05/05/2023 10:13
'Nỗi lo' của kinh tế toàn cầu khi dân số Trung Quốc suy giảm
Mất nguồn lực lao động có nghĩa là giá sản xuất ở Trung Quốc sẽ tăng lên và cuối cùng giá cả trên toàn cầu sẽ tăng vọt, dẫn đến lạm phát cao ngất ngưởng và tình trạng hỗn loạn trong nền kinh tế toàn cầu.
Theo báo cáo của Liên hợp quốc (LHQ) được công bố mới đây, Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất vào cuối tháng 6/2023. Dữ liệu của LHQ cho hay, dân số Ấn Độ sẽ đạt 1,4286 tỷ người, so với mức tương ứng 1,4257 tỷ người của Trung Quốc vào giữa năm nay.
Mặc dù điều đó không được mong đợi sẽ xảy ra sớm như vậy, song một điều chắc chắn là dân số Trung Quốc đang có xu hướng giảm và sự thay đổi này đồng thời cũng đặt ra nhiều câu hỏi.
Các báo cáo đã chỉ ra rằng đà phát triển kinh tế của Trung Quốc sẽ bị đình trệ khi dân số trở nên già hóa. Vậy sự suy giảm dân số của Trung Quốc có ý nghĩa gì đối với nền kinh tế toàn cầu?
Các số liệu chính thức do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố vào đầu năm nay cho biết, dân số Trung Quốc đã giảm 850.000 người trong giai đoạn từ cuối năm 2021 đến năm 2022. Ngay cả đối với một quốc gia lớn như Trung Quốc, con số này cũng hơi đáng lo ngại, vì nó cho thấy sự thay đổi nhân khẩu học chậm nhưng ổn định đang diễn ra.
Lần cuối cùng dân số Trung Quốc giảm so với năm trước đó là vào năm 1961, khi nước này trải qua nạn đói. Tuy nhiên, đó là sự suy giảm dân số tạm thời trong ngắn hạn. Còn hiện tại, sự suy giảm được dự báo sẽ kéo dài, khó có thể đảo ngược và là hệ quả của "chính sách một con" để kìm hãm đà sinh suốt hơn ba thập kỷ.
Một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Pew Research, có trụ sở tại Washington (Mỹ) cho thấy, Trung Quốc có 14% dân số ở độ tuổi trên 65. Đến năm 2035, 1/3 dân số Trung Quốc (400 triệu người) dự kiến sẽ ở độ tuổi trên 60. Với việc dân số đang bị già hóa, Trung Quốc - vốn được coi là "'công xưởng của thế giới" - ngày càng khó tiếp tục sản xuất hàng hóa với tốc độ như cũ.
Không chỉ nền kinh tế Trung Quốc đáng quan ngại khi dân số nước này suy giảm mà nền kinh tế toàn cầu cũng được dự báo sẽ không nằm ngoài sự tác động. Thực tế là nền kinh tế toàn cầu đang ngày càng dựa vào lực lượng lao động nhà máy đông đảo của Trung Quốc để sản xuất hàng hóa. Người tiêu dùng nước này cũng là thị trường đang lên cho các hãng xe và hãng thời trang xa xỉ phương Tây.
Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc đang được trông đợi sẽ tạo động lực tăng trưởng cho khu vực và thế giới ở một số lĩnh vực. Sự phục hồi nhóm du lịch nước ngoài của Trung Quốc được dự báo sẽ giúp hồi sinh thị trường du lịch toàn cầu và thúc đẩy chi tiêu tại các điểm du lịch cũng như triển vọng tăng trưởng kinh tế.
Theo ông Thomas Helbling, Phó Giám đốc Vụ châu Á-Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tốc độ tăng trưởng cao hơn của Trung Quốc trong hai năm tới sẽ tạo ra sự khác biệt lớn trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch và hàng không so với các lĩnh vực khác của nền kinh tế toàn cầu.
Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và chuỗi cung ứng toàn cầu phụ thuộc rất nhiều vào nước này. Đại dịch COVID-19 là minh chứng cho điều gì sẽ xảy ra khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị cản trở. Các doanh nghiệp vẫn đang "quay cuồng" với những ảnh hưởng từ sự tắc nghẽn chuỗi cung ứng và có thể mất một hoặc hai năm nữa để khôi phục lại hiện trạng.
Ngoài ra, nếu dân số Trung Quốc tiếp tục sụt giảm, sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động, những người hiện đang tham gia mạnh mẽ vào hoạt động kinh doanh sản xuất của Trung Quốc, một cách đáng kinh ngạc.
Mất nguồn lực lao động có nghĩa là giá sản xuất ở Trung Quốc sẽ tăng lên và cuối cùng giá cả trên toàn cầu sẽ tăng vọt, dẫn đến lạm phát cao ngất ngưởng và tình trạng hỗn loạn trong nền kinh tế toàn cầu.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp và nhiều quốc gia phụ thuộc lớn vào xuất khẩu của Trung Quốc cũng vậy.
Theo các dự đoán của LHQ, trong khi dân số Trung Quốc già đi, Ấn Độ và dân số dưới 65 tuổi của nước này sẽ vẫn ở mức dưới 30% cho đến năm 2100. Sự khác biệt về nhân khẩu học này có thể thúc đẩy các công ty chuyển hoạt động kinh doanh từ Bắc Kinh sang New Delhi. Xu hướng này đã bắt đầu với việc những "gã khổng lồ công nghệ" như Apple đang cân nhắc chuyển cơ sở của mình sang Ấn Độ.
Một ngày sau khi Liên hợp quốc công bố báo cáo trên, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV nói rằng: "Với sự phát triển của xã hội loài người ngày nay, việc giảm tỷ lệ sinh và giảm khả năng sẵn sàng sinh con là những vấn đề chung mà toàn thế giới phải đối mặt". Các nước phát triển thường xuyên phải đối mặt với các vấn đề như thiếu lao động.
Trả lời hãng tin AFP tại cuộc họp báo do Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức hàng tuần, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói rằng khi đánh giá số lượng nhân khẩu học của một quốc gia, cần xem xét không chỉ ở quy mô mà còn cả chất lượng dân số của quốc gia đó.
Trung Quốc hiện có gần 900 triệu người trên tổng số 1,4 tỷ dân đang trong độ tuổi lao động và có trung bình 10,9 năm đi học. Đối với những người mới tham gia lực lượng lao động, thời gian học trung bình đã tăng lên 14 năm.
Trung Quốc đã thực hiện chiến lược quốc gia nhằm ứng phó với việc già hóa dân số. Điều này thể hiện qua việc Trung Quốc đã áp dụng nhiều giải pháp, trong đó có khuyến khích những người trẻ tuổi kết hôn sớm và sinh con, khuyến khích người dân sinh con thứ ba (có từ tháng 5/2021) cũng như triển khai các biện pháp hỗ trợ khác để giải quyết những thay đổi về nhân khẩu học.
(Nguồn: TTXVN)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement