Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Điều gì đe dọa nền kinh tế toàn cầu?

Kinh tế thế giới

11/06/2023 15:49

IMF gần đây đặt câu hỏi về sự phân mảnh của nền kinh tế thế giới thành các khối kinh tế sẽ dẫn đến điều gì?
news

Kinh tế thế giới không chỉ đang phải đối mặt với sự tách rời, các dòng thương mại và đầu tư đã và đang bị ảnh hưởng khi ba động cơ kinh tế chính của thế giới - Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc - dựng lên những hàng rào bảo vệ trong khi theo đuổi các chính sách công nghiệp định hướng an ninh quốc gia. Tình trạng đó có thể trở nên tồi tệ hơn.

Kỷ nguyên địa kinh tế

Trong chuyến công du mới đây đến châu Âu vào tháng 5/2023, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương đang thực hiện một nhiệm vụ. Ông có một mục đích rõ ràng: Ngăn chặn châu Âu tham gia cùng Mỹ trong nỗ lực hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc đối với công nghệ tiên tiến. Ông đã kêu gọi người đồng cấp Đức "đi theo con đường đúng đắn, cùng nhau phản đối cuộc Chiến tranh Lạnh mới, việc chia tách các nền kinh tế hay cắt đứt các chuỗi cung ứng".

Ngoài ra, nền kinh tế thế giới còn đang phải đương đầu với những tác động nghiêm trọng của sự tách rời Mỹ-Trung. Khi cả ba động cơ chính của nền kinh tế toàn cầu - Mỹ, Trung Quốc và EU - đều đang tìm cách cân bằng an ninh quốc gia với thương mại và đầu tư, nền kinh tế thế giới có nguy cơ bị phân mảnh.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, trong bài phát biểu ngày 20/4, đã trấn an Trung Quốc rằng EU không tìm cách tách khỏi Trung Quốc, nhưng họ muốn "giảm thiểu rủi ro" mối quan hệ này. Điều đó sẽ trở nên rõ ràng trong vài tuần tới khi EU đưa ra danh sách hàng hóa và công nghệ mà rủi ro tới mức không thể giao cho Trung Quốc.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng có giọng điệu tương tự trong bài phát biểu gần đây tại Đại học Johns Hopkins. Bà cho biết, mục tiêu chính đầu tiên trong cách tiếp cận kinh tế của Mỹ đối với Trung Quốc là đảm bảo những lợi ích an ninh quốc gia. 

Bà bổ sung, Mỹ mong muốn một mối quan hệ kinh tế lành mạnh với một Trung Quốc "chơi theo luật". Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan vài ngày sau đó tại Viện Brookings đã nói về những hạn chế đối với một số ít công nghệ, về 'những cái sân nhỏ có hàng rào cao'". 

Giọng điệu của ông đã dịu đi so với bài phát biểu vào tháng 9/2022 trước khi Mỹ thông báo hạn chế xuất khẩu chất bán dẫn cho Trung Quốc. Đây là mục tiêu của Mỹ nhằm giữ lợi thế tuyệt đối trước Trung Quốc đối với các công nghệ quan trọng.

Điều gì đe dọa nền kinh tế toàn cầu? - Ảnh 1.

Các chuyên gia cho rằng chúng ta đã bước vào kỷ nguyên “địa kinh tế” khi địa chính trị định hình lại nền kinh tế toàn cầu. ẢNH: REUTERS

Mục tiêu đó không thay đổi. Kể từ khi lệnh cấm xuất khẩu của Mỹ có hiệu lực vào tháng 10/2022, Hà Lan và Nhật Bản đã được đề nghị tham gia những nỗ lực của Mỹ về chất bán dẫn, vì hai nước là những nhà cung cấp quan trọng của ngành này. 

Đây là một lời đề nghị mà họ không thể từ chối. Trong khi đó, Đạo luật CHIPS và Khoa học và Đạo luật Giảm Lạm phát của Mỹ là nhằm mục đích giảm bớt sự phụ thuộc vào các quốc gia khác đối với công nghệ quan trọng, trong đó có chất bán dẫn và năng lượng tái tạo.

EU đã tăng gấp đôi các sáng kiến chính sách công nghiệp của mình về châu Âu số và châu Âu xanh. Giống như Mỹ, các nước châu Âu trong những năm gần đây đã thắt chặt đánh giá an ninh quốc gia đối với đầu tư của Trung Quốc, và cùng với Mỹ, họ đã thành lập Hội đồng công nghệ và thương mại để điều phối các vấn đề về công nghệ và thương mại.

Tất nhiên, Trung Quốc không còn xa lạ gì với chính sách công nghiệp được thúc đẩy bởi những lo ngại về an ninh quốc gia. Chiến lược "tuần hoàn kép" của nước này nhằm mục đích giảm bớt sự phụ thuộc vào các quốc gia khác trong các chuỗi cung ứng quan trọng, đồng thời khuyến khích các quốc gia khác phụ thuộc vào Trung Quốc.

Danh sách tiêu cực của Trung Quốc đối với đầu tư nước ngoài một phần phản ánh những lo ngại về an ninh quốc gia. Luật an ninh mạng của Trung Quốc, quy định việc truyền dữ liệu xuyên biên giới, và gần đây hơn, mở rộng định nghĩa về hoạt động gián điệp, đang làm phức tạp thêm hoạt động kinh doanh của các công ty nước ngoài ở Trung Quốc. 

Các cuộc đột kích gần đây của cảnh sát vào văn phòng của một số công ty đã "dội một gáo nước lạnh" vào triển vọng của các nhà đầu tư nước ngoài vốn dựa vào các công ty đó để đảm bảo các nhà cung cấp hay mua sắm tuân thủ các tiêu chuẩn của mình.

Những căng thẳng địa chính trị ngày càng tăng giữa Trung Quốc, Mỹ và châu Âu đã làm nảy sinh những khái niệm mới: Tách rời, giảm rủi ro, cuộc Chiến tranh Lạnh thứ hai… Chúng ta đã bước vào kỷ nguyên "địa kinh tế" khi địa chính trị định hình lại nền kinh tế toàn cầu. Tùy thuộc vào cách cân bằng an ninh quốc gia và kinh tế cuối cùng như thế nào, thiệt hại có thể là đáng kể, thậm chí là thảm khốc.

Những lợi ích của toàn cầu hóa

Toàn cầu hóa được thúc đẩy bởi ba yếu tố: Công nghệ, chính sách thương mại và hoạt động chính trị. Việc phát minh ra container vận tải vào những năm 1950 đã cách mạng hóa thương mại quốc tế khi các cơ sở cảng biển trên khắp thế giới điều chỉnh theo hiện tượng mới. 

Những sự cải thiện lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin từ những năm 1990 đã làm cho hoạt động gia công sản xuất bên ngoài và trong nước trở nên rẻ hơn và dễ quản lý hơn. Điều này tạo điều kiện cho sự gia tăng mạnh mẽ về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và sự phổ biến công nghệ nhanh hơn trên toàn cầu.

Việc giảm dần thuế quan thương mại đã giảm bớt đáng kể chi phí thương mại. Cùng với đó là cơ hội sản xuất không chỉ hàng hóa, mà còn cả các bộ phận riêng lẻ của hàng hóa, tại quốc gia có thể sản xuất tốt nhất hay rẻ nhất. Các chuỗi giá trị toàn cầu đã xuất hiện trong các bộ phận hàng hóa nhiều lần vượt qua biên giới trước khi đến được nhu cầu cuối cùng.

Chiến tranh Lạnh kết thúc đồng nghĩa với việc hơn 1 tỷ người lao động ở Trung Quốc, Liên Xô và Đông Âu... gia nhập nền kinh tế toàn cầu. Những cải cách của Ấn Độ vào đầu những năm 1990 đã bổ sung một nền kinh tế lớn khác vào nền kinh tế toàn cầu. Điều đó cũng có nghĩa là chi tiêu toàn cầu cho quân sự giảm từ 6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới xuống còn 2% hiện nay.

Những động lực trên đã thúc đẩy thương mại, tăng trưởng và sản xuất toàn cầu trong 5 thập kỷ qua. Tỷ trọng thương mại trong GDP toàn cầu tăng hơn gấp đôi, từ 25% năm 1960 lên 56% hiện nay. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã tăng gấp 5 lần, từ khoảng 0,5% GDP những năm 1960 lên trung bình khoảng 2,5% GDP trong thập kỷ qua. 

Thuế nhập khẩu trên toàn thế giới đã giảm từ mức trung bình 8,5% trước khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được thành lập vào năm 1996, xuống còn 2,6% hiện nay. Đáng chú ý, tăng trưởng trong thu nhập bình quân đầu người trong 20 năm sau khi WTO được thành lập cao hơn gần 50% so với 20 năm trước đó trên toàn cầu, mặc dù tốc độ tăng trưởng này chậm lại ở các quốc gia có thu nhập cao.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 đã báo hiệu sự kết thúc của siêu toàn cầu hóa. Tâm lý bất mãn với những sự phân bổ trong nước về những lợi ích của toàn cầu hóa và những lo ngại về hậu quả môi trường và sự dễ bị tổn thương trước những cú sốc trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, đã thúc đẩy việc suy tính lại về toàn cầu hóa. 

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008, tỷ trọng thương mại toàn cầu trong sản lượng thế giới đã đi ngang, trong khi tỷ trọng FDI trong GDP toàn cầu giảm từ hơn 3% trong những năm 2000 xuống dưới 2% trong thập kỷ qua.

Sự phát triển ở Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trong các mô hình thay đổi: Các chuỗi cung ứng trong nước đang phát triển của nước này có nghĩa là ngày càng nhiều thứ mà trước đây Trung Quốc phải nhập khẩu giờ đây được sản xuất ở trong nước. 

Tỷ lệ ngày càng tăng các bộ phận được sản xuất trong nước của một chiếc iPhone chỉ là một ví dụ của hiện tượng này: Trung Quốc chiếm khoảng 3,6% chi phí sản xuất của chiếc iPhone 3G; đối với iPhone 10 là 25,4%. 

Trong khi việc đưa vào trong nước các chuỗi cung ứng có thể được hiểu là kết quả bình thường của một quốc gia phát triển thành công, đó cũng có thể là tín hiệu cho thấy chiến lược tuần hoàn kép của Trung Quốc đã để lại dấu ấn.

Dấu hiệu của những điều sắp tới

Những dấu hiệu của sự tách rời đang trở nên rõ ràng trong các con số. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã giảm so với tỷ trọng nhập khẩu của Mỹ. Đồng thời, các nhà xuất khẩu, bao gồm cả các nhà xuất khẩu Trung Quốc, đã điều chỉnh. Người thua cuộc rõ ràng là người tiêu dùng Mỹ - họ đã phải trả thuế hay chi phí sản xuất cao hơn.

FDI cũng đang có dấu hiệu sắp xếp lại. Mặc dù dòng vốn FDI vào Trung Quốc vẫn đang tăng lên, nhưng phần lớn trong số đó đến từ các công ty lâu đời đang tái đầu tư lợi nhuận của họ. Số lượng đầu tư mới đang giảm dần: Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đầu tư mới từ EU và Mỹ vào Trung Quốc giảm tương ứng 20% và 40% trong năm 2022, so với mức trung bình của giai đoạn 2015-2021.

Các cuộc khảo sát của Phòng thương mại châu Âu và Mỹ tại Trung Quốc cho thấy ngày càng nhiều công ty xem xét chuyển ít nhất một phần hoạt động của họ sang các nước khác. Một số công ty nổi tiếng đã làm như vậy, trong đó có Foxconn - công ty này đã chuyển một số hoạt động sản xuất iPhone sang Ấn Độ. 

Tập đoàn Rhodium nhận thấy rằng đầu tư của EU vào Trung Quốc ngày càng tập trung vào 10 nhà đầu tư hàng đầu, các công ty như BASF và Volkswagen. Các nhà đầu tư nhỏ hơn đang tránh xa, chờ đợi sự rõ ràng về tình hình địa chính trị sẽ diễn ra như thế nào.

Trong khi đó, đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài cũng giảm: Đầu tư vào Mỹ trên thực tế đã cạn kiệt, và nước này đầu tư chưa đến 8 tỷ euro (8,6 tỷ USD) vào châu Âu năm 2022, chưa bằng 1/5 con số năm 2016. Mặc dù số liệu này được viện cớ là do đại dịch COVID-19, nhưng trao đổi sinh viên và hợp tác học thuật giữa Mỹ và Trung Quốc cũng giảm xuống, báo hiệu sự tách rời ngoài lĩnh vực thương mại và đầu tư.

Điều gì đe dọa nền kinh tế toàn cầu? - Ảnh 5.

Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khi phần còn lại của thế giới chìm trong sắc đỏ do đại dịch Covid-19. Ảnh một công nhân trong nhà máy sản xuất phụ tùng xe máy ở Hoài Bắc, tỉnh An Huy phía đông Trung Quốc.

Đánh giá thiệt hại

Mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn. Năm 2020, tập đoàn Rhodium đã khám phá cách tiếp cận "danh sách xanh" cho EU – cùng loại danh sách mà bà von der Leyen hiện đang nghiên cứu. Theo nghiên cứu đó, 56% xuất khẩu của EU sang Trung Quốc là hoàn toàn "lành tính", trong khi 83% xuất khẩu của Trung Quốc sang EU đạt chất lượng "xanh". 

Nhưng sự dễ bị tổn thương về FDI lớn hơn: 46% FDI của Trung Quốc tại EU và 32% FDI của EU tại Trung Quốc năm 2019 đã không lọt vào danh sách xanh Rhodium. Nếu các con số trên đại diện cho cách tiếp cận của EU, điều này có nghĩa là quan hệ kinh tế EU-Trung Quốc đang chờ đợi những sự gián đoạn đáng kể.

IMF gần đây đặt câu hỏi về sự phân mảnh của nền kinh tế thế giới thành các khối kinh tế sẽ dẫn đến điều gì. Phí tổn của sự phân mảnh đầu tư có thể làm giảm 1% GDP toàn cầu, và 2% GDP của Trung Quốc. 

Sự phân mảnh thương mại và công nghệ có thể gây thiệt hại nhiều hơn: Phí tổn đối với sản lượng toàn cầu do sự phân mảnh thương mại có thể dao động từ 0,2% trong kịch bản sự phân mảnh hạn chế, lên tới 7% GDP. Với sự bổ sung của việc tách rời về công nghệ, thiệt hại về sản lượng có thể tới 8-12% ở một số quốc gia. Trung Quốc có thể mất tới 9% GDP trong một thập kỷ trong kịch bản tách rời cực đoan nhất.

Đây là những phí tổn rất lớn. Để so sánh, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính rằng những lợi ích của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), một thỏa thuận thương mại lớn, là khoảng 0,6% GDP của các nước thành viên. 

Các học giả ước tính lợi ích của WTO đối với một quốc gia trung bình là 4% GDP. Nói cách khác, những thiệt hại của sự phân mảnh địa chính trị có thể lớn hơn gấp hai đến ba lần những lợi ích mà WTO tạo ra.

Các mô hình kinh tế không phải là thực tế, các chính trị gia và các nhà ngoại giao vẫn có thể định hình bức tranh kinh tế toàn cầu trong tương lai trong thời kỳ căng thẳng địa chính trị. Tuy nhiên, cần nhiều lời hứa về danh sách xanh dài và những cái sân nhỏ với hàng rào bảo vệ cao. Cần phải khôi phục lòng tin giữa các siêu cường cạnh tranh.

Niềm tin chiến lược, như Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan gần đây đã nêu trong một bài phát biểu tại Đại học Quốc gia Australia, là chất keo giữ cho trật tự toàn cầu không bị tan rã. Nếu một quốc gia không thể chắc chắn một cách hợp lý rằng họ có thể nhập khẩu hàng hóa và công nghệ quan trọng mà họ cần, thì quốc gia đó sẽ nỗ lực tự sản xuất chúng. 

Tình thế tiến thoái lưỡng nan này sẽ dẫn đến một thế giới gồm các khối thương mại, và tất cả sẽ trở nên tồi tệ hơn so với ngày hôm nay.

(Nguồn: TTXVN/The Straits Times)

CHẤN HƯNG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement