31/07/2022 12:38
Nếu muốn xoay chuyển cuộc chiến, Ukraina phải chiếm lại thành phố chiến lược Kherson
Ngày 27/7, Ukraina đã dồn dập bắn phá cây cầu có vai trò trọng yếu trong việc tiếp tế cho các đơn vị Nga đang chiếm đóng thành phố Kherson. Trận chiến nhằm kiểm soát khu vực cùng tên này có thể sẽ có tác động lớn đến cục diện của cuộc chiến tranh.
Đây là một cây cầu trọng yếu để vào một thành phố mang tính chiến lược không hề nhỏ. Suốt từ đêm 26 đến đêm 27/7, quân đội Ukraina đã bắn phá cầu Antonovsky nối thành phố Kherson nằm bên bờ Nam của sông Dniepr với phần còn lại của vùng đất gần như nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của quân Nga.
Đây không phải lần đầu tiên quân Ukraina nhắm vào công trình này, nhưng Kiev ngày càng cho thấy rõ muốn tập trung nỗ lực vào đó để chuẩn bị phản công nhằm lấy lại thành phố phía Nam Ukraina. Ngay từ ngày 19/7, khi các đợt tên lửa đầu tiên gây hư hại cho cầu Antonovsky, các nhà bình luận quân sự Nga đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ các nhóm quân đóng tại Kherson bị cắt đường tiếp viện.
Cầu Antonovsky nằm trong tầm ngắm
Mykhailo Podoliak, cố vấn của Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã viết trên Twitter hôm 27/7: "Quân chiếm đóng (Nga) phải học bơi để qua sông Dniepr. Bằng không họ phải chấp nhận rút khỏi Kherson chừng nào vẫn còn có cơ hội".
Sim Tack, một nhà phân tích quân sự của "Forces Analysis" - một cơ quan chuyên theo dõi các cuộc xung đột - cho biết loạt oanh kích hôm 27/7 vừa rồi đã không phá hủy hoàn toàn cây cầu Antonovsky, nhưng những lỗ thủng do tên lửa để lại trên cầu đã khiến "chỉ còn những xe hạng nhẹ có thể đi qua cầu và các đơn vị Nga tại thực địa đã không thể cho các xe tải chở đồ tiếp viện đi qua".
Theo chuyên gia Sim Tack, Ukraina không chỉ nhắm vào cây cầu Antonovsky dài 1,4 km - lối chính vào Kherson từ phía Nam - mà quân đội Ukraina còn bắn phá một cầu nhỏ khác ở phía Đông Bắc Kherson, bắc qua một nhánh sông Dniepr.
Đó là một đường quan trọng khác của quân Nga để vào thành phố. Qua đường đó, Nga có thể chuyển đồ tiếp viện và quân đến từ Nova Kharkova. Thành phố bên bờ Nam của sông Dniepr này nằm cách thành phố Kherson 70 km về phía Đông, còn có cây cây cầu thứ hai để nối 2 bờ sông.
Chiến thuật của Ukraina
Theo nhận định của Sim Tack, quân Ukraina không muốn tấn công trực tiếp vào điểm qua lại đó vì "cầu nằm gần một nhà máy điện lớn nên nguy cơ nhà máy bị phá hủy sẽ lớn".
Aliyev Huseyn, chuyên gia về xung đột Ukraina-Nga tại Đại học Glasgow, nhận xét: "Quân đội Nga đã nắm bắt được mục đích ý đồ của Ukraina và họ đã lắp đặt, sử dụng các cầu phao để thay thế trong trường hợp bị thiếu tiếp viện. Tuy nhiên, các công trình này không chắc chắn và hẹp hơn các cầu bình thường, điều này khiến cho việc vận chuyển hậu cần diễn ra chậm".
Tuy nhiên, Kherson sẽ không chỉ được chiếm lại bằng cách oanh kích các cây cầu. Glen Grant, chuyên gia về quân sự Nga thuộc cơ quan tư vấn Baltic Security Foundation, nhận định: "Đây là thời điểm nhất định cần phải đưa quân vào thành phố. Chính vì thế, phần đông các phương tiện truyền thông đánh giá các vụ bắn phá đó như là bước khởi đầu cho một cuộc tấn công quy mô lớn của Ukraina khi quân Nga bị suy yếu vì thiếu tiếp viện".
Tuy nhiên, kịch bản về một cuộc giao tranh lớn và rất có thể đẫm máu này không được các chuyên gia tán thành. Theo chuyên gia Aliev Huseyn, "ưu tiên của quân đội Ukraina là hạn chế tối đa thiệt hại nhân mạng, nhất là khi các đơn vị quân điều động trong vùng này được trang bị tốt và Kiev không hề muốn hy sinh đội quân đó nếu vẫn còn cách khác".
Chuyên gia Sim Tack phân tích: "Ukraina sẽ dựa vào chiến thuật làm tiêu hao sinh lực quân Nga, tiếp tục bắn phá các điểm vào thành phố cho đến khi quân Nga buộc phải rút lui vì thiếu tiếp viện cần thiết. Sau đó, họ sẽ vào thành phố và chỉ còn phải đối mặt với các lực lượng còn lại để yểm trợ cho lính Nga rút".
Vai trò cốt yếu của dàn phóng tên lửa Himars
Chuyên gia Aliyev Huseyn khẳng định rằng "chiến lược sử dụng dàn phóng tên lửa Himars của Ukraina đòi hỏi sự kiên trì lớn để hạn chế thiệt hại về người, nhưng chiến lược đó sẽ không thể thực hiện nếu không có các hệ thống pháo phản lực Himars của Mỹ".
Các dàn phóng tên lửa đó có độ chính xác cao hơn rất nhiều so với các loại pháo khác đang được quân đội Ukraina sử dụng. Theo chuyên gia Sim Tack,"để gây thiệt hại cho các cây cầu như mục tiêu đề ra, quân Ukraina có thể phải tốn nhiều đạn dược và thời gian nếu dùng các loại pháo cổ điển".
Thực tế, các dàn Himars là loại vũ khí có thể tạo sự khác biệt. Có lẽ đây là giải pháp khả dĩ hơn trong các quyết định của Ukraina khi mở chiến dịch phản công toàn diện hơn vào tỉnh Kherson, như đánh giá của Aliyev Huseyn. Như vậy, Kiev tránh được tối đa việc phải đối mặt trực tiếp với quân đội Nga có quân số áp đảo hơn.
Chuyên gia Aliyev Huseyn phân tích: "Chiến lược của Ukraina là trước tiên sử dụng pháo Himars để tấn công vào sâu các trung tâm chỉ huy của Nga và các kho khí tài, buộc quân Nga phải lùi bước, kéo theo sự hỗn loạn trong hệ thống liên lạc và hậu cần tiếp viện".
Theo Glen Grant, Ukraina không thể theo đuổi một mục đích như vậy mà không có thiết bị vũ khí mới của Mỹ. Chuyên gia này giải thích: "Tất cả những gì quân Nga đã làm cho đến giờ là đặt các kho vũ khí và các sở chỉ huy ở ngoài tầm các loại pháo truyền thống của Ukraina. Tuy nhiên, các hệ thống Himars của Mỹ có tầm bắn 80km, ít nhất cũng xa gấp đôi tầm bắn của các loại rocket thông dụng trên chiến trường".
Lực lượng Ukraina tiến hành các cuộc tấn công bằng cách sử dụng HIMARS của Mỹ chống lại Nga.
Bước ngoặt của cuộc chiến?
Theo Sim Tack, chiến thuật này đã giúp Ukraina lấy lại một số làng và "tiến được vào phía Bắc vùng Kherson xung quanh thành phố Vysokopilla". Trong khi đó, chuyên gia Glen Grant cho rằng lấy lại Kherson có thể sẽ là một bước ngoặt của cuộc chiến.
Thành phố này thực tế là thủ phủ duy nhất của Ukraina, ngoài Donbass, nằm trong tay quân Nga. Moscow đã triển khai các phương tiện quan trọng để "Nga hóa" thành phố này qua việc thiết lập chính quyền chiếm đóng, kêu gọi các công chức quy hàng để bảo đảm tính liên tục của chính quyền Nga ở đó.
Chuyên gia Aliyev Huseyn nhận định rằng "nếu Ukraina đẩy lui quân Nga ra khỏi Kherson, Moscow không thể tiếp tục nói rằng tất cả mọi chuyện đều ổn ở Ukraina. Kherson có thể mang lại lợi thế quyết định cho quân đội Ukraina. Nếu Kiev lấy lại được toàn vùng Kherson, Ukraina sẽ có thể tiếp cận trở lại với nhiều hải cảng trên Biển Đen, tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu ngũ cốc".
Về phần mình, Glen Grant cũng cho rằng một tổn thất như vậy với Moscow "sẽ là đòn đánh vào tinh thần, vốn dĩ đã không cao lắm, của quân đội Nga". Đồng quan điểm, chuyên gia Sim Tack cũng phân tích rằng nếu Nga bị dồn vào một bên bờ sông Dniepr, quân đội Ukraina có thể tạo được một phòng tuyến bảo vệ tự nhiên: "Kiev qua đó có thể giải phóng một phần các đơn vị đã huy động trong vùng để tăng cường cho các mặt trận khác, như Donbass hay vùng Zaporijjia".
Tuy nhiên, Moscow không phải không biết mối nguy đó, có lẽ điều đó cũng lý giải phần nào việc Nga giảm các nỗ lực tấn công trong vùng Donbass. Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraina, ông Oleksiy Danilov, đã khẳng định rằng Moscow đang quay trở lại triển khai tối đa quân về hướng Kherson.
Thăm dò ý kiến
Chiến sự Nga - Ukraina: Ai sẽ thắng?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement