sự của Nga đến từ các nhóm dân tộc nghèo nhất của Nga: người Dagestan, Chechnya, Ingush, Buryat và Tuvan.

Bắc Caucus sẽ là nơi được chú ý nhiều nhất. Trong số ít các cuộc biểu tình phản đối chiến dịch tổng động viên một phần của Điện Kremlin, những cuộc biểu tình ở Dagestan là nổi bật nhất, trong đó bao gồm các cuộc đụng độ bạo lực với cảnh sát chống bạo động. Tuy nhiên, sự chú ý hiện nay đang chuyển sang Chechnya, nơi những nỗ lực ly khai khỏi Nga đã dẫn đến 2 cuộc chiến tranh: từ năm 1994-1996; và từ năm 1999-2009.

Ramzan Kadyrov, nhà lãnh đạo của Chechnya, đã bị Tổng thống Putin kiểm soát chặt chẽ từ khi lên nắm quyền năm 2007 và là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất của ông. Tuy nhiên, điều này một lần nữa nhấn mạnh sự mong manh khi Putin chính là "chìa khóa" để giữ những người khác trong tầm kiểm soát.

Mối quan tâm ở đây là nếu ông Putin rời khỏi sân khấu chính trị, Kadyrov sẽ rất khó bị kiểm soát. Ông ta có quân đội riêng của mình (Kadyrovtsy, những người trung thành với ông và đã bị dính líu đến nhiều vụ vi phạm nhân quyền). 

Hơn thế nữa, ông có thể được khuyến khích khai thác khoảng trống quyền lực bằng cách tìm kiếm sự độc lập cao hơn. Điều này rất quan trọng vì cơ cấu đa sắc tộc của Nga không xóa bỏ bản sắc dân tộc và ý tưởng về quốc gia dân tộc.

Nga có thể sụp đổ? - Ảnh 3.

Nga đã tham gia vào hai cuộc chiến tranh gay gắt ở Chechnya trong những năm 1990 và đầu những năm 2000 sau khi quân ly khai Chechnya theo đuổi độc lập khỏi Moscow sau khi Liên Xô sụp đổ.

Chúng ta có thể thấy 2 dẫn chứng trong lịch sử. Một là việc Liên Xô bị giải thể vào năm 1991 không phải do Gorbachev, tổng bí thư cuối cùng. Thay vào đó, sự sụp đổ của Liên Xô được gây ra bởi Boris Yeltsin, lãnh đạo Cộng hòa Nga lúc bấy giờ với tư cách là bộ phận lớn nhất của Liên Xô và là tổng thống đầu tiên của Liên bang Nga mới. 

Nói rộng hơn, sự kết thúc của Liên bang Xô viết xảy ra do các cuộc cách mạng quốc gia diễn ra đồng thời, với Ukraina, Belarus, các nước Baltic và các nước cộng hòa Trung Á trước đây của Liên Xô đều chọn quyền tự quyết thay vì tiếp tục là một phần của đế chế Liên Xô.

Một thực tế lịch sử thứ hai là sự kết thúc của Liên Xô chứng kiến sự ra đời của 4 quốc gia vũ trang hạt nhân mới: Belarus, Kazakhstan, Nga và Ukraina. Tuy nhiên, bài học của Ukraina năm 2022, quốc gia miễn cưỡng nhất trong việc trao lại quyền kiểm soát vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình cho Moskva hồi năm 1991, là việc đảm bảo duy trì mọi công cụ quyền lực là điều cần thiết. 

Đây là lý do tại sao bên cạnh tình trạng khẩn cấp về nhân quyền, một nước Nga bị chia cắt (hoặc một nước đang xảy ra nội chiến) sẽ đẩy an ninh khu vực và toàn cầu vào tình thế bấp bênh. Ngay cả một sự chia rẽ trong nội bộ chắc chắn sẽ dẫn tới sự giao tranh giữa các dòng tộc và có khả năng tạo ra nhiều quốc gia độc lập khao khát được trang bị vũ khí hạt nhân.

Và trong khi sự kết thúc của Liên Xô đã định hình lại bản đồ Âu-Á theo đúng nghĩa đen, việc chia cắt sức mạnh đương đại của Nga có khả năng nguy hiểm hơn nhiều và không có gì đảm bảo một hiệu ứng domino đẫm máu tiềm ẩn có thể bị ngăn chặn. 

Trong trường hợp của Nga, điều quan trọng là phải xem xét tất cả các trường hợp có thể xảy ra, ngay cả khi chúng có vẻ khó tin vào lúc này.

(Nguồn: The Conversation)

TTXVN
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement