05/01/2023 09:11
'Gót chân Achilles' của thương mại toàn cầu sẽ lộ rõ vào năm 2023?
Hàng loạt sự cố trong hai năm qua ảnh hưởng không nhỏ tới sự chuyển đổi của thương mại toàn cầu khiến nền kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn. Điều đó cho thấy, thế giới cần có các mạng lưới thương mại vững chắc hơn.
Đã gần hai năm kể từ khi cơn bão cát tại Arập khiến con tàu Ever Given, một trong những con tàu lớn nhất thế giới với trọng tải gần 220.000 tấn, dài 400 m đang trên hành trình chở hàng nghìn tấn hàng đến Rotterdam (Hà Lan) bị đâm chéo vào bờ kè bên phải, chắn ngang kênh đào Suez, vốn được coi là tuyến đường thủy quan trọng nhất thế giới, nối giữa Biển Đỏ và Địa Trung Hải.
Sự cố bị kẹt ở kênh đào kéo dài một tuần lễ của tàu Ever Given hồi tháng 3/2021 đã gửi đi một lời cảnh báo quan trọng: Hệ thống thương mại toàn cầu không ổn định như chúng ta nghĩ.
Kể từ đó, cuộc khủng hoảng nguồn cung do đại dịch COVID-19 gây ra, cuộc xung đột Nga-Ukraina và sự rạn nứt ngày càng sâu sắc trong mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung càng củng cố ý tưởng rằng thế giới cần có các mạng lưới thương mại vững chắc hơn.
Khi những cú sốc chuỗi cung ứng trên bắt đầu dịu dần trong năm nay, sự mong manh của chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục được phơi bày sẽ cho thấy hệ thống thương mại toàn cầu đã lỗi thời như thế nào trong thời đại mà các quốc gia lớn nhất thế giới đang quay lưng lại với các nguyên tắc cơ bản của toàn cầu hóa.
Dưới đây là những yếu tố tác động vào sự chuyển đổi của thương mại toàn cầu năm 2023.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tiếp tục "mài giũa" và xác định rõ chính sách Trung Quốc của chính quyền ông theo những cách sẽ có tác động sâu rộng đối với nền kinh tế toàn cầu.
Ông Biden đã tiếp tục cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung của người tiền nhiệm Donald Trump khi áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với các ngành công nghiệp then chốt, đưa ra các khoản trợ cấp khổng lồ và giữ lại các biểu thuế quan đối với hàng xuất khẩu trị giá hàng trăm tỷ USD của Trung Quốc.
Trong tương lai, Mỹ có thể sẽ theo đuổi chiến lược hai hướng bao gồm: Chạy nhanh hơn bằng cách trợ cấp cho các ngành công nghiệp tạo nhiều việc làm của Mỹ và hạn chế Trung Quốc bằng cách áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và rào cản thương mại mạnh mẽ hơn.
Mặc dù các chính sách này sẽ không tách rời hoàn toàn nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc trong trung hạn, nhưng về cơ bản, chúng có thể định hình lại mối quan hệ theo cách làm tăng giá tiêu dùng và giảm năng suất toàn cầu.
Căng thẳng xuyên Đại Tây Dương
Một câu hỏi quan trọng cho năm tới là liệu ông Biden có thể thuyết phục các nền kinh tế quan trọng, đặc biệt là Liên minh châu Âu (EU), tham gia chiến lược hạn chế Trung Quốc của mình hay không.
Các đồng minh châu Âu của Mỹ - đặc biệt là Đức và Pháp - vẫn hoài nghi về chính sách Trung Quốc của ông Biden và thất vọng trước sự xuất hiện của các chính sách bảo hộ công nghiệp của Mỹ, ví dụ như Đạo luật giảm lạm phát và Đạo luật khoa học và chip.
Việc giải quyết những khác biệt này sẽ rất quan trọng đối với tầm nhìn chiến lược dài hạn của Mỹ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương và đối với sự ổn định của mối quan hệ thương mại xuyên Đại Tây Dương trị giá 1.100 tỷ USD.
Cuộc đua trợ cấp toàn cầu
Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ không còn đứng ngoài cuộc khi Trung Quốc sử dụng kho bạc khổng lồ của Chính phủ để trợ cấp cho các ngành công nghiệp quan trọng của thế kỷ XXI như công nghệ năng lượng sạch, khoáng sản đất hiếm và chất bán dẫn.
Chính quyền Tổng thống Biden hiện đang thực hiện các sáng kiến chi tiêu liên bang lớn nhất để thúc đẩy sản xuất của Mỹ trong nhiều thập kỷ, sau khi thông qua gói trợ cấp chống biến đổi khí hậu trị giá 437 tỷ USD vào năm 2022 và chương trình trợ cấp cho ngành bán dẫn trị giá 52,7 tỷ USD.
Chính sách công nghiệp của ông Biden, nghĩa là khuyến khích các công ty chuyển hoạt động sản xuất sang Mỹ, đang thúc đẩy Trung Quốc, châu Âu và các nền kinh tế lớn khác đáp trả bằng cách làm tương tự.
Điều đó có thể dẫn đến một cuộc chạy đua trợ cấp công nghiệp quy mô toàn cầu, trong đó người chiến thắng là các chính phủ có "hầu bao rủng rỉnh" nhất và kẻ thua cuộc là các nền kinh tế ở các nước đang phát triển vốn đang phải chịu gánh nặng nợ nần ngày càng tăng.
Chủ nghĩa đa phương "mờ nhạt"
Năm 2023 sẽ đánh dấu một "bài kiểm tra" quan trọng về mức độ phù hợp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và hệ thống các quy tắc chi phối hệ thống thương mại toàn cầu trị giá 32.000 tỷ USD.
Chính phủ Mỹ nói rằng họ muốn giúp hồi sinh WTO và làm cho tổ chức này phù hợp hơn. Nhưng đồng thời, Mỹ cũng bác bỏ tính hợp pháp của WTO với tư cách là trọng tài trung lập đối với các chính sách thương mại của Mỹ, ví dụ như thuế quan của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đối với thép và nhôm.
Đó là một dấu hiệu tiêu cực khi chứng kiến Mỹ - "kiến trúc sư" ban đầu của hệ thống thương mại toàn cầu - chống lại một tổ chức đã giúp duy trì kỷ nguyên 75 năm hòa bình và thịnh vượng toàn cầu. Quyết định loại bỏ WTO của chính quyền ông Biden đánh dấu một bước ngoặt quan trọng có thể báo trước sự trở lại của kỷ nguyên chính trị quyền lực nắm quyền.
Khi chủ nghĩa đa phương "chùn bước", thế giới sẽ tiếp tục hướng về một kỷ nguyên mới của các khối thương mại riêng biệt, nhưng liên kết với nhau do Mỹ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc dẫn đầu.
Điều này một phần được thúc đẩy bởi tầm nhìn của chính quyền Tổng thống Biden đối với các chuỗi cung ứng và sản xuất nhằm hướng tới các nền kinh tế dựa trên thị trường với các giá trị được chia sẻ.
Khi mô hình này được đẩy mạnh, nó sẽ cải thiện khả năng tiếp cận thị trường và giảm các rào cản thương mại sau biên giới cho những bên tham gia, đồng thời làm tăng chi phí và sự kém hiệu quả cho các quốc gia bên ngoài. Xu hướng này cũng có thể làm giảm tổng sản lượng toàn cầu tới 5%.
(Nguồn: TTXVN/Bloomberg)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement