31/01/2023 20:21
IMF dự báo lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế thế giới
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết nền kinh tế thế giới đã sẵn sàng phục hồi khi lạm phát giảm.
Theo IMF, nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm nay khi các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất để chế ngự lạm phát, nhưng sản xuất sẽ phục hồi hơn so với dự đoán trước đây và suy thoái kinh tế toàn cầu có thể sẽ tránh được.
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới được công bố hôm 30/1, IMF đã cập nhật các dự báo tăng trưởng kinh tế cho năm 2023 và 2024, cho biết người tiêu dùng bắt đầu chi tiêu trở lại và việc Trung Quốc mở cửa trở lại là một trong những lý do giúp có triển vọng lạc quan hơn cho nền kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, cơ quan tài chính đa phương này cảnh báo rằng cuộc chiến chống lạm phát vẫn chưa kết thúc và kêu gọi các ngân hàng trung ương tránh bị cám dỗ để thay đổi hướng đi. Trong một bình luận đưa ra cùng với báo cáo, nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas cho biết: "Cuộc chiến chống lạm phát đang bắt đầu có thành quả, nhưng các ngân hàng trung ương phải tiếp tục nỗ lực".
Sản lượng toàn cầu dự kiến sẽ giảm xuống còn 2,9% trong năm nay, so với 3,4% của năm ngoái, trước khi tăng trở lại 3,1% vào năm 2024. Lạm phát dự kiến sẽ giảm xuống 6,6% trong năm nay, từ 8,8% trong năm 2022, và sau đó giảm xuống 4,3% vào năm tới.
Sau khi liên tiếp hạ dự báo tăng trưởng trong những năm gần đây khi đại dịch COVID-19 trở nên tồi tệ hơn và cuộc chiến của Nga ở Ukraine leo thang, IMF đã có những dự báo lạc quan hơn so với những dự báo mà quỹ này đưa ra hồi tháng 10/2022.
Kể từ khi Trung Quốc đột ngột đảo ngược chính sách chống dịch "Không COVID" và bắt đầu mở cửa trở lại nhanh chóng. IMF cũng cho biết cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu sẽ ít nghiêm trọng hơn so với lo ngại ban đầu.
Bên cạnh đó, sự suy yếu của đồng USD đang mang đến "phao cứu sinh" cho các thị trường mới nổi. Trước đó, IMF đã dự đoán rằng 1/3 nền kinh tế toàn cầu có thể bị suy thoái trong năm nay. Tuy nhiên, nhà kinh tế trưởng Gourinchas đã phát biểu trong một cuộc họp báo trước khi công bố báo cáo rằng hiện có rất ít quốc gia phải đối mặt với suy thoái vào năm 2023 và IMF không dự đoán một cuộc suy thoái toàn cầu.
Ông cho biết: "Chúng tôi đang thấy nguy cơ suy thoái thấp hơn nhiều, trên toàn cầu hoặc thậm chí nếu chúng ta nghĩ về số quốc gia có thể bị suy thoái".
Bất chấp triển vọng lạc quan hơn, tăng trưởng toàn cầu vẫn yếu so với các thành tích trước đây và cuộc chiến ở Ukraina tiếp tục đè nặng lên các hoạt động và gieo rắc bất ổn".
Báo cáo cũng cảnh báo rằng nền kinh tế toàn cầu vẫn phải đối mặt với những rủi ro đáng kể, "tình hình dịch bệnh nghiêm trọng ở Trung Quốc có thể cản trở sự phục hồi, cuộc chiến của Nga ở Ukraine có thể leo thang và chi phí tài chính toàn cầu thắt chặt hơn có thể làm trầm trọng thêm tình trạng nợ chồng chất".
Tăng trưởng ở các nước giàu dự kiến sẽ đặc biệt chậm trong năm nay, với 9/10 nền kinh tế lớn có thể sẽ tăng trưởng chậm hơn so với năm 2022. IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ giảm xuống còn 1,4% trong năm nay so với mức 2% hồi năm 2022.
Dự kiến tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng từ 3,5% lên 5,2% vào năm tới, nhưng vẫn có khả năng tránh được suy thoái đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ông Gourinchas nói: "Có một con đường hẹp cho phép nền kinh tế Mỹ thoát khỏi suy thoái hoàn toàn, hoặc nếu nước này rơi vào suy thoái, thì suy thoái cũng sẽ không đáng kể".
Tại châu Âu, tăng trưởng kinh tế chậm lại rõ rệt hơn, do động lực từ việc mở cửa trở lại các nền kinh tế của các quốc gia châu Âu giảm dần trong năm nay và niềm tin của người tiêu dùng giảm sút khi đối mặt với lạm phát ở mức hai con số.
Tại khu vực đồng Euro, tăng trưởng dự kiến sẽ giảm từ 3,5% xuống còn 0,7%. Trung Quốc được dự đoán sẽ phục hồi với mức tăng trưởng đạt 5,2% vào năm 2023 so với 3% của năm 2022. Kết hợp lại, Trung Quốc và Ấn Độ dự kiến sẽ chiếm khoảng một nửa tăng trưởng toàn cầu trong năm nay.
Trong cuộc họp báo tối 30/1, các quan chức IMF cho biết quỹ đạo kinh tế của Trung Quốc sẽ là động lực chính cho nền kinh tế toàn cầu, lưu ý rằng sau một thời gian xáo trộn, Trung Quốc dường như đã ổn định và có thể khôi phục sản xuất hoàn toàn. Tuy nhiên, nhà kinh tế trưởng Gourinchas lưu ý rằng vẫn còn những dấu hiệu suy yếu trên thị trường bất động sản Trung Quốc và tốc độ tăng trưởng của nước này có thể chậm lại vào năm 2024.
Báo cáo mô tả thị trường bất động sản là "nguồn dễ bị tổn thương chính" có thể dẫn đến tình trạng vỡ nợ trên diện rộng đối với các nhà phát triển và sự bất ổn trong lĩnh vực tài chính Trung Quốc.
Một điều ngạc nhiện là Nga cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu, điều đó cho thấy những nỗ lực của các quốc gia phương Tây nhằm làm tê liệt nền kinh tế của nước này dường như đang sắp hết hơi.
IMF dự đoán kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 0,3% trong năm nay và 2,1% trong năm tới, bất chấp những dự báo trước đó về sự sụt giảm mạnh vào năm 2023 trong bối cảnh một loạt lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt chống Nga.
Một kế hoạch phối hợp của Mỹ và châu Âu nhằm áp giá trần xuất khẩu dầu của Nga ở mức 60 USD/thùng được cho là sẽ không làm giảm đáng kể doanh thu năng lượng của nước này. Báo cáo của IMF cho biết: "Với mức trần giá dầu hiện tại của G7, khối lượng xuất khẩu dầu thô của Nga dự kiến sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể, do thương mại của Nga tiếp tục được chuyển hướng từ các nước bị trừng phạt sang các nước không bị trừng phạt".
Một trong những quan tâm cấp bách nhất của IMF là xu hướng "phân mảnh" ngày càng tăng. Cuộc chiến ở Ukraine và phản ứng toàn cầu đã chia rẽ các quốc gia thành các khối và làm gia tăng căng thẳng địa chính trị, đe dọa cản trở phục hồi tăng trưởng kinh tế.
IMF cho biết: "Sự phân mảnh có thể gia tăng - với nhiều hạn chế hơn đối với dịch chuyển vốn, lao động và thanh toán quốc tế xuyên biên giới – và có thể cản trở sự hợp tác đa phương trong việc cung cấp hàng hóa công toàn cầu".
IMF nhận định: "Chi phí cho sự phân mảnh như vậy đặc biệt cao trong thời gian ngắn, vì việc thay chuỗi cung ứng xuyên biên giới bị gián đoạn cần có thời gian".
(Nguồn: TTXVN/nytimes)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement