29/11/2022 12:00
Phương Tây có thể can thiệp trực tiếp vào Ukraina?
Báo The Hill của Mỹ đưa tin Washington và các đồng minh có thể quyết định can thiệp trực tiếp vào cuộc xung đột ở Ukraina, sử dụng các điều khoản trong Hiệp ước phòng thủ tập thể của NATO.
Theo tác giả bài báo, lý do dẫn đến sự can thiệp có thể là việc Nga tiến hành các cuộc tấn công gần biên giới Ba Lan-Ukraina nhằm làm gián đoạn hoạt động cung cấp vũ khí của phương Tây, do đó Ba Lan sẽ phải chịu hậu quả.
Tác giả cũng thừa nhận Nga có thể tấn công các tàu vi phạm các điều khoản trong thỏa thuận ngũ cốc, hoặc thậm chí kích động phá hủy nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, song bản thân ông cho rằng kịch bản như vậy khó xảy ra.
Nếu một trong các thành viên NATO bị ảnh hưởng bởi những vụ việc như vậy, liên minh quân sự này sẽ có thể sử dụng điều 5 Hiệp ước phòng thủ tập thể.
Một cuộc đụng độ trực tiếp với phương Tây có thể khiến Nga sử dụng vũ khí hạt nhân, vì vậy NATO cần hết sức cẩn thận trong kế hoạch chính trị-quân sự cho một cuộc can thiệp như vậy. Đặc biệt, trong trường hợp tham gia cuộc xung đột, NATO sẽ phải hạn chế hành động thù địch trên lãnh thổ Ukraina.
Tác giả nhấn mạnh: "NATO không được tấn công Kaliningrad hoặc các căn cứ của Nga ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và không được tấn công lãnh thổ Belarus, trừ phi tên lửa được bắn từ Belarus vào lực lượng hoặc lãnh thổ NATO".
Trong khi đó, giới chức cấp cao Mỹ cho biết nước này sẽ công bố khoản viện trợ tài chính "đáng kể" cho Ukraina trong ngày 29/11 để giúp Kiev khắc phục thiệt hại bởi các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng ở Ukraina. Khoản viện trợ, sẽ được Ngoại trưởng Antony Blinken trình bày chi tiết bên lề cuộc họp của NATO tại Romania, "là đáng kể và chưa phải sự kết thúc".
Tuy nhiên, quan chức giấu tên của Mỹ lưu ý chính quyền Joe Biden đã dự thảo ngân sách 1,1 tỷ USD cho ngành năng lượng của Ukraina và Moldova.
(Nguồn: TTXVN/Sputnik/AFP)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp