Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

'Quân cờ' Ukraina trong cuộc chơi của các nước lớn

Phân tích

27/12/2022 15:55

Việc Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky có chuyến thăm Washington lần đầu tiên kể từ sau khi Nga tấn công Ukraina một lần nữa cho thấy bản chất của xung đột Nga-Ukraina là sự đối đầu giữa Nga và Mỹ.
news

Theo tờ "Đại Công báo" (Hong Kong) ngày 24/12, do cuộc xung đột Nga-Ukraina có liên quan đến tất cả các nước lớn ngoài Trung Quốc, nên chuyến thăm Mỹ của Zelensky đã thu hút sự chú ý của cả thế giới. Tất nhiên, mối quan tâm chính của các bên là cuộc xung đột này sẽ kết thúc như thế nào và khi nào kết thúc. 

Theo quan điểm của Ukraina, nước này đã thành công khi giành được sự hỗ trợ và viện trợ từ châu Âu và Mỹ, không chỉ về kinh tế và ngoại giao, mà còn cả về quân sự. Vì vậy, mục tiêu của nước này rất lớn: Không những muốn giành lại các vùng lãnh thổ đã mất trước cuộc xung đột mà còn cả Crimea, nơi đã tiến hành trưng cầu dân ý để gia nhập Nga hồi năm 2014.

Tuy nhiên, Ukraina cũng biết rằng họ chỉ là một quân cờ trong cuộc chơi của các nước lớn và chiến tranh hay hòa bình đều không thể tự quyết định. Ukraina chỉ có thể tìm cách tối đa hóa lợi ích của mình trong kẽ hở của cuộc đọ sức nước lớn. Do đó, điều quan trọng nhất khi đến Mỹ là tìm hiểu các quân cờ của Mỹ.

'Quân cờ' Ukraina trong cuộc chơi của các nước lớn - Ảnh 1.

Tổng thống Zelensky vừa có chuyến thăm đến Mỹ và gặp người đồng cấp.

Mỹ là nước bá chủ toàn cầu và biết cách chế ngự các đồng minh: Nghĩa là không được để bị các đồng minh trói buộc và phải giữ quyền chủ đạo tuyệt đối. 

Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất và Chiến tranh thế giới thứ hai, các nước lớn đều bị các nước đồng minh nhỏ yếu hơn cuốn vào cuộc chiến, các nước nhỏ ngược lại đã chiếm ưu thế trong việc liên minh với các nước lớn. Mỹ đương nhiên muốn tránh lặp lại kịch bản này.

Đối với Mỹ, xung đột Nga-Ukraina là kết quả của việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) liên tục mở rộng về phía Đông, điều này không chỉ làm suy yếu Nga và Liên minh châu Âu (EU) mà còn khiến EU ngày càng phụ thuộc vào Mỹ, NATO lấy lại sức sống và sức hấp dẫn của mình. 

Ngay sau cuộc xung đột nổ ra, Phần Lan và Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập NATO dựa trên những thay đổi trong dư luận và NATO đã được mở rộng hơn nữa.

Zelensky được "mời" hay đang bị "kiềm chế"?

Nhưng mặt khác, Mỹ vẫn có nhiều cân nhắc. Thứ nhất, Trung Quốc đang đứng bên ngoài, theo dõi cuộc hỗn chiến giữa Nga, châu Âu và Mỹ, và với tình hình địa chính trị đã thay đổi đáng kể, nên Trung Quốc vô hình trung trở thành một trong những bên hưởng lợi nhất. Đây là điều mà Mỹ, vốn coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh số một, không thể chấp nhận.

Thứ hai, các hành động quân sự của Nga không thể thắng nhanh, nhưng cuộc chiến kinh tế giữa châu Âu và Mỹ cũng không thể thắng nhanh, hai bên đều rơi vào thế bế tắc. Mặc dù nền kinh tế Nga đã bị thu hẹp, nhưng do tỷ giá hối đoái tăng, quy mô kinh tế của nước này đã tăng từ 1.300 tỷ USD lên 1.500 tỷ USD. 

Viện trợ kinh tế và quân sự của Mỹ cho Ukraina hiện vượt 60 tỷ USD và với việc bổ sung 45 tỷ USD viện trợ khẩn cấp trong dự luật phân bổ ngân sách năm tài chính 2023 mà Quốc hội sẽ sớm thông qua, khoản viện trợ của Mỹ cho Ukraina sẽ vượt 100 tỷ USD.

Mỹ đã tiêu tốn 2.260 tỷ USD trong 10 năm cuộc chiến ở Afghanistan, trung bình khoảng 200 tỷ USD mỗi năm. Nếu cuộc chiến vẫn kéo dài, Mỹ cũng sẽ không thể chịu đựng được về mặt chính trị trong nước do chủ nghĩa dân túy đang trỗi dậy. Dư luận sẽ đảo ngược nhanh chóng như thời Chiến tranh Việt Nam và Chiến tranh Afghanistan.

'Quân cờ' Ukraina trong cuộc chơi của các nước lớn - Ảnh 2.

Mỹ hiện là nước viện trợ nhiều nhất cho Ukraina.

Thứ ba, đối với Đảng Dân chủ của Biden, cách quan trọng nhất để giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh là giải quyết các vấn đề của chính mình. Đó là lý do tại sao ông Biden ký Đạo luật Khoa học và CHIPS và Đạo luật giảm lạm phát, phớt lờ các cuộc phản đối của châu Âu, tham gia vào chủ nghĩa bảo hộ kinh tế và dốc toàn lực để tái công nghiệp hóa. 

Từ quan điểm này, việc Mỹ tham gia vào các cuộc xung đột bên ngoài tốn kém trong một thời gian dài là không phù hợp với tình hình đất nước.

Thứ tư là yếu tố châu Âu. Kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, châu Âu đã bị thiệt hại nặng nề do cuộc khủng hoảng nợ công, cuộc khủng hoảng người tị nạn do "Mùa Xuân Arab" gây ra, Anh rời khỏi EU (còn gọi là Brexit), đại dịch và xung đột giữa Nga và Ukraina

Hiện nay, châu Âu không chỉ gặp khó khăn về kinh tế mà còn phải đối mặt với nguy cơ trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy về chính trị, đặc biệt là hậu quả của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina càng kích thích sự phát triển của chủ nghĩa dân túy ở châu Âu. Chiến thắng của đảng cực hữu của Italy, vốn có nhiều gốc rễ phát xít, có liên quan đến điều này. Nếu Pháp và Đức cũng làm như vậy, châu Âu sẽ hỗn loạn.

Nếu Mỹ quyết tâm thì Ukraina cũng không còn lựa chọn nào khác

Mỹ muốn châu Âu trở thành một Thụy Sĩ lớn, tức là: Nhỏ yếu, giàu có và ổn định, vừa sẽ không gây rắc rối hay thách thức Mỹ mà khi cần thiết còn có thể "trả hóa đơn" cho nước này. Do đó, mặc dù lần này là Zelensky đến thăm Mỹ và châu Âu cần truyền đạt các yêu cầu của mình tới Mỹ cũng như tìm cách đạt được điều họ muốn thông qua Mỹ, nhưng Mỹ cũng đang xem xét lập trường của các đồng minh này. 

Biden cho biết ông đã bỏ ra rất nhiều thời gian để nói chuyện với các đồng minh châu Âu, hối thúc họ tiếp tục hỗ trợ Ukraina. Châu Âu không muốn xảy ra chiến tranh với Nga và cũng không muốn xảy ra Chiến tranh thế giới thứ ba.

Thứ năm, nếu Nga, quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, bị đẩy đến tình thế tuyệt vọng, thì khó có thể khẳng định nước này sẽ quyết tâm đánh thắng đến cùng hay không. Nhiều nước nhỏ cũng muốn phát triển vũ khí hạt nhân để bảo toàn chính quyền và tính mạng của mình bất chấp lệnh cấm vận quốc tế. 

Nếu không giữ được miền Đông Ukraina và Crimea thì chắc chắn Nga sẽ tiếp tục đáp trả mạnh? Đến lúc đó, châu Âu và Mỹ đều là nạn nhân. Mỹ cũng lo ngại việc Nga chuyển giao một số công nghệ cho Trung Quốc để được Bắc Kinh ủng hộ nhiều hơn, từ đó có thể làm thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu.

Vì vậy, một cuộc chiến tranh kéo dài là điều Mỹ không thể chấp nhận cả về mặt chiến lược, an ninh và kinh tế, quả thực cần dừng chiến tranh vào thời điểm thích hợp. Chưa kể đến Crimea, việc lấy lại khu vực miền Đông Ukraina cũng đã đòi hỏi Mỹ và châu Âu cần có sự đầu tư nhiều hơn và lâu dài. 

'Quân cờ' Ukraina trong cuộc chơi của các nước lớn - Ảnh 3.

Mỹ hiện là cứu cánh của Ukraina trong cuộc chiến với Nga.

Đối với Mỹ, chừng nào chưa thể thu hồi miền Đông Ukraie, thì cho dù ai lên lãnh đạo Ukraina, mối quan hệ của nước này với Nga cũng không thể được cải thiện. Mỹ cũng không phải lo khả năng Ukraina nghiêng về phía Nga vì sự xuất hiện của một tổng thống thân Nga.

Do đó, việc mời Zelensky đến thăm Mỹ, ngoài việc cho thế giới thấy sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraina, mục đích cơ bản có thể là thuyết phục Ukraina phối hợp với các nhu cầu chiến lược của Mỹ. Vì Mỹ có rất nhiều đòn bẩy, như trợ giúp kinh tế và quân sự, đảm bảo an ninh, chỉ cần Mỹ hạ quyết tâm thì Ukraina không có lựa chọn nào khác.

Trong thời gian tới, các nước cần xem Ukraina có sẵn sàng ngừng bắn và đàm phán vô điều kiện, tạo cơ hội cho châu Âu và Mỹ nới lỏng các biện pháp trừng phạt, đặc biệt là nguồn năng lượng mà châu Âu đang rất cần. 

Chỉ đến khi đó, thế giới bên ngoài mới biết được câu chuyện thực sự bên trong chuyến đi Mỹ vừa qua của Zelensky.

(Nguồn: TTXVN)

CHẤN HƯNG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ