10/01/2023 12:01
2023 sẽ là một năm khó khăn đối với kinh tế thế giới?
Thế giới đã trải qua một năm 2022 đầy thách thức và năm mới cũng tiềm ẩn nhiều khó khăn. Xung đột địa chính trị sẽ không kết thúc đột ngột, dư chấn của dịch bệnh kéo dài, lạm phát giảm nhẹ, suy thoái theo sau, khủng hoảng năng lượng và lương thực vẫn là những vấn đề khó giải quyết, trong khi quá trình dịch chuyển chuỗi sản xuất và nút thắt cổ chai công nghệ đang trên đà phát triển.
Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế Bloomberg News, năm nay có thể là một trong những năm tồi tệ nhất trong gần ba thập kỷ trở lại đây của kinh tế toàn cầu. Dự đoán kinh tế thế giới chỉ tăng trưởng 2,4%, thấp hơn mức 3,2% tồi tệ của năm 2022, là tốc độ tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1993, ngoại trừ hai năm diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và đại dịch COVID-19 2020.
Dự báo kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong quý 3/2022 do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, tác động lớn đến các ngành nghề nhạy cảm với lãi suất. Tỷ lệ thất nghiệp dự đoán sẽ tăng lên 4,5%, tốc độ tăng trưởng cả năm bị hạn chế.
Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đối diện với ảnh hưởng của nợ và chi phí vay nợ tăng cao, việc mở rộng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tốc độ suy giảm của lạm phát tương đối nhanh. Trong khi đó, hầu hết các nền kinh tế ASEAN dự kiến sẽ hạ nhiệt.
Tuy nhiên, trong bóng đêm chúng ta cũng có thể nhìn thấy những ánh sáng yếu ớt. Kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái sau khi lãi suất chạm đỉnh, nhưng thời gian sẽ không quá dài, các hoạt động kinh tế của Trung Quốc có thể quay lại trạng thái bình vào giữa năm sau khi dỡ bỏ phong tỏa dịch bệnh, các biện pháp hỗ trợ phát triển bất động sản của chính phủ cũng sẽ phát huy hiệu quả trên thực tế, cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu có thể hạ nhiệt và các nhân tố bất lợi như lạm phát, tăng trưởng kinh tế yếu ớt, lãi suất tăng cao… có thể lắng dịu trong nữa cuối năm.
Xét một cách tổng thể, kinh tế thế giới vẫn tồn tại tính bất trắc, tính không cân đối và tính không bền vững rất lớn, xu hướng suy giảm vẫn rất khó xoay chuyển, không thể tránh khỏi suy thoái. Điều duy nhất có thể xác định là ngày càng nhiều nước và khu vực dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, qua đó kích thích tiêu dùng, thúc đẩy đi lại, lưu thông vốn, các dòng chảy yếu tố và thậm chí giảm nhẹ suy thoái.
Đặc biệt, đối với Trung Quốc, nước đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng kinh tế thế giới, sau khi mở cửa sẽ kích thích kinh tế toàn cầu.
Mỹ được coi là nước châm ngòi cho làn sóng suy thoái kinh tế toàn cầu. Lạm phát toàn cầu năm 2022 lên đến 9,4%, mức cao nhất trong 30 năm qua, trong đó Mỹ "đóng góp" hàng đầu. Do Mỹ và các nước phương Tây thực hiện trừng phạt kinh tế toàn diện đối với Nga, lạm phát mang tính toàn cầu ngày càng diễn biến nghiêm trọng.
Ngoài ra, việc Mỹ áp thuế bổ sung và kiểm soát xuất khẩu đối với Trung Quốc cũng làm gia tăng mạnh lạm phát ở nước này. Chính sách tiền tệ tràn ngập thanh khoản và chính sách tài khóa siêu nới lỏng mà Mỹ áp dụng để chống dịch bệnh khiến cho lạm phát ngày càng mất kiểm soát. Mỹ bán năng lượng cho một số nước Liên minh châu Âu (EU) với giá cao gấp bốn lần trong nước, khiến lạm phát của châu Âu tăng vọt.
Các quốc gia trên thế giới đều trải qua một khó khăn chung, đó là xu hướng mạnh lên của đồng USD, khiến các nước chịu thiệt hại nghiêm trọng. Morgan Stanley dự đoán Mỹ sẽ tránh được suy thoái trong năm nay một cách chật vật, nhưng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ suy yếu, kinh tế châu Âu bị thu hẹp và châu Á chỉ mới hé "chồi non" tăng trưởng.
Hầu hết các tổ chức kinh tế thế giới đều đồng quan điểm với Bloomberg và không đánh giá tích cực kinh tế toàn cầu. Diễn đàn Tài chính Quốc tế (IFF) dự đoán kinh tế toàn cầu vẫn sẽ tiếp tục suy yếu trong năm nay, tăng trưởng kinh tế thế giới chỉ đạt mức 2,8%.
Tháng 11/2022, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế toàn cầu tăng 1,9% trong năm 2023, và thậm chí chỉ tăng 0,5% trong kịch bản tồi tệ nhất. Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán 1/3 các nền kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay. Citibank dự đoán tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay chưa đến 2%, các tổ chức tài chính chủ chốt như Goldman Sachs, Barclays và JPMorgan cũng đều đưa ra dự đoán tương tự.
Tồi tệ nhất là Anh và Nhật Bản. Anh rời EU (Brexit), cuộc xung đột Nga-Ukraina và việc thay đổi các đời Thủ tướng chóng vánh đã dẫn đến chính sách liên tục đảo chiều đột ngột, thương mại xuất nhập khẩu giữa Anh với EU đều tổn thất.
Trong khi đó, việc Mỹ nhanh chóng tăng lãi suất để tạo ra vị thế thống trị của đồng USD cũng khiến đồng bảng Anh giảm giá mạnh, trong khi đồng yen Nhật bật tăng.
Kinh tế Nhật Bản đang ở trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, theo ước tính của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), GDP danh nghĩa năm 2022 của Nhật Bản chưa đến 4.000 tỷ USD, mức thấp nhất trong ba thập niên qua. Anh và Nhật Bản từng giữ vai trò lãnh đạo kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, hiện nay cả hai nước lại đang đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Tình hình kinh tế thế giới năm nay quả thực không tốt. Vòng đình lạm toàn cầu mới đã bắt đầu xuất hiện, xu hướng suy giảm kinh tế ngày càng rõ nét, nhưng đây không hoàn toàn là kết quả của các quy luật nội tại của nền kinh tế.
Khủng hoảng nợ toàn cầu ngày càng nghiêm trọng cũng gây mầm họa cho khủng hoảng kinh tế thế giới. Theo ước tính, nợ toàn cầu đã đạt mức 303.000 tỷ USD, tương đương khoảng 350% GDP toàn cầu, trong đó hơn 60% các nước thu nhập thấp lâm vào cảnh nợ nần hoặc đối diện với rủi ro nợ cao.
Mỹ là cường quốc nợ, nợ liên bang đã tăng lên mức 31.400 tỷ USD, nếu Quốc hội khóa mới không nhanh chóng phê chuẩn nâng cao trần nợ dưới sự kiên quyết của đảng Cộng hòa, thì Mỹ sẽ rơi vào tình trạng tài chính vô cùng khó khăn, có thể dẫn đến khủng hoảng mang tính dây chuyền.
Trong khi đó, nợ chính quyền địa phương và doanh nghiệp của Trung Quốc đều nghiêm trọng như nhau, nợ cũ chưa được giải quyết thì nợ mới phát sinh, những vấn đề như bùng nổ nợ của các doanh nghiệp bất động sản và dịch vụ ngoại tuyến đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng.
Trong bối cảnh nhiều nhân tố bất lợi chồng chất, khủng hoảng tài chính mang tính toàn cầu đang trong quá trình manh nha và sẽ có xu hướng bùng nổ trong năm nay. Theo dự đoán của Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva, kịch bản tồi tệ nhất của kinh tế thế giới vẫn chưa đến. Có khả năng năm 2023 sẽ bùng phát cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế lần thứ ba kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Vậy phải làm gì?
Thế giới đã là cộng đồng chung vận mệnh, một khi xuất hiện khủng hoảng tài chính thì không nước nào có thể né tránh được. Phòng ngừa khủng hoảng là trách nhiệm của mọi quốc gia, quốc gia có thực lực kinh tế càng hùng mạnh thì năng lượng và trách nhiệm càng lớn.
(Nguồn: TTXVN)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement